fbpx

Điểm mới trong chế độ kế toán hành chính sự nghiệp theo Thông tư 24/2024/TT-BTC (Phần 1)

25/10/2024

25/10/2024

14

Xem tiếp phần 2: Tại đây

Ngày 17-4-2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 24/2024/TT-BTC về hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp. Theo đó toàn bộ quy định liên quan đến vấn đề này tại các văn bản hiện hành bao gồm: Thông tư số 107/2017/TT-BTC; Thông tư số 108/2018/TT-BTC; Thông tư số 76/2019/TT-BTC và Thông tư số 79/2019/TT-BTC sẽ được hủy bỏ từ ngày 01-01-2025. Thông tư số 24/2024/TT-BTC cập nhật và bổ sung các quy định về chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị hành chính sự nghiệp đảm bảo sự phù hợp nhất với tình hình thực tế và yêu cầu quản lý mới.

Thông tư được xây dựng đáp ứng các quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, cơ chế tài chính, quản lý tài sản hiện hành; đồng thời, phù hợp trong bối cảnh nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp đã được tổ chức công tác kế toán tập trung, tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối của kế toán; hướng dẫn triển khai áp dụng các chuẩn mực kế toán công Việt Nam đã công bố và tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện chế độ kế toán hiện nay.

Đối tượng áp dụng

Thông tư số 24/2024/TT-BTC thay thế 04 thông tư gồm: Thông tư số 107/2017/TT-BTC về hướng dẫn chế độ kế toán hành chính, sự nghiệp; Thông tư số 108/2018/TT-BTC về hướng dẫn kế toán dự trữ quốc gia; Thông tư số 79/2019/TT-BTC về hướng dẫn Chế độ kế toán áp dụng cho ban quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công và Thông tư số 76/2019/TT-BTC hướng dẫn kế toán kế toán tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi.

Thông tư số 24/2024/TT-BTC được áp dụng cho đối tượng là cơ quan Nhà nước, trừ UBND xã, phường, thị trấn sử dụng ngân sách cấp xã; Đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL), trừ các đơn vị SNCL tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định hiện hành. Các đơn vị này nếu được nhận kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN), tiếp nhận kinh phí viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu của ngân sách, có phát sinh kinh phí từ phí được khấu trừ, để lại theo pháp luật phí, lệ phí thì phải lập báo cáo quyết toán kinh phí hoạt động quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này.

Đồng thời, Thông tư số 24/2024/TT-BTC cũng áp dụng cho đối tượng là tổ chức chính trị; tổ chức chính trị – xã hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan, đơn vị khác là đơn vị sử dụng NSNN; Tổ chức, đơn vị thực hiện cơ chế tài chính của đơn vị SNCL; Đơn vị tổ chức được giao quản lý và ghi sổ kế toán tài sản kết cấu hạ tầng (TS KCHT), trừ doanh nghiệp được giao quản lý TS KCHT tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp được giao quản lý TS KCHT không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp áp dụng các tài khoản ngoài bảng quy định tại Thông tư này để ghi sổ kế toán.

Trường hợp các tổ chức, cơ quan, đơn vị khác không phải là đơn vị sử dụng NSNN có thể áp dụng chế độ kế toán này phù hợp với hoạt động của đơn vị.

Với đối tượng áp dụng rộng khắp, nội dung Thông tư có tác động đến hầu hết các đơn vị hành chính, sự nghiệp trong cả nước. Trong đó, để đáp ứng được yêu cầu thực tế phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối liên quan đến tổ chức bộ máy kế toán hiện nay, khắc phục các vướng mắc trong tổ chức công tác kế toán và phân định rõ trách nhiệm các đơn vị, Thông tư quy định về đơn vị kế toán, đơn vị hạch toán phụ thuộc và đầu mối chi tiêu, giúp cho các đơn vị có thể áp dụng linh hoạt, phù hợp với tổ chức bộ máy kế toán hiện nay, giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong việc tổ chức công tác kế toán tại các các đơn vị có mô hình tổ chức khác nhau.

Những nội dung thay đổi theo thông tư số 24/2024/TT-BTC

Quy định về chứng từ kế toán

Để đảm bảo sự chủ động, linh hoạt trong quá trình thực hiện phù hợp với yêu cầu quản lý, ghi chép thông tin tại các đơn vị, Thông tư số 24/2024/TT-BTC quy định, các đơn vị kế toán được tự thiết kế mẫu chứng từ kế toán để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh phù hợp yêu cầu quản lý, đảm bảo đủ các thông tin phục vụ hạch toán kế toán, trừ các chứng từ kế toán đã có quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan.

Quy định về tài khoản kế toán và hướng dẫn hạch toán kế toán

Bổ sung một số tài khoản kế toán

Thông tư số 24/2024/TT-BTC bổ sung một số tài khoản kế toán như sau:

  •  TK 135 “Phải thu kinh phí được cấp”: Tài khoản được bổ sung nhằm chuẩn hóa, thống nhất việc hạch toán trong các quan hệ thanh toán liên quan đến khoản phải thu và số nhận trước phát sinh trong quan hệ thanh toán giữa đơn vị kế toán với NSNN, nhà tài trợ, đơn vị kế toán cấp trên.
  •  TK 137 “Phải thu nhận ủy quyền, ủy thác chi trả”: Phản ánh kinh phí nhận ủy quyền, ủy thác của NSNN, cơ quan, tổ chức, đơn vị khác để chi trả cho các đối tượng có liên quan mà trước đây chưa có hướng dẫn để các đơn vị thực hiện thống nhất.
  •  TK 229 “Dự phòng tổn thất tài sản” và Tài khoản 352 “Dự phòng phải trả”: Được bổ sung để hướng dẫn hạch toán trích lập các khoản dự phòng của đơn vị SNCL theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP.
  •  TK 356 “Kinh phí điều hòa tập trung”: Tài khoản được bổ sung đáp ứng cho các đơn vị có phân phối, điều hòa kinh phí trong nội bộ ngành.
  •  TK 641 “Chi phí bán hàng”: Phản ánh các chi phí thực tế phát sinh trong quá trình bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong kỳ của đơn vị có hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ.
  •  TK 812 “Chi phí tài sản bàn giao”: Phản ánh chi phí ấn chỉ, nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, TSCĐ mà đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm cho toàn ngành khi thực hiện cấp phát cho đơn vị kế toán khác; hoặc tại Ban quản lý dự án đầu tư khi thực hiện bàn giao dự án, công trình hoàn thành cho cơ quan, đơn vị khác quản lý sử dụng.
  •  TK 172 “Hàng dự trữ quốc gia” và TK 372 “Kinh phí dự trữ quốc gia”: Phản ánh số liệu mua hàng và kinh phí dự trữ quốc gia tại các đơn vị có phát sinh.
  •  TK 003 “Công cụ, dụng cụ đang sử dụng”: Để ghi nhận giá trị các loại công cụ, dụng cụ được sử dụng trong nhiều năm, đơn vị theo dõi quá trình sử dụng, kiểm kê, mất, hỏng,… đảm bảo ghi sổ kế toán đầy đủ và thống nhất các loại tài sản hiện có tại đơn vị.
  •  TK 031 “TSCĐ đặc thù”: Để ghi nhận, hạch toán các loại TSCĐ đặc thù theo quy định Thông tư số 23/2023/TT-BTC.
  •  TK 212 “TS KCHT đơn vị trực tiếp khai thác, sử dụng”: Phản ánh nguyên giá và tình hình biến động tăng, giảm nguyên giá các loại TS KCHT mà đơn vị được giao quản lý đồng thời trực tiếp thực hiện việc khai thác, sử dụng tài sản.
  •  TK 215 “Hao mòn lũy kế TS KCHT đơn vị trực tiếp khai thác, sử dụng”: Phản ánh số hiện có và tình hình biến động tăng, giảm giá trị hao mòn lũy kế của TS KCHT đơn vị được giao quản lý đồng thời trực tiếp khai thác sử dụng trong năm.
  •  Đối với TS KCHT mà đơn vị được giao quản lý, ghi sổ kế toán nhưng không trực tiếp khai thác sử dụng: Thông tư quy định nhóm các tài khoản ngoại bảng để hạch toán các tài sản này, gồm: TK 021- TS KCHT giao thông; TK 022- TSKCHT thủy lợi; TK 023- TS KCHT cấp nước sạch; TK 024- TSKCHT chợ; TK 025- TS KCHT cụm công nghiệp; TK 029- TS KCHT khác.

Sắp xếp và phân loại lại tài khoản

  •  TK 121 “Đầu tư tài chính”: Bổ sung tài khoản cấp 2 chi tiết theo các hình thức đầu tư tài chính tại đơn vị nhằm phân loại đầy đủ, quản lý và có số liệu báo cáo, thuyết minh chi tiết.
  •  TK 138 “Phải thu khác”: Phân loại lại các tài khoản cấp 2 để phản ánh đầy đủ các nghiệp vụ phát sinh cần quản lý riêng và có số liệu báo cáo.
  •  TK 141 “Tạm ứng”: Bổ sung tài khoản tài khoản cấp 2 để phản ánh khoản tạm ứng kinh phí cho đầu mối chi tiêu trong đơn vị.
  •  TK 338 “Phải trả khác”: Phân loại lại các tài khoản cấp 2 để phản ánh đầy đủ các nghiệp vụ phát sinh cần quản lý và có số liệu báo cáo riêng.
  •  TK 353 “Các quỹ phải trả” và TK 431 “Các quỹ thuộc đơn vị”: Phân loại lại để phản ánh đúng bản chất nghiệp vụ, trình bày đầy đủ số liệu sử dụng quỹ trên báo cáo tài chính.
  •  TK 411 “Vốn góp ”: Phân loại lại trên cơ sở TK 411 “Nguồn vốn kinh doanh” cũ, vì các đơn vị thuộc đối tượng áp dụng chế độ kế toán hành chính sự nghiệp không có quy định về giao vốn kinh doanh. Theo đó, TK 411 dùng để phản ánh số hiện có và tình hình tăng, giảm vốn góp ở đơn vị, áp dụng đối với đơn vị được pháp luật cho phép hoạt động theo mô hình góp vốn, như vốn điều lệ do nhà nước cấp đối với quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, vốn góp khác của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
  •  TK 468 “Nguồn kinh phí mang sang năm sau”: Phân loại lại trên cơ sở TK 468 “Nguồn cải cách tiền lương” cũ, nhằm phản ánh cả các khoản kinh phí đơn vị đã ghi nhận doanh thu nhưng chưa sử dụng được mang sang năm sau sử dụng tiếp, phù hợp với quy trình hạch toán và ghi nhận doanh thu mới.

Phân loại lại tài khoản doanh thu (loại 5) để phản ánh đúng doanh thu của đơn vị theo nguồn hình thành, trong đó: TK 518 “Doanh thu từ hoạt động nghiệp vụ” được kết cấu lại từ tài khoản 5118 “Thu hoạt động khác” theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC; TK 531 “Doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ” mở mới tài khoản cấp 2, bao gồm: TK 5311 “Doanh thu do đơn vị tự tổ chức thu” và TK 5312 “Doanh thu kinh phí cung cấp dịch vụ sự nghiệp công từ NSNN”; Ngoài ra trong nguyên tắc hạch toán tài khoản loại 5, bổ sung các hướng dẫn về phân loại doanh thu, gồm doanh thu từ giao dịch không trao đổi và doanh thu từ giao dịch trao đổi. Đồng thời, hướng dẫn các nguyên tắc, thời điểm, điều kiện, xác định giá trị… để ghi nhận doanh thu.

Phân loại lại tài khoản chi phí (loại 6) để phản ánh đúng chi phí theo từng hoạt động tại đơn vị, trong đó TK 611 “Chi phí hoạt động không giao tự chủ” và TK 612 “Chi phí hoạt động giao tự chủ” được kết cấu lại trên cơ sở các TK 611, 612, 614 theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC.

Sắp xếp và phân loại lại các tài khoản ngoại bảng theo từng nhóm phù hợp, cụ thể:

  •  TK 005 “Lệnh chi tiền tạm ứng” được phân loại lại trên cơ sở tài khoản 013 trước đây, trong đó bổ sung thêm các chi tiết của tài khoản cấp 3 theo từng kinh phí đơn vị nhận tạm ứng, phù hợp với quy định của pháp luật ngân sách và lấy được số liệu báo cáo quyết toán nguồn kinh phí tương ứng.
  •  TK 011 “Kinh phí ngân sách cấp bằng tiền” được phân loại lại trên cơ sở TK 012 “Lệnh chi tiền thực chi” trước đây, nhằm phản ánh đầy đủ các khoản NSNN cấp bằng tiền cho đơn vị gồm ngân sách cấp trực tiếp bằng lệnh chi tiền, đơn vị kế toán cấp trên cấp cho đơn vị kế toán cấp dưới, đồng thời bổ sung thêm các chi tiết của tài khoản cấp 3 để phân loại riêng theo từng kinh phí đơn vị được cấp, phù hợp với quy định của pháp luật ngân sách và lấy số liệu báo cáo quyết toán nguồn kinh phí tương ứng.
  •  TK 012 “Phí được khấu trừ, để lại” được phân loại lại trên cơ sở TK 014 trước đây; TK 013 “Kinh phí hoạt động nghiệp vụ” được phân loại lại trên cơ sở TK 018 trước đây nhằm phản ánh và hạch toán chi tiết theo niên độ.

Xem tiếp phần 2: Tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *