Quyết toán thuế thu nhập cá nhân là việc người nộp thuế thực hiện kê khai số thuế phải nộp trong một năm tính thuế với cơ quan thuế nhằm xác định số thuế còn thiếu hoặc nộp thừa làm căn cứ hoàn thuế. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân đã trở nên dễ dàng hơn nhờ vào các dịch vụ trực tuyến. Trong bài viết này, FAST sẽ hướng dẫn bạn cách tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân online mới nhất, giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức và đảm bảo tính chính xác trong quá trình quyết toán.
1. Quyết toán thuế thu nhập cá nhân là gì?
Quyết toán thuế thu nhập cá nhân là việc cá nhân có thu nhập chịu thuế từ tiền lương và tiền công tự quyết toán hoặc ủy quyền quyết toán cho nơi trả thu nhập tiến hành kê khai số thuế TNCN trong một năm tính thuế với cơ quan Thuế về các vấn đề bao gồm: Số thuế cần phải nộp thêm, hoàn trả số thuế đã nộp thừa và bù trừ thuế vào kỳ tiếp theo.
Trong trường hợp cá nhân không thực hiện quyết toán thuế TNCN có thể gặp các rắc rối sau:
- Xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân phải nộp thêm thuế nhưng không thực hiện kê khai đúng thời hạn mà bị cơ quan Thuế phát hiện.
- Trường hợp cá nhân nộp thừa tiền thuế mà không thực hiện kê khai quyết toán đúng thời hạn sẽ không được hoàn trả lại số thuế đã nộp thừa và không được bù trừ thuế vào kỳ tiếp theo.
Chuẩn bị đầy đủ chứng từ, hồ sơ quyết toán thuế TNCN.
Căn cứ tiểu mục 1 Mục IV Công văn 13762/CTHN-HKDCN năm 2023 có quy định hồ sơ cá nhân tự quyết toán thuế TNCN gồm:
- Tờ khai quyết toán thuế TNCN mẫu 02/QTT-TNCN
- Phụ lục bảng kê giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mẫu số 02-1/BK-QTT-TNCN
- Bản sao các chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân
- Bản sao Giấy chứng nhận khấu trừ thuế do tổ chức trả thu nhập cấp hoặc Bản sao chứng từ ngân hàng nếu bạn đã nộp thuế ở nước ngoài.
- Bản sao các hóa đơn chứng từ chứng minh khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học (nếu có).
- Tài liệu chứng minh về số tiền đã trả của đơn vị, tổ chức trả thu nhập ở nước ngoài trong trường hợp cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán và nhận thu nhập từ nước ngoài.
- Hồ sơ đăng ký người phụ thuộc theo hướng dẫn tại điểm a khoản 3 mục III công văn này (nếu tính giảm trừ cho người phụ thuộc tại thời điểm quyết toán thuế đối với người phụ thuộc chưa thực hiện đăng ký người phụ thuộc)
Chuẩn bị thiết bị có kết nối mạng ổn định.
Để thực hiện quyết toán thuế thu nhập online hãy đảm bảo rằng kết nối mạng của bạn ổn định để hạn chế gián đoạn cũng như sai sót có thể xảy ra bởi tất cả các thao tác đều được thực hiện trên môi trường điện tử.
2. Thời hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân
Thời hạn quyết toán thuế thu nhập cá nhân sẽ được công bố sau khi kết thúc kỳ đóng thuế của năm đó.
Khoản 2, Điều 44, Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế có kỳ tính thuế theo năm được quy định như sau:
- Thời hạn quyết toán chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm;
- Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế TNCN của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế;
Chậm nhất là ngày 15-12 của năm trước liền kề đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh
- doanh mới kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.
Thời hạn quyết toán thuế TNCN năm 2024 là khi nào?
Thời hạn phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2024 tại Việt Nam được quy định như sau:
- Đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập thì thời hạn khai hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày 31-3-2024. Tuy nhiên, do ngày 31-3-2024 rơi vào ngày Chủ nhật, thời hạn cuối cùng được tính là ngày làm việc liền kề sau đó, tức là vào ngày 01-4-2024.
- Đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân với cơ quan thuế thì thời hạn khai hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày 30-4-2024. Tuy nhiên, do ngày 30-4 là Ngày nghỉ Lễ (Ngày Giải phóng miền Nam), thời hạn cuối cùng sẽ là ngày làm việc tiếp theo, tức là ngày 2-5-2024.
Lưu ý rằng đối với các hồ sơ thuế điện tử, dù thời hạn nộp hồ sơ thuế rơi vào ngày nghỉ, thì việc nộp hồ sơ vẫn phải thực hiện theo đúng quy định về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tại Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019. Để tránh bất kỳ sự chậm trễ nào, bạn nên chuẩn bị và nộp hồ sơ thuế của mình trước thời hạn quy định.
Bên cạnh đó, theo Công văn 636/TCT-DNNCN, cá nhân, tổ chức chậm nhất phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho thu nhập nhận được trong năm 2023 là ngày 2-5-2024. Tuy nhiên, bạn nên thực hiện quyết toán xong trước ngày 30-4-2024 để tránh trường hợp không kịp quyết toán do bị dồn hồ sơ hoặc chịu ảnh hưởng của kỳ nghỉ lễ 30-4 và mùng 1-5 hàng năm.
3. Hướng dẫn tự quyết toán thuế TNCN Online
Như đã đề cập ở bên trên việc quyết toán thuế có thể do cá nhân tự quyết toán hoặc ủy quyền quyết toán cho nơi trả thu nhập. Đối với trường hợp cá nhân có thu nhập chịu thuế nhưng không thuộc diện ủy quyền quyết toán cho nơi trả thu nhập thì phải tự quyết toán trực tiếp với cơ quan thuế.
Hiện nay cá nhân có thể tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân online cho khoản thu nhập từ các nguồn khác nhau trong năm 2023 được thực hiện như sau:
Bước 1: Truy cập Website Thuế Việt Nam của Tổng cục Thuế tại địa chỉ: https://canhan.gdt.gov.vn/
Trường hợp cá nhân chưa có tài khoản đăng nhập thì cần phải đăng ký tài khoản để đăng nhập vào hệ thống.
Bước 2: Đăng nhập hệ thống nộp thuế cá nhân. Trường hợp bạn đã có tài khoản đăng nhập bạn chọn mục Đăng nhập và điền các trường thông tin phù hợp tại bảng gồm Mã số thuế và Mã kiểm tra. Sau đó bạn nhấn chọn Tiếp tục. Bạn cần có mã thuế cá nhân và mật khẩu để đăng nhập vào hệ thống.
Sau khi hoàn tất các thông tin bạn nhấn chọn “đăng nhập” để tiếp tục.
Bước 3: Bạn nhấn chọn mục “Quyết toán thuế”sau đó nhấn chọn “Kê khai trực tuyến” để kê khai thông tin quyết toán thuế.
Hệ thống sẽ gửi về bảng “chọn thông tin tờ khai” các thông tin sẽ được điền tự động căn cứ theo cơ sở dữ liệu của người nộp thuế lưu trên hệ thống. Bạn cần kiểm tra lại các thông tin cá nhân đã chính xác hay chưa.
Lưu ý (*) là trường thông tin bắt buộc phải điền. Các thông tin gồm:
- Tên người gửi*: Hệ thống điền tự động theo thông tin đăng ký.
- Địa chỉ liên hệ*: Hệ thống điền tự động theo thông tin đăng ký.
- Điện thoại liên lạc*: Tự động theo thông tin đăng ký thuế.
- Địa chỉ email*: Tự động theo thông tin đăng ký thuế.
- Chọn tờ khai: Bạn chọn tờ khai phù hợp với trường hợp của mình
- Cục Thuế: Hệ thống điền tự động theo thông tin đăng ký.
- Chi cục Thuế: Hệ thống điền tự động theo thông tin đăng ký.
- Loại tờ khai: Tùy trường hợp bạn có thể chọn tờ khai chính thức hoặc tờ khai bổ sung
- Năm kê khai: Hệ thống điền tự động theo thông tin đăng ký (có thể sửa)
Tại mục chọn tờ khai, trong trường hợp bạn tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân bạn sẽ chọn tờ khai 02/QTT-TNCN – Tờ khai quyết toán thuế TNCN (TT80/2021).
Bạn tiếp tục tích chọn vào ô tương ứng với trường hợp quyết toán thuế của mình theo 03 trường hợp sau:
- TH1: Người nộp thuế có duy nhất 01 nguồn trực tiếp khai thuế trong năm do làm việc tại các tổ chức quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam hoặc nguồn từ nước ngoài (không khấu trừ tại nguồn). Sau đó, người nộp thuế lựa chọn cơ quan thuế đã khai trực tiếp trong năm tại ô “Cục thuế” trực tiếp khai thuế trong năm.
- TH2: Người nộp thuế trực tiếp khai thuế trong năm có từ 02 nguồn trở lên bao gồm cả trường hợp vừa có thu nhập thuộc diện khai trực tiếp trong năm, vừa có thu nhập do tổ chức trả thu nhập đã khấu trừ. Sau đó, người nộp thuế tự kê khai các nguồn thu nhập và thông tin liên quan theo bảng sau:
- TH3: Người nộp thuế không trực tiếp khai thuế trong năm chỉ có nguồn thu nhập thuộc diện khấu trừ qua tổ chức trả thu nhập. Sau đó khai thông tin về việc thay đổi nơi làm việc.
Trường hợp quyết toán Thuế: Bạn chọn “Quyết toán theo năm dương lịch”
Loại tờ khai: Bạn chọn “Tờ khai chính thức”
Sau khi hoàn tất các thông tin trên bạn nhấn chọn “Tiếp tục”.
Bước 4: Thực hiện việc khai các thông tin nộp thuế trên tờ khai thuế theo mẫu.
Cá nhân có đề nghị miễn giảm do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo cùng với hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công thì tích chọn vào ô trống.
NNT kiểm tra lại thông tin: Tên Người Thuế, địa chỉ, quận huyện, tỉnh; Điện thoại, Fax, Email hệ thống tự chạy, nếu chưa chính xác thì điều chỉnh cho đúng.
Hướng dẫn nhập các chỉ tiêu trên tờ khai Quyết toán thuế TNCN mẫu 02/QTT-TNCN (thông tư 80/2021)
- Tích vào ô trống nếu bạn thực hiện tờ khai quyết toán thuế kèm theo hồ sơ giảm thuế do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo.Lưu ý: NNT kiểm tra lại các thông tin từ [01] đến [11] hệ thống tự cập nhập như: Tên người nộp thuế, mã số thuế, địa chỉ, email,… nếu chưa chính xác thì điều chỉnh lại cho đúng.
[01] đến [06]: Hệ thống tự động nhật.
[07] đến [08]: Chọn tỉnh, thành phố ở mục 08 trước, sau đó chọn quận huyện ở mục 07 (Địa chỉ thường trú).
[09]: Điền số điện thoại của NNT: (Bắt buộc điền).
[10]: Fax: Không bắt buộc.
[11]: Điền địa chỉ email của NNT vào. (Bắt buộc điền).
[12] đến [14] Thông tin đại lý thuế nếu không có thì bỏ qua.
[15] đến [19] Thông tin đơn vị trả thu nhập (Hệ thống tự động cập nhật).
Chỉ tiêu [20]: Tổng thu nhập chịu thuế (TNCT) phát sinh trong kỳ: Chỉ tiêu [20]=[21]+[23].
Chỉ tiêu [21]: Tổng TNCT phát sinh tại Việt Nam (thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công); căn cứ vào chứng từ khấu trừ và thư xác nhận thu nhập do đơn vị chi trả cung cấp.
Chỉ tiêu [23]: Tổng TNCT phát sinh ngoài Việt Nam (thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công)
Các khoản giảm trừ:
- Chỉ tiêu [28]: Từ thiện nhân đạo, khuyến học (nếu có).
- Chỉ tiêu [29]: Các khoản đóng bảo hiểm được trừ..
- Chỉ tiêu [30]: Các khoản đóng quỹ hưu trí tự nguyện được trừ (nếu có)
Số thuế đã nộp trong kỳ: điền vào chỉ tiêu sau:
- Chỉ tiêu [34]: Số thuế đã khấu trừ tại tổ chức trả thu nhập: Là tổng số thuế mà tổ chức đã khấu trừ từ tiền lương, tiền công của cá nhân, căn cứ vào chứng từ khấu trừ thuế của tổ chức trả thu nhập cấp.
- Chỉ tiêu [35]: Số thuế đã nộp trong năm không qua tổ chức trả thu nhập: Là số thuế cá nhân trực tiếp kê khai với cơ quan thuế và đã nộp tại Việt Nam, căn cứ vào giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước của cá nhân).
- Chỉ tiêu [36]: Số thuế đã nộp ở nước ngoài được trừ (nếu có): số thuế đã nộp ở nước ngoài (nếu có) được xác định tối đa bằng số thuế phải nộp tương ứng với tỷ lệ thu nhập nhận được từ nước ngoài so với tổng thu nhập nhưng không vượt quá số thuế là [32] x {[23]/([20] –[22])}x 100%.
- Chỉ tiêu [37]: Số thuế đã khấu trừ, đã nộp ở nước ngoài trùng do quyết toán vắt năm. Số thuế đã nộp ở nước ngoài trùng do quyết toán vắt năm do cá nhân tự xác định nếu đã kê khai và nộp tại nước ngoài vào năm tính thuế thứ nhất.
- Chỉ tiêu [38]: Số thuế đã nộp trong năm không qua tổ chức trả thu nhập trùng do quyết toán vắt năm: Cá nhân tự xác định số thuế đã nộp trong năm không qua tổ chức trả thu nhập trùng do quyết toán vắt năm nếu đã kê khai vào năm tính thuế thứ nhất.
- Chỉ tiêu [43]: Số thuế được miễn do cá nhân có số tiền thuế phải nộp sau quyết toán từ 50.000 đồng trở xuống (0<[42]< 50.000 đồng) : NNT có số thuế còn phải nộp nhỏ hơn 50.000 đồng thì khai vào chỉ tiêu này để được miễn giảm.
Nếu có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn trả:
- Số thuế hoàn cho người nộp thuế : Nhập số thuế đề nghị hoàn vào chỉ tiêu [46].
- Nếu muốn bù trừ cho khoản phải nộp NSNN khác: Nhập số bù trừ vào chỉ tiêu [47]
- Trường hợp NNT đề nghị hoàn trả vào tài khoản của người nộp thuế tại chỉ tiêu [46] Nhận tiền hoàn trả Chuyển khoản: Chọn (click) vào ô chuyển khoản sau đó điền thông tin tên chủ tài khoản, tài khoản số mở tại ngân hàng ( lưu ý: Cục Thuế TP.HCM khuyến nghị nên hoàn trả bằng chuyển khoản và ghi rõ tên ngân hàng theo 3 cấp tên ngân hàng, tên chi nhánh ngân hàng, tỉnh thành).
- Hoặc chọn nhận tiền mặt: chọn click vào tiền mặt, sau đó điền thông tin Tên người nhận tiền, loại giấy tờ (chứng minh nhân dân/ căn cước công dân, hộ chiếu) số cmnd/cccd/hc, ngày cấp, nơi cấp,nơi nhận tiền hoàn thuế.
Trường hợp NNT đề nghị bù trừ cho khoản phải nộp ngân sách nhà nước đã nhập số thuế đề nghị bù trừ tại chỉ tiêu [47] thì ghi thêm các thông tin sau;
- MST của NNT khác (nếu có) Tên NNT khác (nếu có) ghi rõ Chương, Tiểu mục, Tên CQT quản lý khoản thu, Địa bàn hành chính, Hạn nộp, số tiền còn phải nộp, Số tiền còn phải nộp đề nghị bù trừ với số tiền nộp thừa.
Chọn tab 02-1/BK-QTT-TNCN: (nằm ở góc trái cuối màn hình):
Sau đó, khai thông tin người phụ thuộc để người nộp thuế được tính giảm trừ thu nhập khi tính thuế.
- Nhấp vào và kê khai đầy đủ thông tin bắt buộc.
- Nhập bảng kê Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc như sau: Họ tên người phụ thuộc, mã số thuế người phụ thuộc, chọn loại giấy tờ như CMND/ CCCD/ hộ chiếu/giấy khai sinh; số giấy tờ của CCCD…; Ngày sinh NPT
- Mục [16] Từ tháng: Là thời điểm bắt đầu tính giảm trừ người phụ thuộc trong năm tính thuế theo thực tế phát sinh trong năm tính thuế, chỉ tiêu. “Đến tháng [17]” là thời điểm kết thúc nghĩa vụ nuôi dưỡng trong năm tính thuế hoặc tháng 12 nếu trong năm chưa kết thúc nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Lưu ý điền đầy đủ và chính xác các mục thông tin. Sau khi điền xong thông tin bạn nhấn chọn “Hoàn thành kê khai”.
Bước 5: Chọn kết xuất XML để tải file tờ khai mẫu đã điền thông tin về máy tính.
Bước 6: Chọn “Nộp tờ khai” sau đó nhập “Mã kiểm tra” để xác thực nộp tờ khai và nhấn chọn “Tiếp tục”.
Sau khi hoàn thành hệ thống sẽ có thông báo nộp tờ khai thành công.
Bước 7: Gửi hồ sơ phụ lục đính kèm
- Chọn phụ lục đính kèm: như Chứng từ khấu trừ thuế / Chứng từ nộp thuế/Chứng từ về các khoản từ thiện, nhân đạo (nếu có)/Tài liệu chứng minh số tiền đã trả của đơn vị tổ chứ trả thu nhập ở nước ngoài/ Các chứng từ khác.
- Chọn tệp dữ liệu (đính kèm file dữ liệu gửi)
Xuất hiện xác thực nộp tờ khai
- Nhập Mã kiểm tra
- Nhập mã OTP do Tổng Cục Thuế gửi qua tin nhắn điện thoại
Bước 8: Sau khi nộp tờ khai thành công tới cơ quan thuế, hệ thống (Tổng Cục Thuế) sẽ gửi thông báo tiếp nhận vào email đã đăng ký, đồng thời gửi tin nhắn thông báo vào số điện thoại đã đăng ký của NNT với nội dung :” hồ sơ khai thuế điện tử mẫu 02/QTT-TNCN đã được gửi thành công CQT trả thông báo chấp nhận/ không chấp nhận sau 01 ngày làm việc”.
4. Cách tra cứu tờ khai quyết toán thuế điện tử
Việc tra cứu giúp bạn kiểm tra, xử lý những sai sót, nhầm lẫn có thể xảy ra kịp thời cũng như dễ dàng theo dõi tình trạng hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân của mình.
Cụ thể các bước thực hiện tra cứu như sau:
- Bước 1: Chọn Tra cứu QTT trong mục Tra cứu.
- Bước 2: Lựa chọn loại Tờ khai >> Chọn ngày gửi >> Tra cứu.
- Bước 3: Nhận kết quả tra cứu.
>> Xem thêm: Hướng dẫn cách tra cứu thuế TNCN chi tiết, dễ thực hiện
5. Chậm quyết toán thuế thu nhập cá nhân sẽ bị phạt như thế nào?
Căn cứ Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, tùy theo thời gian chậm quyết toán mà có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền (mức thấp nhất là 02 triệu đồng và mức cao nhất là 25 triệu đồng). Cụ thể:
STT | Hành vi vi phạm | Hình thức xử phạt chính | Hình thức xử phạt bổ sung |
1 | Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 01 – 05 ngày và có tình tiết giảm nhẹ (Khoản 1) | Cảnh cáo | Nộp đủ tiền chậm nộp nếu việc chậm nộp hồ sơ dẫn đến chậm nộp tiền thuế |
2 | Nộp hồ sơ khai thuế quá hạn từ 01 – 30 ngày, trừ trường hợp (1)
(Khoản 2) |
Từ 02 – 05 triệu đồng | |
3 | Nộp hồ sơ khai thuế quá hạn từ 31 – 60 ngày (Khoản 3) | Từ 05 – 08 triệu đồng | |
4 | – Nộp hồ sơ khai thuế quá thời hạn từ 61 – 90 ngày.
– Nộp hồ sơ khai thuế quá hạn từ 91 ngày trở lên nhưng không phát sinh số thuế phải nộp. – Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp (*). – Không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (**) (Khoản 4, khoản 6) |
Từ 08 – 15 triệu đồng | – Nộp đủ tiền chậm nộp nếu việc chậm nộp hồ sơ dẫn đến chậm nộp tiền thuế
– Trường hợp (*) và (**) phải nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế. |
5 | Nộp hồ sơ khai thuế quá hạn trên 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, có phát sinh số thuế phải nộp và người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế lập biên bản về hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế.
Lưu ý: Số tiền phạt lớn hơn số tiền thuế phát sinh trên hồ sơ khai thuế thì số tiền phạt tối đa với trường hợp này bằng số tiền thuế phát sinh phải nộp trên hồ sơ khai thuế nhưng không thấp 11,5 triệu đồng. (Khoản 5, điểm a khoản 6) |
Từ 15 – 25 triệu đồng | Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế |
Lưu ý: Ngoài nộp phạt, nếu chậm nộp thì còn phải nộp khoản tiền chậm nộp theo công thức: Tiền chậm nộp 01 ngày = 0,05% x Số tiền chậm nộp.
6. Giải đáp một số thắc mắc khi quyết toán thuế TNCN
Câu 1: Nếu không thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân sẽ như thế nào?
Theo Điều 13 và khoản 5 Điều 5 của Nghị định 125/2020/NĐ-CP, việc không quyết toán thuế thu nhập cá nhân có thể dẫn đến các hình thức xử phạt sau:
Hành chính: Nếu thuộc diện phải nộp thêm thuế, bạn có thể bị xử phạt hành chính. Mức phạt sẽ tùy thuộc vào thời gian chậm nộp hồ sơ.
Cụ thể, mức phạt:
– Đối với cá nhân: từ 2.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng
– Đối với tổ chức: từ 4.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
Cá nhân đã nộp thừa thuế mà không thực hiện kê khai quyết toán sẽ không được hoàn lại số tiền thừa và không thể áp dụng chế độ bù trừ vào kỳ khai thuế sau.
Câu 2: Khi nào cá nhân phải tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân?
Theo khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, cá nhân có thu nhập từ tiền công và tiền lương phải tự quyết toán thuế trong các trường hợp sau:
– Phải nộp thêm thuế hoặc khi đã nộp thừa và muốn hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo, trừ khi có quy định khác của pháp luật.
– Năm dương lịch đầu tiên hiện diện tại Việt Nam dưới 183 ngày nhưng trong vòng 12 tháng tiếp theo có mặt từ 183 ngày trở lên kể từ ngày đầu tiên.
– Người nước ngoài kết thúc hợp đồng lao động tại Việt Nam và thực hiện quyết toán thu nhập cá nhân trước khi xuất cảnh.
– Cá nhân chịu ảnh hưởng do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, hoặc bệnh hiểm nghèo nằm trong diện xét giảm thuế do khả năng nộp thuế bị ảnh hưởng.
Câu 3: Cá nhân có thu nhập từ hai nơi thì thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) như thế nào?
Theo Công văn số 13762/CTIN-HKDCN, cá nhân có thu nhập từ hai nơi trở lên thực hiện quyết toán thuế theo quy định sau:
Các tổ chức chi trả thu nhập phải thực hiện quyết toán thuế TNCN cho người lao động đã ủy quyền, dù có phát sinh khấu trừ thuế hay không.
Đối với cá nhân có thu nhập từ tiền công, tiền lương theo hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên và thu nhập vãng lai bình quân dưới 10 triệu đồng/tháng được khấu trừ thuế với tỷ lệ 10%:
1. Nếu cá nhân không yêu cầu quyết toán thuế cho thu nhập vãng lai, họ có thể ủy quyền tổ chức trả thu nhập có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên để thực hiện quyết toán thay.
2. Nếu cá nhân có yêu cầu quyết toán thuế cho thu nhập vãng lai, sẽ phải trực tiếp làm việc với cơ quan thuế.
Đối với cá nhân có thu nhập từ tiền công, tiền lương theo hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên nhưng chưa nộp khấu trừ thuế cho thu nhập vãng lai, họ cần tự mình thực hiện quyết toán thuế TNCN.
Việc nắm vững các bước thực hiện và sử dụng các công cụ hỗ trợ trực tuyến sẽ giúp bạn hoàn thành quyết toán thuế một cách nhanh chóng và chính xác. Nếu bạn gặp khó khăn hoặc cần hỗ trợ, phần mềm Fast Accounting có thể là một trợ thủ đắc lực, cung cấp giải pháp hiệu quả và dễ sử dụng cho việc quản lý thuế. Liên hệ ngay để được tư vấn!
Thông tin liên hệ:
- Website: https://fast.com.vn/
- Email: info@fast.com.vn
- Fanpage: https://www.facebook.com/PhanMemFAST
- Zalo: https://zalo.me/phanmemfast
Xem thêm bài viết liên quan: