fbpx

HiệpNT – Luôn đặt chữ “Tín” lên hàng đầu

03/01/2023

03/01/2023

505

Sinh ra trong một gia đình thương lái nhỏ ở Đồng Nai, ngay từ cấp 1 anh đã ý thức được chỉ có con đường học hành tấn tới mới giúp bản thân thoát khỏi cảnh “một nắng hai sương”. Ngoài giờ lên lớp, anh phụ mẹ giao hàng khắp các ngõ ngách nhỏ. Hôm thì giao rổ trái cây, lúc lại là vài bộ quần áo,…

Thời phổ thông, thành tích học tập của anh luôn lọt top đầu của trường. Và sự nỗ lực ấy cũng thu về thành quả khi anh thi đỗ vào trường đại học Ngoại thương TP.HCM. Anh đùa: “Ngày trước anh học cũng đỉnh lắm, đến lúc vào đại học thì đỡ giỏi hơn rồi. Và ra trường đúng hạn là cả 1 sự may mắn”.

Anh là Nguyễn Trí Hiệp, phòng Kinh doanh 1, VP FAST tại TP. HCM (FSG). Ấn tượng đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với anh là sự hóm hỉnh và tài ăn nói đúng chất “dân kinh doanh”. Để hiểu hơn về nhân vật này, mời cả nhà cùng theo dõi bài viết!

Nghề sales là định mệnh

Thuở ấy, sinh viên ra trường xin việc rất khó khăn. “Mới ra trường, không thân không thế nên anh tìm tới mấy trung tâm giới thiệu việc làm. Ngoài phí đầu vào thì họ ăn thêm 50% lương tháng đầu của mình nữa. Mà khổ cái là họ giới thiệu tùm lum để ăn hoa hồng chứ chả có trách nhiệm gì với ứng viên cả” – anh Hiệp chia sẻ.

Chân dung anh HiệpNT.

Anh bén duyên với nghề sales ngay từ mối tình đầu với một công ty chuyên về phần mềm kế toán. Đợt đó anh nộp hồ sơ ứng tuyển vào nhiều vị trí, rồi duyên số đưa đẩy, 4/5 thành viên của ban phỏng vấn đều chốt “Thôi làm sales nhé!” Anh cười: “Chắc vì thấy bằng cấp của anh không làm được những vị trí khác nên mới quy về sale đấy! Mà dù gì trong cái tên ngành anh học (Quản trị kinh doanh) cũng có chữ kinh doanh rồi nên ra làm sales là lẽ đương nhiên.”

Mới chập chững vào nghề đã va phải mảng công nghệ phần mềm vừa khô khan, lại thiên về nghiệp vụ, anh đối mặt với không ít những khó khăn. Ban đầu, anh còn chẳng hiểu nổi định khoản trong kế toán nghĩa là gì, may sao công ty có cho đi học một khóa kế toán kéo dài 6 tháng nên cũng tích lũy được chút vốn liếng để sales.

Sau 8 năm gắn bó, anh quyết định chuyển ra kinh doanh riêng. Tới năm 2015, sau nhiều biến cố anh chọn bến đỗ là FAST – tại phòng Kinh doanh, thuộc nhóm bán sản phẩm Fast Business Online (FBO). Lại trở về với định mệnh ban đầu – nghề sales phần mềm kế toán.

Không từ bỏ cơ hội

Anh đã gắn bó với FAST 6 năm với vị trí của một nhân viên kinh doanh. Mặc dù có nhiều thăng trầm và biến động, mặc dù chắc có không ít cơ hội khác mở ra nhưng anh vẫn tiếp tục gắn bó với FAST. Anh cười: “Còn ở lại vì chưa có mối khác đấy. Nói chơi thôi chứ tính cách anh không thích nhảy việc, luôn muốn gắn bó với công việc mình yêu thích và tất nhiên là nguồn thu nhập phải hợp lý nữa. FAST mang lại anh tất cả yếu tố trên thì tại sao phải rời đi chứ?” 

Suốt chặng đường song hành cùng FAST, anh cũng kịp bỏ túi vô vàn kỷ niệm cùng đồng nghiệp và khách hàng. Đáng nhớ nhất là giai đoạn cuối năm 2020, anh có kỷ niệm đáng nhớ với một khách hàng nọ. Anh kể: “Đấy là khách hàng ‘tuy mới mà lại cũ’ của FAST. Anh đó trước đây từng làm IT ở công ty có sử dụng phần mềm của FAST rồi. Tới lúc chuyển qua công ty mới, họ cũng nhiệt tình giới thiệu sản phẩm bên mình cho lãnh đạo và liên hệ xin báo giá. Nhưng họ có nói trước với anh là khả năng ký được “Không khả thi” lắm, vì công ty tổng đã dùng phần mềm đối thủ rồi và muốn các công ty thành viên dùng theo. Theo quy trình thì sales cũng sang demo phần mềm. Sau buổi demo ấy, bản thân trưởng nhóm Kinh doanh và Tư vấn ứng dụng cũng đưa ra nhận định là hy vọng rất mong manh. Rồi bỗng đùng một cái, anh vẫn nhớ hôm đó là tối thứ 6, bên khách hàng yêu cầu gửi lại báo giá có chữ ký và đóng dấu của Giám đốc trước 9h sáng hôm sau để ban đầu tư duyệt.” 

Thế rồi thần may mắn đã mỉm cười, trong buổi chiều hôm ấy, khách hàng báo tin vui BGĐ đã chọn sản phẩm của FAST. Từ đó, anh rút ra được bài học xương máu: “Đừng bao giờ từ bỏ, dù cơ hội chỉ còn một chút mong manh. Biết đâu cuối đường hầm lại là ánh sáng”.

Ngẫm lại câu chuyện, anh Hiệp đúc kết lý do FAST ký được hợp đồng đó nhờ 3 yếu tố. Thứ nhất là đối thủ chủ quan khi cho rằng chỉ có họ mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Thứ hai là team hỗ trợ demo của FAST, từ trưởng nhóm Kinh doanh, trưởng phòng Tư vấn ứng dụng đều nhiệt tình và hết mình. Do đó, ngay cả những thành viên trước đây từng bác bỏ FAST cũng chỉ để phiếu trắng. Thứ ba là yếu tố xây dựng nguồn tin thân cận bên khách hàng để nắm bắt tình hình và xoay xở tình huống tốt nhất.

Trung thực trong kinh doanh

Trung thực và sống tình cảm là những lời giới thiệu hết sức súc tích về bản thân của anh. Cũng vì tính trung thực này mà từ nhỏ tới giờ anh phải chịu khá nhiều thiệt thòi. Tuổi thơ của chúng ta, liệu có ai đủ chín chắn để thoát khỏi ma lực cám dỗ của những trò bắt dế, tắm sông, bắt chim,…? Để rồi mỗi buổi trưa nắng gắt, khi nghe tín hiệu của đồng bọn, lại rón rén mở cửa chạy ra rẫy tham gia cuộc vui. Và để tránh đòn roi của ba, những câu mắng của mẹ đã có biết bao lời nói dối ra đời. Nhưng cậu bé Hiệp năm ấy lại là một ngoại lệ. Không tìm cớ này nọ, anh thật thà khai thật hết với ba mẹ và kết quả tất nhiên là bị ăn đòn ê ẩm khắp mình mẩy. Thuở cắp sách đến trường cũng vậy, mặc cho tụi bạn quay cóp các kiểu, anh vẫn luôn theo quan điểm “không quan trọng thành tích, sức mình bao nhiêu, mình được bấy nhiêu điểm”. 

Trong cuộc sống, trung thực là điều tốt, nhưng trong kinh doanh nếu cứ trung thực thì ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới kết quả. “Vậy nguyên tắc trung thực được anh áp dụng trong bán hàng là gì?” – tôi mò mò. “Anh nghĩ trung thực là điều tốt mà. Trung thực với sản phẩm và dịch vụ mình cam kết với khách hàng thì mới lâu dài được. Quan điểm của anh thì trung thực trong kinh doanh chính là chữ tín” – anh Hiệp chia sẻ.

Anh cũng không đồng tình với việc một số sales sử dụng cách thức tâng bốc sản phẩm của mình lên trên mây và hứa hẹn đủ điều với khách hàng. Dẫu biết thử thách của nhân viên kinh doanh là phải làm sao mà tạo được dấu ấn mạnh mẽ cho khách hàng ngay từ lần gặp đầu tiên. Thế nhưng đâu phải cứ tâng bốc sản phẩm là cách hữu hiệu. Người ta thường nói bán hàng quan trọng nhất là biết “lắng nghe” và quan điểm của anh là: “Bán cho khách hàng cái họ cần, chứ đâu phải bán cho họ cái mình có, nên không cần thiết phải nói nhiều. Cứ nói bốc lên trong khi sản phẩm chả có gì thì ăn được hôm nay, ngày mai lấy gì ăn? Anh thì được cái với khách hàng luôn vui vẻ và nhiệt tình, kể cả trước, trong và sau khi bán hàng. Cứ như vậy là họ nhìn có thiện cảm về mình rồi”.

Theo anh, yếu tố để trở thành một nhân viên kinh doanh giỏi rất nhiều và rất khả biến. Tùy trường hợp và hoàn cảnh mới xác định được. Suy cho cùng quan trọng nhất vẫn là có duyên bán hàng, kỹ năng giao tiếp và nghiệp vụ chuyên môn. “Duyên bán hàng là yếu tố bẩm sinh, có thể cải thiện được nhưng rất khó, khoản này anh thấy bản thân đủ xài. Về kỹ năng giao tiếp trước, trong và sau khi bán hàng thì anh may mắn đáp ứng tốt. Còn về nghiệp vụ thì anh đã có nhiều kinh nghiệm về mảng phần mềm rồi. Tuy nhiên công nghệ thì thay đổi liên tục, nên anh cũng cần cập nhật thường xuyên và tức thời. Hiện tại thì anh cũng cố gắng đu theo các bạn trẻ thôi!”  – anh bộc bạch.

Cuộc sống thường nhật

Anh thích bóng đá, thời trai trẻ anh từng góp sức không biết bao nhiêu trận bóng với đồng đội. Khi ấy, đường chạy theo trái bóng lăn trên sân cỏ đủ sức đánh bay bao mệt mỏi, phiền não trong anh. “Anh chơi máu lửa lắm! Thời sinh viên đi đá mà không có giày, anh đánh liều chơi chân trần luôn rồi ngã bong luôn hai ngón cái. Mùa giải tới anh vẫn không chịu đầu hàng, dùng bông bó 2 ngón lại, đầu tư thêm đôi giày vào vẫn đá bình thường thôi. Anh chuyên giữ vị trí hậu vệ, đối thủ mà lừa được bóng qua thì xác định người ở lại với anh nhé hehe!” – anh Hiệp tâm sự.

Vợ chồng anh Hiệp cùng hai nhóc quậy.

Còn giờ thì khác, sau khi trải qua lần chấn thương đứt dây chằng 5 năm trước cùng với việc tuổi tác bắt đầu kìm hãm đam mê, anh chọn “rửa đao gác kiếm”. Hiện tại niềm vui của anh thu gọn lại bằng việc nằm nhà xem trái bóng lăn trên màn hình tivi, rồi chém gió. 

Ly cafe đá là món khoái khẩu không thể thiếu mỗi sáng của anh. Đây là một liều thuốc giúp anh lấy lại cân bằng để bắt đầu một ngày làm việc hiệu quả. Điều đầu tiên anh làm sau khi mở laptop là kiểm tra danh sách công việc cần thực hiện trong ngày và sắp xếp theo thứ tự việc gì quan trọng thì làm trước. Tất nhiên cũng có ngoại lệ là khi khách hàng liên hệ demo hay ký hợp đồng thì toàn bộ công việc đều được anh gác lại, vì “khách hàng là thượng đế” mà. 

Qua buổi trò chuyện tôi cảm nhận được anh là người khá hóm hỉnh. Câu trả lời của anh thú vị tới mức nhiều khi khiến người đối thoại cùng bất giác bật cười. Khi phóng viên đề cập tới câu chuyện stress, anh đã có một câu trả lời tếu táo: “Stress à? Chuyện nhỏ thôi! Cưới vợ anh còn dám cưới thì làm gì có stress nào đủ tầm đánh bại được anh nữa!”

Cũng nhờ một lần lấy hết can đảm ngỏ lời xin “rước nàng về dinh” mà hôm nay anh có một tổ ấm vẹn tròn với vợ hiền và “hai thằng quậy” kháu khỉnh. Sau giờ tan sở, anh phụ bà xã trông con và làm việc nhà. Công việc chủ yếu là lau nhà, rửa bát và một vài công việc vặt bà xã “sai bảo”.

Gia đình hạnh phúc có lẽ là mục tiêu phấn đấu của biết bao đôi uyên ương. Với anh, hạnh phúc là quá trình chứ không phải đích đến. Một gia đình chỉ thật sự hạnh phúc khi vợ chồng thấu hiểu, vợ nói chồng nghe và ngược lại, con ngoan ngoãn nghe lời bố mẹ răn dạy. Và gia đình anh vẫn đang đi trên quỹ đạo ấy. Anh luôn nghiêm khắc rèn luyện cho các con đức tính tự tập, trung thực từ khi còn nhỏ. Dù đúng hay sai thì trong mọi hoàn cảnh, vẫn luôn phải trung thực nhận lỗi và sửa chữa sai lầm.

Nhận xét của đồng nghiệp về con người anh HiệpNT:

Anh VươngHT (Trưởng nhóm kinh doanh, phòng Kinh doanh 1, FSG): Anh Hiệp là người hiền lành, thật thà và luôn chu đáo trong công việc. Ấn tượng có lẽ là khi trao đổi những công việc tương đối quan trọng anh Hiệp thường tỏ ra gấp gáp, hồi hộp. Còn với những cuộc vui chơi thì khả năng “chém gió” của anh ấy cũng thượng thừa trong rất nhiều lĩnh vực.

(NguyệtNTM – FMK)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *