fbpx

Điểm mới trong chế độ kế toán hành chính sự nghiệp theo Thông tư 24/2024/TT-BTC (Phần 2)

26/10/2024

25/10/2024

42

Ngày 17-4-2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 24/2024/TT-BTC về hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Theo đó toàn bộ quy định liên quan đến vấn đề này tại các văn bản hiện hành bao gồm: Thông tư số 107/2017/TT-BTC; Thông tư số 108/2018/TT-BTC; Thông tư số 76/2019/TT-BTC và Thông tư số 79/2019/TT-BTC sẽ được hủy bỏ từ ngày 01-01-2025. Thông tư số 24/2024/TT-BTC cập nhật và bổ sung các quy định về chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị hành chính sự nghiệp đảm bảo sự phù hợp nhất với tình hình thực tế và yêu cầu quản lý mới.

Xem phần 1: Tại đây

Bỏ một số tài khoản

Thông tư số 24/2024/TT-BTC quy định bỏ một số tài khoản sau:

Đối với tài khoản theo Thông tư 107/2017/TT-BTC:

  •  Bỏ TK 137 “Tạm chi”, đồng thời để phản ánh đúng bản chất của khoản tạm chi, Thông tư hướng dẫn hạch toán các khoản tạm chi vào các TK 138, 334, 338, 353 tương ứng phù hợp với cơ chế tài chính.
  •  Bỏ TK 337 “Tạm thu”, TK 366 “Các khoản nhận trước chưa ghi thu” để phù hợp với quy trình ghi nhận doanh thu theo chuẩn mực kế toán công Việt Nam.
  •  Bỏ phân loại chi tiết TK 421 “Thặng dư (thâm hụt) lũy kế”, TK 911 “Xác định kết quả” để khắc phục vướng mắc hiện nay do phân loại chi tiết tài khoản.
  •  Bỏ TK 612 “Chi phí từ nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài”, TK 614 “Chi phí hoạt động thu phí” và TK 652 “Chi phí chưa xác định đối tượng chịu chi phí”, khi đơn vị phát sinh chi phí này sẽ hạch toán vào Tài khoản 611, 612 tương ứng.

Đối với tài khoản theo Thông tư 79/2019/TT-BTC:

  •  Bỏ TK 243 “Xây dựng cơ bản dự án, công trình”: Hướng dẫn hạch toán trên TK 2412 “Đầu tư xây dựng dở dang”, theo đó phân loại thêm các tài khoản cấp 3 của TK 2412 để kế toán theo dõi và xử lý số liệu đối với các khoản chi phí đầu tư xây dựng chờ phê duyệt quyết toán, khắc phục được tồn tại phản ánh 2 lần tài sản như hiện nay.
  •  Bỏ TK 343 “Nguồn kinh phí đầu tư XDCB dự án, công trình”: Hướng dẫn hạch toán là khoản nhận trước trên TK 135 hoặc ghi nhận doanh thu tương ứng với nguồn nhận được (TK 511, 512, 518,…); đảm bảo nguyên tắc ghi nhận doanh thu theo chuẩn mực kế toán công Việt Nam.

Danh mục hệ thống tài khoản kế toán, giải thích nội dung, kết cấu và phương pháp hạch toán tài khoản kế toán được hướng dẫn tại Phụ lục I kèm theo Thông tư.

Quy định về sổ kế toán

Thông tư số 24/2024/TT-BTC kế thừa các quy định về sổ kế toán, trong đó quy định rõ hơn các nguyên tắc mở sổ, ghi sổ và khóa sổ kế toán để đơn vị áp dụng trong trường hợp mở sổ kế toán trên phương tiện điện tử hoặc mở sổ bằng thủ công. Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật điều chỉnh số liệu kế toán trong các tình huống cụ thể, các trường hợp được áp dụng hồi tố, điều chỉnh hồi tố liên quan đến thông tin số liệu báo cáo tài chính năm trước để đảm bảo thống nhất trong quá trình thực hiện và nâng cao chất lượng, độ tin cậy của thông tin, số liệu báo cáo của đơn vị kế toán.

Ngoài ra sắp xếp đánh số lại một số sổ kế toán để phù hợp với kết cấu chung. Bổ sung thêm một số sổ kế toán để phục vụ ghi chép số liệu nghiệp vụ phát sinh theo quy trình hạch toán kế toán và tài khoản mới như: “Sổ chi tiết phải thu kinh phí được cấp” (sổ S31-H), Sổ theo dõi các khoản nhận tài trợ cho hoạt động xã hội, từ thiện (sổ S81-H), Bảng xác định chênh lệch thu, chi từ kinh phí được giao tự chủ (sổ S90-H),…

Danh mục và các nội dung quy định về sổ kế toán tại Phụ lục số II. Để phù hợp trong điều kiện áp dụng công nghệ thông tin hiện nay, Thông tư quy định danh mục sổ kế toán, nguyên tắc lập sổ kế toán và các nội dung tối thiểu cần phải có trên sổ kế toán mà không quy định sẵn mẫu biểu để các đơn vị chủ động trong quá trình thực hiện.

Quy định về báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động

Đối với báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động

Thông tư số 24/2024/TT-BTC bổ sung, điều chỉnh thêm một số chỉ tiêu báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động theo yêu cầu của các đơn vị quản lý nhà nước, để đảm bảo đầy đủ thông tin trên báo cáo. Đồng thời bổ sung để hướng dẫn rõ hơn về việc lập báo cáo quyết toán đối với các trường hợp đơn vị thuộc ngân sách cấp trên nhận được hỗ trợ từ ngân sách cấp dưới và đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới được sử dụng kinh phí ủy quyền từ ngân sách cấp trên, để có đầy đủ số liệu tổng hợp quyết toán ngân sách theo quy định hiện nay.

Danh mục báo cáo, mẫu báo cáo, hướng dẫn lập báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động được hướng dẫn tại Phụ lục III kèm theo Thông tư.

Đối với báo cáo tài chính

Mẫu biểu báo cáo tài chính được chuẩn hóa trên cơ sở quy định của Chuẩn mực kế toán công Việt Nam, theo đó khắc phục một số nhược điểm trong trình bày báo cáo kết quả hoạt động, hướng dẫn thuyết minh đầy đủ thông tin trong năm trên báo cáo tài chính để đảm bảo sự minh bạch tài chính của đơn vị, quy định lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo phương pháp trực tiếp để thống nhất thực hiện trong tất cả các đơn vị và có khả năng hợp nhất số liệu từ báo cáo này. Trong đó thông tin số liệu về TS KCHT đơn vị được giao quản lý được trình bày đầy đủ trên báo cáo tài chính, đồng thời bổ sung thêm biểu thuyết minh riêng về tài sản TS KCHT đơn vị được giao quản lý nhưng không trực tiếp khai thác, sử dụng (Mẫu B04a/BCTC).

Danh mục báo cáo, mẫu báo cáo, hướng dẫn lập báo cáo tài chính được hướng dẫn tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư.

Quy định về in, sắp xếp, đóng để lưu trữ tài liệu kế toán

Hồ sơ tài liệu kế toán đều là các tài liệu rất quan trọng phải được lưu trữ trong thời gian dài theo quy định của pháp luật kế toán, cần được tra cứu, kiểm tra trong nhiều trường hợp khác nhau. Thông tư hướng dẫn kỹ thuật cụ thể về in, sắp xếp, đóng để lưu trữ hồ sơ, tài liệu kế toán, nhằm đảm bảo xác định rõ trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị, kế toán trưởng/phụ trách kế toán và người được giao nhiệm vụ bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán; thống nhất trong quá trình thực hiện, đảm bảo lưu trữ đầy đủ, đúng quy trình, chặt chẽ và dễ tra cứu theo đúng quy định của pháp luật kế toán.

Nội dung quy định về in, sắp xếp, đóng để lưu trữ hồ sơ, tài liệu kế toán được hướng dẫn tại Phụ lục số V.

Quy định về áp dụng phần mềm kế toán

Để đảm bảo chất lượng công tác kế toán và số liệu các báo cáo khi đơn vị thực hiện công tác kế toán trên các phần mềm kế toán khác nhau, Thông tư quy định một số nội dung về yêu cầu nghiệp vụ khi đơn vị hành chính chính, sự nghiệp lựa chọn sử dụng phần mềm kế toán để đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy trình quy định tại chế độ kế toán. Đồng thời để tránh tính thụ động khi áp dụng phần mềm kế toán, Thông tư quy định thủ trưởng đơn vị, kế toán trưởng/phụ trách kế toán và những người có liên quan phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin, số liệu kế toán trình bày trên sổ kế toán và các báo cáo được kết xuất từ dữ liệu kế toán.

Chuyển đổi số dư

Thông tư số 24/2024/TT-BTC quy định sau khi khóa sổ kế toán lập báo cáo tài chính năm 2024, đơn vị phải thực hiện chuyển đổi số dư sang tài khoản mới theo hướng dẫn tại Phụ lục VI kèm theo Thông tư.

Với những thông tin chia sẻ trên đây, bạn có thể thấy rằng chế độ kế toán hành chính sự nghiệp hiện tại đã được thay đổi khá nhiều, đòi hỏi các doanh nghiệp phải cập nhật và điều chỉnh nhiều vấn đề liên quan. Một trong số những công việc quan trọng chính là việc điều chỉnh và cập nhật những dữ liệu, biểu mẫu hiện có trên hệ thống phần mềm kế toán mà doanh nghiệp đang có. 

Tham khảo phần mềm kế toán hành chính sự nghiệp Fast Accounting for Public Sector để thực hiện các nghiệp vụ kế toán dễ dàng, thuận tiện và cập nhật kịp thời các quy định của Nhà nước.

Xem phần 1: Tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *