fbpx

Trò chuyện với Ông Phan Quốc Khánh, GĐ Công ty FAST

03/01/2023

03/01/2023

1480

Thong dong “lướt sóng” thương trường…

Năm qua là một năm đầy sóng gió, lao đao, chật vật, vất vả của hầu hết những người làm kinh doanh. Nhưng giữa chốn thương trường đầy sóng gió đó ông Phan Quốc Khánh, Giám đốc Công ty Cổ phần Phần mềm FAST lại vẫn thong dong và khá lạc quan về tình hình kinh doanh, phát triển của công ty. Ông cũng có những quan điểm sống và quản trị khá đặc biệt.

Không đặt mục tiêu phải là số 1

Cuối năm la cà, tìm hiểu về tình hình kinh doanh của một số doanh nghiệp lĩnh vực phần mềm trong năm qua khá nhiều doanh nghiệp mà “Tin học và Đời sống” thăm hỏi đều lắc đầu chua chát về một năm kinh doanh toàn màu “xám”! Thế nhưng, trong bối cảnh khó khăn đó, ông Khánh vẫn lạc quan về tình hình kinh doanh của đơn vị mình. Ông chia sẻ, năm 2012 doanh thu toàn công ty hoàn thành 90% kế hoạch đặt ra và tăng gần 5% so với năm 2011. Một kết quả không tồi so với tình hình chung. Sản phẩm của FAST vẫn được định kỳ cập nhật công nghệ mới, đáp ứng được nhu cầu mới của khách hàng nên ngày càng được khách hàng chủ động tìm đến sử dụng nhiều hơn. Năm 2012 công ty có thêm 1206 khách hàng mới. Ông hài lòng với kết quả đạt được.

Trong tình hình kinh tế trì trệ ông không kêu khó, không đề nghị hỗ trợ từ nhà nước về vốn, thị trường, chính sách, thuế… Ông cho rằng đó là những việc tất yếu gặp phải trên đường đi. Đã là tất yếu, không tránh khỏi thì tập trung nghĩ cách giải quyết vấn đề chứ không phải kêu khó. Nếu không giải quyết được thì tiếp nhận nó một cách nhẹ nhàng như là một điều tất yếu. Ông bảo, “chúng ta toàn là những người được học cao, đào tạo bài bản, sao lại đi đòi hỏi Nhà nước phải hỗ trợ cái này hỗ trợ cái kia? Nguồn lực của Nhà nước có hạn, nếu Nhà nước có chính sách hỗ trợ thì hãy hỗ trợ cho những người nông dân ở vùng sâu, vùng xa!”

Quan điểm của ông cũng rất lạ: “Tôi thấy nhiều người cứ phàn nàn vì công nghệ của Việt Nam không bằng nước này hay không bằng nước kia; Việt Nam sao không là thế này không là thế kia…! Tại sao chúng ta lại cứ phải sống trong việc so sánh, chạy đua với người khác. Mỗi người sinh ra là khác nhau về năng lực, khả năng. Không thể so sánh người này với người kia, tổ chức này với tổ chưa kia được.” Ông không đặt mục tiêu FAST phải là công ty cung cấp phần mềm số 1 hay đứng hàng đầu trong lĩnh vực của mình mà ông chỉ đặt ra mục tiêu để so với chính bản thân mình và vạch ra kế hoạch mỗi năm tăng trưởng khoảng 15 – 30%.

“Trợ thủ” đắc lực của nhân viên

Trong lúc ngồi tiếp chuyện phóng viên “Tin học và Đời sống”, một nhân viên của FAST bước vào nói “anh Khánh, sáng thứ 2 anh có lịch hẹn với khách hàng nhé”. Ông Khánh “ừ” và nói vui khi nhân viên của công ty vừa bước ra khỏi phòng khách: “Đấy, ở đây nhân viên bảo gì là mình phải làm theo đó. Mình dù lớn nhất ở đây nhưng nhân viên quyền to hơn…!”. Về tổ chức công việc, ông Khánh chia sẻ, cấp dưới của ông được phân công nhiệm vụ và họ được quyền quyết định trong phạm vi công việc của mình. Ông ít khi can thiệp, cũng không áp chỉ tiêu cho cấp dưới mà để họ tự hoạch định kế hoạch và chọn mức chỉ tiêu cho mình. Ông sẽ hỗ trợ nhân viên khi họ cần đến ông!

Hiện, toàn bộ công ty có khoảng 350 nhân viên tại 3 văn phòng ở Đà Nẵng, Hà Nội và TPHCM. Mặc dù các văn phòng làm việc xa cách về mặt địa lý nhưng nhờ hệ thống thông tin nội bộ đã giúp gắn kết được mọi hoạt động giữa các miền thuận lợi, trao đổi và chia sẻ nhanh chóng. Công ty đã xây dựng riêng đuợc một “mạng xã hội nội bộ” để mọi người trong công ty từ Bắc đến Nam đều có thể lên đó hàng ngày, chia sẻ công việc, cuộc sống, quan điểm, suy nghĩ của mình. Ông Khánh rất chăm chỉ vào “mạng xã hội nội bộ” của công ty, đọc chi tiết và tỉ mỉ từng chia sẻ lớn, nhỏ của nhân viên. Qua đó, ông hiểu rõ hơn tính cách của mọi người, công việc họ đang làm, kịp thời chia sẻ những thành tích hoặc khó khăn, tâm tư của họ trong công việc cũng như trong cuộc sống. Đặc biệt, công ty có mục bài viết giới thiệu chân dung các nhân viên trong công ty. Một chuyên gia đào tạo và tư vấn về nhân sự đã đánh giá các bài viết chân dung này của FAST là đặc biệt hay, không nhiều công ty có được. Theo ông Khánh thì hàng ngày chúng ta hay đọc bài viết về các nhân vật ở đâu đâu, trong khi lại không biết rõ về các đồng nghiệp ở ngay bên cạnh mình. Nếu tìm hiểu kỹ thì ta sẽ thấy có rất nhiều điều thú vị và trân trọng ở chính các đồng nghiệp. Ông Khánh đã tuyển một nhân viên truyền thông nội bộ chuyên trách viết về đề tài này.

Ông Khánh chia sẻ thêm, “mơ ước của tôi là làm sao nhân viên đạt được mức 5 trong thang bậc nhu cầu của Maslow. Nhu cầu ở mức 5 là được hiện thực hóa bản thân (selt-actualisation). Công ty cố gắng tạo các điều kiện để nhân viên có thể phát huy khả năng tiềm ẩn của họ, trong công việc, trong các các hoạt động văn thể, cộng đồng. Tôi nghĩ, hạnh phúc là mục tiêu cuối cùng của con người và người ta sẽ hạnh phúc khi giải phóng được các năng lực có ở trong con người mình, biến thế năng động thành động năng. Tôi tôn trọng và khuyến khích quá trình tìm kiếm hạnh phúc của mỗi người và với tôi việc ra đi của nhân viên cũng khá nhẹ nhàng: nhân viên ở FAST ai thấy phù hợp sẽ ở lại, ai không thấy phù hợp thì ra đi, công ty sẽ tìm kiếm những người mới bù vào.”

vp-fast-tai-tphcmVăn phòng FAST tại Tp.HCM

fhnVăn phòng FAST tại Hà Nội

 “Bạn” của những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn

Ngoài công việc kinh doanh hàng ngày ông Khánh dành thời gian để tham gia các hoạt động cộng đồng. Cứ chiều chiều thứ 7 và chủ nhật là ông qua Nhà Tình thương thuộc chùa Diệu Giác ở quận 2, TPHCM để chơi đùa và thăm nom các cháu bé có hoàn cảnh khó khăn. Ông cố gắng giúp chúng những gì có thể trong khả năng của mình. Quan điểm giúp đỡ các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn của ông Khánh cũng khá hay, ông chỉ tập trung vào một nơi, “theo sát thì mới biết, hiểu rõ được và từ đó mới có cách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.”

tro-chuyen-voi-gd-phan-quoc-khanh

(Nguồn Tin học & đời sống)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *