fbpx

Tài sản cố định hữu hình là gì? Cách xác định và hạch toán

17/12/2024

17/12/2024

3

Tài sản cố định hữu hình giữ vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bên cạnh các loại tài sản cố định vô hình và thuê tài chính. Vậy tài sản cố định là gì và cách ghi nhận, đánh giá như thế nào? Bài viết này FAST sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết cũng như cách quản lý một cách hiệu quả nhất.

1. Tài sản cố định hữu hình là gì?

Theo Thông tư 45/2013/TT-BTC do Bộ Tài Chính ban hành, tài sản cố định hữu hình được định nghĩa là những tài sản có hình thái vật chất rõ ràng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của loại tài sản này. Những tài sản này tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh và duy trì hình thức vật chất ban đầu.

Tài sản cố định hữu hình bao gồm nhiều yếu tố như nhà cửa, công trình xây dựng, máy móc, trang thiết bị, phương tiện vận tải. Chúng là phần không thể thiếu trong hoạt động sản xuất và chu trình kinh doanh của doanh nghiệp.

tài sản cố định hữu hình

Tài sản cố định hữu hình là tài sản vật chất tham gia vào sản xuất, kinh doanh

2. Phân loại tài sản cố định hữu hình

Tài sản cố định hữu hình được chia thành nhiều loại khác nhau. Dưới đây là các loại phổ biến mà doanh nghiệp thường gặp phải trong hoạt động sản xuất kinh doanh cùng các ví dụ minh họa.

2.1. Các loại tài sản cố định hữu hình phổ biến

Theo quy định tại Mục a Khoản 1 Điều 6 Thông tư 45/2013/TT-BTC, tài sản cố định hữu hình được phân thành 7 loại chính như sau:

  1. Loại 1: Nhà cửa, vật kiến trúc: Đây là tài sản cố định của doanh nghiệp được hình thành sau quá trình thi công xây dựng, bao gồm trụ sở làm việc, nhà kho, sân bãi, các công trình như cầu cống, đường xá, và cả những công trình trang trí cho nhà cửa.
  2. Loại 2: Máy móc, thiết bị: Là các máy móc và thiết bị sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ví dụ như máy móc chuyên dùng, giàn khoan dầu khí, dây chuyền công nghệ và các máy móc đơn lẻ.
  3. Loại 3: Phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn: Bao gồm các phương tiện vận tải như ô tô, tàu, máy bay, đường sắt, và các thiết bị truyền dẫn như hệ thống điện, đường ống nước, băng tải, hệ thống thông tin.
  4. Loại 4: Thiết bị, dụng cụ quản lý: Là những công cụ phục vụ công tác quản lý doanh nghiệp như máy vi tính, thiết bị điện tử, dụng cụ đo lường, kiểm tra chất lượng và các thiết bị khác hỗ trợ công việc quản lý.
  5. Loại 5: Vườn cây lâu năm, súc vật làm việc và cho sản phẩm: Các vườn cây lâu năm như vườn cà phê, chè, cao su, vườn cây ăn quả, cùng các súc vật làm việc hoặc cho sản phẩm như ngựa, trâu, bò.
  6. Loại 6: Kết cấu hạ tầng, có giá trị lớn do Nhà nước đầu tư: Các công trình kết cấu hạ tầng được Nhà nước đầu tư, như hồ đập, hệ thống thoát nước, hạ tầng khu công nghiệp, đường sắt và đường sắt đô thị.
  7. Loại 7: Các loại tài sản cố định khác: Là những tài sản cố định chưa thuộc các loại nêu trên, bao gồm các tài sản khác đáp ứng tiêu chuẩn của tài sản cố định hữu hình.

Phân loại tài sản cố định

Phân loại các tài sản cố định hữu hình phổ biến

2.2. Ví dụ minh họa cho từng loại

Để bạn dễ dàng hình dung hơn, dưới đây là những ví dụ minh họa cho từng loại tài sản cố định hữu hình:

  1. Loại 1: Trụ sở văn phòng của công ty, nhà kho chứa hàng hóa.
  2. Loại 2: Máy sản xuất, dây chuyền lắp ráp trong nhà máy.
  3. Loại 3: Xe tải vận chuyển hàng hóa, hệ thống đường ống dẫn nước.
  4. Loại 4: Máy tính văn phòng, thiết bị đo lường chất lượng sản phẩm.
  5. Loại 5: Vườn cây ăn quả, đàn bò sinh sản và sản phẩm.
  6. Loại 6: Đường nội bộ khu công nghiệp, hệ thống xử lý nước thải.
  7. Loại 7: Các công trình khác chưa được phân loại ở trên, ví dụ như một số máy móc đặc thù.

3. Cách ghi nhận và đánh giá tài sản cố định hữu hình

Để ghi nhận và đánh giá tài sản cố định hữu hình một cách chính xác, doanh nghiệp cần căn cứ vào các tiêu chí và quy định rõ ràng. Dưới đây là các tiêu chí cơ bản giúp xác định tài sản cố định hữu hình theo quy định của pháp luật.

3.1. Tiêu chí ghi nhận

Theo Thông tư số 45/2013/TT-BTC, để ghi nhận tài sản cố định hữu hình, cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

  • Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó.
  • Thời gian sử dụng của tài sản phải kéo dài trên 1 năm.
  • Giá trị tài sản gốc phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên.

Nếu tài sản cố định bao gồm nhiều bộ phận riêng biệt, mỗi bộ phận phải đáp ứng đầy đủ ba tiêu chuẩn để được quản lý và ghi nhận là tài sản cố định hữu hình độc lập. Tương tự, động vật làm việc hoặc vườn cây lâu năm cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn này để được công nhận là tài sản cố định hữu hình.

Tài sản cố định hữu hình cần đảm bảo lợi ích kinh tế

Tài sản cố định hữu hình cần đảm bảo lợi ích kinh tế, thời gian sử dụng trên 1 năm, giá trị từ 30 triệu đồng trở lên

3.2. Phương pháp đánh giá giá trị

Giá trị của tài sản cố định hữu hình được xác định dựa trên tổng chi phí mà doanh nghiệp đã chi ra để có được tài sản đó và đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng. Để xác định giá trị của tài sản cố định hữu hình, doanh nghiệp cần sử dụng các phương pháp đánh giá phù hợp. 

  • Phương pháp xác định nguyên giá của TSCĐ hữu hình mua sắm (kể cả mua mới và cũ)

Công thức xác định giá trị tài sản cố định hữu hình như sau 

Giá trị TSCĐ = Giá mua thực tế + Các khoản thuế + Các chi phí liên quan trực tiếp

Trong đó:

  • Giá mua thực tế phải trả: Là giá trị ghi trên hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng.
  • Các khoản thuế: Bao gồm các loại thuế phát sinh trong quá trình mua tài sản, không tính các thuế có thể hoàn lại.
  • Các chi phí liên quan trực tiếp: Bao gồm chi phí vận chuyển, bốc dỡ, lắp đặt, chạy thử, chi phí nâng cấp, lãi vay trong quá trình đầu tư và các chi phí khác cần thiết để đưa tài sản vào sử dụng.
  • TSCĐ mua theo hình thức trao đổi

Nguyên giá TSCĐ mua theo hình thức trao đổi được xác định là giá trị hợp lý của tài sản nhận về hoặc tài sản đem trao đổi, cộng với các chi phí liên quan trực tiếp (thuế, chi phí vận chuyển, lắp đặt, v.v.). Đối với trao đổi tài sản tương tự, nguyên giá tính theo giá trị còn lại của tài sản đem trao đổi.

  • TSCĐ tự xây dựng hoặc tự sản xuất:

Nguyên giá của TSCĐ tự xây dựng là giá quyết toán công trình khi đưa vào sử dụng. Nếu chưa quyết toán, nguyên giá tính theo giá tạm tính và điều chỉnh sau. Đối với TSCĐ tự sản xuất, nguyên giá là giá thành thực tế cộng với chi phí lắp đặt và các chi phí liên quan.

  • TSCĐ do đầu tư xây dựng

Nguyên giá TSCĐ đầu tư xây dựng theo phương thức giao thầu là giá quyết toán công trình, cộng với lệ phí và các chi phí liên quan. Nếu chưa quyết toán, hạch toán nguyên giá theo giá tạm tính và điều chỉnh sau.

  • TSCĐ do tài trợ, biếu, tặng, phát hiện thừa

Nguyên giá là giá trị thực tế theo đánh giá của tổ chức định giá chuyên nghiệp hoặc Hội đồng giao nhận.

  • TSCĐ được cấp, điều chuyển

Nguyên giá là giá trị còn lại của TSCĐ trên số kế toán tại đơn vị cấp hoặc theo đánh giá thực tế, cộng với chi phí liên quan đến việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.

  • TSCĐ nhận góp vốn

Nguyên giá là giá trị do các thành viên hoặc tổ chức chuyên nghiệp định giá, được các bên liên quan chấp thuận.

Phương pháp đánh giá tài sản cố định

Khám phá một số phương pháp đánh giá tài sản cố định

4. Khấu hao tài sản cố định hữu hình

Trong quá trình sử dụng tài sản cố định hữu hình, giá trị của tài sản sẽ giảm dần do hao mòn tự nhiên hoặc do sự phát triển công nghệ. Để phản ánh chính xác sự giảm giá trị này, doanh nghiệp cần thực hiện khấu hao tài sản cố định. 

4.1. Khái niệm khấu hao

Khấu hao tài sản cố định là quá trình phân bổ có hệ thống giá trị của tài sản trong suốt thời gian sử dụng, khi tài sản bị hao mòn tự nhiên hoặc lạc hậu do sự tiến bộ công nghệ. Khoản khấu hao này được đưa vào chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong suốt thời gian sử dụng tài sản.

Khấu hao tài sản cố định

Khấu hao tài sản cố định là quá trình phân bổ giá trị tài sản trong suốt thời gian sử dụng

4.2. Các phương pháp tính khấu hao phổ biến

Có ba phương pháp khấu hao TSCĐ hữu hình phổ biến:

  1. Phương pháp khấu hao đường thẳng: Số khấu hao hàng năm không thay đổi trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản.
  2. Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần: Số khấu hao hàng năm giảm dần trong suốt thời gian sử dụng hữu ích của tài sản.
  3. Phương pháp khấu hao theo số lượng sản phẩm: Khấu hao được tính dựa trên tổng số sản phẩm mà tài sản dự kiến tạo ra.

Lưu ý Doanh nghiệp phải áp dụng một phương pháp khấu hao nhất quán cho từng tài sản cố định, trừ khi có thay đổi trong cách thức sử dụng tài sản. Sau khi tài sản đã hết giá trị khấu hao nhưng vẫn còn sử dụng, doanh nghiệp không được tiếp tục tính khấu hao.

Những phương pháp khấu hao tài sản cố định

Những phương pháp tính khấu hao tài sản cố định

4.3. Ví dụ tính khấu hao

  • Phương pháp khấu hao đường thẳng

Ngày 10/07/2018, công ty ABC mua một máy photocopy Toshiba trị giá 60.000.000 đồng (chưa bao gồm VAT). Máy được chiết khấu 1.000.000 đồng và chi phí vận chuyển là 1.000.000 đồng. Máy bắt đầu được sử dụng ngay trong ngày mua. Các bước tính khấu hao như sau:

  • Xác định thời gian trích khấu hao: Máy photocopy có thời gian sử dụng từ 7 đến 15 năm, và Công ty ABC quyết định trích khấu hao trong vòng 10 năm.
  • Nguyên giá tài sản: 60.000.000 – 1.000.000 + 1.000.000 = 60.000.000 đồng.
  • Mức khấu hao hàng năm: 60.000.000 ÷ 10 = 6.000.000 đồng/năm.
  • Mức khấu hao hàng tháng: 6.000.000 ÷ 12 = 500.000 đồng/tháng.
  • Mức khấu hao trong tháng 7: (500.000 ÷ 31 ngày) × 22 ngày = 354.838 đồng.

Vậy trong tháng 7, Công ty ABC sẽ trích 354.838 đồng vào chi phí, và từ tháng 8/2018 trở đi sẽ trích 500.000 đồng mỗi tháng. Số tiền khấu hao hàng năm sẽ là 6.000.000 đồng.

  • Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần

Công ty ABC mua một thiết bị đo lường với nguyên giá 40.000.000 đồng. Thời gian sử dụng của tài sản cố định này là 4 năm. Cách tính khấu hao theo phương pháp số dư giảm dần có điều chỉnh được thực hiện như sau:

  • Tỷ lệ khấu hao theo phương pháp đường thẳng (%): (1/4) x 100% = 25%
  • Tỷ lệ khấu hao nhanh theo phương pháp số dư giảm dần có điều chỉnh (t = 4): 25% x 2 = 50%

Mức trích khấu hao hàng năm của tài sản cố định được xác định như sau:

Năm thứ Giá trị còn lại đầu năm Mức khấu hao hàng năm Mức khấu hao hàng tháng Khấu hao lũy kế cuối năm
1 40.000.000 20.000.000 

(40.000.000 x 50%)

1.666.666 20.000.000
2 20.000.000 10.000.000 

(20.000.000 x 50%)

833.333 30.000.000
3 10.000.000 5.000.000 (10.000.000/2) 416.666 35.000.000
4 10.000.000 5.000.000 (10.000.000/2) 416.666 40.000.000
  • Phương pháp khấu hao theo số lượng sản phẩm

Công ty ABC đã mua một máy cắt gỗ với giá trị 300.000.000 đồng (chưa VAT). Máy có công suất thiết kế là 30m/phút, với sản lượng tối đa theo công suất thiết kế là 2.000.000m. Trong năm đầu tiên, máy đã hoàn thành khối lượng sản phẩm như sau:

Tháng Khối lượng sản phẩm hoàn thành (m)
1 15.000
2 24.000
3 15.000
4 16.000
5 18.000
6 12.000
7 13.000
8 15.000
9 24.000
10 15.000
11 16.000
12 16.000

Mức khấu hao bình quân cho mỗi mét sản phẩm được tính như sau: 300.000.000 đồng / 2.000.000 m = 150 đồng/m

Dựa trên khối lượng sản phẩm đạt được trong từng tháng, mức khấu hao hàng tháng của máy cắt gỗ được tính như sau:

Tháng Cách tính khấu hao hàng tháng Mức trích khấu hao tháng 

(ĐVT: đồng)

1 15.000 x 150 2.250.000 đ
2 24.000 x 150 3.600.000 đ
3 15.000 x 150 2.250.000 đ
4 16.000 x 150 2.400.000 đ
5 18.000 x 150 2.700.000 đ
6 12.000 x 150 1.800.000 đ
13.000 x 150 1.950.000 đ
8 15.000 x 150 2.250.000 đ
9 24.000 x 150 3.600.000 đ
10 15.000 x 150 2.250.000 đ
11 16.000 x 150 2.400.000 đ
12 16.000 x 150 2.400.000 đ
Tổng mức khấu hao trong năm 29.850.000 đồng

5. Quản lý tài sản cố định hữu hình với Fast Accounting

Fast Accounting, ra mắt lần đầu vào năm 1997 bởi Công ty Cổ phần Phần mềm Quản lý Doanh nghiệp FAST, hiện đã được nâng cấp lên phiên bản Fast Accounting 11 R09. Đến nay, phần mềm này đã được hơn 24.000 doanh nghiệp tin tưởng và sử dụng.

5.1. Tính năng quản lý tài sản cố định trong Fast Accounting

Phần mềm Fast Accounting cung cấp các tính năng đa dạng, hỗ trợ tối ưu trong việc quản lý tài sản cố định (TSCĐ), bao gồm:

  • Nhập liệu dễ dàng: Cho phép nhập danh mục tài sản từ file Excel nhanh chóng và chính xác.
  • Quản lý thay đổi tài sản: Hỗ trợ khai báo các thay đổi như tăng/giảm giá trị, điều chuyển bộ phận sử dụng, hoặc tạm dừng/giảm tài sản.
  • Tính khấu hao linh hoạt: Tính toán khấu hao, phân bổ khấu hao, và tạo bút toán vào sổ cái, đáp ứng cả trường hợp tài sản được điều chuyển qua nhiều bộ phận hoặc dự án/công trình trong cùng một kỳ.
  • Điều chỉnh khấu hao: Cho phép điều chỉnh khấu hao sau khi tính toán, đảm bảo tính chính xác trong các bút toán.
  • Phân bổ khấu hao đa dạng: Cung cấp cách thức phân bổ linh hoạt cho nhiều đối tượng như bộ phận hạch toán, dự án, sản phẩm hoặc lệnh sản xuất.
  • Tự động hóa sổ sách: Hỗ trợ tạo bút toán phân bổ khấu hao và hạch toán trực tiếp vào sổ cái.

Phần mềm Fast Accounting

Fast Accounting hỗ trợ quản lý tài sản cố định với tính năng đa dạng, tối ưu hóa quy trình

5.2. Cách nhập liệu và theo dõi tài sản cố định

  1. Khai báo danh mục tài sản cố định
    Các danh mục cần thiết trong phân hệ “Tài sản cố định” bao gồm:
  • Lý do tăng/giảm tài sản
  • Nguồn vốn
  • Nhóm tài sản
  • Loại tài sản
  • Phân nhóm tài sản
  • Bộ phận sử dụng tài sản

Khai báo danh mục tài sản cố định

Khai báo danh mục tài sản cố định

  1. Thực hiện khai báo tài sản và các thay đổi
    Khi bắt đầu sử dụng hoặc có tài sản mới, cần khai báo thông tin tại các mục:
  • Khai báo tài sản cố định
  • Khai báo thay đổi tài sản cố định
  • Nhập sản lượng phát sinh

Cách khai báo tài sản và những thay đổi của tài sản cố định

Cách khai báo tài sản và những thay đổi của tài sản cố định

  1. Nhập liệu nhanh từ Excel

Với doanh nghiệp mới sử dụng phần mềm, có thể nhập/import danh mục tài sản từ Excel thông qua menu: Nhập danh mục từ Excel.

  1. Theo dõi tài sản cố định

Mọi thông tin về biến động tài sản, tính khấu hao, và phân bổ khấu hao được cập nhật đầy đủ tại phân hệ quản lý tài sản cố định, đồng thời lên báo cáo chi tiết. Các bút toán liên quan như mua mới, thanh lý, phân bổ khấu hao được cập nhật riêng tại các phân hệ khác như mua hàng hoặc tổng hợp.

5.3. Tính khấu hao tự động và lập báo cáo

  1. Tính và điều chỉnh khấu hao
    Phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thao tác liên quan đến khấu hao tài sản cố định, bao gồm:
  • Tính khấu hao tài sản cố định 
  • Điều chỉnh hoặc xóa khấu hao 

Tính toán và điều chỉnh khấu hao

Tính toán và điều chỉnh khấu hao

  1. Tạo và phân bổ khấu hao
    Người dùng có thể khai báo và phân bổ khấu hao một cách linh hoạt:
  • Khai báo hệ số phân bổ khấu hao 
  • Phân bổ khấu hao 
  • Tạo bút toán phân bổ khấu hao 

Phân bổ và tạo bút toán khấu hao

Phân bổ và tạo bút toán khấu hao

  1. Lập báo cáo đa dạng và chi tiết
    Phần mềm cung cấp nhiều loại báo cáo liên quan đến tài sản cố định:
  • Báo cáo kiểm kê TSCĐ
  • Báo cáo tăng giảm TSCĐ
  • Báo cáo khấu hao TSCĐ

Cung cấp các báo cáo liên quan đến tài sản cố định

Cung cấp các báo cáo liên quan đến tài sản cố định

5.4. Ưu điểm của việc sử dụng Fast Accounting trong quản lý tài sản cố định

Fast Accounting cung cấp một giải pháp toàn diện và linh hoạt để quản lý tài sản cố định và công cụ, từ quá trình mua mới, điều chuyển, đến việc thanh lý và báo hỏng. Dưới đây là những ưu điểm nổi bật của Fast Accounting trong quản lý tài sản cố định:

  • Quản lý toàn diện TSCĐ và CCDC: Từ khi mua mới, nhận điều chuyển, cho đến khi thanh lý, báo hỏng, hoặc điều chuyển, phần mềm luôn cập nhật đầy đủ thông tin về tài sản.
  • Phân bổ khấu hao linh hoạt: Có thể phân bổ khấu hao và chi phí cho nhiều đối tượng như sản phẩm, dự án, hoặc bộ phận sử dụng, hỗ trợ tính toán giá thành chính xác.
  • Xử lý tình huống phức tạp: Cho phép điều chuyển tài sản qua nhiều bộ phận hoặc dự án trong một kỳ, giúp tính toán chính xác giá thành dự án hoặc công trình.
  • Cập nhật và điều chỉnh dễ dàng: Cung cấp tính năng điều chỉnh giá trị tài sản, điều chuyển bộ phận, và quản lý các thay đổi liên quan đến tài sản cố định trong suốt quá trình sử dụng.

Fast Accounting tối ưu quản lý tài sản cố định

Fast Accounting tối ưu quản lý tài sản cố định, từ mua mới đến thanh lý, báo hỏng

Tài sản cố định hữu hình đóng vai trò quan trọng trong quản lý tài chính của doanh nghiệp. Để việc hạch toán và quản lý tài sản hiệu quả, Fast Accounting là giải pháp hoàn hảo, giúp tự động hóa khấu hao và quản lý tài sản một cách chính xác. Hãy khám phá ngay cùng FAST để tối ưu hóa quy trình kế toán của bạn.

Thông tin liên hệ:

Website: https://fast.com.vn/

Email: info@fast.com.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/PhanMemFAST

Zalo: https://zalo.me/phanmemfast

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *