fbpx

LongNA (FHN): Phải lột xác liên tục

03/01/2023

03/01/2023

635

Tâm huyết là điều đầu tiên tôi cảm nhận được khi tiếp xúc và trò chuyện với anh Nguyễn Anh Long (LongNA), Trưởng Phòng Kinh doanh, VP FAST Hà Nội. Anh có thể ngồi hàng giờ và nói hàng tiếng đồng hồ về kinh doanh mà không biết chán. Dường như kinh doanh đã ngấm vào máu thịt anh, mà khi nhắc đến nó, anh không cần biết trên đời này còn có gì thú vị hơn, quên hết cả những thực thể tồn tại xung quanh mình.

Chào anh, anh có thể giới thiệu vài nét về mình?

Anh là người rất cởi mở, hòa đồng, thẳng thắn. Anh không chấp nhận kiểu người chơi bằng mặt mà không bằng lòng. Sống chân thành nên anh thường được nhiều bạn bè, anh em tin cậy và tìm đến để chia sẻ, xin lời khuyên.

Anh thích giao lưu, hội họp, la cà quán xá, gọi một cách đơn giản là ham vui. Trước đây anh dành nhiều thời gian cho sự nghiệp, các mối quan hệ xã hội. Thời điểm này khi cảm nhận được những thay đổi về sức khỏe, gia đình, anh bắt đầu hướng về gia đình, quan tâm sức khỏe nhiều hơn, anh gọi đó là thời điểm cân bằng.

Trong phần tự bạch anh có giới thiệu rằng anh tốt nghiệp ngành Thiết bị điện – Điện tử tại trường Bách Khoa Hà Nội, tại sao anh không theo đuổi con đường mà nhiều người vẫn mơ ước ấy mà lại chuyển sang học ngành Toán – Tin của trường Kinh tế Quốc Dân?

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh thi Bách Khoa Hà Nội, chuyên ngành Thiết bị điện – Điện. Tuy nhiên, bản thân ngay từ nhỏ đã rất sợ điện nên không dám đùa với điện. Tốt nghiệp ngành điện nhưng tất cả các thiết bị điện trong nhà có xảy ra sự cố, anh thường gọi thợ điện đến giải quyết, mặc dù anh biết cách xử lý. Và đó là lý do khiến anh quyết định nhảy sang một chuyên ngành khác có độ an toàn cao hơn: ngành Toán – Tin, trường Kinh tế Quốc Dân.

Cơ duyên nào anh làm việc ở FAST?

Không có gì đặc biệt cả. Anh biết đến FAST từ khi còn là sinh viên trường Kinh tế Quốc Dân. Có một dấu ấn là năm anh trình bày luận văn tốt nghiệp có anh KhánhPQ trong hội đồng chấm điểm. Sau này anh lôi mấy bức ảnh chụp thời đó mới nhận ra anh KhánhPQ.

Sau khi ra trường anh làm việc tại công ty phân phối thiết bị điện. Bạn bè cũng lứa vào làm việc ở FAST đông như quân nguyên, sau đó gọi anh sang FAST làm. Ban đầu dự định sẽ làm về mảng kỹ thuật. Tuy nhiên, anh có tố chất làm kinh doanh nên chuyển qua làm kinh doanh cho đến tận bây giờ.

Ở FAST, công việc kinh doanh anh cảm thấy phù hợp với sở thích của mình, phát huy được khả năng giao tiếp, tính cách cởi mở của mình.

Số phận anh gắn với nghề, công việc từ bấy đến nay đều suôn sẻ, thành công. Anh thường hay lao vào các phân khúc khách hàng khó. Qua đó phát huy hết tính cách và sở thích của mình. Thời gian trôi đi, công việc cuốn lấy mình, đam mê ngày càng tăng lên.

Là một người từng trải trong lĩnh vực kinh doanh, anh có thể cho biết điều quan trọng đối với một người bán hàng là gì?

Mặc dù nghiên cứu rất nhiều sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước, tiếp cận được với khá nhiều sản phẩm có ưu thế nhưng anh quan niệm rằng, người bán hàng phải biết tin vào sản phẩm của mình, tin vào đội ngũ kỹ thuật đằng sau mình. Một khi mình tin mình thì mới có thể khiến người khác tin tưởng mình.

Đối với người bán hàng cái khó của họ là phải làm sao mà tạo được dấu ấn mạnh mẽ cho khách hàng ngay từ lần gặp đầu tiên. Vì thế cách mà nhiều người bán hàng vẫn sử dụng là ca ngợi sản phẩm của mình lên trên mây và hứa hẹn rất nhiều với khách hàng. Quan điểm của anh về vấn đề này?

Quan điểm kinh doanh của anh là kết hợp nhuần nhuyễn giữa sự trung thực và hình tượng hóa sản phẩm của mình. Qua rồi thời kỳ bán hàng bằng sự khua môi múa mép. Chúng ta bán hàng không thể bán sự nghi ngờ cho khách hàng được.

Trước hết phải hiểu rằng, không có sản phẩm nào là hoàn hảo. Ngay cả một chương trình của ông lớn vật vã như Microsoft vẫn có lỗ hổng và phải vá lỗi thường xuyên. Khi anh bán hàng, anh sẽ không dấu những khiếm khuyết của sản phẩm nhưng phải chứng minh cho khách hàng thấy đó không phải là điều kiện tiên quyết. Chúng ta cần phải hiểu rõ khách hàng, dùng sức mạnh hình ảnh công ty để dẹp bỏ bớt những khiếm khuyết của sản phẩm.

Anh tin rằng nếu cứ chân tình vẫn có thể hóa giải được bài toán bán hàng.

longna

Trong cuộc sống, trung thực là điều tốt, nhưng trong kinh doanh nếu cứ chân tình và trung thực liệu có ảnh hưởng gì không?

Tính cách ngay thẳng phải vận hành một cách khéo léo. Không thể cứ hứa suông, không cần biết có thực hiện được hay không thì sẽ để lại hệ lụy cho cả hệ thống đằng sau đó. Tuy nhiên, sự thành công gắn với trí tuệ người bán hàng, nếu trung thực một cách ngây ngô thì cũng sẽ chỉ là thất bại.

Vai trò của người quản lý ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh, thưa anh?

Người quản lý phải là người hiểu được thực tế, nhảy vào thực tế để dọn đường, làm bài tập mẫu cho nhân viên của mình áp dụng. Anh chú trọng việc theo dõi tiến trình thực hiện công việc của nhân viên. Một người quản lý không kiểm soát hết được công việc, không giám sát được tiến trình làm việc sẽ khó đưa ra quyết định, chỉ đạo.

Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh ở FAST HN có phần chững lại. Với tư cách là người quản lý trực tiếp, anh sẽ nói gì về điều này?

Anh đã từng đọc bài viết trên Internet “Tự đổi mới – cái gốc của sự thay đổi” của TS. Phan Quốc Việt. Trong bài viết đó có ví dụ về cuộc đời của loài chim ưng rất hay. Chim ưng có chu kỳ sống là 70 năm thì đến năm 40 tuổi có một bước lột xác, tái sinh để có thể mài dũa và tăng khả năng săn mồi, ví dụ đó rất có ý nghĩa khi áp dụng trong công việc và cuộc sống.

Kinh doanh luôn vận hành trong một guồng quay nhất định, không bao giờ có điểm dừng. Tuy nhiên, thực tế có thể thấy có những giai đoạn bị chững, bị hẫng, nhưng không vì thế mà bỏ cuộc. Phải biến khó khăn thành động lực, thành cơ hội.

Người lãnh đạo không thể chỉ đưa ra quy trình cứng nhắc, không chỉ nêu ý tưởng, hô khẩu hiệu, giáo điều mà cần thể hiện bằng hành động.

Như anh có nhắc đế trong bài viết “Tự đổi mới – cái gốc của sự thay đổi”, trong đời người phải có nhiều lần lột xác, vậy bản thân anh đã lột xác lần nào chưa ạ?

Anh lột xác liên tục, nếu không chịu thay đổi, không chịu lột xác thì đã không làm việc ở đây nữa. Đây chính là cách vận hành trong công việc. Khách hàng chính là động lực để mình tự thay đổi nên vận hành thường xuyên, lấy thất bại làm bài học để cải tiến cách làm.

Công việc kinh doanh không bao giờ nhàm chán bởi vì mình có thể giao dịch được với nhiều người giỏi, khi thuyết phục được họ, mình cũng tự tin lên rất nhiều.

Khi anh nói về công việc, có cảm giác sự say mê, nguồn cảm hứng và lòng nhiệt huyết của anh truyền sang cả cho người đối diện. Nhưng sự đam mê đó có khiến cho anh xao nhãng những thứ quan trọng khác như gia đình, sức khỏe?

Như anh đã nói từ đầu, trước đây anh dành nhiều thời gian cho sự nghiệp, lại có sở thích tụ tập, giao lưu nên yếu điểm lớn nhất của anh là chưa dành nhiều thời gian cho gia đình. Nhưng thời gian gần đây anh đang cố gắng để cân bằng giữa công việc và gia đình.Thời điểm này đối với anh, gia đình hết sức quan trọng, là chỗ dựa vững chắc.

Mặc dù anh thích giao lưu nhưng anh tự tin là hạn chế được các thói hư tật xấu. Làm việc thì rõ ràng, không có gì mờ ám để phải che dấu. Anh đi đâu, làm gì cũng nói cho vợ biết rõ ràng. Được cái vợ anh là người khá thoải mái và ưu tiên cho vấn đề công việc của chồng nên rất hiểu và thông cảm cho anh.

Còn về sức khỏe, anh cũng cảm thấy mình có phần dễ dãi với bản thân nên sức khỏe mỗi năm đã có sự khác biệt. Càng thêm tuổi người ta càng cảm thấy quý trọng sức khỏe. Anh đang cố gắng để điều tiết và cân bằng lại mọi thứ.

Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ. Chúc anh luôn thành công trong công việc và cuộc sống!

TỰ BẠCH

Họ và tên: Nguyễn Anh Long
Ngày sinh: 1-9-1977
Quê quán: Nam Định
Tốt nghiệp trường: – Đại học Kinh tế Quốc Dân, Khoa Toán – Tin
                  – Đại học Bách khoa Hà Nội, khoa thiết bị điện – điện tử
Ngày vào FAST: 20-10-2001
Vị trí công việc: Trưởng Phòng Kinh doanh 2, FAST HN
Sở thích: thay đổi theo từng giai đoạn (thể thao, chơi game, giao lưu với bạn bè, anh em)
Sở trường: giao tiếp, thuyết phục người khác
Sở đoản: chưa dành nhiều thời gian cho gia đình (do nhiều nguyên nhân: tính chất công việc, tính ham chơi), nhiều lúc chưa quyết đoán nên cũng có các cơ hội bị trôi qua.
Lúc rảnh rỗi thường: lướt web, đọc tạp chí ô tô.
Không thể sống được nếu thiếu…: internet.
Món ăn ưa thích: phở bò (có thể ăn quanh năm suốt tháng), chuối đậu nấu ốc, thịt băm viên
Quan điểm sống: Hòa nhập với mọi người, sống chân tình, không giả dối.

AnhNTL,
Cty FAST, 3-8-2012

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *