fbpx

Giá vốn hàng bán là gì? Cách tính giá vốn hàng bán chuẩn nhất

25/06/2024

10/06/2024

45

Giá vốn hàng bán là một khái niệm quan trọng trong kế toán và quản lý tài chính, đóng vai trò then chốt trong việc xác định lợi nhuận gộp của doanh nghiệp. Trong bài viết này, FAST sẽ giải thích chi tiết khái niệm giá vốn hàng bán, đồng thời hướng dẫn bạn cách tính giá vốn hàng bán một cách chuẩn xác nhất để quản lý tài chính hiệu quả hơn. 

1. Giá vốn hàng bán là gì?

Giá vốn hàng bán (Cost of Goods Sold) là tất cả những chi phí liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm đã được tiêu thụ trong một kỳ kế toán, bao gồm các chi phí để đưa sản phẩm từ trạng thái nguyên liệu thô đến trạng thái thành phẩm.

Giá vốn hàng bán

Hoặc hiểu theo cách khác, giá vốn hàng bán là nguồn vốn mà doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động sản xuất hàng hóa để bán ra. Nguồn vốn này bao gồm các khoản chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí vận chuyển hàng hóa,…

2. Giá vốn hàng bán bao gồm những gì?

Theo chuẩn mực kế toán Việt Nam số 02 và thông tư 200, khi ghi nhận giá vốn trên báo cáo tài chính, cụ thể là báo cáo kết quả kinh doanh thì giá vốn sẽ bao gồm những khoản mục sau:

  • Giá gốc của hàng tồn kho đã bán
  • Khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho
  • Các khoản hao hụt mất mát của hàng tồn kho sau khi trừ phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân gây ra
  • Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tiêu hao vượt mức bình thường, chi phí nhân công, chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ vào giá trị sản phẩm nhập kho, thì tính ngay vào giá vốn hàng bán (kể cả khi sản phẩm, hàng hóa chưa tiêu thụ)

Giá vốn hàng bán bao gồm những gì

Lưu ý: Các khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường đã tính vào giá trị hàng mua, nếu khi xuất bán hàng hóa mà các khoản thuế đó được hoàn lại thì được ghi giảm giá vốn.

Theo nguyên tắc phù hợp thì khi bạn ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng vào cùng thời điểm đó. Điều này có nghĩa là giá vốn là một khoản chi phí của doanh nghiệp để góp phần tạo ra doanh thu. Do vậy, xác định thời điểm ghi nhận giá vốn cũng chính là xác định thời điểm ghi nhận một khoản doanh thu của doanh nghiệp.

3. Cách tính giá vốn hàng bán đúng chuẩn

Tùy thuộc vào đặc thù kinh doanh của từng doanh nghiệp mà công thức giá vốn hàng bán sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung, giá vốn hàng bán sẽ áp dụng theo 3 công thức phổ biến dưới đây:

Cách tính giá vốn hàng bán

3.1 Công thức nhập trước xuất trước – FIFO

Phương pháp FIFO (First in, First out) là công thức tính giá vốn hàng bán dựa trên giá của những sản phẩm, hàng hóa được nhập kho đầu tiên với số lượng tương ứng. Trong trường hợp không đủ thì sẽ lấy giá kế tiếp theo thứ tự. Công thức nhập trước xuất trước – FIFO được tính như sau:

Giá vốn hàng bán = Giá của những sản phẩm, hàng hóa được nhập kho đầu tiên

Ưu điểm Nhược điểm
  • Thể hiện chính xác giá trị thực tế của hàng hóa đã được bán.
  • Kiểm soát cụ thể số lượng hàng hóa mỗi lần xuất hàng.
  • Có thể dự báo trước dựa trên giá của những sản phẩm, hàng hóa được nhập kho đầu tiên.
  • Có thể không phản ánh đúng giá trị thực tế của sản phẩm, hàng hóa tồn kho cuối kỳ nếu giá cả biến động mạnh.
  • Việc tính toán các chi phí cách thời điểm hiện tại một khoảng thời gian dài có thể ảnh hưởng đến doanh thu

Ví dụ minh họa: Một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh lĩnh vực giày da có:

Tồn kho đầu kỳ: 100 sản phẩm với giá 100.000 đồng/sản phẩm.

Nhập kho lần 1: 50 sản phẩm với giá 120.000 đồng/sản phẩm.

Nhập kho lần 2: 150 sản phẩm với giá 90.000 đồng/sản phẩm.

Giá vốn hàng bán của 150 sản phẩm được bán ra được xác định bằng công thức như sau: (100.000 x 100) + (120.000 x 50) = 16.000.000 đồng.

3.2 Công thức nhập sau xuất trước – LIFO

Phương pháp LIFO (Last in, First out) là công thức tính giá vốn hàng bán dựa trên giá của những sản phẩm, hàng hóa được nhập kho gần nhất, nếu thiếu sẽ lấy giá của lô trước đó. Do đó, sử dụng công thức LIFO sẽ giúp nhà quản trị phản ánh chính xác giá trị thực tế của hàng hóa tồn kho cuối kỳ.

Công thức nhập sau xuất trước – LIFO được xác định như sau:

Giá vốn hàng bán = Giá của những sản phẩm, hàng hóa được nhập kho cuối cùng

Ưu điểm Nhược điểm
  • Giảm thiểu tác động của lạm phát đến giá vốn hàng bán.
  • Giá của bảng cân đối kế toán sát với thị trường, chi phí dùng để mua hàng sát với giá vốn thực tế khi xuất kho.
  • Giá vốn hàng tồn kho cuối kỳ có thể không tương thích với giá thị trường
  • Có thể không phản ánh đúng giá trị thực tế của sản phẩm, hàng hóa tồn kho cuối kỳ nếu giá cả biến động mạnh.

Ví dụ minh họa: Một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh lĩnh vực giày da có:

Nhập kho lần 1: với 20 sản phẩm với đơn giá 100.000 đồng/sản phẩm.

Nhập kho lần 2: thêm 25 sản phẩm với đơn giá 110.000 đồng/sản phẩm.

Sau đó, công ty xuất bán 30 sản phẩm

Áp dụng phương pháp LIFO, giá vốn hàng bán của 30 sản phẩm xuất kho được tính như sau: (20 x 100.000) + (10 x 110.000) = 3.100.000 đồng.

3.3 Công thức tính bình quân gia quyền

Phương pháp bình quân gia truyền là công thức tính giá vốn hàng bán dựa trên tỷ lệ giữa tổng giá trị nhập kho so với tổng tồn trước và sau nhập. Hiện nay, đây là công thức rất phổ biến và được nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ sử dụng.

Theo phương pháp này, giá vốn hàng bán được xác định theo giá trung bình của tất cả các sản phẩm, hàng hóa tồn kho tại thời điểm bán và được áp dụng theo công thức sau:

Giá vốn hàng bán bình quân = (Tổng giá trị kho trước nhập + Tổng giá trị kho khi nhập mới)/Tổng số lượng tồn kho trước và sau nhập

Công thức tính bình quân gia quyền phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm có giá cả ổn định, không biến động mạnh trong kỳ. Chẳng hạn như sản phẩm điện tử, điện lạnh,… nhằm phản ánh chính xác giá trị thực tế của sản phẩm, hàng hóa tồn kho.

Ưu điểm Nhược điểm
  • Đơn giản, dễ tính toán.
  • Giá vốn hàng bán có thể được dự báo trước dựa trên giá trung bình của hàng tồn kho.
  • Chưa linh động thời gian cho kế toán do phải tính theo kỳ

Ví dụ minh họa: Một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh lĩnh vực giày da có:

Tồn kho đầu kỳ: 100 sản phẩm với giá 100.000 đồng/sản phẩm.

Nhập kho lần 1: 50 sản phẩm với giá 120.000 đồng/sản phẩm.

Tồn kho cuối kỳ: 150 sản phẩm.

Ta có:

  1. Giá trung bình của hàng tồn kho được xác định như sau: (100 x 100.000 + 50 x 120.000) / (100 + 50) = 108.000 đồng/sản phẩm
  2. Giá vốn hàng bán của 150 sản phẩm được bán ra: 108.000 x 150 = 16.200.000 đồng.

4. Nguyên tắc hạch toán giá vốn hàng bán

4.1 Giá vốn hàng bán là tài khoản gì?

Giá vốn hàng bán là tài khoản 632, được dùng để phản ánh trị giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, BĐS đầu tư; giá thành sản xuất của các sản phẩm xây lắp bán trong kỳ. Ngoài ra, tài khoản này còn dùng để phản ánh các chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư như: Chi phí khấu hao; chi phí sửa chữa; chi phí cho thuê bất động sản đầu tư (BĐSĐT) theo phương thức cho thuê hoạt động; chi phí nhượng bán, thanh lý BĐSĐT.

Nguyên tắc hạch toán giá vốn hàng bán

4.2 Nguyên tắc hạch toán giá vốn hàng bán

 Một số nguyên tắc khi hạch toán giá vốn hàng bán như sau: 

  • Khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho được tính vào giá vốn hàng bán trên cơ sở số lượng hàng tồn kho và phần chênh lệch giữa giá trị thuần có thể thực hiện được nhỏ hơn giá gốc hàng tồn kho. 
  • Đối với phần giá trị hàng tồn kho hao hụt, mất mát, kế toán phải tính ngay vào giá vốn hàng bán (sau khi trừ đi các khoản bồi thường, nếu có).
  • Các khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường đã tính vào giá trị hàng mua, nếu khi xuất bán hàng hóa mà các khoản thuế đó được hoàn lại thì được ghi giảm giá vốn hàng bán.
  • Các khoản chi phí không được coi là chi phí được trừ theo quy định của Luật thuế TNDN nhưng có đầy đủ hóa đơn chứng từ và đã hạch toán đúng theo Chế độ kế toán thì không được ghi giảm chi phí kế toán mà chỉ điều chỉnh trong quyết toán thuế TNDN để làm tăng số thuế TNDN phải nộp.

4.3 Cách hạch toán giá vốn hàng bán

Cách hạch toán giá vốn hàng bán cụ thể trong từng trường hợp như sau: 

Hạch toán TK 632 Giá vốn hàng bán với doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên

a) Khi xuất bán các sản phẩm, hàng hóa (kể cả sản phẩm dùng làm thiết bị, phụ tùng thay thế đi kèm sản phẩm, hàng hóa), dịch vụ hoàn thành được xác định là đã bán trong kỳ, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có các TK 154, 155, 156, 157,…

b) Phản ánh các khoản chi phí được hạch toán trực tiếp vào giá vốn hàng bán:

Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường thì kế toán phải tính và xác định chi phí sản xuất chung cố định phân bổ vào chi phí chế biến cho một đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường.

Khoản chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ (không tính vào giá thành sản phẩm số chênh lệch giữa tổng số chi phí sản xuất chung cố định thực tế phát sinh lớn hơn chi phí sản xuất chung cố định tính vào giá thành sản phẩm) được ghi nhận vào giá vốn hàng bán trong kỳ, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 154 – Chi phí SXKD dở dang; hoặc

Có TK 627 – Chi phí sản xuất chung.

Phản ánh khoản hao hụt, mất mát của hàng tồn kho sau khi trừ (-) phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân gây ra, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có các TK 152, 153, 156, 138 (1381),…

Phản ánh chi phí tự xây dựng TSCĐ vượt quá mức bình thường không được tính vào nguyên giá TSCĐ hữu hình hoàn thành, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang.

c) Hạch toán khoản trích lập hoặc hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho:

Trường hợp số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập kỳ này lớn hơn số đã lập kỳ trước, kế toán trích lập bổ sung phần chênh lệch, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 229 – Dự phòng tổn thất tài sản (2294).

Trường hợp số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập kỳ này nhỏ hơn số đã lập kỳ trước, kế toán hoàn nhập phần chênh lệch, ghi:

Nợ TK 229 – Dự phòng tổn thất tài sản (2294)

Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.

d) Các nghiệp vụ kinh tế liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS đầu tư:

Định kỳ tính, trích khấu hao BĐS đầu tư đang cho thuê hoạt động, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư)

Có TK 2147 – Hao mòn BĐS đầu tư.

Khi phát sinh chi phí liên quan đến BĐS đầu tư sau ghi nhận ban đầu nếu không thoả mãn điều kiện ghi tăng giá trị BĐS đầu tư, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư) Nợ TK 242 – Chi phí trả trước (nếu phải phân bổ dần)

Có các TK 111, 112, 152, 153, 334,…

Các chi phí liên quan đến cho thuê hoạt động BĐS đầu tư, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư)

Có các TK 111, 112, 331, 334,…

Kế toán giảm nguyên giá và giá trị hao mòn của BĐS đầu tư (nếu có) do bán, thanh lý, ghi:

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (2147 – Hao mòn BĐS đầu tư)

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (giá trị còn lại của BĐS đầu tư)

Có TK 217 – Bất động sản đầu tư (nguyên giá).

Các chi phí bán, thanh lý BĐS đầu tư phát sinh, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có các TK 111, 112, 331,…

đ) Phương pháp kế toán khoản chi phí trích trước để tạm tính giá vốn hàng hóa bất động sản được xác định là đã bán đối với doanh nghiệp là chủ đầu tư:

Khi trích trước chi phí để tạm tính giá vốn hàng hóa bất động sản đã bán trong kỳ, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 335 – Chi phí phải trả.

Các chi phí đầu tư, xây dựng thực tế phát sinh đã có đủ hồ sơ tài liệu và được nghiệm thu tập hợp để tính chi phí đầu tư xây dựng bất động sản, ghi:

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có các tài khoản liên quan.

Khi các khoản chi phí trích trước đã có đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh là đã thực tế phát sinh, kế toán ghi giảm khoản chi phí trích trước và ghi giảm chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang, ghi:

Nợ TK 335 – Chi phí phải trả

Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.

Khi toàn bộ dự án bất động sản hoàn thành, kế toán phải quyết toán và ghi giảm số dư khoản chi phí trích trước còn lại, ghi:

Nợ TK 335 – Chi phí phải trả

Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Có TK 632 – Giá vốn hàng bán (phần chênh lệch giữa số chi phí trích trước còn lại cao hơn chi phí thực tế phát sinh).

e) Trường hợp dùng sản phẩm sản xuất ra chuyển thành TSCĐ để sử dụng, ghi:

Nợ TK 211 – TSCĐ hữu hình

Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.

g) Hàng bán bị trả lại nhập kho, ghi:

Nợ các TK 155,156

Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.

h) Trường hợp khoản chiết khấu thương mại hoặc giảm giá hàng bán nhận được sau khi mua hàng, kế toán phải căn cứ vào tình hình biến động của hàng tồn kho để phân bổ số chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán được hưởng dựa trên số hàng tồn kho chưa tiêu thụ, số đã xuất dùng cho hoạt động đầu tư xây dựng hoặc đã xác định là tiêu thụ trong kỳ:

Nợ các TK 111, 112, 331…

Có các TK 152, 153, 154, , 155, 156 (giá trị khoản CKTM, GGHB của số hàng tồn kho chưa tiêu thụ trong kỳ)

Có TK 241 – Xây dựng cơ bản dở dang (giá trị khoản CKTM, GGHB của số hàng tồn kho đã xuất dùng cho hoạt động đầu tư xây dựng)

Có TK 632 – Giá vốn hàng bán (giá trị khoản CKTM, GGHB của số hàng tồn kho đã tiêu thụ trong kỳ).

k) Kết chuyển giá vốn hàng bán của các sản phẩm, hàng hóa, bất động sản đầu tư, dịch vụ được xác định là đã bán trong kỳ vào bên Nợ tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.

Hạch toán Tài khoản 632 Giá vốn hàng bán với doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ

a) Đối với doanh nghiệp thương mại:

Cuối kỳ, xác định và kết chuyển trị giá vốn của hàng hóa đã xuất bán, được xác định là đã bán, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán.

Có TK 611 – Mua hàng.

Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn hàng hóa đã xuất bán được xác định là đã bán vào bên Nợ tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.

b) Đối với doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ:

Đầu kỳ, kết chuyển trị giá vốn của thành phẩm tồn kho đầu kỳ vào tài khoản 632 “Giá vốn hàng bán”, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 155 – Thành phẩm.

Đầu kỳ, kết chuyển trị giá của thành phẩm, dịch vụ đã gửi bán nhưng chưa được xác định là đã bán vào tài khoản 632 “Giá vốn hàng bán”, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 157 – Hàng gửi đi bán.

Giá thành của thành phẩm hoàn thành nhập kho, giá thành dịch vụ đã hoàn thành, ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 631 – Giá thành sản phẩm.

Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn của thành phẩm tồn kho cuối kỳ vào bên Nợ tài khoản 155 “Thành phẩm”, ghi:

Nợ TK 155 – Thành phẩm

Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.

Cuối kỳ, xác định trị giá của thành phẩm, dịch vụ đã gửi bán nhưng chưa được xác định là đã bán, ghi:

Nợ TK 157 – Hàng gửi đi bán

Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.

Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn của thành phẩm, dịch vụ đã được xác định là đã bán trong kỳ vào bên Nợ tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:

Nợ TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh

Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.

Việc hiểu và tính chính xác giá vốn hàng bán là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tối ưu hóa lợi nhuận và quản lý tài chính hiệu quả. Để hỗ trợ quá trình này, phần mềm kế toán Fast Accounting là lựa chọn lý tưởng với đầy đủ các nghiệp vụ theo chế độ kế toán, thuế hiện hành. Sử dụng Fast Accounting sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi và quản lý các hoạt động tài chính một cách toàn diện, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả quản lý tài chính.

Thông tin liên hệ:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *