1. Kế toán xanh là gì?
Kế toán xanh là một loại kế toán cố gắng đưa yếu tố chi phí môi trường vào kết quả tài chính trong hoạt động của doanh nghiệp. Mục đích chính của kế toán xanh là giúp các doanh nghiệp hiểu và quản lý mối quan hệ có qua có lại giữa các mục tiêu kinh tế truyền thống và các mục tiêu môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững. (Theo Wikipedia)
Thuật ngữ kế toán xanh lần đầu tiên được sử dụng phổ biến bởi nhà kinh tế Peter Wood vào những năm 1980.
Để dễ nắm bắt khái niệm hơn,có thể định nghĩa kế toán xanh như sau
Kế toán xanh có thể hiểu là một hệ thống kế toán hiện đại và toàn diện nhằm ghi chép, tổng hợp và lập báo cáo cho một tổ chức, để phản ánh đầy đủ các nội dung về tài sản, nợ phải trả, vốn đầu tư, nguồn thu và các khoản chi cho môi trường xanh của quốc gia.
Theo S. Sudhamathi, S. Kaliyamoorthy (2014), kế toán xanh bao gồm 3 mục tiêu chính:
- Xác định, thu thập, tính toán và phân tích vật liệu và các vật liệu liên quan đến năng lượng;
- Báo cáo nội bộ và sử dụng thông tin về chi phí môi trường;
- Cung cấp thông tin liên quan đến chi phí khác trong quá trình ra quyết định, với mục đích đưa ra các quyết định hiệu quả và góp phần bảo vệ môi trường.
Một số nghiên cứu cho rằng, kế toán xanh được chia thành nhiều góc độ khác nhau, bao gồm 5 nội dung chính: Kế toán tài chính môi trường; kế toán quản trị môi trường; tài chính môi trường; pháp luật về môi trường; đạo đức và quan hệ với cộng đồng xã hội.
>>> Xem thêm: Kế toán tổng hợp là gì? Mô tả công việc kế toán tổng hợp
2. Lợi ích mà kế toán xanh mang lại
Các nghiên cứu và thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp trên thế giới cho thấy, một số lợi ích của kế toán xanh đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cụ thể:
2.1 Giúp cung cấp thông tin cụ thể
Kế toán xanh giúp cung cấp thông tin, kiểm tra lợi nhuận, doanh thu và chi phí môi trường của doanh nghiệp để từ đó nhà quản trị đưa ra các quyết định sản xuất kinh doanh.
2.2 Nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Việc áp dụng kế toán xanh sẽ giúp nâng cao uy tín, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Kế toán xanh giúp cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và toàn diện hơn để đo lường quá trình thực hiện, từ đó cải thiện hình ảnh của doanh nghiệp với các bên liên quan, giúp doanh nghiệp cải thiện quan hệ với chủ nợ, ngân hàng, cổ đông, khách hàng… Việc đáp ứng được các tiêu chuẩn môi trường quốc tế giúp doanh nghiệp tạo được lợi thế thương mại, nâng cao uy tín trong cộng đồng nhờ phát triển hình ảnh “xanh”.
2.3 Giảm giá thành sản xuất
Áp dụng kế toán xanh giúp giảm giá thành sản xuất. Nếu thực hiện tốt, doanh nghiệp sẽ hạn chế được yếu tố đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng, nhân công bị tiêu hao trong quá trình tạo ra ô nhiễm, làm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, tăng lợi thế cạnh tranh do giảm được giá thành sản xuất.
2.4 GIúp nhà quản trị dễ dàng đưa ra quyết định
Việc thực hiện tốt kế toán xanh giúp nhà quản trị có thể đưa ra những quyết định quan trọng như giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất tốt hơn, sạch hơn, đem lại những sản phẩm có chất lượng, dẫn đến làm giảm giá thành. Điều này giúp doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh về giá bán và lợi nhuận cao hơn, giảm được các vấn đề về mặt pháp lý.
2.5 cải tiến hệ thống hạch toán
Kế toán xanh còn giúp cải tiến hệ thống hạch toán hiện có nhờ vào việc tổ chức hệ thống thông tin kế toán khoa học hơn và gắn kết được luồng thông tin của các hoạt động từ các bộ phận của doanh nghiệp.
2.6 Dự báo các tác động của môi trường
Kế toán xanh giúp cung cấp cho kế toán lường trước các tác động của môi trường, một số yếu tố có thể gây ra cho một doanh nghiệp hoặc tổ chức, từ đó giúp các nhà quản trị doanh nghiệp và các nhà làm chính sách có cách thức đối phó và giải quyết hợp lý. Từ đó, giúp giảm các rủi ro về môi trường cũng như rủi ro về sức khỏe cộng đồng, đồng thời cải thiện công tác kế toán quản trị và tài chính môi trường ở phạm vi doanh nghiệp.
2.7 Cung cấp thông tin quan trọng
Kế toán xanh góp phần tìm kiếm, cung cấp các thông tin quan trọng và cần thiết về các chi phí và doanh thu có liên quan đến môi trường; hướng dẫn các doanh nghiệp, các chủ dự án trong các quyết định kinh tế, khuyến khích họ nỗ lực trong việc sử dụng tài nguyên, kể cả tài nguyên thiên nhiên do con người tạo ra một cách có hiệu quả và hạn chế tối đa sự hủy hoại môi trường, hạn chế rác thải và sự ô nhiễm, thay đổi các hành vi đối xử với môi trường sống.
Ảnh minh họa
3. Một số khó khăn khi vận dụng kế toán xanh
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã tạo ra lượng chất thải gây hại đến môi trường. Cùng với chiến lược phát triển của Việt Nam là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, bảo vệ tốt môi trường và giải quyết hài hòa các vấn đề kinh tế, môi trường và xã hội. Nhà nước đã quan tâm và ban hành ngày càng nhiều các quy định mang tính pháp lý để hạn chế sự khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời, cũng là để hạn chế tới mức tối đa các hành vi vi phạm, hủy hoại môi trường, gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng kế toán xanh tại Việt Nam hiện nay cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức:
- Nhiều doanh nghiệp có xu hướng tránh né việc áp dụng kế toán xanh. Và để các doanh nghiệp thực hiện tốt các pháp lý, tất yếu phát sinh thêm nhiều loại chi phí với quy mô ngày càng lớn liên quan đến môi trường, đến bảo vệ môi trường, xử lý các tác động đến môi trường và nâng cao chất lượng môi trường trong hợp đồng kinh doanh của các doanh nghiệp và trong triển khai các dự án đầu tư.
- Hiện nay, trên các tài khoản kế toán chưa ghi nhận các chi phí đáng kể liên quan đến môi trường như chi phí sửa chữa, đền bù, chi phí khắc phục sự cố và chi phí dọn dẹp, xử lý trong các vụ tai nạn, hủy hoại môi trường sinh thái, môi trường sống.
- Các quy định về tài chính, các chuẩn mực, các chế độ kế toán và thực tế của hợp đồng chưa cung cấp và đáp ứng được những thông tin cần thiết về các chi phí liên quan đến môi trường theo các yêu cầu cho việc ra quyết định các hợp đồng và lập báo cáo tài chính.
- Thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ: Việc áp dụng kế toán xanh đòi hỏi đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn cao về kế toán và môi trường. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực này còn thiếu hụt.
4. Nâng cao hiệu quả của kế toán xanh với việc phát triển bền vững
Thời gian tới, nhằm đẩy mạnh việc vận dụng kế toán xanh, cần chú trọng triển khai các giải pháp sau:
Phía cơ quan quản lý, cần nhận thức rằng, đối với các quốc gia, khi mà yếu tố đầu vào của nền kinh tế còn dựa khá nhiều vào tài nguyên thiên nhiên thì việc vận dụng kế toán đòi hỏi mang tính bắt buộc, nhưng cần một lộ trình lâu dài hợp lý.
Phía doanh nghiệp:
- Cần thay đổi nhận thức trong việc vận dụng kế toán xanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Các nhà quản trị doanh nghiệp cần phải có nhiều thông tin hơn về khía cạnh chi phí liên quan đến môi trường phát sinh trong các hợp đồng của doanh nghiệp để đưa ra được các quyết định đầu tư kinh doanh phù hợp, qua đó, vừa có thể tìm kiếm lợi nhuận từ các dự án, vừa tránh được các khoản xử phạt liên quan đến môi trường.
- Tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán để đáp ứng được yêu cầu công việc trong bối cảnh mới. Do kế toán xanh chưa được phổ biến trong các doanh nghiệp Việt Nam, vì thế cần chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ kế toán viên, đồng thời xây dựng phòng kế toán có năng lực và kinh nghiệm về kế toán xanh…
>>> Xem thêm: Phần mềm quản trị tài chính – kế toán FAST
Nguồn tham khảo
1. Wikipedia: Green Accounting
2. Tạp chí tài chính online: Ứng dụng kế toán xanh ở Việt Nam và một số vấn đề đặt ra, Hiệu quả vận dụng kế toán xanh trong xu thế phát triển bền vững