fbpx

Thông tư 133/2016/TT-BTC thay thế cho QĐ 48 có gì mới?

10/01/2023

06/01/2023

1003

Ngày 26-08-2016, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 133/2016/TT-BTC về việc hướng dẫn Chế độ Kế toán Doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2017.

Công ty FAST đang thực hiện cập nhật phần mềm để đáp ứng TT133. Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật các thông tin mới nhất về TT 133.

Dưới đây là bài viết về nguyên tắc xây dựng và những tư tưởng chính của chế độ kế toán mới áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành lần này của Ông Trịnh Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán – Bộ Tài chính.

Chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) ban hành theo Quyết định 48/2006/QĐ-BTC đến nay đã được 10 năm, hiện đã bộc lộ một số hạn chế và cần phải thay đổi. Chế độ kế toán cho SME lần này dựa trên nền của Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Thông tư 200/2014/TT-BTC và được sửa đổi, điều chỉnh cho đơn giản hơn.

Chế độ kế toán mới cho SME còn có phần hướng dẫn riêng cho doanh nghiệp siêu nhỏ theo hướng đơn giản nhất có thể, có hướng dẫn cho doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục (khi rơi vào tình trạng ngừng hoạt động do giải thể, phá sản…). Có thể nói, Chế độ kế toán SME lần này có nhiều đổi mới mà một trong những tư tưởng chính là lấy doanh nghiệp, đối tượng áp dụng làm trung tâm, ưu tiên mục đích quản trị doanh nghiệp hơn mục đích quản lý Nhà nước. Tổng quan những nét chính về Chế độ kế toán mới áp dụng cho SME lần này như sau:

1. Đổi mới cách tiếp cận chính sách

Chúng ta đều biết cách tiếp cận chính sách ảnh hưởng rất lớn thực tiễn. Nếu các nhà hoạch định chính sách đặt nặng mục đích phòng gian ngừa dối thì chính sách ắt phải dựng lên một số rào cản và dẫn đến hệ lụy không mong muốn cho những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, đứng đắn. Tuy nhiên chúng tôi không chọn cách tiếp cận này mà ngược lại chúng tôi cho rằng “nhân tri sơ tính bản thiện”, chính sách cần ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho những doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật hơn là dựng lên những quy định mang tính trói buộc để phòng ngừa những đối tượng cố ý lợi dụng chính sách để gian lận. Các hành vi vi phạm pháp luật đã có chế tài của pháp luật.

2. Đề cao tính khả thi áp dụng trong thực tế doanh nghiệp

Một chính sách muốn đi vào cuộc sống cần phải mang tính khả thi, phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, tiếp tục sự đổi mới của Thông tư 200/2014/TT-BTC, Chế độ kế toán SME lần này mang tính cởi mở, linh hoạt cao, đưa ra nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp, như:

  • Chế độ kế toán chủ yếu quy định đến TK cấp 1, chỉ một số ít TK chi tiết đến cấp 2, mỗi tài khoản chỉ phản ánh một nội dung chứ không có riêng TK ngắn hạn, dài hạn. Doanh nghiệp được tự chi tiết và theo dõi ngắn hạn, dài hạn hoặc mở các tài khoản chi tiết theo yêu cầu quản lý của mình;
  • Dỡ bỏ toàn bộ sự bắt buộc đối với chứng từ và sổ kế toán. SME sẽ được tự xây dựng hệ thống chứng từ và sổ kế toán để đáp ứng yêu cầu quản trị, điều hành phù hợp với đặc thù hoạt động của mình miễn là đáp ứng được các yêu cầu của Luật kế toán;
  • Chế độ kế toán chỉ quy định về nguyên tắc kế toán mà không quy định chi tiết các bút toán. Bằng cách vận dụng nguyên tắc kế toán, SME sẽ được tự quyết định các bút toán ghi sổ sao cho phù hợp nhất với quy trình luân chuyển chứng từ và thói quen của mình miễn là trình bày BCTC đúng quy định. Đối với các SME không thể tự vận dụng nguyên tắc kế toán để ghi sổ (lập bút toán định khoản) thì có thể tham khảo các sách hướng dẫn nghiệp vụ;
  • SME được tự lựa chọn đồng tiền ghi sổ kế toán khi đáp ứng được các tiêu chí Chế độ quy định;
  • SME được tự quyết định ghi hoặc không ghi doanh thu từ các giao dịch nội bộ mà không phụ thuộc chứng từ xuất ra là hóa đơn GTGT hay phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ;
  • Được tự quy định cho đơn vị hạch toán phụ thuộc ghi nhận khoản vốn nhận từ doanh nghiệp là nợ phải trả hoặc vốn chủ sở hữu;
  • Được lựa chọn biểu mẫu BCTC theo tính thanh khoản giảm dần hoặc phân biệt ngắn hạn, dài hạn theo truyền thống…

3. Tách biệt kế toán và thuế, hướng đến phục vụ nhu cầu quản trị, điều hành doanh nghiệp

Lâu nay chúng ta hay quan niệm doanh thu, chi kế toán phải giống doanh thu, chi phí tính thuế hoặc việc xuất hóa đơn phải đi kèm với việc ghi nhận doanh thu. Tuy nhiên cần biết rằng mục đích của kế toán khác với mục đích của thuế do đó trong rất nhiều trường hợp thời điểm ghi nhận doanh thu, chi phí kế toán khác với thời điểm kê khai thuế, việc ghi nhận doanh thu không nhất thiết phải bằng số ghi trên hóa đơn hoặc không phụ thuộc vào việc có xuất hóa đơn hay không. Một số ví dụ về sự khác biệt giữa kế toán và thuế, như:

  • Doanh nghiệp mua ô tô dưới 9 chỗ ngồi trị giá 2 tỉ đồng, chi phí khấu hao kế toán là 2 tỉ nhưng chi phí khấu hao tính thuế tối đa là 1,6 tỉ;
  • Thu trước tiền bán bất động sản, doanh nghiệp phải xuất hóa đơn và tạm nộp thuế TNDN 1% trên số tiền nhận trước nhưng do chưa bàn giao nhà nên doanh nghiệp chưa được ghi nhận doanh thu;
  • Mua vé máy bay, phòng vé phải xuất hóa đơn nhưng hành khách chưa bay thì Hãng hàng không chưa ghi nhận doanh thu;
  • Bán hàng đại lý đúng giá hưởng hoa hồng thì doanh thu là hoa hồng nhưng hóa đơn xuất ra là toàn bộ số tiền thu được của sản phẩm, hàng hóa;
  • Bán sản phẩm sản xuất thử doanh nghiệp phải xuất hóa đơn nhưng số tiền thu được không ghi doanh thu mà ghi giảm trừ chi phí sản xuất thử;
  • ….

Lần đầu tiền Chế độ kế toán SME có những tuyên ngôn mạnh mẽ về sự khác biệt giữa doanh thu, chi phí, lợi nhuận kế toán so với doanh thu tính thuế (GTGT, TNDN), chi phí được trừ và thu nhập chịu thuế. Chúng tôi hiểu rằng để xóa bỏ thói quen đã in sâu vào tiềm thức của những người làm kế toán là điều không dễ dàng nhưng nếu bây giờ không đặt viên gạch đầu tiên thì mãi mãi chúng ta sẽ không có một ngôi nhà.

4. Kế toán không phải là câu chuyện Nợ – Có, cần tách biệt kỹ thuật ghi chép trên sổ kế toán và kỹ thuật trình bày BCTC

Sản phẩm cuối cùng của kế toán là thông tin được công bố trên BCTC. Người ta chỉ công bố BCTC chứ không ai công bố sổ kế toán. Vì vậy, mấu chốt là các thông tin trên BCTC phải trung thực, minh bạch và được trình bày nhất quán chứ không phải việc ghi Nợ hay Có trên các bút toán. Bạn có thể áp dụng nhiều kỹ thuật kế toán khác nhau (bút toán có thể khác nhau) nhưng cuối cùng thông tin của các giao dịch và sự kiện tương tự được trình bày trên BCTC phải giống nhau.
Ngoài ra cần hiểu rằng một tài khoản có thể cần chi tiết để trình bày trên nhiều chỉ tiêu của BCTC hoặc ngược lại, một chỉ tiêu của BCTC được lập căn cứ từ nhiều tài khoản, ví dụ:

  • Chỉ tiêu phải thu khác gồm các nội dung phải thu về cho vay, phải thu nội bộ, phải thu khác, được lập căn cứ từ các TK 1288, 136, 138
  • TK 128 – Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn gồm các khoản: Tiền gửi có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng, đầu tư trái phiếu và cho vay. Khoản tiền gửi dưới 3 tháng được trình bày là tương đương tiền; Khoản đầu tư trái phiếu trình bày là đầu tư tài chính; Khoản cho vay trình bày là phải thu;

5. Coi trọng bản chất hơn hình thức và tên gọi giao dịch

Chúng ta thường quen việc kế toán theo tên gọi của giao dịch, ví dụ như khuyến mại, quảng cáo biếu tặng, hợp đồng hợp tác kinh doanh… mà không chú trọng đến bản chất của giao dịch và cũng vì lẽ này mà người làm công tác kế toán nhiều khi cảm thấy rất khó phân biệt phương pháp kế toán của các giao dịch. Tuy nhiên, hãy hình dung khi bạn đi trên đường và được phát miến phí một sản phẩm, vậy bạn gọi đó là quảng cáo, khuyến mại hay biếu tặng? Cho dù bạn gọi giao dịch này là gì thì phương pháp kế toán cũng không thể khác nhau do bản chất là bạn được hưởng miễn phí một sản phẩm mà không kèm theo bất cứ điều kiện ràng buộc nào.

Chế độ kế toán SME lần này sẽ hướng người làm công tác kế toán đến việc nhận biết giao dịch trước khi áp dụng phương pháp kế toán và cách làm này sẽ giúp chúng ta dễ tiếp cận Chế độ kế toán hơn. Thực tế phương pháp kế toán đơn giản hay phức tạp không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của bất cứ ai, kể cả chúng tôi, những người soạn thảo Chế độ kế toán. Phương pháp kế toán phụ thuộc vào bản chất giao dịch và cách thức giao dịch vận hành. Vì vậy, người làm kế toán giỏi không phải là người thuộc Nợ – Có tốt mà là người nắm được nguyên tắc kế toán, bản chất giao dịch và biết vận dụng nguyên tắc kế toán phù hợp với từng giao dịch.

6. Tiếp cận gần hơn thông lệ và Chuẩn mực quốc tế

Nền kinh tế của chúng ta đang phát triển và ngày càng hội nhập với nền kinh tế thế giới. Vì vậy, Chuẩn mực kế toán và Chế độ kế toán cũng phải tiếp cận gần hơn với thông lệ và Chuẩn mực quốc tế. Lần này Chế độ kế toán SME đã đưa vào một số nội dung mang tính thông lệ thế giới như ghi nhận doanh thu tương ứng với nghĩa vụ thực hiện, đánh giá tổn thất khoản cho vay và bất động sản đầu tư, phân loại chứng khoán kinh doanh và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *