Thay vì PC là trung tâm, thời điện toán cá nhân đang tới đem lại cho người dùng những trải nghiệm tốt nhất trong kỷ nguyên di động.
Kỷ nguyên di động
Buổi bình minh điện toán cá nhân, khi máy tính bắt đầu được thu nhỏ lại nhiều lần so với những dàn máy tính lớn mainframe hay mini để có thể đặt gọn ghẽ trên bàn làm việc, Bill Gates đã nổi danh với tầm nhìn táo bạo, máy tính rồi sẽ hiện diện trên từng chiếc bàn của mọi căn nhà. Qua ba thập kỷ phát triển, PC giờ đây đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, đóng vai trò quan trọng cho hoạt động trong mọi ngành nghề. Nhưng nỗ lực của ngành công nghiệp hướng tới những thiết bị nhỏ và di động hơn đã đem lại thành quả vượt xa những gì mà bộ óc siêu việt của Bill Gates có thể tưởng tượng.
Sẽ có hơn 2 tỷ người dùng trên hành tinh truy cập Internet trong năm nay, quá nửa là kết nối qua di động.
Theo số liệu của IDC, sẽ có hơn 2 tỷ người dùng trên hành tinh truy cập Internet trong năm nay. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải ở số lượng người dùng trực tuyến mà là lượng thiết bị được sử dụng để truy cập. IDC dự báo công nghệ di động sẽ thắng thế với hơn một nửa số người truy cập Internet từ các thiết bị di động trong năm.
Thiết bị điện toán đang được định nghĩa lại trong cuộc cách mạng hướng tới trải nghiệm người dùng, giản dị trong sử dụng và khả năng di động cao. Hầu hết, dù chưa phải là tất cả, các thiết bị điện toán được thiết kế cho mục đích đa chức năng chứ không chỉ chuyên biệt. Thay vì chỉ có thể dùng màn hình PC như trước đây mỗi khi kết nối Internet, những thiết bị di động cá nhân đời mới như smartphone, máy tính bảng đều gắn liền hoạt động với môi trường Internet. Chúng có sức mạnh điện toán từ những bộ vi xử lý theo kiến trúc ARM tiêu thụ điện năng thấp, màn hình cảm ứng điện dung cùng những thiết kế giao diện ứng dụng tinh tế hỗ trợ các thao tác chạm vuốt hết sức tự nhiên so với điều khiển chuột và bàn phím truyền thống. Các hệ điều hành di động iOS, Android, Windows Phone cùng các kho ứng dụng trực tuyến “phình to” liên tục đem đến những trải nghiệm tuyệt vời chưa từng có cho người dùng.
Thời của điện toán cá nhân đang tới với những “ngôi sao” mới dần thay thế vai trò của PC. Thuật ngữ “máy tính cá nhân” được dùng ba thập kỷ qua nhằm ám chỉ quyền sở hữu cá nhân đối với máy tính để bàn và máy tính xách tay. Nhưng thực tế PC truyền thống vẫn thường được dùng chung, kể cả máy tính bảng cũng vậy dù đã mang tính cá nhân hơn. Những nỗ lực cá nhân hóa thiết bị điện toán của các nhà sản xuất, các nhà phát triển phần mềm và người dùng đã có kết quả. Smartphone thuộc sở hữu cá nhân, có thể “học”, trợ giúp và tương tác cùng chủ nhân trên nhiều cấp độ.
Smartphone và thời máy tính trong túi
Smartphone luôn bên mình đang trở thành thiết bị ưa thích của người dùng cho mọi mục đích từ tương tác, công việc cho tới giải trí mọi lúc mọi nơi. Thiết bị đủ thông minh để theo dõi sức khỏe cá nhân qua từng bước chạy tập thể lực, kết nối mạng liên tục cung cấp thông tin hữu ích hàng ngày, lập đầu cầu truyền thông, cả thoại lẫn hình, với cả thế giới bất kể gần xa…
Với những ứng dụng nhận dạng giọng nói như Apple Siri, trí tuệ nhân tạo đã được phát huy từ khả năng xử lý của iPhone 4S, iPhone 5. Siri có thể được “huấn luyện” để hiểu khẩu lệnh, trả lời sát ý cho những câu hỏi “tự do”, khởi chạy các ứng dụng, truy cập trạng thái người dùng lên Facebook hay Twitter. Đó là những trải nghiệm điện toán hoàn toàn mang tính cá nhân.
Dự báo số lượng thuê bao 4G LTE toàn cầu (triệu người).
Nguồn: IHS iSuppli, tháng 1/2013
Gọn nhẹ trong túi quần, những “siêu” smartphone đời mới có cấu hình mạnh với đầy đủ tính năng của một chiếc máy tính, từ lưu trữ, chạy các ứng dụng trên nền hệ điều hành, truy xuất và xử lý dữ liệu qua mạng không dây… Thanh toán di động – phương thức thanh toán qua điện thoại cho các giao dịch mua sắm, sử dụng dịch vụ, đang trở thành xu thế mới. Với dịch vụ Google Maps, smartphone có thể dẫn bạn tới mọi ngóc ngách của thành phố. Smartphone ngày càng thông minh và “hiểu” chủ nhân nhiều hơn, đang trở thành trợ lý cá nhân “phải có”.
Trong tương lai rất gần, qua hành vi của người dùng, trợ lý nhắc việc smartphone sẽ nắm vững sở thích, yêu/ghét, lịch trình làm việc, sinh hoạt…, nhờ đó, trong một số trường hợp dự đoán hành động của người dùng để cung cấp dữ liệu có giá trị. Chẳng hạn, smartphone gợi ý tiệm ăn trưa khi bạn đang ở ngoài phố dựa trên sở thích ăn uống của bạn. Thói quen mua sắm của người dùng được ghi nhớ, và các ứng dụng dựa trên địa điểm sẽ đưa ra những gợi ý cho từng tình huống hợp hoàn cảnh. Những thông tin từ các ý kiến trao đổi trên mạng về sản phẩm bạn đang tìm hiểu hiện lên màn hình smartphone sẽ giúp bạn dễ dàng đưa ra lựa chọn sản phẩm tương tự hay nơi bán có giá/dịch vụ tốt hơn. Điều quan trọng là toàn bộ quá trình hoàn toàn tự động với sự hỗ trợ của các bộ cảm biến, khả năng định vị GPS, công nghệ NFC được tích hợp sẵn trên smartphone.
Vai trò của điện toán đám mây
Sẽ không có ứng dụng nhận dạng giọng nói Siri, công nghệ thực tế ảo AR (augmented reality), dịch vụ bản đồ trực tuyến Google Maps… nếu thiếu công nghệ điện toán đám mây. PC vẫn chưa mất hẳn tầm quan trọng với người tiêu dùng, nhưng smartphone, máy tính bảng, máy ảnh số, máy nghe nhạc mp3 và nhiều thiết bị số khác dù chưa thay thế hoàn toàn PC đã trở thành một phần không thể thiếu cho nhu cầu sử dụng di động của người dùng thời nay. Sự phụ thuộc của người dùng đang chuyển từ PC sang điện toán đám mây. Nếu như trước đây mọi dữ liệu đều cần PC lưu trữ và xử lý thì nay nhờ thiết bị thông minh hơn, phần mềm thông minh hơn, và các dịch vụ điện toán đám mây thông minh hơn đem đến những trải nghiệm liền mạch cho người dùng qua màn hình của nhiều loại thiết bị số.
Cùng với sự hiện diện khắp nơi của các mạng băng thông rộng, sự hỗ trợ của các dịch vụ lưu trữ đám mây như iCloud, Google Drive, Dropbox… người dùng có thể truy cập tài liệu của mình từ mọi nơi, chia sẻ thông tin với bạn bè qua mạng xã hội trên các thiết bị di động cá nhân. Nhiều dịch vụ đám mây tự động đồng bộ dữ liệu trên các thiết bị của người dùng, giúp việc truy cập dữ liệu hoàn toàn tự nhiên cho dù dùng thiết bị nào.
Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường IHS iSuppli, tới năm 2016, sẽ có hơn 1 tỷ người sử dụng 4G LTE. Đó sẽ là tiền đề làm bùng nổ nhiều hoạt động trong xã hội, thỏa mãn phần lớn nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng thông qua môi trường di động, với sự hiện diện khắp nơi của smartphone. Kỷ nguyên di động đang tới cùng sự phát triển vượt bậc của ngành viễn thông, sự tiến hóa không ngừng của máy tính và sản phẩm điện tử tiêu dùng.
(Nguồn: PCWorld)