fbpx

Nghề triển khai phần mềm

03/01/2023

03/01/2023

912

Nếu bạn không phải là dân trong ngành thì khi được một người bạn trả lời về nghề nghiệp của họ chính là “Triển khai” thì mình dám cá với bạn rằng lúc ấy trong đầu bạn đang đặt ra câu hỏi : “Có tồn tại hay không cái nghề này?” Và trường hợp cho dù bạn có nghe loáng thoáng đâu đó thì bạn cũng không hiểu được cụ thể công việc của họ là làm gì.

Đặc thù ngành chính là sự cộng hưởng của một con người đầy đủ kiến thức về CNTT và vững vàng về lĩnh vực kinh tế.

Là một nghề mà khoảng thời gian mài đũn quần bên khách hàng còn nhiều hơn ở công ty. Bắt đầu từ lúc ký hợp đồng, giai đoạn tư vấn, triển khai. Sự tự tin, suy nghĩ logic và xử lý nhanh nhạy các tình huống về sản phẩm là điều kiện cần để hoàn thiện một người Triển khai. Ngoài những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ thì dân triển khai đôi khi cũng cần cái “Duyên”.

Cái duyên đầu tiên được nhắc đến có lẽ là “Duyên với nghề”. Ở phòng triển khai, có bạn tốt nghiệp với tấm bằng kế toán, có bạn tốt nghiệp CNTT và lại có bạn tốt nghiệp chuyên ngành Hệ thống thông tin kinh tế,… Đến thời điểm ra trường ai ai cũng nghĩ mình sẽ trở thành một người kế toán, 1 lập trình viên hay một IT nào đó… và ít ai có thể nghĩ rằng kế toán – tài chính và CNTT lại liên quan mật thiết đến vậy trước khi chưa bước chân vào nghề.

Nhưng cái “Duyên” này chưa đủ để tạo nên một con người Triển khai. Để theo nghề, ngoài cái duyên thì “Nhẫn” là yếu tố được cho là bậc nhất đối với công việc đặc thù này. Áp lực của nghề thực sự quá lớn khi mà phải dung hòa giữa khách hàng và giải pháp phần mềm, phải kiên trì giải thích cho khách hàng hiểu các lợi ích khi ứng dụng vào doanh nghiệp.

Anh HuấnCG – Trưởng bộ phận FSI chia sẻ: “Gọi Triển khai là đam mê thì có chăng là một từ xa xỉ vì nó chỉ dùng cho những người làm nghệ thuật. Nhưng với anh Triển khai là một cái nghề, cái nghề đã gắn với anh gần 8 năm. Anh thuộc tuýp người nóng tính, cương quyết và cầu toàn. Khi tư vấn một việc gì đó theo cá nhân cho là phù hợp là tốt nhưng phía đối tác lại có suy nghĩ ngược lại. Có đôi lúc nản và muốn từ bỏ, những lúc ấy lại nhắc nhở mình “Nhẫn” với nghề thì lòng lại chùn xuống.”

Đến với công việc là một sự tình cờ, anh HồĐL – Bộ phận TV2/FSG tâm sự “Trước khi dấn thân vào công việc Triển khai anh từng đi dạy. Có thể nhìn vẻ bề ngoài và tính cách mọi người sẽ thấy anh hợp với vai trò là một thầy giáo hơn. Mọi sự đến với anh có lẽ là duyên với FAST. Thực ra, anh chỉ thử nộp hồ sơ vào công ty vì muốn trải nghiệm trước khi mình chọn nghề giáo làm điểm đến cuối cùng và thật sự không ngờ mình lại gắn bó với nó suốt 4 năm nay. Thời gian đầu, khi tiếp xúc những dự án đôi lúc cũng có một vài trục trặc nhưng với sự giúp đỡ của anh em cùng phòng thì những khó khăn, áp lực vơi đi rất nhiều.”

Công việc nào cũng vậy, đôi khi cũng có những va vấp bản thân, những bất đồng quan điểm với đối tác. Nhưng quan trọng bạn giải quyết nó thế nào, thái độ với công việc ra sao.

Cái duyên thứ hai mình muốn nói đến đó là “Duyên ngầm” trong con người anh em triển khai. Họ là những con người có khiếu hài hước. Ở họ hài hước không có nghĩa là mất đi sự nghiêm túc trong công việc. Việc hài hước ở một số tình huống mục đích xua tan đi căng thẳng trong công việc khi mà con số, công thức kế toán cứ nhảy lò cò trước mắt. Với họ đơn giản chỉ là: “Chơi hết sức – Làm hết mình”.

Và cuối cùng đó cái “Duyên ăn nói”. Với vai trò là người tiếp cận khách hàng từ những bước đầu tiên, vẽ ra mô hình tổng quan và đưa ra những giải pháp phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp. Với dân triển khai không chỉ biết nói là được mà phải tìm cách nói như thế nào, nói ra sao để có thể thuyết phục khách hàng tin tưởng bản thân mình, tin tưởng những giải pháp mà công ty mình mang lại để giải quyết bài toán trong doanh nghiệp.

Cũng ở chính cái duyên ăn nói ấy mà nhiều cô kế toán trước là khách hàng sau đó đem lòng yêu thương dân triển khai khi nào không hay.

Với nghề Triển khai, bạn sẽ không tránh khỏi những tình huống dở khóc dở cười chẳng hạn như anh HuấnCG – Bộ phận FSI chia sẻ: “Đó là lần anh triển khai dự án Fast Business cho một khách hàng muốn hệ thống hóa thông tin, bảo mật và giảm nhân sự. Sau hơn một tháng đưa vào sử dụng, BGĐ yêu cầu liệt kê danh sách nhân sự không phù hợp sử dụng phần mềm. Thế là chưa đầy một tuần sau đa phần những người đó anh không một lần gặp lại.”

Ở Việt Nam hiện nay, khi nguồn nhân lực Triển khai còn khá là hạn chế, việc đào tạo đội ngũ chuyên gia Triển khai có chất lượng lại không hề đơn giản. Chính vì vậy Triển khai được ví von là nghề “Cao cấp” trong lĩnh vực CNTT nói riêng và xã hội nói chung.

Ngoài ra, đây là nghề có quá nhiều sự lựa chọn giữa tiền bạc và lòng yêu nghề. Một người triển khai trong khoảng thời gian làm việc tại khách hàng, chứng tỏ bản lĩnh chiến đấu với các đặc thù ngành nghề, họ hiểu từng chi tiết nghiệp vụ do đó các khách hàng luôn luôn có cái nhìn thiện cảm. Những lời đề nghị về mức lương cao hơn vị trí tốt hơn từ phía khách luôn được đặt ra để thử thách tính yêu nghề của người Triển khai.

Anh HuêD – Bộ phận CSKH/FSG ví von nghề Triển khai thế này “Giống như người mang đuốc thắp sáng, cùng trăn trở một nỗi lo với doanh nghiệp. Đặc biệt khoảng cách địa lý với khách hàng cho nên có những bạn công tác rất dài ngày, đó là nguyên nhân vài trường hợp anh em trong công ty lại không biết nhau.”

Là vợ của một người Triển khai không tránh khỏi những giọt nước mắt hàng đêm khi chồng công tác dài ngày, những buổi làm việc đến tận đêm khuya, những lo lắng, những trăn trở cùng những tiếng thở dài khi dự án gặp trục trặc hay những cơn say mèm khi chồng tiếp khách hàng trở về.

Chị YếnPTH vợ anh HàoĐV hiện đang công tác tại phòng Triển khai 2 tâm sự: “Lấy nhau được 5 năm, người ta bảo rằng yêu nhau, tin nhau thì mới cưới nhau. Chị cũng vậy, chị tin chồng chị. Thời gian mới cưới chồng hay đi công tác buồn lắm chứ, cũng lủi thủi ở nhà một mình. Giờ thì bớt rồi vì có Ruby con trai chị. Thực ra, hai vợ chồng làm chung một công ty cũng là một cái thuận lợi cho chị vì lịch trình chồng đi đâu làm gì thì mình cũng nắm hết”

Ông bà ta có câu “Đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn”. Chị NhãNgTT chia sẻ “Chị được ông xã TânNT – bộ phận FSI giới thiệu vào làm, hai vợ chồng hiện nay công tác cùng công ty. Trước kia anh cũng thường hay chia sẻ về công việc nhưng chỉ hiểu được đôi chút thôi. Bây giờ thì làm chung biết thêm nhiều thông tin, biết rõ hơn công việc của chồng mình để chia sẻ và nhờ đó mà vợ chồng cũng có thêm đề tài để tâm sự. Là triển khai, gặp gỡ quen biết nhiều khách hàng nhưng chị tin rằng ông xã chị là người tốt, biết yêu vợ thương con và là một người sống có trách nhiệm nên chỉ không lo lắng lắm vấn đề chồng chị bị say nắng cô nào”.

Tuy không là nhân viên FAST nhưng chị Uyên bà xã anh HiếuPM là một gương mặt khá thân thuộc với bộ phận TK2/FSG. Cùng một nỗi niềm về các chuyến công tác xa của dân Triển khai chị Uyên chia sẻ “Vừa nhớ, vừa lo, vừa sợ em à. Có chuyến anh ấy đi tận 2 tuần mới về, nhưng công việc mà phải tập chấp nhận. Làm vợ không ai muốn chồng mình đi nhiều như thế đâu. Lần công tác của anh mà chị nhớ suốt cuộc đời này là lần chị mang bầu Ruby, gần tới ngày sinh mà ảnh vẫn miệt mài công tác. Chị cứ sợ lúc chị sanh sẽ không có anh bên cạnh nhưng trời thương sáng hôm đó anh về là tối chị sanh.”

Ừm! Công việc triển khai có khó khăn đấy, thách thức đấy, mệt nhoài đấy nhưng niềm vui bao giờ cũng được nhân lên gấp bội khi hoàn thành xong một dự án, giải quyết được các khó khăn của doanh nghiệp đề ra và với họ đó mới chính là niềm vui – là cuộc sống.

Hình ảnh các Bộ phận Triển khai tại 3 miền:

1Bộ phận FSI/FSG

2Bộ phận TK1/FSG

3Bộ phận TK2/FSG

4Bộ phận TV ERP/FHN

5Bộ phận TKFA/FHN

UyênHNP
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *