Sau kỳ nghỉ tết nguyên đán 2020, các trường đồng loạt tạm hoãn ngày nhập học theo chỉ đạo nhằm tránh dịch bùng phát. Nhiều bậc phụ huynh rơi vào tình cảnh “con cười, mẹ khóc” vì không tìm được nơi coi con, nhất là các phụ huynh có con đang học mầm non hoặc tiểu học. Trong hoàn cảnh đó, một số bậc cha mẹ phải hy sinh nghỉ làm chăm sóc các cháu.
“Năm nay các cháu được nghỉ tết dài kỷ lục”
Lời tâm sự của một Fasters có con nhỏ trong giờ cơm trưa dường như nhận được sự đồng cảm của mọi người. Các câu chuyện tán gẫu trong giờ nghỉ trưa cũng xoay quanh vấn đề tìm chỗ gửi con, chi phí phát sinh, thông tin bệnh dịch,… Nhiều Fasters chia sẻ bé nghe tin được nghỉ học ngay sau tết thì hí hửng vui mừng, còn hai vợ chồng thì lo lắng vì không biết việc bài vở, chăm sóc con sẽ phải nhờ ai.
“Mọi ngày đưa con đến lớp là tranh thủ đi làm, nay ở nhà coi con hơn một tuần mới thấm cái cực của các cô giáo mầm non” – Chị Cao Thị Huế (bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm FRD2) chia sẻ. Chị cho biết từ ngày nhà trường thông báo tạm ngưng đưa các cháu đến lớp hai vợ chồng phải sắp xếp coi con, cháu còn nhỏ (23 tháng tuổi) nên mẹ ưu ái ở nhà coi cho ba đi làm. “Những ngày này hai mẹ con chỉ quanh quẩn trong nhà, không dám cho bé đến chỗ đông người” – chị chia sẻ thêm.
Chị Phạm Thị Việt (Bộ phận FRD2) hiện đang có một cháu nhỏ hơn 15 tháng tuổi cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự. Tuần đầu tiên hai vợ chồng xoay sở tìm một chỗ gửi bé bên ngoài với mức phí 150.000 đồng / ngày (chưa kể tiền sữa, ăn uống,…) nhưng hiện tại lịch nghỉ học kéo dài nên phải ở nhà coi cháu để giảm bớt chi phí. Từ một tester phần mềm nay ở nhà làm “cô giáo mầm non”, chị cho biết: “Mỗi ngày ở nhà dọn bãi chiến trường của con mới thấy thèm cảm giác đến công ty nhường nào”.
“Sau mùa dịch bệnh là chiến dịch “cai” nghiện chơi game và xem tivi cho các con” – một phụ huynh FAST chia sẻ. (Ảnh: Internet)
Với những gia đình có con lớn, việc chăm sóc tuy không bận rộn nhưng lại gặp nhiều vấn đề về quản lý. Được nghỉ dài mà không vướng bận bài vở trẻ dễ sa vào chơi game, xem tivi, coi video giải trí,… để giết thời gian. “Nhà trường cũng bị động trong đợt dịch này nên không có kế hoạch giảng dạy, ôn tập kiến thức trong kỳ nghỉ. Mình có liên hệ các trung tâm ngoại ngữ, lớp năng khiếu bên ngoài cho con học nhưng các nơi đều đang đóng cửa chờ dịch tan” – một Fasters chia sẻ. Anh cũng hiến kế cách coi sóc con khá thú vị: “Đợt nghỉ dài này mình dạy con sống tự lập, nhờ đứa lớn chăm đứa nhỏ, điện thoại và tivi con vẫn được quyền sử dụng trong “tầm kiểm soát” của bố mẹ vào các khung giờ nhất định, mua thêm một ít sách kỹ năng để con đọc thêm. Giờ nghỉ trưa ở công ty hai vợ chồng chia nhau chạy về hoặc gọi điện cho bé ở nhà để an tâm hơn”.
FAST cùng “chung sức và chia sẻ” với nhân viên trong mùa dịch
Để giúp các Fasters có con nhỏ an tâm làm việc, ban lãnh đạo công ty đã có chính sách hỗ trợ trong giai đoạn tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, cụ thể như sau: mỗi gia đình có cháu nhỏ từ dưới 6 tuổi, nếu có yêu cầu thì sẽ được công ty hỗ trợ chi phí coi sóc là 200.000 đồng/ ngày (những gia đình có từ 2-3 con dưới 6 tuổi thì các bé tiếp theo sẽ nhận được hỗ trợ là 50.000/ cháu). Chính sách này sẽ được áp dụng từ 03/02/2020 cho đến khoảng cuối tháng 02/2020 tại cả ba văn phòng Hà Nội, Đà Nẵng và Sài Gòn.
Bên cạnh đó, công ty cũng tạo điều kiện để một số Fasters có thể nghỉ phép trông con nhỏ, làm việc online,… nhằm giải quyết công việc hiệu quả hơn.
Theo thông tin được đăng tải trên một số trang thông tin điện tử, hiện Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có kế hoạch cho học sinh đến trường trở lại từ ngày 17.02.2020. Đối với các tỉnh thành đang có người nhiễm cúm nCoV hoặc nguy cơ bùng phát dịch, việc học sẽ được tạm dời cho đến khi có thông báo chính thức.
(TMP)