Điều thiết thực nhất bạn từng xem trong các bài viết về ERP ngành phân phối và bán buôn (Wholesale & Distribution). Cách thức các doanh nghiệp Top đầu dựa vào công nghệ trong môi trường kinh doanh mới.
Trong ngành phân phối và bán buôn, bạn sẽ thường xuyên nghe hoặc đọc thấy rằng giải pháp ERP A sẽ làm được điều này, B sẽ làm được việc kia, C sẽ nâng tầm doanh nghiệp… một cách rất thuyết phục, rồi đến những chi tiết cặn kẽ về việc làm thế nào để chọn lựa được giải pháp ERP phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình, lộ trình triển khai giải pháp đó và những vấn đề có thể gặp phải.
Hoặc ghê hơn, từng đơn vị cung cấp giải pháp ERP sẽ thể hiện cách họ thoả mãn những nhu cầu khác nhau của từng doanh nghiệp phân phối như thế nào thông qua quá trình tuỳ chỉnh theo yêu cầu, thường tập trung ở việc tuỳ chỉnh các chức năng về bán hàng, quản lý hệ thống, các biểu mẫu…
Mọi thứ dường như khá đầy đủ và ít có chỗ để nói thêm về giải pháp ERP ngành phân phối.
Tuy nhiên, chỗ trống để bàn luận vẫn còn và chúng ta đã bỏ sót một vài chủ đề quan trọng chưa xét đến, chẳng hạn như trong tình huống mọi doanh nghiệp ngành phân phối đều biết, hiểu và ứng dụng giải pháp ERP thì sao?
Bạn thấy đấy, câu hỏi lúc này sẽ là:
- Tại sao khi tất cả đều ứng dụng ERP, vẫn có một số ít doanh nghiệp vượt trội hơn so với phần còn lại?
- Điều gì phân biệt giữa họ khi tất cả đều dùng chung một giải pháp?
- Sự vượt trội đến từ đâu và do những yếu tố nào?
Đó quả thực là một chủ đề chưa ai làm về ERP ngành phân phối bàn đến.
Thật may là trong khảo sát được thực hiện gần đây bởi Aberdeen Group với 62 doanh nghiệp ngành phân phối và bán buôn (đã ứng dụng ERP vào quản lý) tham gia, gần như trả lời trọn vẹn câu hỏi này.
Trong khảo sát này, khi chia 62 doanh nghiệp này thành 2 nhóm là Top dẫn đầu (chiếm khoảng 35%) và Phần còn lại (65%) bằng cách xếp hạng theo 4 thang đo kết quả: Hoàn thành và giao hàng đúng hẹn; Chính xác tồn kho; Cải thiện khả năng sinh lợi qua 2 năm liền và Cải thiện về thời gian ra quyết định qua 2 năm liền, người ta nhận thấy sự chênh lệch khá lớn giữa 2 nhóm, dù nhóm nào cũng thu được kết quả tích cực từ việc triển khai ERP.
Khác biệt này đến từ đâu? Và vì sao bạn nên quan tâm đến điều này?
Hãy nói về câu hỏi thứ 2 trước.
Nếu là doanh nghiệp ngành phân phối và có kế hoạch ứng dụng ERP, bạn cần hiểu rằng mình đang đi sau khá nhiều người, chính vì vậy biết được yếu tố nào cần tập trung nhằm khai thác hết sức mạnh của ERP sẽ có thể giúp bạn sớm gia nhập Top dẫn đầu. Đồng thời, nắm bắt được các yêu cầu cốt lõi khi thực hiện quá trình đánh giá và chọn lựa giải pháp (cuối bài sẽ cung cấp 3 tiêu chí chọn lựa). Vậy nên vấn đề sẽ là: “Bạn muốn đứng đâu: Top dẫn đầu hay phần còn lại?”
Còn bây giờ là câu hỏi đầu tiên. Quay lại với khảo sát trên.
Các phân tích cho thấy sự khác biệt trong kết quả giữa Top dẫn đầu và phần còn lại khi triển khai ERP đến từ các khu vực sau:
1. Yếu tố thúc đẩy doanh nghiệp triển khai ERP
Khi được hỏi về thách thức hàng đầu phải đối mặt trong môi trường cạnh tranh ngày nay, các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng áp lực của việc kiểm soát chi phí và đạt được các kỳ vọng tăng trưởng chính là 2 thách thức khiến họ đau đầu nhất.
Bên cạnh đó, khi sự phát triển của hoạt động bán hàng online đã mở ra kênh phân phối mới giúp khách hàng dễ dàng có được sản phẩm mình mong muốn, nó kéo theo sự tham gia thị trường của nhiều đối thủ cạnh tranh.
Vì vậy, để tạo khác biệt, các doanh nghiệp Top dẫn đầu là người đặt việc đưa đúng sản phẩm đến đúng nơi và đúng khách hàng lên hàng đầu so với phần còn lại.
2. Các chiến lược mà Top dẫn đầu sử dụng
Trong nỗ lực giảm chi phí của mình, các doanh nghiệp trong Top dẫn đầu thực hiện các chiến lược như phối hợp trôi chảy các quy trình (giúp tổ chức làm nhiều hơn mà không tiêu tốn nhiều nguồn lực) và tối ưu chuỗi cung ứng (giúp doanh nghiệp quản lý tồn kho hiệu quả hơn, giúp giá sản phẩm trong tầm kiểm soát).
Còn khi nhắc đến việc làm hài lòng khách hàng, các chiến lược cải thiện sự cộng tác và dịch vụ được ưu tiên hơn. Các chiến lược này giúp doanh nghiệp hiểu nhu cầu khách hàng tốt hơn, tạo điều kiện để khách hàng dễ tương tác với doanh nghiệp và thay đổi phương thức giao hàng.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt các chiến lược này, một chiến lược khác mà họ sử dụng là hiện đại hoá hạ tầng công nghệ, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động vận hành. Đây chính là nơi ERP phát huy vai trò của mình, là nền tảng cho sự thay đổi. Tuy nhiên, cũng chỉ có các doanh nghiệp thuộc Top mới thực sự khai thác được tối đa những gì mà ERP mang lại.
3. Cải thiện công tác quản lý khách hàng
Như đã nói, để thực sự cung cấp sản phẩm đến tay khách hàng ngay khi họ cần, Top dẫn đầu thường lựa chọn giải pháp ERP cho phép tích hợp với những ứng dụng/công nghệ hỗ trợ cho mục tiêu đó. Chẳng hạn, họ muốn tích hợp CRM (Phần mềm quản lý quan hệ khách hàng) vào ERP nhằm tạo ra cổng trung tâm dữ liệu khách hàng, tương tác tốt với chức năng chuỗi cung ứng.
Hoặc như tích hợp thêm giải pháp thương mại điện tử E-commerce và cổng khách hàng tự phục vụ để thúc đẩy giao tiếp với khách hàng, giúp họ dễ đặt hàng hơn và hy vọng đem lại nhiều doanh số hơn.
Bảng dưới đây thể hiện rõ sự chênh lệch giữa 2 nhóm trong việc đầu tư cho công tác quản lý khách hàng. Chính điều đó dẫn tới khác biệt trong kết quả cuối cùng.
.
4. Tính trực quan và năng lực cộng tác
Doanh nghiệp Top dẫn đầu thường triển khai một loạt các chức năng/ứng dụng nhằm nâng cao khả năng ra quyết định của mình, cũng như giúp làm việc với khách hàng và nhà cung cấp tốt hơn.
Với khả năng trực quan trạng thái của mọi quy trình theo thời gian thực, có ý nghĩa trong việc giúp xử lý các vấn đề hậu cần một cách linh hoạt, Top dẫn đầu cao hơn 31% so với phần còn lại. Các yếu tố khác cũng thể hiện sự vượt trội tương tự, có khi còn lớn hơn 2-3 lần.
Trong số đó, tạo ra khả năng cộng tác chính là cốt lõi của thành công mà Top dẫn đầu đạt được, việc kết nối các chức năng, như chuỗi cung ứng, bán hàng, tài chính giúp họ đạt được các mục tiêu cải thiện hiệu suất. Hoặc như chia sẻ dữ liệu với khách hàng và nhà cung cấp còn giúp Top dẫn đầu cải thiện chất lượng dịch vụ, giảm chi phí và tăng biên lợi nhuận.
Kết
Như vậy, bằng việc ưu tiên các công nghệ và ứng dụng nhằm tạo ra một tổ chức có tính cộng tác, thông tin kịp thời và dựa trên nền tảng phân tích, các doanh nghiệp top dẫn đầu đã đạt được những cải thiện đáng kể trên các thang đo kết quả đề cập ở trên. Họ làm việc dễ dàng hơn với khách hàng và nhà cung cấp, giữ cho chi phí ở mức thấp, trực quan hoá mọi ngõ ngách, quy trình trong tổ chức, giúp cho hoạt động kinh doanh luôn trôi chảy và kết dính.
Tuy nhiên, để thành công, doanh nghiệp phân phối nên ưu tiên các tiêu chí sau khi lựa chọn giải pháp ERP:
- Hỗ trợ tương tác với khách hàng: Giải pháp ERP cần có khả năng hoặc cho phép tích hợp với ứng dụng thương mại điện tử (e-commerce) hoặc CRM.
- Cải thiện năng lực phân tích: Hỗ trợ cho việc ra quyết định, dự báo nhu cầu và hoạch định.
- Tính linh hoạt trong vận hành: Cung cấp khả năng truy cập dữ liệu và hệ thống nhanh chóng, tiện lợi, dễ tuỳ biến giao diện cho phù hợp với nhu cầu thông tin của người dùng.
Nguồn tham khảo: www.aberdeen.com