fbpx

“Vô vi” như là một lối sống

09/01/2023

03/01/2023

1136

Sống tự nhiên, làm việc tự nhiên, để mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên thì con người dễ hạnh phúc hơn… Đó là quan điểm sống của ông Phan Quốc Khánh, Giám đốc Công ty Phần mềm FAST.

Lập công ty là do… tình cờ

PV: “Lướt” trên website www.fast.com.vn có người ngạc nhiên thấy tên tất cả khách hàng của FAST trên đó. Ông không sợ “tiết lộ bí mật” cho đối thủ cạnh tranh hay sao?

Ông Phan Quốc Khánh: Việc chúng tôi đưa tên khách hàng lên website của mình làm nhằm giúp khách hàng tiềm năng biết được khách hàng hiện tại của FAST là ai. Tôi nghĩ, việc gì cũng sẽ có hai mặt: lợi và hại. Song, cuối cùng chúng tôi thấy nó có lợi cho khách hàng biết rõ về chúng tôi nên quyết làm vậy.

Ông có vẻ không sợ cạnh tranh?

Không phải là không sợ cạnh tranh. Trong nội bộ chúng tôi cũng trao đổi nhiều về vấn đề này và cũng đưa ra các giải pháp thế này, thế kia. Tuy nhiên theo đuổi làm cái mình thích, cái mang lại nhiều niềm vui cho bản thân nhiều khi nó vượt qua các suy luận logic. Có thể do cạnh tranh hiện nay ở nước ta trong lĩnh vực của chúng tôi làm chưa thực sự khốc liệt. Một phần nữa là do chúng tôi cũng có may mắn. Chúng tôi lập công ty năm 1997, khi đó có ít đơn vị; làm về cung cấp phần mềm cho doanh nghiệp, mà nhu cầu khá cao. Từ đó chúng tôi cứ “từ từ mà tiến”, xây dựng FAST cho đến hôm nay. Yêu cầu của doanh nghiệp ngày càng cao, do đó để một doanh nghiệp mới, bắt đầu từ đầu, xâm nhập thị trường không phải dễ dàng.

Ông đánh giá vị trí của FAST hiện nay trên thị trường như thế nào?

Chắc là chúng tôi thuộc top đầu trong phần mềm doanh nghiệp ERP cỡ vừa và lớn, và phần mềm kế toán cho doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ.

Ông hài lòng với những thành tưu FAST đạt được chứ?

Một số người bảo tôi là người “an phận”. Chúng tôi không đặt cho công ty những mục tiêu dạng như hàng đầu, đứng đầu… Chúng tôi đặt ra các mục tiêu so với chính bản thân mình thôi. Kế hoạch của chúng tôi là mỗi năm tăng trưởng khoảng 25-50%.

Làm kinh doanh phải chấp nhận rủi ro, mạo hiểm nên đâu nói “an phận” được, thưa ông?

Tôi tham gia lập công ty khá… tình cờ. Tôi tốt nghiệp ở Nga năm 1989, sau khi về nước 1-2 năm thì làm tại FPT cho đến năm 1995. Sau đó, tôi tách ra làm theo kiểu “freelance” (tự do) vì thấy đóng góp cho FPT chả được là bao, doanh thu nhóm chúng tôi làm ra chỉ “bé tí tẹo” so với doanh thu của FPT. Rồi vài người bạn quen biết, thấy tôi có thời gian đã đề nghị cùng lập công ty. Làm tự do một mình cũng chán, nên mọi người rủ vui thì cùng làm. Vậy thôi. Khi đó chỉ có một mình tôi là tự do nên được giao làm Giám đốc. Một anh bạn nữa thì tham gia làm part time, sau khoảng 2 năm thì cũng không tham gia trực tiếp nữa. Còn những người khác thì chỉ góp tiền và tham gia HĐQT.

Thích sự lâu dài, bền vững

Quan điểm của Ông trong kinh doanh? Nó thể hiện trong hoạt động của FAST thế nào, thưa ông?

Tôi thích sự lâu dài, bền vững.

FAST phát triển các dòng sản phẩm, khách hàng có thể “nâng cấp” phần mềm quản lý khi kinh doanh của họ phát triển mức cao hơn. Chúng tôi “đi đường dài” với họ. Với doanh nghiệp vừa và nhỏ FAST có phần mềm kế toán Fast Book, Fast Accounting. Còn với doanh nghiệp vừa và lớn chúng tôi giải pháp quản trị tài chính kế toán Fast Financial và giải pháp ERP Fast Business.

Ngoài ra chúng tôi đặc biệt chú trọng khâu dịch vụ tư vấn trong quá trình sử dụng, thông qua các hợp đồng dịch vụ hỗ trợ hàng năm. Sự hỗ trợ, tư vấn rất quan trọng vì đa phần các vấn để nảy sinh là trong quá trình thực tế doanh nghiệp sử dụng phần mềm. Khách hàng ngày càng chú trọng đến việc hỗ trợ tin cậy, kịp thời, vì nó đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của họ luôn được thông suốt. Điều này thể hiện qua số liệu kinh doanh của chúng tôi. Hiện mảng “dịch vụ tư vấn, hỗ trợ” chiếm tỷ trọng gần 30% doanh số của FAST, và sẽ tăng dần lên tới khoảng 40-50%, vì hàng năm chúng tôi có hơn 1.000-1.500 khách hàng mới.

Với nhân viên ông làm gì để họ “bền vững” với FAST?

Mơ ước của tôi là làm sao nhân viên đạt được mức 5 trong thang bậc nhu cầu của Maslow: hiện thực hóa các năng lực của mình (self-actualizing needs). Công ty tạo các điều kiện để các nhân viên có thể phát huy các khả năng tiềm ẩn của mình, trong công việc, trong các hoạt động văn thể, cộng đồng. Quan điểm của tôi là người ta sẽ hạnh phúc khi giải phóng được các năng lực của mình, khi biến thế năng thành động năng.

Nhưng FAST chỉ có thể làm tốt nhất trong khả năng của mình. Vì thế, tôi tôn trọng quá trình “chọn lọc tự nhiên”: nhân viên của FAST ai thấy phù hợp sẽ ở lại và những người mới phù hợp sẽ gia nhập đội ngũ. Nếu bạn vào mục “Con người, nghề nghiệp tại FAST” trên website sẽ thấy có nhiều bài về các nhân viên FAST. Các ứng viên muốn gia nhập FAST sẽ có hình dung về môi trường và nhân sự tại FAST rõ ràng hơn. Sẽ dễ biết mình có phù hợp với FAST không? Còn nhân viên tại FAST sẽ hiểu những đồng nghiệp xung quanh hơn. Khi hiểu rồi thì dễ chơi thân với nhau hơn và có thể học hỏi lẫn nhau nhiều hơn. Tôi quan niệm “bạn bè hay ngôi sao không ở đâu xa”, hãy xây dựng tình bạn với các đồng nghiệp và chính đồng nghiệp bên cạnh bạn là người có nhiều thứ cần để bạn học hỏi và trân trọng.

Nghe nói FAST có đội bóng đá rất “siêu”?

Vì đa số nhân viên FAST là nam nên mọi người tổ chức chơi bóng khá sôi động. Vừa rồi, chúng tôi có tới hai đội tham gia giải bóng đá HCA Futsal của Hội Tin Học TP HCM. Vui chơi cũng là một phần tất yếu của cuộc sống mà… (cười).

“Vô vi” – làm mà như không làm

Thật thú vị khi nghe ông nói chuyện về FAST, còn cá nhân ông thì sao?

Bố mẹ tôi người Nghệ An. Nhưng tôi sinh ra và học hết phổ thông ở Thanh Hóa. Khi đó đang còn chiến tranh nên sơ tán liên tục. Khi học đại học và sau đại học tôi ở Nga 10 năm. Sống và làm việc ở Hà Nội khoảng 10 năm và vào ở Sài Gòn đến bây giờ cũng vừa tròn 10 năm.

Có thể việc di chuyển sống ở nhiều nơi giúp tôi có cái nhìn “thoáng” hơn trong mọi chuyện. Nhưng trong gia đình, tôi đặc biệt thích mô hình “tứ đại đồng đường”. Có thể vì tôi đã xa gia đình khá nhiều, từ khi học cấp 3, và bây giờ mỗi anh em trong gia đình sống ở các tỉnh, thành phố khác nhau. Khi thấy một số đại gia đình khác, cuối tuần con cái, cháu chắt kéo về nhà bố mẹ, ông bà cùng tu tập với nhau, tôi cũng mong muốn được như vậy. Thật vui vẻ, hạnh phúc. Và thật đơn giản, không cần gì cao xa cả.

Được biết, ông hay tới Nhà tình thương thuộc Chùa Diệu Giác chơi với trẻ em ở đó?

Vâng, mỗi khi có thời gian là tôi sang bên đó. Một tuần khoảng 1-2 lần. Chỉ cách nhà tôi gần 10 phút xe máy. Xem các em chơi. Chơi cùng với các em…

Cảm giác của ông khi đến với các em?

Tôi qua đó chỉ “chat chit” với các em những chuyện hàng ngày, bình thường của cuộc sống: học hành, mong muốn, nhu cầu, vui buồn… Hỏi han và lắng nghe các em. Nếu các em cần hỗ trợ để học thêm thì công ty hoặc cá nhân tôi sẽ giúp đỡ. Ngoài việc giúp đỡ về vật chất và tiền bạc thì nhà chùa, các sư cô đánh giá rất cao việc dành thời gian chơi với các em. Các em không chỉ thiếu về vật chất, mà còn thiếu những người bạn lớn tuổi hơn (các em không có gia đình).

Điều đó đòi hỏi tình thương rất lớn thưa ông?

Với tôi chắc không phải như vậy. Tôi làm điều đó một cách tự nhiên, theo nhu cầu bên trong của bản thân. Hơn thế nữa, nó còn mang lại cho tôi niềm vui, sự bình an. Có lẽ sự đơn giản, vô tư của trẻ thơ giúp cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

Ông có thể nói về quan điểm sống của mình?

Tôi theo quan điểm “vô vi”của Lão Tử. Tôi có đọc một số sách về Đạo Phật. Và tôi thích Thiền Tông. Hiện tại tôi đang đọc “Tu bụi” của Trần Kiêm Đoàn. Trước đó tôi có đọc “Trưởng thành – trách nhiệm là chính mình” của Osho và một số sách khác của Osho; rồi “Người vô sự” của Lâm Tế; hay sách của Thích Nhất Hạnh; Thiền tâm – Sơ tâm của Suzuki…

Tôi có cảm nhận thấy chúng đều có tinh thần “vô vi” của Đạo Lão trong đó. Sống tự nhiên theo cái con người mà mình được sinh ra, làm việc tự nhiên, để mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên, không gò ép. Khi đó sẽ cảm thấy “vô vi” – “làm mà như không làm”, vì nó thuận tự nhiên. Và con người dễ hạnh phúc hơn. Vô vi cũng “tôn trọng sự khác biệt” hơn là phân biệt “đúng sai”. Khi tôn trọng sự khác biệt, tôi thấy hiểu người khác hơn, hiểu bản thân hơn. Từ đó dễ hòa hợp hơn với chính mình và môi trường xung quanh.

Xin cám ơn ông vì cuộc trò chuyện thú vị.

Song Hà, PC World Việt Nam, tháng 11.2011,
chuyên mục “Chat với nhà quản lý”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *