Định nghĩa về API (Giao diện lập trình ứng dụng)
API là từ viết tắt của cụm từ Application Programming Interface – Giao diện lập trình ứng dụng. API là phương thức hay cơ chế cho phép 2 thành phần của phần mềm giao tiếp trao đổi dữ liệu với nhau.
Các loại API
API được phân loại theo cả kiến trúc và phạm vi sử dụng. Có 4 loại API:
Open APIs hoặc Public APIs (API mở): Còn có tên gọi khác là API công khai, có sẵn nên có thể được sử dụng bởi bất kỳ nhà phát triển nào. Đổi lại, các Open APIs thông thường sẽ yêu cầu các biện pháp xác thực hoặc ủy quyền thấp và bị hạn chế chức năng khi chia sẻ công khai. Một số Open APIs sẽ được chia sẻ miễn phí, một số khác sẽ yêu cầu tính phí khi sử dụng. Chi phí này thường được tính dựa trên số lượng “lệnh gọi” (calls) đến API được sử dụng.
Partner APIs (API đối tác): API này cần có quyền hoặc giấy phép cụ thể mới truy cập được. Thường dành cho các nhà phát triển bên ngoài ủy quyền để hỗ trợ đầu mối hợp tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp lựa chọn Partner APIs vì muốn kiểm soát tốt hơn người dùng có thể truy cập vào tài nguyên của họ và chỉ rõ cách thức sử dụng các tài nguyên đó.
Internal APIs (API nội bộ): Không giống như API mở hay API đối tác, API nội bộ không dành cho các bên thứ ba sử dụng, thường dùng trong phạm vi công ty. Công ty sử dụng API này để để kết nối các hệ thống cũng như dữ liệu nội bộ của công ty/tổ chức.
Composite APIs (API tổng hợp): Kết hợp hai hay nhiều API khác nhau để giải quyết các yêu cầu phức tạp của hệ thống. Nếu cần dữ liệu từ các ứng dụng hoặc từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, bạn nên sử dụng API tổng hợp. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng API tổng hợp để thiết lập một chuỗi các “lệnh gọi” (calls) và phản hồi tự động mà không cần chủ động can thiệp vào.
API hoạt động ra sao?
API giao tiếp thông qua một tập hợp các quy tắc để xác định phương thức mà các máy tính, ứng dụng hoặc máy móc có thể tương tác với nhau. API hoạt động như một người trung gian giữa hai thiết bị bất kỳ muốn kết nối với nhau phục vụ cho một tác vụ được chỉ định.
Ví dụ đơn giản: Khi muốn đăng nhập Facebook thông qua ứng dụng trên điện thoại bằng tài khoản của bạn. Lúc này, ứng dụng Facebook sẽ thực hiện một lệnh tới API để truy xuất tài khoản và thông tin đăng nhập của bạn. Sau đó, Facebook sẽ truy cập thông tin này từ một trong các máy chủ của mình và trả dữ liệu về ứng dụng di động.
Các loại kiến trúc API
API REST
REST viết tắt của Representational State Transfer, là một dạng chuyển đổi cấu trúc dữ liệu, một kiểu kiến trúc để viết API. REST thường được dùng cho các ứng dụng web, hoặc có thể làm việc với dữ liệu phần mềm.
API REST (hoặc API “RESTful”) là một API tuân theo các nguyên tắc REST và được sử dụng để truyền dữ liệu từ máy chủ đến máy khách yêu cầu.
Các API REST dựa trên URL, giao thức HTTP và dựa trên 6 ràng buộc kiến trúc sau:
1. Dựa trên máy khách – máy chủ (Client-server based)
Sự ràng buộc này hoạt động dựa vào ý tưởng máy khách và máy chủ phải hoàn toàn tách biệt và được phép phát triển riêng lẻ, độc lập. Máy khách xử lý quá trình giao diện người dùng trong khi máy chủ xử lý phần phụ trợ. Phương thức hoạt động chính của REST là tách biệt giao diện người dùng ra khỏi dữ liệu lưu trữ.
Với cách thức này, người dùng có thể thực hiện thay đổi với các ứng dụng di động của mình một cách độc lập. Việc này không làm ảnh hưởng đến cấu trúc dữ liệu hoặc thiết kế cơ sở dữ liệu của máy chủ. Ngược lại, việc điều chỉnh cơ sở dữ liệu hoặc thay đổi ứng dụng của máy chủ cũng không ảnh hưởng đến ứng dụng của máy khách.
2. Giao diện thống nhất (Uniform interface)
Xác định giao diện giữa máy khách và máy chủ, giúp cho tổng thể kiến trúc hệ thống trở nên đơn giản hóa. Khả năng hiển thị của các tương tác cũng được cải thiện đáng kể.
3. Không trạng thái (Stateless)
Bất kỳ một RESTful API nào cũng ở dạng không trạng thái. Nghĩa là mỗi yêu cầu từ máy khách đến máy chủ phải độc lập và chứa tất cả các thông tin cần thiết để máy chủ có thể hiểu và xử lý cho phù hợp. Ngoài ra, yêu cầu của máy khách không thể lạm dụng bất kỳ thông tin nào trên máy chủ. Điều này sẽ giúp tăng độ tin cậy cho API, hạn chế lỗi và giảm tài nguyên sử dụng.
4. Lưu vào bộ nhớ cache (Cacheable)
API không trạng thái có thể tăng số lượng yêu cầu (request), nhất là khi có nhiều “lệnh gọi” đến và đi. Vì thế, RESTful API được thiết kế để lưu trữ dữ liệu vào cache để tăng tính tái sử dụng.
Cụ thể, các ràng buộc này sẽ yêu cầu mỗi phản hồi phải đánh dấu dữ liệu bên trong là được lưu hay không lưu vào cache. Nếu được lưu vào cache, máy khách có thể sử dụng lại dữ liệu phản hồi đó cho các yêu cầu tương tự sau này.
5. Hệ thống phân lớp (Layered system)
Các lớp được sắp xếp theo thứ bậc để mỗi lớp chỉ có thể “nhìn thấy” lớp tương ứng mà chúng đang tương tác. Kiểu hệ thống phân lớp cho phép một kiến trúc chứa nhiều lớp phân cấp. Mỗi lớp sẽ có một chức năng và trách nhiệm cụ thể. Cách thức của REST là hạn chế hành vi của các thành phần trong một lớp.
6. Mã theo yêu cầu (Code on demand)
Ràng buộc này cho phép người dùng mở rộng chức năng của máy khách bằng cách tải xuống và thực thi mã dưới dạng các applet và script. Điều này đơn giản hóa cho máy khách, bằng cách giảm số lượng các tính năng bắt buộc phải triển khai trước.
API SOAP
SOAP là viết tắt của cụm từ Simple Object Access Protocol, được tạm dịch là giao thức truy cập đối tượng đơn giản. Đây là một giao thức để truyền dữ liệu qua các mạng và có thể được sử dụng để xây dựng các API. SOAP dựa trên tiêu chuẩn hóa bởi World Wide Web Consortium (W3C) và sử dụng XML để mã hóa thông tin. SOAP có thể được thực hiện trên nhiều giao thức tiêu chuẩn khác nhau, bao gồm giao thức HTTP.
API RPC
RPC là viết tắt của Remote Procedure Call, là một mô hình kỹ thuật mạng hay còn được biết đến là cơ chế giao tiếp giữa hai tiến trình. Không giống như REST và SOAP tạo điều kiện cho việc truyền dữ liệu, các API RPC gọi các quy trình. Nói cách khác, chúng thực thi các tập lệnh trên một máy chủ.
API được ứng dụng ra sao?
Web API
Hệ thống API thường được sử dụng trong các hệ thống website. Việc ứng dụng Web API ở hầu hết website để cho phép kết nối, lấy dữ liệu hoặc cập nhật cơ sở dữ liệu một cách hiệu quả nhất. Các website sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn RESTful. Ví dụ: Thiết kế tính năng login thông qua Google, Facebook, Twitter…
API trên hệ điều hành
Hệ điều hành phổ biến như Windows hay Linux có rất nhiều API, cung cấp các tài liệu API đặc tả các hàm, phương thức, giao thức kết nối. Nhờ API, các lập trình viên có thể dễ dàng tạo ra các phần mềm ứng dụng cần thiết, tương tác với hệ điều hành.
API của thư viện phần mềm (Framework)
API mô tả, quy định các hành động mong muốn mà các thư viện cung cấp. Một API có thể có nhiều cách triển khai khác nhau và API giúp cho một chương trình viết bằng ngôn ngữ này có thể sử dụng được thư viện của ngôn ngữ khác. Ví dụ: Có thể dùng ngôn ngữ PHP để yêu cầu một thư viện tạo file PDF được viết bằng ngôn ngữ C++.
Một số lợi thế của API
Cũng giống như bất kì giải pháp Công nghiệp 4.0 nào, sử dụng API có thể mang lại nhiều lợi ích.
- Ứng dụng: Quyền truy cập vào các API đảm bảo tính linh hoạt hơn trong các quy trình truyền thông tin.
- Phạm vi tiếp cận: API cho phép tạo các lớp trong ứng dụng để phân phối thông tin đến các đối tượng khác nhau.
- Tùy chỉnh: Là một giải pháp để tạo ra những trải nghiệm khác nhau cho người dùng, cho phép các giao thức, chức năng và lệnh được điều chỉnh theo nhu cầu cụ thể.
- Hiệu quả: Khi có nội dung được xuất bản tự động và cung cấp đồng thời trên các kênh khác nhau, các API cho phép phân phối dữ liệu hiệu quả hơn.
- Khả năng thích ứng: Một trong những lợi ích lớn nhất của API là khả năng nó có thể thích ứng với những thay đổi thông qua việc di chuyển dữ liệu và tính linh hoạt của các dịch vụ.
Cách tạo ra API
Cách API và ERP hoạt động cùng nhau
Giống như bất kỳ phần mềm hoặc dịch vụ khác, API có thể nâng cao hiệu quả một cách đáng kể việc sử dụng phần mềm ERP cho doanh nghiệp. Các API có thể giúp phần mềm ERP kết nối và truy cập vào các ứng dụng, hệ thống khác và ngược lại. Trường hợp này, API hoạt động như một ứng dụng trung gian giữa ERP và phần mềm/ứng dụng thứ ba mà ERP muốn tương tác.
Ví dụ: API có thể giúp xuất dữ liệu từ phần mềm ERP sang các dạng dữ liệu trực quan (biểu đồ, đồ thị, bảng biểu…) của bên thứ ba. Từ những dữ liệu này, lập các bảng điều khiển, đồ họa và các báo cáo khác giúp các nhà phân tích và các bên liên quan dễ nhìn thấy thông tin chi tiết ẩn, lập biểu đồ về quá trình hoạt động doanh nghiệp.
Dù doanh nghiệp đang sử dụng hệ thống ERP hiện đại hay đã cũ hàng chục năm thì API vẫn luôn rất có ích trong việc nâng cao khả năng sử dụng hệ thống ERP. Tuy nhiên, có một vấn đề quan trọng là việc tạo ra các API này cần phải có thời gian, trừ khi bạn xây dựng được một giải pháp có thể tự động tạo ra được các API đảm bảo an toàn, bảo mật và đầy đủ tài liệu ngay lập tức.
>> Tham khảo thêm: Dịch vụ chữ ký số AN TOÀN – HIỆU QUẢ cho doanh nghiệp
Phần mềm ERP Fast Business Online có thể kết nối dữ liệu với các thiết bị và ứng dụng khác như ngân hàng điện tử, POS (Point of Sale), Barcode, QRcode, phần mềm cân xe… thông qua kết nối API, giúp tự động hóa quy trình, giảm thiểu các tác vụ thủ công, nâng cao tính chính xác và tiết kiệm thời gian. |
Nguồn tham khảo
1. Towardsdatascience.com: What is An API and How Does It Work?
2. Hubspot.com: 4 Types of APIs All Marketers Should Know
3. Blog.dreamfactory.com: APIs and ERPs: A Match Made in Heaven
PhươngLNU/FMK