fbpx

Chính phủ điện tử là gì? Các hình thức hoạt động chính của e-Government

23/04/2024

04/01/2023

15519

Khái niệm “chính phủ điện tử” ngày càng được nhắc đến rộng rãi, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh và mạnh mẽ. Chính phủ điện tử được xem như bước đổi mới giúp các thủ tục hành chính và thông tin của chính phủ đến người dân dễ dàng hơn thông qua nền tảng CNTT. Vậy chính phủ điện tử được hiểu như thế nào, có gì khác so với chính phủ truyền thống?

1. Định nghĩa về chính phủ điện tử (e-government)

Xuất phát từ thực tiễn hoạt động của Chính phủ điện tử tại các quốc gia, Liên Hợp quốc định nghĩa: “Chính phủ điện tử là khái niệm về các cơ quan chính phủ sử dụng công nghệ thông tin như mạng diện rộng, internet, các phương tiện di động để quan hệ với người dân, với doanh nghiệp và bản thân các cơ quan chính phủ”.

Ngân hàng thế giới (World Bank) cũng định nghĩa: “Chính phủ điện tử là việc các cơ quan của chính phủ sử dụng một cách có hệ thống CNTT-TT để thực hiện quan hệ với người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, nhờ đó giao dịch của các cơ quan chính phủ với người dân và các tổ chức sẽ được cải thiện, nâng cao chất lượng. Lợi ích thu được sẽ là giảm thiểu tham nhũng, tăng cường tính công khai, sự tiện lợi, góp phần vào sự tăng trưởng và giảm chi phí”.

Theo Wikipedia, Chính phủ điện tử (e-Government) là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của chính phủ, cung cấp các dịch vụ công cộng, thực hiện các hoạt động của chính phủ trên các nền tảng website. Với tiềm năng của Internet, chính phủ điện tử sẽ thay đổi một số phương thức, cấu trúc hoạt động của cơ quan Nhà nước để tạo ra nhiều cơ hội cho người dân có thể tương tác trực tiếp với chính phủ cũng như chính phủ có thể cung cấp các dịch vụ trực tiếp cho người dân của mình.

Nói gắn gọn và dễ hiểu hơn thì Chính phủ điện tử là chính phủ hiện đại, đổi mới, vì dân, hoạt động hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn trên nền tảng ứng dụng CNTT-TT.

>> Xem thêm: An ninh mạng là gì? Những vấn đề liên quan đến an ninh mạng

2. Các mô hình giao dịch trong chính phủ điện tử

Dựa vào các nhu cầu khác nhau của các thực thể tham gia, chính phủ điện tử được chia thành 4 loại: G2C (Government to Citizens), G2B (Government to Business), G2E (Government to Employees), G2G (Government to Government).

G2C (Government to Citizens) – Dịch vụ chính phủ điện tử cung cấp cho người dân: Hiểu cơ bản, đây là khả năng giao dịch và cung cấp các dịch vụ của chính phủ trực tiếp cho người dân.

G2C có thể cho phép công dân được thông báo nhiều hơn về luật, quy định, chính sách và dịch vụ của chính phủ. Nhờ đó chính phủ điện tử có thể cung cấp rất nhiều thông tin và dịch vụ cho công dân, bao gồm các biểu mẫu và dịch vụ của chính phủ, thông tin chính sách công, cơ hội việc làm và kinh doanh, thông tin bỏ phiếu, nộp thuế, đăng ký hoặc gia hạn giấy phép, nộp phạt và nộp nhận xét cho các quan chức chính phủ.

G2C (Government to Citizens)

G2B (Government to Business) – Dịch vụ chính phủ điện tử cung cấp cho doanh nghiệp: Tập trung vào các dịch vụ trao đổi của chính phủ với các doanh nghiệp như chính sách, quy định về thể chế, các thông tin doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, nộp thuế…

Đối với doanh nghiệp, G2B mang đến cơ hội làm việc với chính phủ và tiết kiệm các chi phí cũng như nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện giao dịch với chính phủ. Về phía chính phủ, G2B mang lại lợi ích trong việc giảm thiểu chi phí trong quá trình mua các sản phẩm cùng với đó là mở các con đường mới để bán các mặt hàng thặng dư.

G2B (Government to Business)

G2E (Government to Employees) – Dịch vụ chính phủ điện tử cung cấp cho cán bộ công chức để phục vụ người dân và doanh nghiệp: G2E được xem là một phần nội bộ của G2G, cung cấp cho các nhân viên khả năng truy cập thông tin liên quan đến chính sách lương thưởng và lợi ích, gồm viên chức bảo hiểm, dịch vụ việc làm, trợ cấp thất nghiệp…

Mục tiêu của G2E là các cơ quan có thể nâng cao hiệu quả và hiệu lực, loại bỏ sự chậm trễ trong quá trình xử lý, cải thiện sự hài lòng và giữ chân nhân viên. Ngoài ra G2B giúp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng với những lĩnh vực đầy thách thức và sự thay đổi nhanh chóng của thời đại công nghệ thông tin và truyền thông.

G2E (Government to Employees)

G2G (Government to Government) – Dịch vụ chính phủ điện tử trao đổi giữa cơ quan trong Chính phủ với nhau và giữa các Chính phủ: Đề cập đến khả năng phối hợp, tương tác và cung cấp các dịch vụ một cách hiệu quả giữa các cấp, ngành, tổ chức bộ máy nhà nước và các cơ quan chính phủ trong việc điều hành và quản lý nhà nước.

Mục đích quan trọng của phát triển G2G là tăng cường và cải thiện quy trình tổ chức liên chính phủ. Việc sử dụng công nghệ thông tin của các cơ quan chính phủ khác nhau để chia sẻ hoặc tập trung hóa thông tin, hợp lý hóa các quy trình kinh doanh liên chính phủ có thể giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.

G2G (Government to Government)

Toàn bộ hệ thống quan hệ, giao dịch của chính phủ như G2C, G2E, G2B, và G2G phải được đặt trên một hạ tầng vững chắc của hệ thống: Độ tin cậy (trust), khả năng đảm bảo tính riêng tư (privacy) và bảo mật – an toàn (security), cuối cùng tất cả đều dựa trên hạ tầng công nghệ và truyền thông với các quy mô khác nhau: Mạng máy tính, mạng Intranet, Extranet và Internet.

>>> Xem thêm: Chữ ký điện tử là gì? Hướng dẫn tạo và sử dụng chữ ký điện tử

3. Những mục tiêu của chính phủ điện tử

Ở Việt Nam, mục tiêu của chính phủ điện tử là tăng cường năng lực, nâng cao hiệu quả điều hành nhà nước của chính phủ, phát huy các kết quả đạt được, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025.

  • Thay đổi phương thức hoạt động của chính phủ và các cơ quan Nhà nước: Chuyển các hoạt động offline thực hiện ở các địa phương, ở các trụ sở qua hoạt động online thực hiện trên website.
  • Cải thiện năng lực quản lý của chính phủ và các cơ quan Nhà nước: Phát triển các phương thức lãnh đạo mới, quản lý dựa trên dữ liệu, nắm bắt thông tin nhanh chóng, ra quyết định chính xác…
  • Nâng cao năng suất của các dịch vụ công cộng: Rút gọn thủ tục, giảm thời gian thực hiện các hoạt động công, xây dựng bộ máy Nhà nước hiện đại, minh bạch.
  • Giảm bớt chi phí về mặt nhân sự khi cắt giảm được phần thủ tục trực tiếp, chi phí cho các hoạt động tiếp cận người dân…
  • Tạo điều kiện cho công dân và các doanh nghiệp có thể dễ dàng tương tác với chính phủ, các cơ quan Nhà nước ở bất cứ đâu. Đồng thời, có thể nhanh chóng ghi nhận các ý kiến đóng góp của người dân như các hoạt động lấy ý kiến chung như các dự thảo thay đổi về luật pháp.

4. Các hình thức hoạt động của chính phủ điện tử

Thư điện tử (Email)

Giúp tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian và công sức trong quá trình làm việc của chính phủ. Dễ dàng sử dụng các email để gửi thông tin, thông báo. Chính phủ yêu cầu mỗi cán bộ công nhân viên chức phải có địa chỉ email để trao đổi thông tin.

Mua sắm công trong Chính phủ điện tử

Mua sắm công trong Chính phủ điện tử được thực hiện thông qua các dịch vụ trực tuyến sẽ đảm bảo tính minh bạch hơn trong việc sử dụng chi phí của chính phủ. Bên cạnh đó, nó sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí so với quá trình mua sắm chính phủ trước đây.

>> XEM NGAY: Phần mềm hợp đồng điện tử FAST e-Contract TỐT NHẤT hiện nay

Trao đổi dữ liệu điện tử (Electronic Data Interchange – EDI)

Là truyền tải dữ liệu từ máy tính gửi sang máy tính nhận thông qua các phương tiện truyền thông điện tử. Hầu hết các quy trình phức tạp trước đây sẽ được xử lý nhanh chóng từ máy tính: Đơn đặt hàng, vận đơn, yêu cầu báo giá, báo cáo nhận hàng và các tài liệu kinh doanh điện tử…Từ đó, sẽ giúp chính phủ tiết kiệm nhiều thời gian chi phí và tránh được nhiều sai sót. Bên cạnh đó, EDI còn mang ưu điểm vượt bậc là có tính bảo mật cao.

Chữ ký số là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp giao dịch với các ứng dụng chính phủ điện tử

>>> Xem thêm: Chữ ký số từ xa là gì? Lợi ích của việc sử dụng chữ ký số từ xa

Tra cứu, cập nhật thông tin qua mạng

Thông qua Internet và dịch vụ trực tuyến chính phủ có thể kịp thời và nhanh chóng cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp trong cả nước: Văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội, các chủ trương chính sách Nhà nước và các hướng dẫn các thủ tục hành chính.

5. Chính phủ điện tử Việt Nam

Năm 2015, lần đầu tiên Chính phủ có Nghị quyết tập trung về Chính phủ điện tử – Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 – Với kỳ vọng nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước; đáp ứng, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; thúc đẩy cải cách hành chính; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế khi nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

Với những chính sách mới kể trên, công cuộc xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam những năm vừa qua đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc về phát triển Chính phủ điện tử, liên tiếp trong 4 kỳ đánh giá từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đều tăng hạng. Hiện Việt Nam xếp thứ 86/193 quốc gia trên thế giới và đứng thứ 6 tại khu vực Đông Nam Á. Chỉ số EGDI được tổng hợp từ 3 chỉ số thành phần: Chỉ số Hạ tầng viễn thông (TII); Chỉ số Nguồn nhân lực (HCI); Chỉ số Dịch vụ trực tuyến (OSI).

Theo báo cáo, vị trí xếp hạng về các chỉ số thành phần của Việt Nam năm 2020 có sự thay đổi tương đối lớn. Chỉ số Hạ tầng viễn thông tăng mạnh, xếp thứ 69, tăng 31 bậc so với năm 2018; Chỉ số Nguồn nhân lực xếp thứ 117, tăng 3 bậc so với năm 2018; Chỉ số Dịch vụ trực tuyến xếp thứ 81, bị giảm 22 bậc so với năm 2018, xếp thứ 59).

Hiện nay một số hệ thống thông tin nền tảng của Chính phủ điện tử đã được đưa vào vận hành, giúp đổi mới lề lối làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với đó, hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ ra mắt từ ngày 13-3-2020, đã kết nối 16 bộ, cơ quan với 20 chế độ báo cáo và 88/200 chỉ tiêu kinh tế-xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Khi điện tử hóa các báo cáo, quy định từ cấp xã, huyện, tỉnh và bộ, ngành lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết nối qua Hệ thống, ước tính tiết kiệm được cho ngân sách nhà nước 460 tỷ đồng/năm. Tính đến 19-8-2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 1.000 dịch vụ công trực tuyến; hơn 58 triệu lượt truy cập, trên 227.000 tài khoản đăng ký, hơn 14,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 246.000 hồ sơ thực hiện trực tuyến; tiếp nhận, hỗ trợ trên 21.400 cuộc gọi, hơn 7,4 nghìn phản ánh kiến nghị.


Nguồn ảnh: moc.gov.vn

Xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phát triển bền vững là mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần có quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, xây dựng và triển khai mô hình lãnh đạo và quản trị mới, nhằm tận dụng sức mạnh và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số.

Nguồn tham khảo

1. Wikipedia: Chính phủ điện tử
2. Theo moc.gov.vn: Việt Nam tích cực xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới xã hội số

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *