Thực trạng nền kinh tế hiện nay đã không cho phép các doanh nghiệp ứng dụng “vung” hầu bao chi tiêu cho công nghệ thông tin CNTT, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường CNTT. Cụ thể là các nhà làm CNTT đã rất đau đầu khi thị trường bị “đóng băng”. Nhưng các nhà làm công nghệ như: Misa, FAST, Lạc Việt, Nhật Thiên Minh, Kế Toán IC, Viami…đã chủ động xoay sở, mong tìm lối ra chung cho mình, cho khách hàng bằng việc rủ nhau đưa các sản phẩm dịch vụ của mình lên “mây”…
Ồ ạt lên “mây”
Trong tháng 4/2013, Công ty CP Phần mềm QLDN (FAST) chọn ra mắt phần mềm kế toán Fast Accounting Online (FAO) dành cho doanh nghiệp dịch vụ, thương mại, xây lắp hay sản xuất. Phần mềm kế toán trên nền điện toán đám mây này của FAST được lập trình trên nền web theo chuẩn HTML5 cho phép người sử dụng làm việc mọi lúc, mơi nơi, trên mọi thiết bị, không phải cài đặt phần mềm kế toán hoặc cài thêm các phần mềm hỗ trợ. Chỉ cần máy tính hay điện thoại kết nối được với internet là có thể làm việc được. Có thể chạy trên các hệ điều hành khác nhau – Windows, IOS, Android và vì vậy có thể chạy trên nhiều thiết bị khác nhau. Không đòi hỏi phải tải và cài đặt thêm phần mềm khác (ví dụ không phải tải và cài đặt trước Silverlight của Microsoft). Khi khách hàng đăng ký sử dụng phần mềm, do không phải cài đặt tại máy tính của khách hàng nên có thể sử dụng được ngay. Khi có một điểm làm việc mới như: chi nhánh, cửa hàng…thì cũng có thể làm việc được ngay, không đòi hỏi phải cài đặt thêm.
Trước đó, tháng 3/2013, máy chủ điện toán đám mây Techno Mini Cloud được công ty Nhật Thiên Minh cung cấp cho doanh nghiệp tầm trung. Về hệ thống lưu trữ, máy chủ (server) Techno Mini Cloud ứng dụng phần mềm ảo hóa Paralells do công ty Vinasic cung cấp. Máy chủ tạo ra đám mây bảo mật nhiều lớp cho phép doanh nghiệp lưu trữ, quản trị dữ liệu theo nhu cầu và dể mở rộng khi quy mô phát triển.
Tại TPHCM, Công viên Phần mềm (CVPM) Quang Trung là nơi có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông hoàn chỉnh và các nguồn lực thuận lợi cho điện toán đám mây với đường truyền kết nối, trung tâm dữ liệu, nguồn điện ổn định, nhân sự…Công viên Phần mềm Quang Trung đang cung cấp nền tảng “mây” cho trung tâm dữ liệu của chính quyền TPHCM cũng như mở rộng dịch vụ cho cộng đồng doanh nghiệp tại thành phố.
Một điểm chung của các sản phẩm công nghệ điện toán đám mây mới trên thị trường hiện nay đó là đều hướng đến phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ nên dùng
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TPHCM cho biết: “Điện toán đám mây (cloud computing) là mô hình lưu trữ dữ liệu tại các máy chủ trên Internet và chỉ lưu trữ tạm thời ở các máy khác (máy tính cá nhân, máy tính trong doanh nghiệp, thiết bị cầm tay…). “Đám mây” ở đây là lối nói ẩn dụ chỉ mạng Internet. Với điện toán đám mây, mọi khả năng liên quan đến công nghệ thông tin đều được cung cấp dưới dạng “dịch vụ”, cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ mà không cần quan tâm đến cơ sở hạ tầng phục vụ công nghệ đó. Điện toán đám mây sẽ là xu thế tất yếu của doanh nghiệp Việt Nam bởi hầu hết các ngành công nghiệp trên thế giới đều đã ứng dụng và chứng minh hiệu quả”.
Quan trọng hơn cả mà theo ông Tuấn là, với nền tảng điện toán đám mây, các doanh nghiệp không phải tốn chi phí đầu tư các trang thiết bị, máy móc, chỉ cần đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp có thể dùng ngay, sử dụng đến đâu trả tiền đến đó, rất tiết kiệm chi phí…
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chi phí đầu tư cho công nghệ thông tin (CNTT) luôn là bài toán khó của doanh nghiệp (muốn đầu tư nhưng không có tiền) thì với điện toán đám mây việc chi tiêu cho công nghệ sẽ dễ dàng hơn. Các doanh nghiệp không phải đầu tư hạ tầng cơ sở, nguồn lực sẽ được tập trung, tài nguyên sẽ được sử dụng hiệu quả. Chưa kể đến, chi phí đầu tư cho các loại phần mềm trong một doanh nghiệp cũng khá tốn kém. Nhưng khi sử dụng các phần mềm trên nền điện toán đám mây, dưới dạng dịch vụ nên doanh nghiệp không cần phải đầu tư máy chủ và cài đặt. Chỉ cần đăng ký mua là có thể dùng được ngay. Điều này giảm đáng kể cho chi phí đầu tư hạ tầng ban đầu cũng như việc hỗ trợ/tư vấn trong quá trình vận hành. Doanh nghiệp không cần phải thanh toán một lần mà có thể phân bổ thanh toán theo từng tháng, từng quý hay từng năm. Tổng chi phí phải trả trong 1 năm chỉ bẳng khoản 1/3-1/2 chi phí phải trả khi mua phần mềm trọn gói cài đặt tại doanh nghiệp (nếu tính cả tiền lãi, chi phí cho đầu tư phần cứng, bảo hành, bảo trì…thì tổng chi phí phải trả trong một năm chỉ bằng 1/4-1/3 so với mua phần mềm đóng gói.
Có thể nói, các nhà làm CNTT trong nước đã và đang rất nỗ lực trong việc xây dựng và đưa ra những sản phẩm, dịch vụ vừa bắt kịp xu hướng, vừa giúp người dùng tối ưu hóa hiệu quả cũng như chi phí đầu tư. Mong rằng, người dùng sẽ tận dụng được những tính năng, lợi ích của các công nghệ, dịch vụ do các nhà làm CNTT đem lại, để qua đó, giúp thúc đầy các hoạt động của các doanh nghiệp cùng phát triển.
Cam kết bảo mật
Điện toán đám mây đã đến với người tiêu dùng từ lâu, tiêu biểu chính là các dịch vụ email, chat, mạng xã hội, lưu trữ hình ảnh trên mạng…miễn phí. Tuy nhiên, đối với các ứng dụng trong doanh nghiệp dương như người dùng vẫn còn rất dè dặt với điện toán đám mây bởi phải thay đổi thói quen lưu trữ dữ liệu trong hệ thống vật lý thành trên “đám mây” và nỗi lo bảo mật.
Hiểu được tâm lý khách hàng nên đối với giải pháp của FAST, ông Khánh chia sẻ, khi lập trình cho sản phẩm Fast Accounting Online, FAST đã đặc biệt lưu ý đến vấn đề bảo mật. Các gói truyền số liệu, thông tin của Fast Accounting Online đã được áp dụng tiêu chuẩn công nghệ SSL (Secure Sockets Layer) để bảo vệ tính bảo mật và an toàn trên đường truyền dữ liệu. Tiêu chuẩn SSL được áp dụng cho các hệ thống thông tin trên internet và các hệ thống thông tin của ngân hàng hay các hệ thống như email của Google, Yahoo đều áp dụng tiêu chuẩn này. Vì vậy nếu chúng ta đã từng thực hiện việc thanh toán online trên internet qua e-banking hoặc thẻ tín dụng thì chúng ta hoàn toàn an tâm về bảo mật khi làm việc với phần mềm kế toán điện toán đám mây của FAST.
Sản phẩm điện toán đám mây chính là tích hợp công nghệ từ nhiều nhà cung cấp để có hạ tầng an toàn, bảo mật cho ứng dụng. Chẳng hạn FAO chạy trên hạ tầng “mây” của Công viên phần mềm Quang Trung và nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ EXA. Còn Techno Mini Cloud ngoài phần cứng máy chủ còn có phần mềm quản lý lưu trữ của Vinacis, dịch vụ hosting của công ty Ánh Sáng Việt và hạ tầng “đám mây” tại Trung tâm Net Nam.
Người trẻ dễ hòa vào “mây”
“Cũng giống như các hệ thống lưu ở mạng máy tính nội bộ việc truy cập phần mềm và số liệu kế toán phải thông qua tên và mật khẩu. Như vậy không thể nói là “trên mây” thì nhiều người có thể biết hơn “dưới đất”. Vì vậy vấn đề ở đây chỉ là tâm lý và thói quen đối với một sản phẩm mới hoặc công nghệ mới thôi. Tuy nhiên, các khách hàng thuộc nhóm người sử dụng trẻ đã rất quen sử dụng các ứng dụng, phương tiện của internet như thanh toán qua ngân hàng online, thanh toán online qua thẻ, sử dụng các ứng dụng đám mây như Google Docs… thì chắc họ sẽ không ngần ngại khi sử dụng phần mềm kế toán trên mây. Khi đã có một số lượng khách hàng nhất định sử dụng thì hiệu ứng lan tỏa sẽ giúp cho nhiều khách hàng khác ứng dụng do tính hiệu quả và lợi ích về đầu tư “ông Phan Quốc Khánh, Giám đốc Công ty CP Phần mềm QLDN (FAST).
Theo Gartner, thị trường “đám mây” vào năm 2013 sẽ đạt doanh thu 8 tỷ USD và tăng lên 10 tỷ USD trong năm sau. DN ứng dụng giải pháp “mây” sẽ giảm quản lý hạ tầng CNTT, công việc này sẽ do các nhà cung cấp hạ tầng chuyên nghiệp thực hiện.
(Nguồn Tin học & đời sống)