fbpx

6 bước giúp việc lập kế hoạch đầu tư phần mềm ERP được chặt chẽ

12/01/2023

04/01/2023

1213

Để chuẩn bị cho sự tăng trưởng, các doanh nghiệp cần xem xét đầu tư vào công nghệ, nhất là đầu tư phần mềm ERP.

Một điều rõ ràng rằng: bất kỳ một khoản đầu tư vào công nghệ nào cũng phải mang lại giá trị cho doanh nghiệp. Để xác định được giá trị và chi phí tương ứng thì các doanh nghiệp cần phải lập một bản kế hoạch cho việc đầu tư công nghệ và xây dựng khuôn mẫu cho việc đo lường chỉ tiêu ROI. Bài viết này mô tả 6 bước giúp cho các doanh nghiệp xây dựng được kế hoạch cho việc đầu tư vào ERP.

Nội dung sẽ bao gồm:

Mô tả các thách thức trong kinh doanh

Đánh giá lợi ích của những giải pháp ERP

Đánh giá chi phí của giải pháp ERP

Đánh giá những rủi ro và các vấn đề phát sinh khi triển khai

Đề xuất lựa chọn giải pháp phù hợp

Đo lường ROI

1. Mô tả các thách thức trong kinh doanh

Bước đầu tiên trong xây dựng kế hoạch đầu tư là xác định rõ ràng những thách thức trong kinh doanh của doanh nghiệp để đưa ra quyết định đầu tư ERP.

Mô tả những khía cạnh của môi trường kinh doanh dẫn đến sự cần thiết của giải pháp ERP, bao gồm: Tại sao vấn đề đó tồn tại; nhân sự, quy trình hoặc những hạn chế về công nghệ gây ra rắc rối, những ảnh hưởng của các vấn đề đó đối với doanh nghiệp và thời hạn các vấn đề đó phải được giải quyết.

Một số thách thức chung dẫn làm cho các công ty phải xem xét đến giải pháp ERP bao gồm:

  • Mong muốn phát triển công ty
    Nhiều doanh nghiệp muốn phát triển thông qua việc sáp nhập hoặc tổ chức có hệ thống. Tuy nhiên, sự tồn tại của nhiều quy trình hoặc các ứng dụng kinh doanh có thể làm cho việc quản lý trở nên khó khăn trong các tập đoàn lớn.

    Ví dụ, sự tồn tại của phần mềm kế toán có thể không hỗ trợ công ty con hoặc các văn phòng ở nhiều địa bàn, công ty được mua lại có thể có những cách thức hoạt động riêng. Công ty cần một phần mềm ứng dụng chung để chuẩn hóa quy trình kinh doanh xuyên suốt toàn tổ chức.

    Doanh nghiệp cần một hệ thống có thể xử lý số lượng lớn nghiệp vụ và số người sử dụng ngày càng tăng. Hoặc cần có nhiều chức năng vượt trội như hệ thống báo cáo và phân tích kinh doanh phức tạp, CRM hoặc tính lương.

  • Quy trình kinh doanh không hiệu quả
    Nhiều doanh nghiệp thực hiện những quy trình kinh doanh tồn nhiều thời gian, không hiệu quả, không đúng hướng. Chẳng hạn, nhân viên trích lọc thông tin bằng tay trên bảng tính để lập báo cáo, nhập lại thông tin khách hàng vào các mẫu khác nhau, cũng như tổng hợp dữ liệu từ nhiều công ty bằng tay hoặc nhập thông tin từ sổ chấm công bằng giấy.
  • Nhu cầu cắt giảm chi phí
    Trong điều kiện khó khăn và không ổn định của nền kinh tế, nhiều tổ chức tìm cách cắt giảm chi phí hoạt động để giữ vững tỷ suất lợi nhuận. Lúc này, họ sẽ muốn triển khai ERP để tự động hóa những công việc thủ công và cho phép nhân viên tập trung vào những vấn đề khác.
    Nhiều doanh nghiệp sử dụng ERP để giảm chi phí vận chuyển và phân phối sản phẩm bằng cách đưa hoạt động của họ gần với khách hàng hơn.
    Một số doanh nghiệp muốn chuẩn hóa quy trình để quản lý hoạt động phân phối về mặt địa lý trong khi vẫn cho phép công ty tổng hợp thông tin tài chính.
  • Hệ thống lỗi thời
    Nhiều doanh nghiệp có hệ thống thông tin đã lỗi thời, nó không thể hỗ trợ gì thêm cho hoạt động của doanh nghiệp. Họ cần chuyển sang một hệ thống ERP mới có nhiếu chức năng hơn, dễ nâng cấp và hỗ trợ tốt hơn.

2. Đánh giá lợi ích của những giải pháp ERP

Thay thế một hệ thống đã lỗi thời bằng một hệ thống ERP hiện đại có thể mang lại cho doanh nghiệp những công cụ cần thiết thể xác định những thử thách kinh doanh khi cắt giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận.

Đó là những loại lợi ích của ERP mà tổ chức có thể mong đợi thu được từ việc triển khai. Khi đánh giá những giải pháp ERP khác nhau, tổ chức cần xem xét mỗi giải pháp mang lại những lợi ích đó như thế nào.

  • Giúp doanh nghiệp tăng trưởng
    Chuyển sang sử dụng hệ thống tích hợp ERP một cách toàn diện sẽ cung cấp cho doanh nghiệp chức năng họ cần để quản lý rộng hơn, tinh vi hơn. Một hệ thống phù hợp sẽ cho phép doanh nghiệp gia tăng khả năng sử dụng hệ thống thông qua việc bố trí, sắp xếp tất cả hoặc một phần chức năng của ERP.

    Hoặc đầu tiên, doanh nghiệp có thể triển khai thực hiện ERP trong một bộ phận với một số người sử dụng, sau đó dần dần kết nối người dùng mới bằng mạng nội bộ hoặc kết nối từ xa. Với giải pháp như vậy, tổ chức có thể quản lý sự phát triển của mình trong khi giảm thiểu chi phí bổ sung.

  • Nâng cao hiệu quả
    Giải pháp ERP phù hợp có thể cải thiện hiệu quả bằng cách cho phép tích hợp, tự động hóa, cải thiện quá trình ra quyết định và hợp tác tốt hơn.
  • Tích hợp cung cấp thông tin rõ ràng mạch lạc
    Giải pháp ERP phù hợp có thể tích hợp tất cả các quy trình quản lý vào một hệ thống thống nhất, liên kết thông tin và phân phối thông tin theo thời gian thực ở bất cứ nơi nào.
  • Cải thiện quá trình ra quyết định
    Một hệ thống ERP bao gồm các công cụ quản trị phân tích thông minh (BI) và các thông tin tích hợp giúp loại bỏ các quy trình lập báo cáo thủ công. Khả năng báo cáo tốt hơn cho phép nhân viên ra quyết định tốt hơn, nhanh hơn, được dựa trên dữ liệu. Các công ty cũng có thể sử dụng các công cụ BI để phân tích các quá trình kinh doanh để cải thiện các quá trình hiệu quả hơn.
  • Cộng tác tốt hơn
    Khả năng giao dịch điện tử với các đối tác, nhà cung cấp và / hoặc khách hàng cho phép các công ty quản lý quá trình làm việc end-to-end với khách hàng và đối tác một cách hiệu quả và mang lại lợi nhuận tốt hơn.

    Các công ty có thể đáp ứng các nhu cầu của các đối tác và khách hàng tốt hơn và nhanh hơn. Đối tác và khách hàng có cơ hội tham gia trong các quá trình của doanh nghiệp và đóng góp một phần của công việc, làm giảm nhu cầu lao động và chi phí.

3. Đánh giá chi phí của giải pháp ERP

Tiếp theo sẽ xác định tổng chi phí sở hữu. Những chi phí ứng dụng ERP thông thường bao gồm:

  • Chi phí bản quyền phần mềm
    Nhiều giải pháp ERP có chi phí bản quyền cao. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ thường tìm thấy những sản phẩm loại 1 (Tier 1) nhưng lại không có khả năng chi trả cho việc triển khai giải pháp ERP đó. Một giải pháp ERP thiết kế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) có chi phí thấp hơn và có những chức năng phù hợp hơn.
  • Chi phí mở rộng giải pháp
    Liệu rằng giải pháp đã đầy đủ, toàn diện hay nó yêu cầu doanh nghiệp phải nâng cấpbỏ thêm tiền để có được những chức năng cao cấp hơn?

    Hãy tìm kiếm một giải pháp có thể chứa đựng những tính năng tốt nhất và đầy đủ các phân hệ có thể sử dụng xuyên suốt doanh nghiệp: kế toán tài chính, bán hàng, mua hàng, quản lý hàng tồn kho và sản xuất. Giải pháp đó cũng phải dễ dàng mở rộng để đáp ứng được số lượng người tăng lên khi cần thiết.

  • Chi phí đào tạo
    Giao diện phần mềm sống động, trực quan sẽ giúp giảm chi phí đào tạo và cho phép người dùng truy cập hệ thống nhanh hơn. Hãy tìm kiếm những giao diện người dùng có đồ họa định hướng theo quy trình (graphical process-oriented user interface); cung cấp một bao quát về các công việc phải làm và các bước cần thực hiện.
  • Chi phí triển khai
    Triển khai ERP nổi tiếng là đắt đỏ. Để giảm thiểu chi phí và thời gian triển khai, mang lại lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROI) nhanh hơn, nên tìm kiếm phần mềm phù hợp với doanh nghiệp mà không cần phải chỉnh sửa thêm cũng như chi phí dịch vụ bảo trì hàng tháng.
  • Chi phí chỉnh sửa
    Hệ thống ERP cần có đầy đủ khả năng chỉnh sửa theo những yêu cầu đặc thù của doanh nghiệp.
  • Chi phí quản lý và bảo trì
    Để giảm chi phí quản lý và bảo trì, hệ thống phải bao gồm những công cụ quản trị đơn giản và toàn diện để dễ dàng cập nhật và duy trì hệ thống mà không cần nhiều nhân viên IT hay với sự hỗ trợ tối thiểu của bên thứ 3.

Hệ thống ERP cũng cần phải dễ dàng nâng cấp phù hợp với sự tăng trưởng và những yêu cầu mới của doanh nghiệp. Thiết kế tích hợp có thể làm cho hệ thống dễ dàng kích hoạt các chức năng mới khi cần thiết, kết nối người dùng mới vào hệ thống, hoặc nhanh chóng cung cấp cho chi nhánh mới một hệ thống quản lý hoạt động đầy đủ mà không cần phải chỉnh sửa các giao diện.

  • Những yêu cầu trong tương lai
    Hệ thống nên hỗ trợ những công nghệ mới nhất để cho phép dễ dàng sửa đổi khi có các thay đổi về phần cứng và công ngệ.

4. Đánh giá những rủi ro và các vấn đề phát sinh khi triển khai

Những vấn đề, rủi ro tiềm tàng bao gồm:

  • Rủi ro hoạt động
    Những rủi ro hoạt động bao gồm số lượng nhân viên sử dụng được phần mềm ít do nó quá phức tạp và độ tin cậy hay tính liên tục của hoạt động thấp. Những rủi ro này có thể được hạn chế bằng những giải pháp đáng tin cậy phù hợp với doanh nghiệp và dễ dàng tiếp nhận.
  • Rủi ro về IT
    Những rủi ro về IT bao gồm rủi ro hệ thống không còn thích nghi với những yêu cầu mới của hoạt động kinh doanh (như không cung cấp được những chức năng hoạt động phức tạp hoặc những chức năng quản lý trên diện rộng, trên toàn quốc) hoặc công nghệ mới.

    Rủi ro thứ 2 là hệ thống yêu cầu đội ngũ IT mạnh và yêu cầu có nhiều chu trình quản lý mà nguồn lực IT hiện có lại hạn chế. Những công cụ quản trị mạnh sẽ giảm thiểu rủi ro này. Để tránh thời gian triển khai lâu, nên tìm kiếm một hệ thống toàn diện, linh hoạt và cấu hình tốt.

  • Rủi ro về tài chính
    Hệ thống ERP có cài đặt tốn kém và yêu cầu thêm những phân hệ hoặc những chỉnh sửa đắt tiền. Giảm rủi ro này bằng một giải pháp toàn diện với giá cả thiết bị phù hợp với quy mô của doanh nghiệp.

5. Đề xuất lựa chọn giải pháp phù hợp

Một khi doanh nghiệp xác định được những lợi ích và chi phí cho những phương án, doanh nghiệp đã có thể lựa chọn một giải pháp phù hợp.

Khi xem xét các dịch vụ tư vấn ứng dụng của nhà cung cấp chuyên nghiệp hoặc đối tác tích hợp hệ thống, cần xem xét các yếu tố sau:

  • Những kỹ năng và kiến thức đưa ra giải pháp cho doanh nghiệp của bạn cũng như các doanh nghiệp trong ngành khác.
  • Số năm kinh nghiệm trong cung cấp dịch vụ.
  • Có sử dụng phương pháp luận cho việc triển khai để chuẩn hóa việc triển khai phần mềm thông qua việc đưa ra tất cả các bước quan trọng cần thực hiện.
  • Sự chu đáo trong việc chuẩn bị tài liệu về quy trình triển khai, các cột mốc quan trọng và các kết quả chuyển giao.

6. Đo lường ROI

Khi doanh nghiệp đánh giá những lợi ích và chi phí của ERP như thế nào trong quá trình ứng dụng ERP vào hoạt động, việc đó có thể bắt đầu bằng việc đo lường ROI (chỉ số hoàn vốn) dự kiến.

Sau khi xác định những yếu tố của ROI dự kiến, doanh nghiệp có thể tiếp tục theo dõi các yếu tố đó trong thời gian sau cài đặt để đo lường ROI thực tế. Tính toán ROI dựa trên công thức đơn giản:

ROI = [(Doanh thu từ đầu tư – Vốn đầu tư)/ Vốn đầu tư]*100

Khi xác định doanh thu từ hoạt động đầu tư, cần đảm bảo xem xét trên tất cả quy trình kinh doanh có ứng dụng ERP. Dựa vào tiết kiệm về thời gian, về chi phí tiết và sự gia tăng doanh thu từ việc áp dụng hệ thống mới. Tương tự, khi tính toán vốn đầu tư, phải xem xét tất cả chi phí chi tiết trên giấy bao gồm: chi phí bản quyền, đào tạo, cài đặt, bảo trì…

Nguồn tham khảo: The SAGE, HồngBT lược dịch

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *