fbpx

PhươngTL – Cô nàng mê lái moto

03/01/2023

03/01/2023

536

Thoạt nhìn chị, ít ai có thể ngờ được một cô gái mảnh khảnh, tóc dài dịu dàng như chị lại có đam mê cháy bỏng với moto và du lịch phượt. Đam mê lái moto được bắt nguồn từ đam mê du lịch, khám phá những vùng đất mới. Chị đã trải nghiệm hầu hết các phương tiện từ máy bay, tàu hỏa, xe khách, ô tô đến moto. Trong đó moto là rẻ và tiện cho khám phá nhất, nên có cơ hội là chị cứ xách balo lên và đi thôi.  

Chị là Trần Lan Phương, phòng Chăm sóc và Hỗ trợ khách hàng 2 (Bảo hành 2), văn phòng FAST tại TP.HCM (FSG). Không chỉ đam mê moto, con người chị có rất nhiều điều thú vị. Cả nhà cùng tìm hiểu về Faster này nhé!

Tuổi thơ không trọn vẹn

Chị là con út trong gia đình có 3 chị em gái. Sau khi sinh hai cô con gái, bố mẹ chị vẫn chưa từ bỏ quyết tâm kiếm một cậu con trai nối dõi tông đường. Ngày phát hiện mang thai, mẹ chị đi coi bói thì được thầy phán: “Lần này chắc chắn là con trai!” Hay tin, bố mẹ chị vui mừng khôn xiết. Ai dè sau 9 tháng 10 ngày, cậu nhóc thì chẳng thấy đâu, chỉ có một cô công chúa nhỏ cất tiếng khóc oe oe. Đến bây giờ chị vẫn hay đùa: “Chắc bà Mụ ngày đó nặn nhầm rồi. Ngoài giới tính là nữ ra thì mọi thứ còn lại của chị đều giống con trai”.

Những năm tháng tuổi thơ tươi đẹp nhanh chóng trôi qua. Năm chị lên 6 tuổi, một biến cố lớn đổ ụp xuống gia đình – bố chị qua đời vì bạo bệnh. Từ ngày vắng đi trụ cột, mọi việc to – nhỏ trong nhà đều do một tay mẹ chị lo toan. “Hồi đó mẹ phải buôn bán đủ thứ, trong đó có lúc bán quán nước (ở Hà Nội hay gọi là trà đá). Quán nhà chị bán đủ thứ từ nước nhân trần tới nước mơ, nước sấu đá, chè,… Chị hay mang sách vở ra tranh thủ vừa học vừa trông quán cho mẹ. Vì thế mà hay được mọi người khen là chăm chỉ!” – chị tâm sự.

Nhà chị ở gần trung tâm Hà Nội. Tuổi thơ của một đứa trẻ ở thành phố chẳng có nhiều chuyện thú vị như trong tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ. Cuộc sống của chị chỉ xoay quanh chuyện ăn rồi học, phụ gia đình. Thiếu đi hơi ấm của cha, chị dành hết yêu thương cho mẹ. Tính chị vốn ngoan và ý thức từ bé nên chả bao giờ bị mẹ mắng hay đánh cả. Với chị mẹ vừa là mẹ, vừa là bố chăm sóc cho con cái chu toàn từng miếng ăn, giấc ngủ, chuyện học hành. Cuộc sống tuy vất vả nhưng chưa bao giờ mẹ để chị phải thua thiệt so với bạn bè. Nhà được phường xếp vào diện khó khăn nhưng mẹ cũng cố gắng cho cô con gái út vào học lớp bán trú để đỡ công đi lại mỗi ngày. Mà tính chị vốn bám mẹ, cứ buổi trưa là chị lại nghĩ cách xin về nhà với mẹ. Hôm thì nói dối cô rằng mình bị quai bị, có lần than mệt muốn về nhà,… Khi chị lên lớp 4, sau một năm học bán trú, mẹ cũng xin chuyển chị sang lớp thường để tiết kiệm một khoản chi phí.

Sau khi tốt nghiệp ngành Tài chính doanh nghiệp, chị quyết định học lên thạc sĩ Tài chính ngân hàng tại Học viện Tài chính. Thuở đó, sáng chị làm thực tập sinh tại một ngân hàng nước ngoài, tối thì đi học. Công việc vốn áp lực cùng với khối lượng bài vở nhiều. Tần suất chị thức đêm đến 1-2 giờ sáng xuất hiện ngày càng nhiều. Thời gian nghỉ ngơi không đủ khiến chị đuối sức. Sau 6 tháng gắng gượng, chị đổ bệnh và phải nằm viện 10 ngày. Lúc đó chị bắt đầu ý thức được sức khỏe mới là quan trọng nhất. Cuối cùng chị xin nghỉ việc để tập trung cho việc học.

Rời xa vòng tay mẹ

Sau khi nhận bằng thạc sĩ, những tưởng chị sẽ đầu quân vào một ngân hàng hoặc doanh nghiệp tài chính nào đó ở thủ đô. Nhưng không, chị chọn vào TP.HCM lập nghiệp bởi qua những lần du dịch, chị đã chót yêu con người, khí hậu của miền đất phương Nam rồi. “Tuổi trẻ mà, còn sức khỏe là còn muốn đi. Ý nghĩ thay đổi môi trường sống đã nhen nhóm trong chị từ thời sinh viên. Chị muốn đặt chân tới khám phá môi trường mới ít nhất là vài năm, rồi trở về với mẹ cũng chưa muộn. Hơn nữa từ bé tới lớn chị đều ở cạnh mẹ, ăn uống mẹ đều lo cho hết, chị thấy bản thân cần phải mạnh mẽ và tự lập hơn” – chị bộc bạch. 

Chân dung cô gái xứ Hà thành can đảm vào Nam lập nghiệp.

Hay tin chị muốn Nam tiến, mẹ chị ra sức ngăn cản. Đây cũng là lẽ tự nhiên vì chẳng có người mẹ nào thích việc con gái của mình xa gia đình tới nơi đất khách quê người cả.  Nhưng trước sự quyết tâm của chị, mẹ cũng đành gật đầu đồng ý. Năm 2013, sau khi hoàn thành chương trình cao học, chị vào TP.HCM. Thay đổi môi trường sống thì mệt nhất là chuyện nơi ăn chốn ở. Thật may là khi mới chân ướt chân ráo vào TP.HCM chị có nơi nương nhờ là cô bạn học chung đại học. 

3 tháng sau chị quay lại Hà Nội bảo vệ luận án tốt nghiệp. Tới tháng 3/2014 chị quay lại thành phố mang tên Bác và gắn bó tới hiện tại. Thế là sau hơn 24 năm ở cùng mẹ, đây là lần đầu tiên chị được trải nghiệm cảm giác lao đao vì kiếm trọ. Đã thế TP.HCM lại là một mảnh đất hoàn toàn xa lạ. Chị rong ruổi khắp các con hẻm, cuối cùng chọn ở ghép với vài người lạ để tiết kiệm chi phí. Vốn là người nhanh nhẹn, hoạt bát nên chị bắt nhịp với cuộc sống mới khá nhanh. “Khó khăn lớn nhất với chị đó là nỗi nhớ nhà và sự dằn vặt vì bản thân đã quá ích kỷ khi vào Sài Gòn và để mẹ một mình ở Hà Nội. Mẹ ở một mình thì nhớ chị, lo cho chị. Còn chị ở trong này cũng nhớ mẹ, lo cho mẹ. Mất khoảng vài tháng thì chị cũng nghĩ lấy lại được tinh thần, đã chọn rồi thì phải cố gắng hết mình. Thấy con gái như vậy mẹ chị cũng bớt lo hơn” – chị chia sẻ.

Tính chị vốn rất lạc quan và luôn hướng về những điều vui vẻ. Chị quan niệm mọi việc đều do mình quyết định, nên bản thân phải chịu trách nhiệm với mọi việc đã xảy ra. Cuộc sống vốn dĩ vô thường, bản thân mỗi người hãy sống thật hạnh phúc với những gì mình chọn. Đừng để khi ngoảnh đầu nhìn lại phải tốt lên hai tiếng “giá như…” Chị chưa bao giờ ân hận về quyết định Nam tiến ngày hôm ấy, bởi nếu không chị sẽ chẳng có cơ hội gặp những đồng nghiệp tốt và tìm được một nửa của mình.

Khi dân Bảo hành xả stress

Chị biết tới FAST qua lời giới thiệu của một người bạn. Tháng 8/2014, chị nộp hồ sơ ứng tuyển và chính thức nên duyên với phòng Hỗ trợ và Chăm sóc khách hàng 2. Tính chất của phòng là thường xuyên tiếp xúc với khách hàng. Có những người cực kỳ dễ tính, nhưng cũng có những vị thượng đế cực khó chiều. 

Chị say sưa kể về những câu chuyện trong thời gian 7 năm gắn bó với FAST. Hầu như ngày nào chị cũng có kỷ niệm với khách hàng cả. Mọi người vẫn thường chọc nhau là ai trong phòng cũng có hai giọng nói. Lúc nói chuyện với khách hàng thì ngọt ngào như nói chuyện với người yêu, bất kể có xảy ra chuyện gì, dù mình đúng hay sai thì khách hàng vẫn mãi là “thượng đế”. Đến lúc tắt điện thoại thì phải quay sang trút nỗi lòng với đồng nghiệp ngồi cạnh ngay. Mà xả xong thì cũng phải quên thật nhanh để còn đón tiếp các thượng đế khác.

Chuyện tăng ca hay ở lại 30 phút đến một tiếng cố gắng làm cho xong công việc còn tồn đọng là việc thường xuyên của Fasters phòng Bảo hành. Nhất là những tháng cao điểm, khi khối lượng công việc chất đống thì áp lực cũng tăng lên. “Lúc ở lại văn phòng có một niềm vui là rất nhiều anh chị em cũng đang rơi vào tình huống như mình. Phòng chị dù nắm kỷ lục về số lượng thành viên đông nhất nhưng được liệt vào top trầm tính nhất công ty. Do đó việc đi ăn nhậu, liên hoan như khối Lập trình, Tư vấn ứng dụng là chuyện không thể. Mẹo xả stress của chị em khối Bảo hành đơn giản là cố ở lại thêm 5 phút sau khi xong việc để “tám chuyện” về cái lỗi “củ chuối” đã được xử lý xong hoặc vô vàn tình huống khó đỡ với khách hàng. Lúc này các phòng khác cũng đã về cả rồi nên việc nói chuyện rất thoải mái. Thỉnh thoảng mọi người mang một vài món ra liên hoan (nhiều nhất là bánh tráng trộn). Thế là tâm trạng ai cũng ổn, nỗi bực nào cũng được xoa dịu. Có gì không ổn thì cũng mai nghĩ tiếp” – chị Phương hào hứng kể.

Chuyện lên xe bông mùa dịch

Ngày vào làm ở FAST cũng là lúc chị chuyển sang trọ mới. Phòng anh nằm đối diện phòng  chị. Lần đầu nói chuyện, chị sang phòng anh ngó ý muốn share wifi mà anh lại lạnh lùng không cho. Sau ấn tượng ban đầu không mấy tốt đẹp, chị không thèm bắt chuyện với anh nữa. Rồi ghét của nào trời trao của đó. Chị cũng chẳng thể ngờ anh chàng mình chẳng có chút thiện cảm năm đó lại trở thành một nửa của mình. 

Lễ cưới thì có thể đợi dịch qua rồi tổ chức, nhưng ảnh cưới thì chắc chắn phải có 1 album thật lãng mạn.

Cột mốc đưa mối quan hệ của 2 anh chị xích lại gần nhau hơn chính là ngày anh bị người yêu đá. Hôm ấy, thấy anh mang rượu ra cửa phòng ngồi uống một mình tội quá, chị chủ động sang an ủi. Kết quả là sau khi tàn cuộc, chị về phòng rồi ói một trận tơi tả. Rồi trò chuyện giúp đỡ nhau lâu ngày thành thân, giữa hai người nảy sinh thứ cảm xúc mang tên tình ái.

Anh là người quyết đoán, tự lập, lại có đam mê đi du lịch giống chị. Sau hơn 6 năm tìm hiểu, hai anh chị cũng tính tới chuyện trăm năm. Nhưng người tính chẳng bằng trời tính. Anh chị dự tính qua Tết năm 2020 hai gia đình gặp mặt và chốt lại ngày tổ chức, nhưng vì dịch Covid không di chuyển được nên tạm hoãn. Nhà chị có nhiều người thân ở nước ngoài, đặc biệt là gia đình chị gái. Mà tình hình Covid diễn tiến ngày càng phức tạp, đợi tới lúc hết dịch thì chẳng biết đến bao giờ, nên cả hai quyết định đăng ký kết hôn trước, tranh thủ chụp vài tấm ảnh cưới và dọn về sống chung một nhà. Còn chuyện tổ chức đám cưới thì để tính sau.

Hiện tại, tổ ấm của chị đã chào đón một cô công chúa nhỏ 8 tháng tuổi. Vì bé giống bố nên mọi người toàn nhận nhầm là con trai. Ngày chị chuẩn bị sinh, mẹ chị cũng từ Hà Nội bay vào chăm sóc hai mẹ con. “Chị định khi bé được 6 tháng thì sẽ gửi con đi nhà trẻ. Cũng vì tình hình dịch nhiều biến động mà bây giờ bà ngoại vẫn còn kẹt ở trong Nam. Đúng là trong cái rủi có cái may, nếu không có dịch, mẹ chị về Hà Nội thì chị không biết xử lý vụ trông con như thế nào”.

Ông xã của chị Phương và cô công chúa nhỏ giống ba ý đúc.

Lời kết

Thuở còn yêu nhau, hai anh chị có tham gia một nhóm moto khám phá vô vàn cung đường đẹp. Sau những lần đi phượt ngồi sau tay lái của anh, chị luôn ấp ủ mong muốn một ngày nào đó có thể một mình điều khiến chiếc moto chinh phục các cung đường. Sau 1001 lần thuyết phục anh thì chị cũng được toại nguyện. Hành trình từ Huế vào TP.HCM dài 1046km cũng chính là kỷ lục cung đường xa nhất mà chị từng chinh phục. Trên đường đi chị tranh thủ ghé qua thăm một vài người cùng phòng. Đó là hình tượng cá tính, cool ngầu của PhươngTL trong quá khứ. Còn hiện tại chị phải tạm gác lại đam mê trở về với hình ảnh một bà mẹ bỉm sữa, một người vợ đảm. “Giờ lái xe bình thường thôi mà chồng chị còn không yên nữa. Với chị mỗi ngày đi làm, lái xe máy trên con đường quen thuộc thôi cũng là đang tham gia một cuộc đua để giành lấy 500K chuyên cần mỗi tháng. Thế cũng đủ thú vị rồi!” – chị cười.

Nhận xét của đồng nghiệp về chị PhươngTL:

Chị VânNTT (phòng Bảo hành 2, FSG): PhươngTL là đồng nghiệp và cũng là hàng xóm của chị. Chị ấn tượng về Phương từ một cô gái tóc dài đi mô tô, ra quyết định xoắn lên tới ngang tai. 

Trong công việc thì Phương rất nhiệt tình và tìm tòi, học hỏi những cái mới để hỗ trợ cho bảo hành sản phẩm.
Trong cuộc sống, Phương rất đảm đang, siêng năng và rất khéo léo trong giao tiếp. Có thể nói Phương là nhất trong hội già chơi chung.

Chị LinhLTD (phòng Bảo hành 2, FSG): Phương là người khá lạc quan và cá tính, chị thích cá tính của Phương. Nhìn bên ngoài thì Phương rất nữ tính nhưng thật ra lại rất có cá tính, chăm chỉ nhiệt tình trong công việc. Chị có một sự tin tưởng là Phương sẽ giải quyết tốt những vấn đề khi hỗ trợ khách hàng.

Phương cũng hay đi du lịch, thích đi đây đi đó. Chị ấn tượng với Phương là một cô gái có gu ăn mặc thời trang, kiểu tóc thì cũng hay thay đổi. Theo đánh giá của chị thì tâm hồn của những cô gái như vậy là tâm hồn rất phong phú yêu thiên nhiên và tích cực trong cuộc sống.

(NguyệtNTM – FMK)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *