Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là một trong những loại thuế quan trọng mà mỗi doanh nghiệp phải thực hiện khi hoạt động kinh doanh. Hiểu rõ về thuế TNDN không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật mà còn hỗ trợ trong việc quản lý tài chính hiệu quả, tối ưu hóa chi phí và nâng cao lợi nhuận. Trong bài viết này, FAST sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về thuế thu nhập doanh nghiệp và hướng dẫn cách tính thuế TNDN một cách chính xác, giúp doanh nghiệp chủ động trong việc kê khai và nộp thuế.
1. Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?
Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là một loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào khoản thu nhập mà doanh nghiệp phải chịu thuế. Các khoản thu nhập chịu thuế TNDN bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và các loại thu nhập khác theo quy định của pháp luật. Đây là một trong những khoản thuế quan trọng đối với các doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh, được quản lý và thu hồi bởi cơ quan thuế thuộc Sở Tài chính hoặc Tổng cục Thuế tại Việt Nam.
Thuế TNDN được tính trên phần thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi các khoản chi phí hợp lý. Đây là một nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước, giúp chính phủ có nguồn vốn để đầu tư vào các lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông và bảo vệ môi trường.
Ngoài vai trò cung cấp nguồn thu cho ngân sách, thuế TNDN còn là một công cụ quan trọng để điều chỉnh sự phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế. Bằng cách thay đổi mức thuế, Nhà nước có thể thúc đẩy hoặc hạn chế sự phát triển của một số ngành nghề hoặc loại hàng hóa cụ thể. Thuế TNDN cũng giúp điều chỉnh và phân phối lại thu nhập xã hội, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo thông qua việc áp dụng các mức thuế suất tiến lũy (thu nhập cao đóng góp tỷ lệ cao hơn) hoặc miễn giảm thuế cho các đối tượng có thu nhập thấp hoặc gặp khó khăn.
Như vậy, thuế thu nhập doanh nghiệp không chỉ là nghĩa vụ tài chính mà doanh nghiệp phải thực hiện mà còn là một công cụ quan trọng trong việc quản lý và phát triển kinh tế, đồng thời góp phần vào công bằng xã hội.
>> Xem thêm: Fast e-Invoice cập nhật tính năng chứng từ khấu trừ thuế TNCN điện tử
2. Đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế. Bao gồm các đối tượng như:
- Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân;
- Văn phòng luật sư, văn phòng công chứng tư;
- Các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh;
- Các bên trong hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, xí nghiệp liên doanh dầu khí;
- Công ty điều hành chung, đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập có sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế;
- Tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã;
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam;
- Các cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài là cơ sở sản xuất, kinh doanh mà thông qua các cơ sở này, doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
>> Xem thêm: Các loại thuế doanh nghiệp phải nộp theo quy định
3. Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Căn cứ theo quy định tại Điều 11, Văn bản hợp nhất (số 14/VBHN-VPQH) Luật Thuế TNDN ban hành ngày 15/7/2020 quy định cách tính thuế TNDN như sau:
“Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế được tính bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất; trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế thu nhập ở ngoài Việt Nam thì được trừ số thuế thu nhập đã nộp nhưng tối đa không quá số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quy định của Luật này”.
Cách tính thuế TNDN là:
Thuế TNDN = Thu nhập tính thuế trong kỳ x Thuế suất. |
3.1. Xác định thu nhập tính thuế
Thu nhập tính thuế trong kỳ là tổng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác trong kỳ tính thuế sau khi đã trừ đi các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập tính thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Căn cứ theo Điều 7, Văn bản hợp nhất (số 14/VBHN-VPQH) Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Thu nhập tính thuế được xác định như sau:
- Thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ thu nhập được miễn thuế và các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước.
- Thu nhập chịu thuế bằng doanh thu trừ các khoản chi được trừ của hoạt động sản xuất, kinh doanh cộng thu nhập khác, kể cả thu nhập nhận được ở ngoài Việt Nam.
Công thức tính thu nhập tính thuế như sau:
Thu nhập tính thuế = (Doanh thu + các khoản thu nhập khác) – (Chi phí sản xuất, kinh doanh + thu nhập được miễn thuế + các khoản lỗ được kết chuyển từ năm trước) |
Lưu ý:
- Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải xác định riêng để kê khai nộp thuế.
- Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư (trừ dự án thăm dò, khai thác khoáng sản), thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư (trừ chuyển nhượng quyền tham gia dự án thăm dò, khai thác khoáng sản), thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản nếu lỗ thì số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong kỳ tính thuế. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều này.
>> Xem thêm: Cách hạch toán kết chuyển lãi lỗ đầu năm, cuối năm chi tiết
3.2 Xác định thuế suất thuế TNDN
Thuế suất là tỷ lệ phần trăm được áp dụng cho thu nhập tính thuế để xác định số tiền phải nộp. Hiện nay, theo Luật Thuế TNDN, thuế suất chung đang là 20%.
Thuế suất chung:
- Đối với các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ: Thuế suất chung là 20% trên thu nhập chịu thuế.
Các mức thuế suất ưu đãi:
- Thuế suất 10%: Áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc đầu tư vào các lĩnh vực thuộc danh mục đầu tư ưu tiên, các khu kinh tế đặc biệt, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, và các vùng khuyến khích đầu tư.
- Thuế suất 17%: Áp dụng cho các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, điện tử, thông tin và truyền thông, các sản phẩm sinh học và môi trường, công nghệ cao.
Các quy định khác:
- Đối với các ngành nghề mới, các vùng kinh tế đặc biệt, chính sách ưu đãi thuế suất có thể được áp dụng theo quy định của pháp luật thuế.
- Các khoản miễn, giảm thuế khác có thể áp dụng cho các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn đầu tư hoặc có các hoạt động phát triển đặc biệt.
Căn cứ theo Điều 10, Văn bản hợp nhất (số 14/VBHN-VPQH) Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp thuế suất thuế TNDN được xác định như sau:
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023 là 20%. Trường hợp thuế suất thuế TNDN đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.
Lưu ý: Các trường hợp được ưu đãi về thuế suất (Quy định tại Điều 13), ưu đãi về thời gian miễn thuế giảm thuế (quy định tại Điều 14), các trường hợp giảm thuế khác (quy định tại Điều 15) theo Văn bản hợp nhất (số 14/VBHN-VPQH) Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
>> Xem thêm: Thuế lũy tiến là gì? Biểu thuế TNCN lũy tiến mới nhất
4. Các loại thu nhập được miễn thuế
Theo quy định tại Căn cứ theo Điều 4, Văn bản hợp nhất (số 14/VBHN-VPQH) Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có 11 loại thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể gồm:
1) Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của hợp tác xã…
2) Thu nhập từ việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ nông nghiệp.
3) Thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm, sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam.
4) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp có từ 30% số lao động bình quân trong năm trở lên là người khuyết tật, người sau cai nghiện, người nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và có số lao động bình quân trong năm từ hai mươi người trở lên, không bao gồm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh bất động sản.
5) Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người dân tộc thiểu số, người tàn tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội.
6) Thu nhập được chia từ hoạt động góp vốn, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước, sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật này.
7) Khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, nhân đạo và hoạt động xã hội khác tại Việt Nam.
8) Thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) của doanh nghiệp được cấp chứng chỉ giảm phát thải.
9) Thu nhập từ thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao trong hoạt động tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam…
10) Phần thu nhập không chia của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, y tế và lĩnh vực xã hội hóa khác để lại, phần thu nhập hình thành tài sản không chia của hợp tác xã.
11) Thu nhập từ chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Khi tính thuế TNDN các khoản thu nhập nêu trên sẽ không được tính vào thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
>> Xem thêm: Hướng dẫn các bước nộp thuế điện tử theo quy định
5. Những điều cần lưu ý khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
5.1. Thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo quy định của Pháp luật về thuế, doanh nghiệp, đơn vị bắt buộc phải nộp thuế trong thời hạn quy định. Cụ thể, căn cứ theo quy định tại Điều 55, Luật Quản lý thuế 2019, thời hạn nộp thuế TNDN như sau:
- Thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý: Nộp chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu quý sau.
- Thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo năm: Nộp chậm nhất là ngày 30 tháng 3 của năm sau.
Lưu ý:
- Trường hợp doanh nghiệp, đơn vị mới thành lập, thời hạn nộp thuế TNDN tạm tính quý đầu tiên là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.
- Trường hợp doanh nghiệp, đơn vị khai thuế theo phương pháp trực tiếp, thời hạn nộp thuế TNDN tạm tính quý là ngày 30 tháng sau quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
- Đối với doanh nghiệp khai thuế theo phương pháp khấu trừ, thời hạn nộp thuế TNDN tạm tính quý là ngày 30 tháng sau quý phát sinh nghĩa vụ thuế và ngày 30 tháng 3 của năm sau đối với kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm.
- Trong trường hợp chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Doanh nghiệp cần phải nộp thuế khi đến hạn để tránh bị phạt, mức phạt tối đa lên tới 2% số tiền thuế chậm nộp trên mỗi ngày chậm nộp.
>> Xem thêm: Fast e-Invoice cập nhật tính năng chứng từ khấu trừ thuế TNCN điện tử
5.2. Thủ tục nộp thuế TNDN:
Địa điểm để nộp thuế TNDN:
- Thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật;
- Tại Kho bạc Nhà nước;
- Tại cơ quan thuế quản lý thu thuế;
- Thông qua tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế.
- Trường hợp muốn nộp thuế online thì phải đăng ký và thực hiện trên trang https://thuedientu.gdt.gov.vn/ theo quy định.
Thời hạn nộp thuế: Doanh nghiệp cần nộp thuế TNDN chậm nhất vào ngày thứ ba mươi của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
Lưu ý: Doanh nghiệp không phải nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính hàng quý.
5.3. Kê khai giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Điều kiện giảm thuế:
Doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật để được xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Những điều kiện này thường bao gồm:
- Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu đãi đầu tư.
- Doanh nghiệp có các dự án đầu tư mới tại các khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
- Các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chí của luật định.
- Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh hoặc các sự kiện bất khả kháng khác.
Cụ thể, ngoài các khoản thu nhập được miễn thuế đã đề cập tại phần 4 trong bài viết này, theo pháp luật quy định hiện nay, còn có 02 trường hợp được miễn thuế TNDN như sau:
Trường hợp được miễn thuế TNDN 4 năm: Căn cứ Khoản 1 và Khoản 2 Điều 16 Nghị định 218/2013/NĐ-CP và Khoản 16 Điều 1 Nghị định 12/2015/NĐ-CP, cụ thể:
- Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với:
- Thu nhập của doanh nghiệp quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 218/2013/NĐ-CP.
- Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 218/2013/NĐ-CP.
- Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 5 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa tại địa bàn không thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 218/2013/NĐ-CP.
Trường hợp được miễn thuế TNDN 2 năm:
- Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định 218/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 6 Điều 1 Nghị định 91/2014/NĐ-CP) thì miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định 218/2013/NĐ-CP và thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp nằm trên địa bàn có điều kiện – kinh tế xã hội thuận lợi).
- Địa bàn có điều kiện – kinh tế xã hội thuận lợi quy định tại Khoản này là các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh, không bao gồm các quận của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh mới được thành lập từ huyện kể từ ngày 01/01/2009; trường hợp khu công nghiệp nằm trên cả địa bàn thuận lợi và địa bàn không thuận lợi thì việc xác định ưu đãi thuế đối với khu công nghiệp căn cứ vào vị trí thực tế của dự án đầu tư trên thực địa.
- Việc xác định đô thị loại đặc biệt, loại I thực hiện theo quy định của Chính phủ quy định về phân loại đô thị.
Hồ sơ cần chuẩn bị để kê khai giảm thuế bao gồm:
Hồ sơ cần chuẩn bị để kê khai giảm thuế bao gồm:
- Đơn đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo mẫu quy định.
- Báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
- Báo cáo thuế thu nhập doanh nghiệp
- Các tài liệu chứng minh doanh nghiệp thuộc đối tượng được giảm thuế (giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép kinh doanh, biên bản xác nhận thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, v.v.).
- Tài liệu khác theo yêu cầu cụ thể của cơ quan thuế.
Quy trình kê khai:
- Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ kê khai giảm thuế theo quy định.
- Bước 2: Nộp hồ sơ tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp doanh nghiệp hoặc nộp qua hệ thống thuế điện tử thuedientu.gdt.gov.vn.
- Bước 3: Cơ quan thuế tiếp nhận và xem xét hồ sơ. Trong trường hợp cần bổ sung hoặc chỉnh sửa, cơ quan thuế sẽ thông báo cho doanh nghiệp.
- Bước 4: Cơ quan thuế ra quyết định giảm thuế nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Thời gian giải quyết thường từ 30 đến 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Lưu ý quan trọng khi kê khai giảm thuế TNDN:
- Doanh nghiệp cần lưu giữ bản sao của tất cả các tài liệu liên quan đến kê khai giảm thuế để kiểm tra và đối chiếu khi cần thiết.
- Việc kê khai giảm thuế cần được thực hiện đúng hạn theo quy định để tránh bị phạt do chậm nộp hồ sơ.
>> Xem thêm: Phân hệ báo cáo thuế GTGT và thuế TNDN
Việc hiểu rõ về thuế TNDN và cách tính chính xác không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật mà còn tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính. Để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc này, dịch vụ của FAST cung cấp các giải pháp phần mềm kế toán Fast Accounting, Fast Accounting Online, Fast Accounting cho đơn vị HCSN và Fast HKD, giúp doanh nghiệp dễ dàng thực hiện các thủ tục kê khai và nộp thuế một cách chính xác và nhanh chóng. Doanh nghiệp có thể yên tâm về tính chính xác, tiết kiệm thời gian và tập trung vào việc phát triển kinh doanh bền vững.
Thông tin liên hệ:
- Website: https://fast.com.vn/
- Email: info@fast.com.vn
- Fanpage: https://www.facebook.com/PhanMemFAST
- Zalo: https://zalo.me/phanmemfast
Xem thêm các bài viết liên quan: