Nền kinh tế đám mây bùng nổ
Đây là một nền kinh tế tập trung vào các hoạt động và lợi ích tài chính của điện toán đám mây với thành phần tham gia mở rộng. Bắt đầu sẽ là sự bổ sung vào mối liên kết độc quyền là nhà cung cấp dịch vụ – người dùng với các tổ chức môi giới, công ty bảo hiểm. Khi điện toán đám mây ngày càng phổ biến và trở thành nhu cầu thiết yếu, nó kéo theo những cơ hội kinh doanh đấy hứa hẹn cho nhiều người. Theo IDC dự đoán vào năm 2015, cứ 6 USD cho gói phần mềm và 5 USD cho ứng dụng sẽ có 1 USD được chi tiêu thông qua mô hình SaaS (Software as a Service). Khi doanh nghiệp bỏ nhiều tiền hơn cho các đám mây, họ mong muốn và đòi hỏi một quy trình tích hợp, kiểm tra an ninh, kiểm toán hiệu suất tạo sự liên kết cho một chiến lược tổng thể trên nhiều mặt. Để làm được những điều này, tốt hơn là nên có một tổ chức trung gian, những người tổng hợp các ứng dụng, cung cấp một cổng thông tin để ai cũng có thể mua, truy cập và kiểm soát việc sử dụng cũng như thương lượng mức giá tốt nhất – tất cả tại cùng một nơi.
Các giải pháp quản lý cũng là một vấn đề lớn, mà cụ thể chính là những giải pháp được thiết kế để quản lý số tiền bạn đang chi tiêu cho việc chạy các ứng dụng dựa trên điện toán đám mây. Chúng không thể giúp bạn vận hành các ứng dụng nhưng có thể theo dõi số tiến bạn bỏ ra, xác định nhu cầu sử dụng và đưa ra các khuyến cáo về việc triển khai mà có thể tiết kiệm tiền cho bạn.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ lên mây
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tận dụng hiệu quả chi phí và sự thích nghi nhanh chóng mà dịch vụ điện toán đám mây mang lại. Kể từ khi những nền tảng điện toán đám mây đang ngày càng cải thiện hiệu quả sử dụng dữ liệu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ xem xét việc chuyển đổi việc lưu trữ dữ liệu lên mây thay cho hệ thống máy chủ truyền thống. Để làm được điều đó, các nhà cung cấp dịch vụ cần giải quyết được các vấn đề như: xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, đơn giản hóa cách tiếp cận và thỏa mãn được thói quen, văn hóa của doanh nghiệp.
Theo khảo sát gần đây của Syman-tec, một công ty phần mềm hàng đầu thế giới, hiện có khoảng 46% doanh nghiệp và tổ chức Việt Nam đang triển khai ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và các dự án ảo hóa khác. Nếu việc này được thực hiện, ngoài việc giảm chi phí nó sẽ có ý nghĩa trong việc giảm thiểu năng lượng tiêu thụ. Theo tính toán của Google, khoảng 65% – 80% chi phí hoạt động sẽ được cắt giảm nếu doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển sang sử dụng các đám mây – một con số đáng kể khi mà phong trào bảo vệ môi trường đang rất được quan tâm.
Sử dụng đám mây cho sao lưu và khôi phục
Đóng vai trò là một công cụ chiến lược trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, những đám mây mở rộng tầm ảnh hưởng của mình với nhiệm vụ sao lưu và khôi phục. Một số giải pháp được đưa ra như V-Backup của VDC hay Exa Backup. Dựa trên những mô hình giá cả được cung cấp, các nhà hoạch định chính sách có thể bỏ tiền cho mô hình lưu trữ lâu dài và trả tiền cho các lần máy chủ đám mây được sử dụng hoặc trả tiền định kỳ hàng tháng; sao lưu tại một hoặc nhiều nơi để phục vụ cho trao đổi nóng giữa hai hệ thống. Dù thực hiện thế nào thì mục đích cao nhất vẫn là giữ cho các thông tin và ứng dụng quan trọng được bảo vệ tối đa trong trường hợp khẩn cấp.
Những dấu hiệu rõ ràng nhất mà bạn có thể thấy là sự tranh cãi: về thẩm quyền và tính hợp pháp của dữ liệu được lưu trữ trên các đám mây trong và ngoài nước. Đừng hy vọng những chính sách của chính phủ hay lời hứa hẹn của các nhà cung cấp dịch vụ có thể giảm thiểu điều này. Thay vào đó, nếu bạn đã nhận thức rõ được những vấn đề liên quan đến nơi cư trú của dữ liệu thì các công tác bổ sung như mã hóa định dạng sẽ rất cần thiết.
Điện toán đám mây sẽ tiến xa hơn nữa trong năm 2013 và sau đó, đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Nếu các doanh nghiệp muốn duy trì khả năng canh tranh, tăng hiệu quả và giảm chi phí, đám mây có thể là câu trả lời. Tuy nhiên doanh nghiệp cần phải vượt qua định kiến, thói quen hay những lời tiếp thị để nắm rõ bản chất của việc “lên mây”, từ đó đưa ra quyết định vào đúng thời điểm.
(Nguồn Tin học & đời sống)