fbpx

Thời đại mở, quản trị đừng đóng

03/01/2023

03/01/2023

1114

Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển hàng ngày của ngành công nghệ thông tin, từ thời kỳ hoàng kim của máy tính cá nhân, sau đó là thời đại Internet và bây giờ là thời đại đám mây. Cuộc cách mạng công nghệ thông tin kéo dài theo sự thay đổi đáng kể của tất cả các ngành kinh tế. Quản trị doanh nghiệp cũng đã có nhều thay đổi trong vòng 20 năm qua kể từ khi Internet trở thành phổ biến.

Chúng ta có thể nhận xét thấy nhiều sự tương đồng giữa quá trình phát triển của web với phương thức quản trị doanh nghiệp. Tương ứng với web 1.0 có doanh nghiệp 1.0 là phương pháp quản trị 1 chiều và công cụ ERP khi nó mới sinh ra cũng chỉ phục vụ cho quan điểm này. Bắt đầu từ năm 2000 chúng ta chứng kiến trào lưu web 1.5, nghĩa là sự tương tác 2 chiều, quản trị cũng đòi hỏi có quan hệ ngược lại và ERP cũng bước đầu phải đáp ứng điều này. Ngày nay chúng ta chứng kiến sự phát triển của tương tác đa chiều, giá trị của kinh doanh được bùng phát nhờ sự tương tác và xã hội hóa, đó chính là phiên bản 2.0. Có nhiều quan điểm cho rằng doanh nghiệp 2.0 là có sự tương tác, nhưng có lẽ chưa đủ, sự tương tác xã hội mới là thực sự là đúng nghĩa.

Với doanh nghiệp 1.0, người ta cho rằng cần áp dụng các chính sách quản lý chặt chẽ từ việc hành chính, nhân sự đến các quy trình hoạt động, rất nhiều doanh nghiệp ứng dụng chấm công nghiêm ngặt, có thể cấm sử dụng mạng xã hội, chat… trong văn phòng… Việc này có thể thuận lợi cho việc quản lý nhưng trở thành cứng nhắc và hiệu quả thấp. Ngày nay, nhu cầu làm việc mọi lúc mọi nơi ngày càng nhiều, thói quen của người dùng đã dần chuyển sang các thiết bị di động, nên các ứng dụng doanh nghiệp vốn nặng nề trước đây cũng buộc phải chuyển hướng theo. Doanh nghiệp đòi hỏi những ứng dụng có tính di động, tính hợp tác và tính tích hợp ngày càng cao.

Xu thế mạng xã hội và điện thoại thông minh đã được lan rộng trên toàn thế giới một cách nhanh chóng đã thay đổi hành vi của cả một thế hệ. Muốn hay không thì toàn cầu hóa cũng trở thành thực tế đối với mỗi thành viên của xã hội. Việc này thúc đẩy sự thay đổi tất cả các phương thức và công nghệ quản trị, từ nhận thức đến hành động. Như vậy, doanh nghiệp không những không thể bỏ qua việc ứng dụng công nghệ quản trị tiên tiến mà những ứng dụng quản trị  (ERP, CRM, HR…) cổ điển hầu như không còn phù hợp với thời đại nữa mà đòi hỏi sự thay đổi từ cấu trúc, hạ tầng, giải pháp đến ứng dụng. Khái niệm “CRM xã hội” (Social CRM) do Greenberg đưa ra là một triết lý và chiến lược kinh doanh mới mà ở đó các quy tắc và quy trình kinh doanh và các đặc tính xã hội, được thiết kế để đưa khách hàng vào cộng tác nhằm cung cấp những giá trị có lợi cho các bên, là sự đáp ứng của doanh nghiệp đối với những cuộc đối thoại của khách hàng. Đây là một phong cách marketing và quan hệ khách hàng hiện đại và hiệu quả.

Việc mở rộng ERP và tích hợp với những mạng xã hội hoặc ứng dụng cộng tác tưởng như không thể thì nay trở thành nhu cầu và nó đã hình thành “ERP xã hội” (Social ERP), ERP xã hội không có nghĩa là mạng ERP dùng chung, mà là sự tích hợp khéo léo với mỗi ERP những chức năng “xã hội hóa” để đạt được mục đích cao hơn, đó là sự cộng tác toàn diện với các đối tác. Một số dữ liệu cần thiết có thể được chủ động chia sẻ với đối tác, được gọi là “dữ liệu xã hội”, đây là ý tưởng tuyệt vời nhằm kết nối nhanh hơn và tiết kiệm chi phí. Tiêu chí kết nối mọi lúc mọi nơi và “CRM xã hội” được coi như thành phần cơ bản của ERP xã hội. Với sự chia sẻ và tham gia của đối tác vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp, đã chứng tỏ tính minh bạch thông tin nên nó có thể là thước đo cho sự tin tưởng trong kinh doanh.

Công nghệ mở cũng là xu hướng tất yếu của thời đại. Các phần mềm tự do nguồn mở là một hướng đi trường kỳ nhằm phấn đấu cho sự độc lập và tự do cho người sử dụng, đối nghịch với những công nghệ độc quyền, nay đã khẳng định sức ảnh hưởng. Chính phủ Việt Nam mặc dù đã ủng hộ xu thế này nhưng đáng tiếc là vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Đỉnh cao của nó là OpenStack (được phát triển bởi Rackspace và Nasa, Rackspace cung cấp phần lưu trữ và Nasa cung cấp mã nguồn) – một cuộc chơi toàn cầu đã được mở ra. Không một đại gia CNTT nào tự cho phép mình thoát khỏi cuộc chơi này, kể cả Micro-soft, Oracle vẫn được coi là cửa đóng then cài nhất.

Chúng ta thường nói đến mở cửa, xã hội mở, công nghệ mở, toàn cầu hóa, v.v…đó chính là xu hướng tất yếu của thời đại “không biên giới”. Nhận thức ra điều này sẽ giúp doanh nghiệp định hướng, cải tiến phương thức quản trị kinh doanh cho mình và lựa chọn những giải pháp phù hợp nhất thích ứng với xu hướng của thời đại, tiết kiệm được thời gian và chi phí một cách đáng kể trong việc hội nhập với kinh tế thế giới.

thoi-dai-mo

(Nguồn Tin học & đời sống)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *