“Hôm dự buổi demo, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng, được nghe phần trình bày và trả lời của HàoĐV về sản phẩm FB 3.5. Rất nhiều câu hỏi khó của khách hàng về giá thành, quản lý sản xuất, quản lý mua, bán, tồn kho… HàoĐV đã trả lời rất tốt, cả từ hiểu biết về sản phẩm và ví dụ thực tế qua kinh nghiệm triển khai các dự án. Mọi câu hỏi HàoĐV đều biết để trả lời, nhưng khi trả lời lại không vội vàng, dừng vừa đủ thời gian mới trả lời, và trả lời rất rõ, đủ chậm để người nghe kịp nắm bắt vấn đề”. Đó là lời nhận xét của anh Phan Quốc Khánh – Giám đốc Công ty FAST về anh HàoĐV, Phó phòng Tư vấn Ứng dụng 2, VP FAST TPHCM.
Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của anh về cách học hỏi, đổi mới và sáng tạo trong việc nắm bắt kiến thức, kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ và cách tư vấn cho khách hàng.
Anh có thể cho biết cảm giác của anh như thế nào khi nhận được lời khen tặng cũng như đánh giá cao từ BGĐ?
Anh không nghĩ là Sếp đánh giá cao phần trình bày của mình như thế. Quả thật là cảm giác rất khó tả khi nhận được lời khen từ Sếp. Lời khen đó là sự khích lệ về tinh thần và cũng là động lực để anh nỗ lực hơn trong các công việc mà mình sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Kiến thức về phần mềm ERP rất khổng lồ và phức tạp. Để nắm được lượng kiến thức lớn như thế anh đã phải bắt đầu như thế nào?
Các bậc tiền nhân đã có câu “Kiến tha lâu ngày đầy tổ”. Anh cũng theo triết lý trên mà áp dụng vào việc học tập, thu thập các kiến thức để phục vụ cho công việc. Với cách thức đó thì anh đã bắt đầu tìm hiểu và học tập từ những kiến thức rất nhỏ để rồi lâu ngày thì anh cũng tích lũy được một số kiến thức nhất định để phục vụ cho công việc hàng ngày của mình.
Là một người tốt nghiệp Toán – Tin, hẳn có những bất lợi về nghiệp vụ kế toán khi mới bắt đầu. Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm về nắm vững những kiến thức nghiệp vụ của mình? Theo anh cách học nào hiệu quả nhất?
Anh học khoa Toán của trường Đại học Kinh Tế. Trong chương trình học, anh được tiếp xúc khá nhiều các môn học liên quan tới kinh tế, trong đó có cả kế toán. Do đó, việc tiếp cận các nghiệp vụ kinh tế cũng dễ dàng hơn.
Các kiến thức về nghiệp vụ, ngoài việc học ở trường, thì anh được học rất nhiều từ các khách hàng trong quá trình triển khai các dự án. Khi triển khai dự án không chỉ đơn thuần hiểu chương trình và hướng dẫn khách hàng sử dụng là được. Phải thực sự tìm hiểu nghiệp vụ và cách làm thực tế của khách hàng. Từ đó mình đưa ra hướng dẫn cụ thể nhất cho khách hàng trong việc ứng dụng phần mềm vào xử lý nghiệp vụ của họ. Qua từng dự án, anh đã tích lũy được rất nhiều nghiệp vụ của các khách hàng khác nhau.
Để hiểu tốt một lĩnh vực nào đó thì đầu tiên là mình phải tự tìm hiểu trước. Qua việc tự tìm hiểu thì mình cũng có hiểu biết riêng của mình về lĩnh vực mình cần học. Sau đó thì mình sẽ mở rộng kiến thức bằng cách trao đổi và học hỏi từ đồng nghiệp đi trước. Nếu có cơ hội được tham gia các khóa học ở các trung tâm thì kiến thức của mình sẽ được tăng lên đáng kể. Quan trọng nhất là mình có thực sự thích tìm hiểu nghiệp vụ đó hay không. Nếu mình thực sự thích thì có rất nhiều cách để mình có thể nắm bắt được kiến thức đó.
Đến thời điểm hiện tại, anh đã hoàn toàn tự tin với lượng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ của mình khi đứng trước khách hàng chưa? Anh cảm thấy cần bổ sung thêm những lĩnh vực nào?
Kiến thức thì vô hạn, hiểu biết của con người thì hữu hạn. Như đã nói ở trên, khối lượng kiến thức về sản phẩm, nghiệp vụ ERP là rất lớn. Những kiến thức anh nắm được còn rất nhỏ bé.
Sau hơn 7 năm làm việc ở FAST, hiện tại anh có thể tự tin rằng kiến thức anh thu nhận được cũng tạm đủ để anh giải quyết công việc hiện tại. Tuy nhiên, công việc triển khai dự án là luôn gặp khách hàng mới, nghiệp vụ mới. Để triển khai tốt một dự án mới thì trước tiên là anh cần phải nắm rõ các nghiệp vụ đặc thù của ngành nghề đó. Phải tìm hiểu và học hỏi “ngay, ngày ngày, quyết liệt” để có thể tư vấn và hướng dẫn cho khách hàng giải quyết các vấn đề họ đang vướng mắc.
Các lĩnh vực cần bổ sung kiến thức thì rất nhiều nhưng với quỹ thời gian không nhiều nên anh chọn cách học là nhận dự án ở các lĩnh vực mới để từ đó mình có động lực mạnh hơn và quyết tâm hơn trong việc tìm hiểu nghiệp vụ trong lĩnh vực đó. Từ đó tích lũy được thêm nhiều kiến thức mới.
Về nghiệp vụ, những nội dung liên quan đến giá thành, quản lý sản xuất, mua, bán, hàng tồn kho là những câu hỏi khó thậm chí đối với cả những người làm kế toán. Vậy anh làm thế nào để giải quyết được các bài toán hóc búa đó?
Anh thường tiếp cận các vấn đề khách hàng đặt ra với một góc độ đời thường nhất, dễ hiểu nhất từ đó tìm hướng giải quyết tốt cho các vấn đề khách hàng đặt ra. Khi đã đưa được các vấn đề khách hàng đặt ra về các vấn đề đời thường thì câu trả lời thật đơn giản.
Chẳng hạn bài toán về hoạch định sản xuất, hoạch định nhu cầu vật tư và giá thành của khách hàng có thể liên tưởng tới vấn đề khá đơn giản mà đời thường ai cũng gặp rồi đó là nấu một bữa ăn. Khi muốn có một bữa ăn trưa vào 12h00, người nấu phải nghĩ ngay tới thời gian thực hiện các món, nguyên liệu cần phải có và thời gian để mua các nguyên liệu cũng như chi phí cho các nguyên liệu là bao nhiêu. Các vấn đề đó anh nghĩ ai cũng làm được và bài toán khách hàng đưa ra có vẻ to lớn nhưng thực tế nó cũng không phức tạp hơn vấn đề mà ai cũng có thể thực hiện hàng ngày này.
Để giải quyết một vấn đề trước tiên mình phải thực sự hiểu biết vấn đề đó là gì bản chất của vấn đề là gì từ đó mới có cách giải quyết tốt được. Logic tốt thì sẽ giúp mình giải quyết nhanh một vấn đề. Cọ xát nhiều sẽ giúp mình có nhiều hiểu biết hơn về thực tế để làm nền tảng cho việc giải quyết các vấn đề mới trong tương lai.
Những lúc anh vấp phải những câu hỏi khó của khách hàng ngoài tầm hiểu biết của mình anh sẽ xử lý tình huống như thế nào?
Công việc của một người làm tư vấn ứng dụng luôn gặp khách hàng mới và lĩnh vực mới. Khi gặp các tình huống như vậy thì điều đầu tiên là mình phải lắng nghe vấn đề khách hàng nêu ra. Tập trung suy nghĩ và liên tưởng xem vấn đề này có tương tự như một vấn đề nào mình đã giải quyết chưa? Từ đó mình sẽ suy nghĩ thêm để đưa ra được lời giải tốt nhất cho vấn đề khách hàng nêu ra.
Còn đối với một vấn đề thực sự mới và khó thì trước tiên phải bình tĩnh, tranh thủ tìm hiểu suy nghĩ của chính người đưa ra câu hỏi và của những người cùng tham gia để mình có thể nắm bắt thêm thông tin phục vụ cho hướng xử lý của mình. Nếu nó vẫn ngoài tầm kiểm soát của mình thì cách tốt nhất là ghi nhận vấn đề rõ ràng và sau đó sẽ dùng quyền trợ giúp từ đồng nghiệp và các bậc tiền bối.
Kinh nghiệm học hỏi về sản phẩm, nghiệp vụ của anh như thế nào? Khi có 1 sản phẩm mới ra đời, anh nghiên cứu và học hỏi theo trình tự ra sao?
Về sản phẩm thì cách học của anh là đầu tiên phải xác định các chức năng của chương trình thiết kế để xử lý nghiệp vụ gì? Tiếp theo là phải học xem cách khai báo để xử lý nghiệp vụ đó. Đưa ra các nghiệp vụ thực tế để kiểm tra kết quả. Sau cùng là tìm hiểu thêm xem với chức năng đó có thể xử lý thêm được nghiệp vụ gì nữa không. Vấn đề này rất quan trọng vì nó sẽ rất có ích trong việc xử lý các nghiệm vụ mới.
Cách học sản phẩm mới nhanh nhất là xem nó khác sản phẩm cũ ở điểm nào. Chỉ cần lướt qua menu điểm mới của sản phẩm là có thể nắm được. Sau đó mới đi chi tiết từng điểm khác đó sao cho mình có thể hiểu rõ được các xử lý của từng chức năng thì mình mới có thể nhớ kỹ và áp dụng vào các nghiệp vụ thực tế được.
Cách trả lời câu hỏi của anh rất từ tốn, chậm rãi, không vội vàng, dừng đủ thời gian mới trả lời… như lời anh Khánh PQ nhận xét. Đó là do tính cách của anh luôn từ tốn, bình tĩnh hay là cách làm việc đặc biệt của anh?
Có thể khẳng định ngay đó không phải là tính cách mà đó là cách làm việc của anh. Cách làm việc này anh đã rút ra được từ thực tế làm việc với nhiều khách hàng và cũng là kết quả của các khóa học về tâm lý mà anh đã được tham gia.
Khi khách hàng đặt câu hỏi, tốt nhất là không nên vội vàng trả lời ngay. Nên để khách hàng hỏi hết câu và quan sát xem khách hàng có muốn hỏi thêm gì không. Khi cảm thấy khách hàng đã hỏi hết và rõ ý thì mình dừng một chút để sắp xếp lại các ý cho chính xác trước khi trả lời. Chính khoảng lặng đó khiến cho khách hàng cảm thấy mình thực sự quan tâm và trả lời khi đã suy nghĩ kỹ chứ không phải trả lời qua loa, đại khái.
Anh hãy chia sẻ kinh nghiệm trong việc giao tiếp với khách hàng, làm thế nào để khách hàng hiểu rõ vấn đề mình tư vấn?
Trước tiên là phải tự tin trong giao tiếp với khách hàng. Để tự tin được thì phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung mà mình sẽ trao đổi với khách hàng.
Trong giao tiếp quan trọng nhất và cũng khó thực hiện nhất là kỹ năng lắng nghe. Khi mình đã lắng nghe được thì mình sẽ hiểu được khách hàng muốn gì và khách hàng sẽ cảm nhận được sự quan tâm của mình đối với vấn đề khách hàng trao đổi. Từ đó tạo được sự thân mật hơn trong giao tiếp, làm tăng hiệu quả của buổi làm việc.
Đặt mình vào vị trí của khách hàng, lắng nghe khách hàng và tư vấn cho khách hàng giải quyết vấn đề như chính vấn đề của mình vậy.
Cảm ơn những chia sẻ hết sức thiết thực của anh!
Anh Hào ĐV không ngừng học hỏi, đổi mới và sáng tạo trong công việc
AnhNTL,
Cty FAST, 16-11-2012