fbpx

BìnhLK: Có định hướng, kiên trì và lâu dài sẽ thành công

03/01/2023

03/01/2023

1114

Anh có phong thái của một người sinh ra để làm quản lý. Nghiêm nghị, nguyên tắc, kỹ tính và khá lạnh lùng. Anh bắt đầu cuộc trao đổi một cách chóng vánh sau màn chào hỏi ngắn gọn. Anh nói anh muốn đi vào một nội dung cụ thể và xuyên suốt toàn bộ cuộc phỏng vấn, và nội dung mà anh lựa chọn là “Có định hướng, kiên trì và lâu dài sẽ thành công”, đồng thời anh chia sẻ về kinh nghiệm quản lý chi tiêu trong thời kì “bão giá”

Có định hướng, kiên trì, lâu dài để thành công

Các bạn trẻ thường thích thay đổi hoặc chưa tìm được định hướng cho mình nên làm việc vài tháng là nghỉ, tìm công việc khác. Anh muốn một sự kết hợp lâu dài và muốn nhân viên của mình xác định định hướng, kiên trì với định hướng đó một cách lâu dài thì nhất định sẽ thành công.

Trong FAST, có nhiều người làm việc và gắn bó rất lâu năm. Anh muốn qua các cuộc trao đổi như thế này, các bạn trẻ hiểu được lí do tại sao những người có thâm niên lại yêu công việc và gắn bó lâu đến thế, để thế hệ sau cũng gắn bó lâu dài với FAST.

Mỗi người phải luôn luôn xác định cho mình một hướng đi, đặt ra kế hoạch và có trách nhiệm với định hướng đó. Tất cả chúng ta ở FAST đều có thuận lợi là được đào tạo theo một chuyên ngành nhất định, theo nguyện vọng, sở thích, năng lực của bản thân nên việc định hướng đã tương đối rõ ràng. Tất nhiên, không loại trừ khả năng ngành học hiện tại không phù hợp và chuyển sang một hướng khác. Ví dụ đang học kế toán nhưng phát hiện ra có năng lực về ngoại ngữ hơn. Thì quá trình đó là quá trình đi tìm và xác định định hướng. Có nhiều người quá trình xác định định hướng dài hơi hơn. Nếu các bạn không tự xác định phương hướng cho mình hãy tìm những người có kinh nghiệm để xin lời khuyên, xác định định hướng càng sớm càng tốt.

Sau khi xác định được định hướng thì phải kiên trì thực hiện nó bằng các kế hoạch. Nhiều bạn trẻ hiện nay chưa đi được đến đích đã quay đầu. Kiểu như trong tình yêu, đang đến cô này thì thấy cô khác hay hơn. Anh khuyến cáo các bạn trẻ muốn bắt đầu cái gì đó thì hãy cố gắng thực hiện từ 8 đến 10 năm. Anh thích những người làm việc có kế hoạch. Chẳng hạn mình muốn có mức thu nhập là 10 triệu/tháng, từ lúc bắt đầu là 4 triệu đến 10 triệu phải có một quá trình phấn đấu.

Cách quản lý chi tiêu có định hướng

Trách nhiệm của người quản lý là xây dựng một tổ chức làm việc hiệu quả để mọi người làm vượt qua được mức chi tiêu tối thiểu. Anh cũng tự nhận mình là người có năng khiếu về tiết kiệm, định hướng chính xác những khoản chi. Quan điểm của anh là chi tiêu cũng phải có định hướng, bắt buộc phải tích lũy.

Anh đã từng đọc sách “cha giàu, cha nghèo”. Theo anh, đó là một cuốn sách hay với những lý luận về tiết kiệm có chủ đích. Tiết kiệm có cái hay là bổ trợ cho mình trong quá trình phát triển, tích cóp được một khoản tiền để khi có cơ hội thì đầu tư bằng chính khoản tiền đó.

Ngoài định hướng công việc theo đuổi thì mọi người nên định hướng chi tiêu phù hợp với hoàn cảnh. Khi năng suất lao động chưa kịp tăng lên mà giá cả đã tăng thì để sống được phải thay đổi cách chi tiêu. Mục tiêu xuyên suốt, không được thay đổi là tích lũy thường xuyên. Phải có trách nhiệm trong việc tích lũy để từng bước biết sử dụng đồng tiền trong tương lai rõ ràng hơn.

Hoạch định chi tiêu của cá nhân anh là xuất sắc. Anh có 2 đứa con trai. Khi hai đứa sinh ra anh đều mua bảo hiểm 18 năm cho cả hai. Đây là cách tích lũy lâu dài. Anh muốn mình có trách nhiệm một phần cho đầu tư trong tương lai của chính những đứa con của mình. Khi đứa trẻ đến tuổi trưởng thành có một số vốn ban đầu. Vợ anh cũng thế. Cưới nhau xong anh mua cho vợ và anh một bảo hiểm hưu trí. Giá trị mua phụ thuộc vào khả năng tài chính. Số tiền mua đầu tư cũng không phải là quá nhiều. Đó là kế hoạch tích lũy dài hơi. Còn kế hoạch tích lũy hiện tại là anh mua cổ phiếu của công ty, mua nhà. Anh kể, anh có một người quen, lúc mới vào TP HCM, chỉ mới có một miếng đất cắm dùi, từ tiền vay mượn, bây giờ anh ấy đã tích lũy và mua được ba mảnh đất xung quanh đó. Phố đấy có 12 nhà tất cả, anh cứ chọc anh bạn của mình, mỗi năm mua 1 cái ở khu đó thì sau 12 năm thì biến khu phố đó thành khu phố mang tên anh ta. Đó là thành công nhờ tích lũy bằng chính công việc mình đang làm. Riêng anh, sau một thời gian tích lũy, anh đã mua một căn hộ chung cư 180m2 để có một chỗ ở thoải mái hơn cho gia đình.

binh-lk

Keo kiệt và tiết kiệm

Đối với một người quản lý như anh thì keo kiệt rất là khó. Anh rất chính xác về mặt chi tiêu. Hạn chế những cái không cần thiết cho bản thân. Chẳng hạn, vài năm trước đây, anh mua một cái áo 150 ngàn, một đôi giày 200 ngàn. Hiện nay thì anh dùng đồ tốt hơn. Có tiền rồi thì xài sang hơn một chút. Thu nhập cao hơn thì chi tiêu cũng được nâng lên chứ nếu giữ nguyên mức cũ thì mới chính là keo kiệt. Thời gian rỗi anh giành thời gian cho gia đình và một số bạn bè, đồng nghiệp thân chứ không sa đà vào nhậu nhẹt nên cũng tiết kiệm được khá nhiều. Đi cắt tóc, anh chấp nhận ngồi những chỗ bình dân nhất. Không hút thuốc lá cũng là một cách tiết kiệm.

Khi đối mặt với giá cả thị trường đắt đỏ thì cách chi tiêu phải thay đổi. Ví dụ trước đây buổi trưa mọi người đi ăn cơm phần nhưng hiện giờ đại bộ phận là nấu cơm mang đi. Có thể giá cả giữa mang cơm đi và ăn cơm phần không chênh lệch bao nhiêu nhưng khi ăn cơm phần do giá cả tăng cao nên họ làm không chất lượng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình. Mang cơm đi thì quyết định được phần ăn của mình đảm bảo hơn. Tuy nhiên, mang cơm đi thì buộc phải dậy sớm để chuẩn bị. Đó chính là thay đổi để thích nghi. Hoặc trước đây, anh chia sẻ, gặp gỡ bạn bè ở quán bia, hiện nay vẫn có thể gặp bạn bè nhưng qua các kênh khác như mời bạn về nhà thì sẽ giảm bớt đi một phần chi tiêu.

Ví dụ những vật dụng, thiết bị của mình nếu biết cách bảo quản tốt, lau chùi sạch sẽ sau khi sử dụng thì tuổi thọ sẽ kéo dài hơn. Cá nhân nhà anh dùng đồ đạc chỉ có chán thì thay chứ không phải do hỏng mà phải thay.

Người bố nhân dân

Anh giành rất nhiều thời gian để dạy dỗ con cái. Đó là niềm yêu thích của anh. Anh có thể được gọi là người bố nhân dân. Anh thường đưa gia đình đi chơi. Phần lớn anh biến quê ngoại và quê nội thành khu du lịch. Buổi tối khi không phải đi đâu thì anh ở nhà chơi các con, hỗ trợ con. Anh cũng biết sắp xếp quỹ thời gian nên anh không bao giờ thấy thiếu thời gian. Hết giờ làm anh thường về nhà với gia đình. Khi về đến nhà anh muốn con cái đã được tắm rửa sạch sẽ. Vì một đứa trẻ sạch sẽ thì sẽ đáng yêu hơn. Nếu thời tiết cho phép thì sau khi ăn cơm cả gia đình sẽ đi dạo quanh hồ khoảng 30 phút. Bố mẹ không có nhà thì con cái vẫn phải tự giác ngồi vào bàn học. Đó là quy định ngay từ đầu tạo thành thói quen cho con. Mỗi khi con ngồi vào bàn thì bố cũng ngồi vào bàn. Nhiều khi cũng muốn bật ti vi xem tin tức nhưng sợ ảnh hưởng đến con nên anh hi sinh một chút. Gia đình chính là niềm vui của anh.

AnhNTL
Công ty FAST, 29-8-2011

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *