fbpx

Chuẩn mực kế toán Việt Nam – Những điều cần biết

09/04/2024

04/01/2023

4419

Chuẩn mực kế toán là gì? Chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện nay có bao nhiêu chuẩn mực, có ý nghĩa như thế nào đối với doanh nghiệp. Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Chuẩn mực kế toán là gì?

Theo khoản 1 điều 7, luật Kế toán số 88/2015/QH13 thì “Chuẩn mực kế toán gồm những quy định và phương pháp kế toán cơ bản để lập báo cáo tài chính.”

Ở Việt Nam, chuẩn mực kế toán do Bộ Tài Chính chịu trách nhiệm ban hành.

Theo khoản 3 điều 7, luật Kế toán số 88/2015/QH13 quy định:
“Bộ Tài chính quy định chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về kế toán phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.”

Chuẩn mực kế toán Việt Nam có tên tiếng Anh là Vietnam Accounting Standards, viết tắt là VAS.

Mục đích chung của việc soạn thảo và ban hành các chuẩn mực kế toán là để thống nhất hoạt động kế toán trong một phạm vi địa lý (Có thể là trong một quốc gia, một khu vực hay trên toàn thế giới).

>>> Xem thêm: Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam (VFRS)

Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam

Từ năm 2000 đến năm 2005, Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) gồm có 26 chuẩn mực do Bộ Tài chính ban hành được xây dựng theo nguyên tắc vận dụng có chọn lọc dựa trên các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS/IFRS).

Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam mới nhất hiện nay bao gồm 26 chuẩn mực do Bộ Tài chính ban hành qua 5 đợt:

Đợt 1: Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31-12-2001 ban hành 4 chuẩn mực kế toán (Thông tư hướng dẫn 161/2007/TT-BTC)

Chuẩn mực số 02 – Hàng tồn kho.
Chuẩn mực số 03 – Tài sản cố định hữu hình.
Chuẩn mực số 04 – Tài sản cố định vô hình.
Chuẩn mực số 14 – Doanh thu và thu nhập khác.

Đợt 2: Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31-12-2002 ban hành 6 chuẩn mực kế toán (Thông tư hướng dẫn 161/2007/TT-BTC)

Chuẩn mực số 01 – Chuẩn mực chung.
Chuẩn mực số 06 – Thuê tài sản.
Chuẩn mực số 10 – Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái.
Chuẩn mực số 15 – Hợp đồng xây dựng.
Chuẩn mực số 16 – Chi phí đi vay.
Chuẩn mực số 24 – Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Đợt 3: Quyết định số 234/2003/QĐ-BTC ngày 30-12-2003 ban hành 6 chuẩn mực kế toán (Thông tư hướng dẫn 161/2007/TT-BTC)

Chuẩn mực số 05 – Bất động sản đầu tư.
Chuẩn mực số 07 – Kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên kết.
Chuẩn mực số 08 – Thông tin tài chính về những khoản góp vốn liên doanh.
Chuẩn mực số 21 – Trình bày báo cáo tài chính.
Chuẩn mực số 25 – Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán các khoản đầu tư công ty con.
Chuẩn mực số 26 – Thông tin về các bên liên quan.

Đợt 4: Quyết định số 12/2005/QĐ-BTC ngày 15-02-2005 ban hành 6 chuẩn mực kế toán (Thông tư hướng dẫn 20/2006/TT-BTC)

Chuẩn mực số 17 – Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Chuẩn mực số 22 – Trình bày bổ sung báo cáo tài chính của các ngân hàng và tổ chức tài chính tương tự.
Chuẩn mực số 23 – Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
Chuẩn mực số 27 – Báo cáo tài chính giữa niên độ.
Chuẩn mực số 28 – Báo cáo bộ phận.
Chuẩn mực số 29 – Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót.

Đợt 5: Quyết định số 100/2005/QĐ-BTC ngày 28-12-2005 ban hành 4 chuẩn mực kế toán (Thông tư hướng dẫn 21/2006/TT-BTC)

Chuẩn mực số 11 – Hợp nhất kinh doanh.
Chuẩn mực số 18 – Các khoản dự phòng, tài sản và nợ tiềm tàng.
Chuẩn mực số 19 – Hợp đồng bảo hiểm.
Chuẩn mực số 30 – Lãi trên cổ phiếu.

Đặc điểm chuẩn mực kế toán Việt Nam

Chuẩn mực kế toán Việt Nam được ban hành trên cơ sở chuẩn mực kế toán quốc tế.

Các chuẩn mực kế toán được soạn thảo dựa trên chuẩn mực kế toán quốc tế được ban hành nhưng có sửa đổi bổ sung một số điều. Việc soạn thảo các chuẩn mực kế toán Việt Nam dựa trên các chuẩn mực kế toán quốc tế giúp cho hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam sớm đạt được công nhận của quốc tế.

Hiện nay, chuẩn mực kế toán Việt Nam ban hành chỉ gồm 26 chuẩn mực trong khi quốc tế đã ban hành 41 chuẩn mực. Vì vậy, chuẩn mực kế toán Việt Nam còn thiếu nhiều tiêu chuẩn tương đương để bắt kịp xu hướng quốc tế.

Nguyên tắc soạn thảo chuẩn mực kế toán Việt Nam

Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam được xây dựng theo nguyên tắc:

Xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán dựa trên các chuẩn mực kế toán do IASC (International Accounting Standards Committee) công bố.

Phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam, phù hợp với hệ thống pháp luật, trình độ, kinh nghiệm kế toán của Việt Nam.

Chuẩn mực kế toán Việt Nam đơn giản, rõ ràng và tuân thủ các quy định về thể thức ban hành văn bản pháp luật Việt Nam. Bố cục mỗi chuẩn mực kế toán bao gồm 2 phần: Quy định chung và nội dung chuẩn mực. Cụ thể:

  • Phần quy định chung: Mục đích, nội dung cơ bản, phạm vi áp dụng và các thuật ngữ sử dụng trong chuẩn mực.
  • Phần nội dung: Mỗi nội dung được thành lập đoạn riêng và ghi số liên tục.

Chuẩn mực kế toán Việt Nam có hệ thống quan điểm hành xử thống nhất cho các kế toán viên trước các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh.

Ý nghĩa chuẩn mực kế toán đối với doanh nghiệp

  • Chuẩn mực kế toán ra đời giúp minh bạch các thông tin trên Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, có khả năng phản ánh đúng về thực trạng của doanh nghiệp và là cơ sở để so sánh tình hình tài chính của các doanh nghiệp với nhau.
  • Xây dựng niềm tin với các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đánh giá các thông tin tài chính được minh bạch của doanh nghiệp.
  • Chuẩn mực kế toán là tiêu chuẩn để doanh nghiệp lập và trình bày báo cáo tài chính.
  • Cơ sở để các nhà đầu tư trong và ngoài nước kiểm tra, xem xét tính minh bạch, trung thực của báo cáo tài chính.
  • Tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán phát triển và thu hút vốn đầu tư.

>>> Xem thêm: IFRS là gì? Điều cần biết về Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế

Nguồn tham khảo

Tapchicongthuong.vn: Sự cần thiết của chuẩn mực kế toán với nền kinh tế

PhươngLNU/FMK

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *