Vừa qua, công ty đã quyết định thưởng cho các đề xuất nghiên cứu phát triển sản phẩm FBO. Trong đó, các nghiên cứu được xét thưởng là “Công cụ Xuất Excel hoặc Pivot dữ liệu FBO – Xoay dữ liệu lớn – Phân tán xử lý” và “Một số giải pháp để hệ thống chạy nhanh hơn, nhanh hơn nữa’’ của anh Nguyễn Minh Thành, Phòng lập trình FSD, thuộc VP FAST TP.HCM (FSG). “AnhLV các loại …” của anh Lê Việt Anh, Trưởng phòng Lập trình 3 (FSG).
Ban TTNB đã có cuộc trao đổi ngắn với 2 nhân vật này. Cùng lắng nghe những suy nghĩ về quá trình thực hiện nghiên cứu của các anh nhé!
PV: Vừa rồi trên forum nội bộ có thông báo về khen thưởng cho anh liên quan đến sản phẩm FBO. FBO là sản phẩm phát triển của đội ngũ FRD. Vậy khi triển khai trên thực tế thì anh gặp những vấn đề gì cần phải cải tiến, bổ sung?
Anh ThànhNM: Bình thường khi sản phẩm FBO chạy cho khách hàng vừa và nhỏ, dữ liệu ít thì các vấn đề anh đã nêu không ảnh hưởng nhiều đến hệ thống. Nhưng khi gặp khách hàng phát sinh rất nhiều dữ liệu, mỗi ngày có thể đến triệu dòng thì vấn đề họ chờ đợi sẽ rất lâu, ảnh hưởng đến công việc, tiến độ của khách hàng rất nhiều.
Vì có thể khi FRD phát triển sản phẩm chưa chạy thử nghiệm trên dữ liệu lớn như vậy nên phải hoàn thiện.
Anh AnhLV: Cơ bản là liên quan đến môi trường nhiều người nhập liệu, số lượng dữ liệu lớn. Bạn ThànhNM có kinh nghiệm thực hiện các dự án lớn, bạn ấy cũng đã có các chia sẻ trên Forum. Riêng anh bổ sung vài điểm sau:
-
SQL, sản phẩm chưa kiểm soát được phần lỗi trong 1 khối lệnh, tức là khối lệnh này chạy được 1 phần rồi mới phát sinh lỗi dẫn đến việc rác số liệu.
-
Trùng số chứng từ, kiểm tra tồn kho âm. Giải pháp chưa hoàn thiện, vì đối với 1 số khách hàng, các thông tin trên là rất quan trọng, trong khi trước giờ sản phẩm không giải quyết triệt để những nội dung này.
-
FBO, 1 source cho tất cả các dòng sản phẩm (ví dụ FAO) nên có rất nhiều Options để setup. Source cũng là dạng mở, ai cũng có thể sửa dẫn đến khó kiểm soát lỗi.
Chân dung anh AnhLV (TP LT3, FSG).
PV: Tại sao anh không chuyển vấn đề cho FRD thực hiện mà lại tự thực hiện? Do thời gian quá gấp rút không chờ được? Hay đây là đặc thù riêng của khách hàng? Hay là tiện ích mang tính chất bổ sung/add-on?
Anh ThànhNM: Việc chuyển lên FRD giải quyết sẽ chờ đợi rất lâu. Giải thích lại quy trình khách hàng, quy trình lỗi… và chưa chắc FRD có thời gian để sửa liền được. Bởi FRD cũng bận rất nhiều việc, mà khách hàng thì đang cần gấp để nhập liệu, lên báo cáo để kịp chốt sổ, báo lên cấp trên, hoặc đơn giản là công việc của họ không chờ đợi lâu được.
Vì thế mà chi nhánh sẽ khắc phục trước rồi thông báo cho FRD để bổ sung vào các sản phẩm chuẩn sau này.
Anh AnhLV: Không dễ để FRD theo lịch làm việc của mình được, nên trên tinh thần là mình chủ động làm trước, làm xong thì chia sẻ, FRD sẽ cân nhắc sử dụng nếu thấy phù hợp.
PV: Anh thực hiện tìm tòi, nghiên cứu này trong thời gian bao lâu? Anh hãy chia sẻ một vài khó khăn trong quá trình thực hiện?
Anh ThànhNM: Về “[FBO] – Một số giải pháp để hệ thống chạy nhanh hơn, nhanh hơn nữa’’ thì do trong quá trình theo dõi hệ thống khách hàng đang chạy để phát hiện ra những bất cập cần bổ sung. Thêm vào đó là những kinh nghiệm trước giờ nữa, nên anh cũng không biết thời gian bao nhiêu là hợp lý.
Về công cụ phân tán xoay dữ liệu Excel và cho người dùng thiết kế mẫu báo cáo thỏa thích thì phần này anh làm khoảng 1,5 tháng.
Về khó khăn khi thực hiện công cụ này, do vấn đề là triển khai xong đầu vào mới phát hiện ra là các báo cáo khó quá. Đã là báo cáo xoay, mà người dùng còn muốn tự thiết kế mẫu, FAST chỉ lấy dữ liệu thô lên thôi, và dữ liệu lớn nữa, xoay 1 triệu dòng là bình thường. Lúc đó anh nhớ còn 1 tuần nữa là hết năm 2020, mà khách hàng cần để đầu năm xem báo cáo, lúc đó đội triển khai chỉ còn cách là hướng cho khách hàng xem báo cáo trên nền tảng cũ. Một mặt thì anh lo phát triển sản phẩm này tích hợp vào FBO. Lúc đó Tết về nhà cũng phải ngồi code chức năng này cho kịp, trong khi bên anh cuối năm và đầu năm dự án gấp rất nhiều.
Thông tin thêm là khách hàng dùng công cụ này đã tìm đến Oracle rồi. Nhưng hệ thống của Oracle không đáp ứng được vụ cho khách hàng thiết kế mẫu báo cáo và xoay thỏa thích, nên khách hàng đành phải quay về FAST. Vì chỉ có FAST mới đáp ứng được.
Anh ThànhNM (ngoài cùng bên trái) trong buổi liên hoan cùng anh em FSD.
Anh AnhLV: Thực tế là dựa theo nhu cầu của dự án, từ đó mình mới lên phương án tìm hiểu và thực hiện. Do là xuất phát từ thực tế nên giải pháp của mình cũng mang tính thực dụng (không theo kiểu hàn lâm, cầu toàn), không mất quá nhiều thời gian. Khó khăn thì cũng không nhiều, do là được cộng đồng chia sẻ.
PV: Công việc dự án hàng ngày chắc là cũng rất bận rộn rồi, vậy anh đã sắp xếp thời gian như thế nào để vừa hoàn thành công việc, vừa tìm tòi, nghiên cứu? Hay là phải làm sau giờ làm việc ở nhà?
Anh ThànhNM: Như anh nói ở trên, do tính chất 2 phần đều gấp rút, nên đa số anh kết hợp làm ở công ty và ở nhà thì mới kịp tiến độ được. Cả Tết cũng phải làm để kịp tiến độ phát triển xong công cụ xoay excel và phân tán.
Anh AnhLV: Anh ít khi mang việc về nhà làm, chủ yếu mọi việc đều xử lý ở công ty. Tối về có chăng chỉ là suy nghĩ và plan cho ngày mai thôi.
PV: Cảm nhận của anh khi nhận được quyết định khen thưởng từ Công ty?
Anh ThànhNM: Anh khá bất ngờ khi được anh Công ty quyết định thưởng đến 5,5 triệu. Giống như mọi người hay nói là tiền rơi trúng đầu. Xin cám ơn Công ty nhiều!
Anh AnhLV: Anh rất vui, vì được ghi nhận, cảm thấy những việc mình làm là có ích. Trước giờ Google được bao nhiêu người chia sẻ, mình cũng nên như vậy, anh nghĩ thế.
PV: Anh đánh giá như thế nào về mức thưởng của công ty? Có xứng đáng với công sức đã bỏ ra không? Anh có đề xuất gì với BGĐ về quy định khen thưởng về các đề xuất, nghiên cứu, đóng góp cho sản phẩm?
Anh ThànhNM: Về mức thưởng công ty đưa ra có giới hạn tối đa 2,5 hay 3 triệu gì đó thì anh thấy nên bỏ phần này đi, hoặc nâng lên cao hơn. Khi đó mới kích thích sự hưng phấn của nhân viên muốn tìm tòi phát triển và đóng góp được. Một nghiên cứu nhỏ cũng được 1-2 triệu, một nghiên cứu vài tháng trời được thưởng 2 – 3 triệu thì chỉ làm hạ nhiệt quyết đóng góp của nhân viên thôi.
Vì khi phát triển sản phẩm mới là chịu khá thiệt thòi, khi đó không đóng góp cho phòng được nhiều. Thời gian tìm tòi có thể không thành công và ảnh hưởng đến doanh số phòng rất nhiều.
Ví dụ: Công cụ xoay excel của anh thì rất khó khăn ở công đoạn phân tán và kiểm thử, vì thế nó có ưu điểm rất lớn là cho khách hàng thiết kế động, khả năng chịu tải cao nhờ phân tán. Nhưng các công ty phần mềm khác không theo đuổi được, nên có thể nói công nghệ báo cáo này dành cho các doanh nghiệp ERP ở Việt nam nói chung chắc chỉ có FAST là tiên phong thôi. Kể cả Oracle cũng không có chức năng tương đương. Nhờ có làm xong phân tán này, mà sau này, ngoài dự án kia, anh còn áp dụng kịp thời vào 1 khách hàng có database lớn nhất của FAST là JT Express. Khi đó mới làm giảm đáng kể công việc của FBO, vì sau khi xoay dữ liệu mà File excel đến 200MB, file này tại máy cá nhân mở lên cũng mất vài phút. Huống chi là xử lý tập trung rất nhiều báo cáo nặng kiểu này tại server.
Anh AnhLV: Anh được thưởng 3 triệu, đã báo cáo vợ. Trích quà 1 triệu cho vợ con, còn lại 2 triệu chuẩn bị khao cả phòng. Mục tiêu không phải là tiền thưởng, nên anh sẽ không đánh giá về giải thưởng nhé.
Về đề xuất, trước mắt việc gây được hiệu ứng như vậy là quá tốt rồi. Về sau thì chỉ cần tổ chức duyệt theo định kỳ và có hội đồng chuyên môn nữa là ổn thôi. Cũng phải nói thêm, có thể vì “tự ti” nên mọi người ngại chia sẻ, chứ với lịch sử bao năm của FAST thì chắc chắn có rất nhiều tài nguyên. Công ty cần làm phong trào động viên mọi người tập thói quen chia sẻ.
PV: Anh có thể chia sẻ với các lập trình viên khác trong công ty về việc tìm tòi, nghiên cứu phát triển tại các chi nhánh, ở các phòng lập trình ứng dụng?
Anh ThànhNM: Thực sự làm ở công ty cứ suốt ngày khai báo xml, javascript mà không tìm tòi cái mới thì mình sẽ có cảm giác thụ động rồi sinh ra chán việc. Vì thế, các bạn cứ năng động, nói chuyện với cấp trên là khi có gì mới, anh cho em nghiên cứu. Khi đó cấp trên sẽ sắp xếp và giao cho bạn khi có yêu cầu phù hợp. Chỉ có như vậy thì tinh thần làm việc của mình mới phấn khích được.
Anh AnhLV: Do là lập trình theo dự án, nhu cầu là có sẵn, chứ không như R&D là phải đi trước. Vì thế việc nghiên cứu là 1 phần của công việc, là bắt buộc, là phải làm cho bằng được.
Về cách tiếp cận, giải quyết vấn đề thì thường anh sẽ cố gắng nhìn mọi việc theo hướng đơn giản, đặt mình vào vị trí của khách hàng để tư duy, đánh giá đúng vấn đề. Nhiều khi còn lật ngược lại được câu chuyện của khách hàng. Khi làm thì luôn kết hợp tham khảo nhiều kênh thông tin như đồng nghiệp, dự án khác, sản phẩm cùng dạng trên thị trường, Google… rồi nhào nặn theo quan điểm của mình. Thường thì kết quả sau cùng của anh lại hơi khác biệt, chắc do cái tính, phải khác mới chịu được.
Về lời khuyên cho các bạn thì phải cần cù, chịu khó đọc từng dòng Code, phải hiểu thấu đáo. Lúc đó tự khắc bạn sẽ biết cần phải cải tiến gì cho sản phẩm, cho công ty.
Cảm ơn 2 anh đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!
(NguyệtNTM – FMK)