fbpx

Lập trình viên – Anh là ai?

09/01/2023

03/01/2023

701

FAST là công ty phần mềm và hiển nhiên số lượng lập trình viên khá là đông. Dưới đây là phỏng vấn một số nhân viên lập trình về nghề nghiệp của mình.

Lập trình viên (LTV) là làm gì?

Anh BìnhLV (Phòng Lập trình Ứng dụng): “Lập trình viên là người đóng vai trò trung gian chuyển ngôn ngữ tự nhiên thành ngôn ngữ máy tính. Để máy tính giao tiếp được với con người phải thông qua một chương trình, người lập trình là người làm ra chương trình đó”

Anh ViệtNQ (Phòng Tư vấn Ứng dụng): “Lập trình viên là những người viết chương trình, tham gia vào quá trình tạo ra 1 sản phẩm phần mềm. Ngôn ngữ là công cụ để giao tiếp, để hiểu nhau. Ngôn ngữ máy tính là thứ để máy tính hiểu việc nó đang làm”

Anh ToànND (Phòng Tư vấn Ứng dụng): “Lập trình viên giống như là một người phiên dịch. Khác với người phiên dịch thông thường là ở chỗ, người phiên dịch thông thường hiểu được hai ngôn ngữ, là chiếc cầu nối giữa hai con người bất đồng ngôn ngữ. Còn lập trình viên là chiếc cầu nối giữa con người và máy tính. Anh ta biết ngôn ngữ máy tính và lệnh cho máy tính làm công việc mà anh ta mong muốn”.

Anh LụcLC (Phòng Nghiên cứu & Phát triển Sản phẩm 2): “Cứ hình dung đơn giản như thế này, khi làm một chương trình (program), chẳng hạn như chương trình Khai mạc Seagames, phải có người tổ chức, vạch ra chương trình đó sẽ diễn ra như thế nào, khung giờ nào thì MC giới thiệu, khung giờ nào thì Ông A phát biểu, khung giờ nào thì bắn pháo hoa… Thì Người lập trình cũng tương tự như người tổ chức một chương trình vậy”.

Anh KhánhPQ (Giám đốc Cty FAST): Có lẽ nghề lập trình thuộc loại “sáng tạo” như những nghề kiến trúc, viết văn, kim hoàn, thợ thủ công…

Có một số vật tư ban đầu là con chữ (nghề văn), vật liệu thô (thợ thủ công, kim hoàn) và một số quy ước, quy trình người thợ phải làm ra sản phẩm theo ý mình hoặc theo đơn đặt hàng.

Mặc dù có chung vật liệu thô là ngôn ngữ lập trình và một số quy ước, quy trình trong quá trình phát triển SP (trong trường hợp nhiều người cùng tham gia phát triển SP) nhưng độ sáng tạo thì giống như thợ thủ công, thợ kim hoàn, kiến trúc sư…

Thường thì yêu cầu về SP là không rõ ràng, chi tiết mà hoàn thiện dần trong quá trình hoàn thành sản phẩm. Nhiều khi thay đổi lớn, bỏ đi, thay bằng cái khác, do hình dung ban đầu về SPkhông phải như vậy… Vì vậy sáng tạo, hoàn thiện liên tục xuất hiện trong quá trình phát triển sản phẩm.

Đấy là nói về nghề lập trình nói chung.

Còn cụ thể thì rất đa dạng.

Có thợ thủ công bậc 1, có thợ thủ công bậc 7. Có thợ phụ, có thợ cả.

Có SP làm từ đầu đến cuối, có SP chỉ tham gia vào 1 công đoạn (gia công).

Có SP tự làm 1 mình hoặc 1 nhóm nhỏ, có SP làm có sự tham gia của nhiều người.

Có SP làm cho nó xong. Bàn giao xong là mừng quýnh, quên luôn.

Có SP làm với tâm huyết, lo lắng, chăm chút như 1 đứa con từ khi thai nghén, đến mang nặng đẻ đau và chăm chút, nuôi dưỡng cho nó lớn, bổ sung cho nó kỹ năng (tính năng) này nọ, thay, trang điểm cho nó quần áo (giao diện) này kia trong suốt nhiều năm…

Đứa con nào sinh ra cũng với bao hy vọng, ước mong. Nhưng có đứa sinh ra bị nhiều bệnh tật (lỗi), chữa mãi mới hết bệnh. Có đứa sinh ra nhưng lại không tìm được việc làm (SP không bán được cho ai), có đứa ăn nên làm ra…

Tóm lại, lập trình cũng 1 nghề như bao nhiêu nghề khác. Chúa trời, tự nhiên phân công ai làm việc này thì cứ thế mà tuân theo. Mỗi người một nghiệp. Và có lẽ nên theo lời khuyên thứ 10 của người da đỏ “Tận hưởng cuộc hành trình đời bạn, nhưng không để lại dấu vết.”

Để trở thành LTV cần những đức tính gì?

Anh ToànND: “Yếu tố quan trọng nhất là sự cẩn thận, bởi vì khi đối mặt với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn dòng code, “sai 1 ly là đi một dặm”, rất khó kiểm soát. Suy nghĩ logic là một lợi thế, giúp người lập trình dễ hệ thống được việc sửa chữa hay thêm mới vào hệ thống hiện tại.Yếu tố quan trọng không kém là bình tĩnh, kiên trì và cuối cùng là đam mê. Bởi vì khi phát sinh lỗi mà không giữ được bình tĩnh và kiên trì thì rất dễ bỏ cuộc. Còn đam mê anh cho là yếu tố cuối cùng vì có đam mê hay không thì vẫn phải hoàn thành công việc, tuy nhiên nếu có đam mê thì làm việc sẽ tốt hơn và đầu tư cho chuyên môn nhiều hơn”.

ANh BìnhLV: “Theo anh, các yếu tố cần thiết của một lập trình viên là trước hết phải được đào tạo bài bản về ngôn ngữ máy tính, phải có tư duy lo gic về toán học (tương đối); Có khả năng nắm bắt yêu cầu của đối tượng, hiểu được mong muốn của người yêu cầu; và phải thực hành nhiều để tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề.”

Những cái được và mất của một LTV?

Anh Bình LV: “Được làm cái mà mình thích, được say sưa sáng tạo theo ý tưởng của mình. Tuy nhiên anh không hứng thú khi làm những công việc lặp đi lặp lại và xử lý số liệu thiên về nghiệp vụ, chẳng hạn như tính giá thành hay hàng tồn kho (Những cái đó cần sự chính xác về mặt số liệu, và khá khô khan). Anh cho rằng, nghề lập trình nhìn bề ngoài thì có vẻ khô khan nhưng thực chất là luôn được sáng tạo, cần nhiều tư duy chứ không máy móc kiểu 1+1=2 như toán học. Theo anh nghĩ, lập trình viên cũng như một người nghệ sỹ, một người viết kịch, một họa sỹ, sáng tạo nên những sản phẩm của riêng mình” .

Anh còn nói thêm rằng, lập trình viên thì suốt ngày cặm cụi với máy tính, ít giao tiếp với bên ngoài, nhưng anh không cho rằng đó là thiệt thòi hay mất mát mà là điều hiển nhiên.

Anh ToànND: “Thường thì các lập trình viên thích rock và có nhiều tài lẻ như đàn, hát và tán gái”.
Nếu cho rằng làm LTV chỉ quanh quẩn với chiếc máy tính thì có lẽ nhầm. Từ công việc lập trình, các LTV hoàn toàn có cơ hội thử sức ở các lĩnh vực khác.

Anh HùngHM (Phòng Nghiên cứu Phát triển Sản phẩm Chuyên ngành): “ Có khách hàng mời anh sang làm việc cho họ với những điều kiện tốt hơn nhưng anh vẫn quyết định ở lại làm việc ở FAST vì đây mới chính là niềm đam mê của anh. Vả lại môi trường ở FAST hòa đồng, cởi mở, tự do phát triển khả năng của mình. Đây thực sự là một môt trường thuận lợi cho ai có niềm đam mê, và có tinh thần cầu tiến. Bản thân anh cũng đã từng trải qua công việc của một nhân viên phòng Hỗ trợ & Chăm sóc Khách hàng, Phòng Tư vấn Ứng dụng và nhân viên lập trình trước khi được đảm nhận chức vụ trưởng phòng Nghiên cứu, Phát triển Sản phẩm Chuyên ngành”.

AnhNTL
Công ty FAST

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *