TS Trần Thị Song Minh, Trưởng khoa Tin học kinh tế (THKT)
TS Phan Quốc Khánh, GĐ Công ty Phẩn mềm FAST
(Bài tham luận viết tại Hội thảo Khoa học “Nâng cao hiệu quả hợp tác giữa cơ sở đào tạo ngnành HTTT QL và các công ty trong lĩnh vực CNTT và TT”, ngày 26-10-2011, Khoa Tin học Kinh tế, ĐH KTQD HN)
Ông Phan Quốc Khánh, GĐ Cty FAST phát biểu tại hội thảo.
Giới thiệu tổng quan về cơ sở đào tạo ngành hệ thống thông tin quản lý
Khoa Tin học kinh tế là một trong những cơ sở đào tạo có kinh nghiệm và uy tín ngành Hệ thống thông tin quản lý trong hệ thống các trường đại học kinh tế ở Việt Nam. Khoa được thành lập vào ngày 5 tháng 6 năm 2000 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo số 2234/QĐ – Bộ GD&ĐT. Tiền thân của khoa THKT là Bộ môn xử lý thông tin thuộc khoa Toán – Đại học Kinh tế Kế hoạch được thành lập năm 1976.
Các hệ đào tạo của khoa THKT gồm (1) đào tạo đại học với các hệ đại học chính quy, đại học vừa làm vừa học và đại học liên thông từ cao đẳng, (2) đào tạo sau đại học với đào tạo thạc sĩ (bắt đầu từ năm 2000) và đào tạo tiến sĩ (bắt đầu từ năm 2005).
Đối với đào tạo bậc đại học, khoa THKT đảm nhận đào tạo ngành Hệ thống thông tin quản lý với hai chuyên ngành Tin học kinh tế (444) và Hệ thống thông tin quản lý (453). Cho đến nay, khoa Tin học Kinh tế của trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐH KTQD) là cơ sở duy nhất trong hệ thống các trường đại học của Việt Nam được Bộ Giáo dục và đào tạo cho phép đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ về Quản lý và Phân tích thông tin kinh tế.
Sau hơn 38 năm đào tạo chuyên ngành Tin học kinh tế và sau hơn 10 năm thành lập, khoa THKT đã và đang đào tạo được 29 khóa đại học hệ chính quy, 4 khóa đại học hệ liên thông từ cao đẳng lên đại học, 1 khóa đại học tại chức, 9 khóa cao học và 4 khóa nghiên cứu sinh, trong đó có 01 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ đầu năm 2011.
Chất lượng đào tạo của khoa THKT cũng ngày một nâng cao. Từ năm 1972 đến nay đã có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường đều tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành được đào tạo. Nhiều cựu sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh của khoa hiện đang được giao các trọng trách lớn trong các tổ chức kinh tế – xã hội, các cơ sở đào tạo có uy tín trong cả nước như: Cục Thống kê Tin học, Bộ Tài chính, Sở Tài chính tại các tỉnh/thành phố, Tổng cục Thuế, cục thuế tại các tỉnh/thành phố, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung Ương, các ngân hàng thương mại, các trường đại học (Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thái nguyên…), các tập đoàn và công ty tin học (Tập đoàn Công nghệ CMC, các công ty của Tập đoàn FPT, công ty Phần mềm FAST, công ty Phần mềm BRAVO, công ty kiểm toán Deloitte…) và các công ty, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước khác.
Thực trạng hợp tác giữa cơ sở đào tạo ngành Hệ thống thông tin quản lý và tổ chức doanh nghiệp
Đóng góp một phần quan trọng vào những thành công trên của khoa Tin học kinh tế là sự hợp tác bền vững của các tổ chức doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT và truyền thông. Phần 2 của bài viết này mô tả thực trạng hợp tác giữa cơ sở đào tạo ngành Hệ thống thông tin quản lý và các tổ chức doanh nghiệp làm cơ sở đưa ra những đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành Hệ thống thông tin quản lý, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Hệ thống thông tin quản lý là ngành đào tạo đa lĩnh vực. Sinh viên tốt nghiệp ngành Hệ thống thông tin quản lý cần có kiến thức đa ngành: kinh tế, quản trị kinh doanh và ứng dụng CNTT trong quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh. Mối liên kết, hợp tác bền vững với các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT là một yếu tố quan trọng đối với cơ sở đào tạo trong việc đảm bảo chuẩn đầu ra của ngành và đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội: (1) giáo dục chuyên nghiệp trong trường đại học được bổ sung kiến thức và kỹ năng thực tế từ phía doanh nghiệp; (2) các tổ chức doanh nghiệp có cơ hội thông tin và quảng bá hình ảnh của mình tới nguồn nhân lực tương lai của xã hội.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, khoa Tin học kinh tế đã chủ động khai thác và phát triển các mối quan hệ hợp tác với một số doanh nghiệp bên ngoài. Trên thực tế, khoa đã nhận được sự quan tâm và hợp tác của rất nhiều tổ chức doanh nghiệp liên quan đến CNTT và truyền thông, trong đó có Tập đoàn FPT, Công ty Fujitsu Việt Nam, Công ty Phần mềm FAST, Công ty phần mềm Bravo, Công ty TNHH Deloitte, Công ty cổ phần CyberSoft, Công ty MISA Hà Nội, Công ty PeaceSoft, Microsoft Việt Nam, Công ty cổ phần 1VS, Công ty cổ phần phần mềm MeliaSoft, Công ty VietSoftFinance… Bộ phận tin học của một số tổ chức ngân hàng tài chính như Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, Ngân hàng quân đội… cũng là những đối tác lâu năm của khoa.
Hình thức hợp tác khá đa dạng: cấp học bổng cho sinh viên, tiếp nhận sinh viên về thực tập tốt nghiệp, tuyển dụng sinh viên vào công ty làm việc sau khi tốt nghiệp, tổ chức các buổi giao lưu giữa sinh viên với công ty, phối hợp tham gia tư vấn cho khoa trong việc xây dựng chương trình đào tạo, chương trình môn học, hỗ trợ sinh viên NCKH…
Tính đến thời điểm nay, hàng chục sinh viên của khoa đã được nhận học bổng của các tổ chức doanh nghiệp, phần lớn các sinh viên ngành Hệ thống thông tin quản lý đều được nhận về thực tập tại các doanh nghiệp liên quan đến CNTT. Trước mỗi đợt thực tập tốt nghiệp, khoa đều nhận được sự hợp tác thiết thực thông qua hình thức giao lưu giữa sinh viên và các nhà quản lý chủ chốt của doanh nghiệp, giúp sinh viên định hướng thực tập và nghề nghiệp tương lai. Sinh viên ngành Hệ thống thông tin quản lý đã có nhiều thế hệ nối tiếp đang giữ những trọng trách lớn trong các công ty Tin học, một minh chứng cho sự tin cậy của nhà tuyển dụng vào nguồn nhân lực ngành Hệ thống thông tin quản lý.
Bên cạnh hợp tác chuyên môn, khoa đào tạo chuyên ngành và các công ty Tin học bên ngoài còn có sự hợp tác lâu dài trong các hoạt động văn thể và các hoạt động cộng đồng khác.
Xét về tính bền vững của hợp tác chuyên môn, Công ty Phần mềm FAST là một trong những tổ chức doanh nghiệp góp phần quan trọng trong việc cùng với khoa chuyên ngành hỗ trợ sinh viên trong hầu khắp các hoạt động: từ học tập, nghiên cứu, cho đến thực tập tốt nghiệp cũng như các hoạt động ngoại khóa, phong trào văn thể.
Có thể nói, mối quan hệ hợp tác của cơ sở đào tạo ngành Hệ thống thông tin quản lý và Công ty Phần mềm FAST là một ví dụ điển hình về khả năng hợp tác toàn diện. Bản thân thành viên Ban lãnh đạo của công ty là TS Phan Quốc Khánh tham gia Hội đồng xây dựng Khung chương trình của ngành Hệ thống thông tin kinh tế hệ Cao đẳng cho các trường trong cả nước, tham gia xây dựng đề cương chi tiết các môn học ngành Hệ thống thông tin quản lý, phản biện các giáo trình chuyên ngành của khoa và hướng dẫn chuyên đề thực tập tốt nghiệp cho sinh viên…
FAST thành lập năm 1997 và trong 12 nhân viên đầu tiên của FAST có tới 5 người tốt nghiệp ngành Hệ thống thông tin quản lý của trường Đại học kinh tế quốc dân. Điều này là do lĩnh vực kinh doanh của FAST là phát triển và tư vấn ứng dụng các phần mềm phục vụ công tác quản lý trong doanh nghiệp.
Bắt đầu từ những năm đầu tiên cho đến nay, hàng năm FAST đều có tiếp nhận sinh viên ngành Hệ thống thông tin quản lý của trường Đại học kinh tế quốc dân đến thực tập. Văn phòng của FAST tại Đà Nẵng và Thành phố HCM cũng đều đặn tiếp nhận sinh viên thuộc nhóm ngành Hệ thống thông tin quản lý của các trường Đại học kinh tế Đà Nẵng và Đại học kinh tế TP HCM đến thực tập và làm việc. Nhiều sinh viên sau khi thực tập tại FAST, đã được tuyển dụng vào làm việc chính thức cho công ty FAST.
Công ty Phần mềm FAST tiếp nhận sinh viên thực tập với hai mục tiêu chính:
- Phục vụ trực tiếp công tác tuyển dụng nhân viên cho FAST.
- Góp sức trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.
Chính sách tuyển dụng của FAST là như sau:
- Từ trước đến nay, FAST tiếp nhận chủ yếu các sinh viên năm cuối, học kỳ cuối đến thực tập chuyên đề tốt nghiệp (tiếp nhận không lựa chọn);
- Hiện nay, FAST đang bắt đầu thử việc tiếp nhận sinh viên thực tập ngay từ năm thứ 2-3 (tiếp nhận có lựa chọn – chỉ tiếp nhận các sinh viên có năng lực khá, có mong muốn đi sâu vào chuyên ngành);
Trong các mảng hợp tác, cơ sở đào tạo và tổ chức doanh nghiệp đều đặt nhiều giá trị và nỗ lực vào việc nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo chuyên ngành, đặc biệt là giai đoạn thực tập tốt nghiệp của sinh viên. Nhận sinh viên chuyên ngành đến thực tập tại doanh nghiệp mang lại rất nhiều lợi ích cho sinh viên, cơ sở đào tạo và bản thân doanh nghiệp, cụ thể:
- Tuyển dụng sinh viên sau khi thực tập giúp doanh nghiệp lựa chọn được nhân sự phù hợp chuyên môn và tính cách với chi phí thấp;
- Sinh viên tìm được việc phù hợp ngay sau khi tốt nghiệp;
- Sinh viên vào làm việc sau khi thực tập tại doanh nghiệp thường ít chuyển việc hơn;
- Với những sinh viên có năng lực khá, thực tập ngay từ năm 2-3 thì doanh nghiệp có cơ hội tuyển dụng được nhân sự chủ chốt tiềm năng sau này;
- Đối với doanh nghiệp có nhân sự có học vị cao thì có thể phối hợp hỗ trợ đào tạo sau đại học trong những lĩnh vực chuyên ngành dưới góc độ thực tiễn;
Tuy nhiên, thực tế hợp tác giữa cơ sở đào tạo ngành Hệ thống thông tin quản lý và các tổ chức doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT và truyền thông, cho thấy còn nhiều bất cập và hạn chế. Sau đây là một vài vấn đề nổi bật:
- Hợp tác giữa doanh nghiệp và khoa chuyên ngành còn quá ít về số lượng và hạn chế về chất lượng. Theo thống kê sơ bộ từ tài liệu “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học năm 2011”, ở bậc đại học và cao đẳng có đến gần 50 trường có đào tạo ngành liên quan đến Hệ thống thông tin, nhưng con số các cơ sở đào tạo mà khoa Tin học kinh tế có quan hệ hợp tác rất ít (chỉ có 2-3 cơ sở đào tạo); Con số các doanh nghiệp liên quan đến CNTT có quan hệ hợp tác với khoa cũng chỉ mới dừng ở con số 7-8 đơn vị.
- Với nhiều doanh nghiệp, hoạt động hợp tác với cơ sở đào tạo còn mang tính chất hình thức, kém hiệu quả, hoặc hình thức hợp tác nghèo nàn, bị động;
- Có nhiều hạn chế trong hợp tác hướng dẫn sinh viên thực tập tốt nghiệp: hoàn toàn không có sự trao đổi, phối hợp trực tiếp giữa khoa và doanh nghiệp; thiếu sự liên hệ, trao đổi chuyên môn giữa giáo viên hướng dẫn của cơ sở đào tạo và cán bộ hướng dẫn tại doanh nghiệp (tất cả hiện nay đều thông qua sinh viên); nhân sự hướng dẫn thực tập trong doanh nghiệp thường biến động, ít kinh nghiệm trong việc hướng dẫn thực tập;
- Hợp tác kém hiệu quả dẫn đến bất cập đối với hình thức thực tập một giai đoạn hiện đang áp dụng cho ngành Hệ thống thông tin quản lý: sinh viên không có điều kiện tiếp cận định hướng trước đề tài chuyên đề thực tập tốt nghiệp, phải đầu tư dàn trải thời gian và sức lực cho nhiều công việc khác nhau;
- Sinh viên chưa có điều kiện đề xuất với doanh nghiệp mong muốn về vị trí công việc thực tập phù hợp với năng lực và hướng nghiên cứu để có thể vận dụng được những kiến thức đã học vào đề tài;
- Vì nhiều lý do khác nhau, sinh viên thực tập chưa có điều kiện tham gia công việc kinh doanh tác nghiệp thực của doanh nghiệp; hình thức thực tập có lương tại doanh nghiệp gần như chưa có; thời gian phía doanh nghiệp dành cho sinh viên tốt nghiệp chưa thỏa đáng;
- Nhận xét từ phía doanh nghiệp về quá trình thực tập tốt nghiệp của sinh viên (thế mạnh, điểm yếu, mức độ đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp tương lai…) chưa đầy đủ, nên cơ sở đào tạo còn gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá sinh viên và rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực tập tốt nghiệp cũng như bổ sung và hoàn thiện chương trình đào tạo;
- Sinh viên ít có điều kiện về thời gian và cơ hội để tham gia vào các hoạt động giao tiếp công chúng của công ty, học tập văn hóa công ty và rèn luyện các kỹ năng mềm khác cho nghề nghiệp tương lai;
Một vài đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác giữa cơ sở đào tạo ngành Hệ thống thông tin quản lý và các doanh nghiệp
Phần 3 của bài viết này sẽ đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng hợp tác nói chung và hoạt động thực tập tốt nghiệp của sinh viên nói riêng.
Đứng trên quan điểm tương đối thống nhất của cơ sở đào tạo ngành Hệ thống thông tin quản lý và tổ chức doanh nghiệp, có thể nâng cao hiệu quả hợp tác, tăng cường lợi ích song phương của mối quan hệ hợp tác bằng các cách sau:
Thứ nhất, thành lập Hội đồng tư vấn ngành ở khoa đào tạo chuyên ngành (theo đúng Quy chế tổ chức và hoạt động của trường Đại học Kinh tế Quốc dân) với các thành viên ở ngoài trường để tư vấn cho trưởng khoa về các vấn đề liên quan đến hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ… tạo điều kiện cho các hoạt động của khoa liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp;
Thứ hai, lập kế hoạch hợp tác dài hạn giữa cơ sở đào tạo và tổ chức doanh nghiệp trên cơ sở đánh giá khách quan về mục tiêu và kỳ vọng đối với mối quan hệ hợp tác song phương: phía cơ sở đào tạo cần thông báo cho phía doanh nghiệp kế hoạch hợp tác thường niên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động lập kế hoạch liên quan và ngược lại phía cơ sở đào tạo cũng cần có những thông tin cập nhật về mục tiêu, chiến lược kinh doanh, xu hướng phát triển sản phẩm công nghệ, chính sách hợp tác và tuyển dụng của doanh nghiệp… giúp cơ sở đào tạo định hướng hợp tác và hoàn thiện chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội;
Thứ ba, chính quy hóa quy trình thiết lập, phát triển và duy trì mối quan hệ hợp tác giữa cơ sở đào tạo và tổ chức doanh nghiệp: phân công nhân sự phụ trách mảng hợp tác với các tổ chức doanh nghiệp bên ngoài, hoàn thiện mẫu biên bản hợp tác và các mẫu biểu liên quan khác phục vụ hợp tác;
Thứ tư, đa dạng hóa các hoạt động hợp tác giữa cơ sở đào tạo và tổ chức doanh nghiệp: từ tư vấn xây dựng và hoàn thiện chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, tiếp nhận sinh viên thực tập, sinh viên làm bán thời gian, tham gia nghiên cứu khoa học, hội khảo khoa học của cơ sở đào tạo, tổ chức các buổi gặp gỡ giao lưu giữa doanh nghiệp với CBGV, sinh viên, học viên và NCS khoa chuyên ngành, tổ chức cho sinh viên ngành Hệ thống thông tin quản lý và học viên cao học ngành Quản lý và phân tích thông tin kinh tế đến tham quan các cơ sở doanh nghiệp Tin học, nhằm mục đích giúp sinh viên, học viên làm quen và hiểu biết thêm về đặc thù doanh nghiệp Tin học , các quy trình kinh doanh đặc thù, các vị trí công việc đặc thù liên quan đến sản xuất sản phẩm và cung cấp dịch vụ phần mềm;
Thứ năm, tăng cường cơ hội trao đổi thông tin, quan điểm về đào tạo chuyên ngành và thực tập tốt nghiệp của sinh viên trong cộng đồng các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp liên quan đến CNTT và truyền thông. Có thể lựa chọn một số doanh nghiệp chủ chốt có nhiều sinh viên thực tập cùng tham gia trao đổi;
Thứ sáu, tăng cường hơn nữa hiệu quả định hướng thực tập tốt nghiệp cho sinh viên thông qua những buổi tiếp xúc và trao đổi giữa sinh viên với đại diện các tổ chức doanh nghiệp và giữa sinh viên các khóa đã tốt nghiệp và sinh viên chuẩn bị đi thực tập tốt nghiệp.
Thứ bảy, tạo điều kiện cho sinh viên năm thứ 2-3 tham gia làm việc bán thời gian cho các công ty, doanh nghiệp tin học;
Thứ tám, cần có sự gặp gỡ định kỳ hàng năm để tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực tập của sinh viên để mỗi năm làm tốt hơn công tác này.
Kết luận
Trên đây là một vài trao đổi nhằm mục đích nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác giữa các cơ sở đào tạo chuyên ngành Hệ thống thông tin quản lý và các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT và truyền thông. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được các đề xuất trên, đòi hỏi sự nhận thức và cam kết rất cao của tất cả các bên liên quan.