1.
“Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào
Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cau
Mẹ, mẹ là nắng ấm nương dâu
Mẹ, mẹ là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời …”
Lời bài hát Bông hồng cài áo vang lên trong những ngày này thật đặc biệt, nhắc nhở ta một mùa Vu Lan báo hiếu lại về. Giữa tất bật của cuộc sống, có đôi khi ta quên đi hình dáng những người thân yêu trong cuộc đời, mải chạy theo những vật chất thế gian, để rồi khi có thời gian nhìn lại, bỗng xót xa vì hình bóng ấy không còn bên đời nữa.
Lễ Vu Lan mang tính chất là ngày lễ báo hiếu – một trong những lễ vô cùng quan trọng của Phật giáo. Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung – cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.
Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ.
Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tranh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng liền hóa thành lửa đỏ.
Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: “dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”.
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này gọi là Vu Lan Bồn Pháp. Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.
Thật hạnh phúc vì mỗi mùa Vu Lan, những người con lại được chiêm ngắm các đấng sinh thành qua những lời kinh kệ, những mâm cơm cúng dường, những công việc hy sinh với mong muốn mang đến phước phần cho đời này và đời sau.
2.
Có lần mình cấp cứu một người đàn ông tự tử. Ông ta đã uống 100 viên Panadol để giải thoát mình khỏi cuộc sống. Công ty phá sản. Người tình thay lòng. Bạn bè khi ăn nhậu gọi à í ơi, đến khi túng quẫn chẳng còn ai bắt máy. Mình đã ra y lệnh súc ruột, rồi cho uống Acetyl Cystein.
Khi ông ta tỉnh lại hỏi mình: Bác sĩ cứu tôi chi? Mình nói: Cuộc sống quý giá biết bao.
Ông ta mới hét lên rằng: Tôi đã mất tất cả.
Mình nói tiếp: Không. Anh còn cả một kho báu.
– Bác sĩ đừng nói kho báu đó là KINH NGHIỆM?!
– Không. Kho báu đó là Mẹ!
Bệnh nhân nấc lên khi thấy mẹ của ông ta đang lụm cụm đi dọn đống nôn ói mà nãy giờ mình cho xúc ruột. Dáng bà gầy còm, tiều tuỵ.
Ông ta thốt lên:
– Chời ơi, sống với mẹ 45 năm trời mà chưa bao giờ tôi nhìn thật sâu dáng mẹ!
Chời ơi, mỗi ngày mẹ tôi vẫn lặng lẽ cơm nước, lo cho tôi từng giấc ngủ,… vậy mà tôi không nhận ra mình có mẹ!
Dường như mẹ ông ta nghe được. Một hồi sau bà thì thầm vào tai mình: Bác sĩ đừng nói gì nặng lời làm con tôi buồn he. Chỉ cần nhìn con tôi hạnh phúc là tôi hạnh phúc rồi. Tôi không cần nó báo hiếu gì cho tôi đâu.
Mình nghe xong muốn quì xuống mà ôm! Mình tin mỗi khi ôm một người mẹ là mình đang ôm cả đại dương vào lòng!
Bạn ơi, có bao giờ bạn ôm mẹ thật chặt chưa?
Có bao giờ bạn trở về ngồi bên mẹ thật lâu, rồi nói với mẹ: Mẹ ơi, mẹ có biết hay không?
Mẹ sẽ hơi ngỡ ngàng, nhưng mình tin mẹ sẽ mỉm cười và hỏi: Biết gì con?
– Biết là … Biết là … Biết là con thương mẹ không?
(Theo truyện kể của bác sĩ Nguyễn Bảo Trung)
P/s: Thật trùng hợp vì ngày lễ Vu Lan năm nay cũng trùng với đại lễ kính Đức Maria Hồn xác lên trời của đạo Công giáo. Đây cũng là một lễ trọng thể tôn vinh người mẹ, nhắc nhở giáo dân về lòng hiếu thảo, đạo đức, hướng đến các giá trị tốt đẹp.