Ngày tháng Mười chưa cười đã tối…
Mình nghe tiếng mẹ thì thầm với mình, mẹ hỏi con mẹ có đủ ấm hay không? Mẹ nói bố cứ sợ hai mẹ con bị lạnh, bố sợ con ngủ không yên. Hôm nay là một ngày rất lạnh, mẹ đi đến khách hàng từ sáng. Cả ngày hôm nay mẹ phải xử lý một việc gì đó mà mẹ nói là do chương trình bị lỗi. Mình lo cho mẹ lắm khi thấy mẹ gọi điện thoại bao nhiêu lần mà vẫn chưa xử lý xong. Thật đáng tiếc là mình chưa thể giúp gì cho mẹ. Nếu bây giờ mình ở ngoài đó, có thể mẹ sẽ vững tâm hơn…
Gió mùa về con thương mẹ nhiều hơn…
Trời lạnh lắm! Mẹ yêu đang đi ngoài đường mà vẫn không quên kéo lại ống tay và vạt áo. Mẹ sợ con mẹ bị lạnh thì khổ. Hôm nay mẹ có một ngày thật vui vẻ. Con ở trong này cũng cảm thấy như vậy. Này nhé, mẹ vừa đi vừa hát khe khẽ, lại còn cười nói nhiều hơn với các cô các chú trong văn phòng nữa chứ. Mẹ làm con cũng muốn được đến với thế giới ngoài ấy, vì con thèm được nghe tiếng cười của các cô chú rõ hơn, thèm nhìn mẹ cười hơn. Vì con biết mẹ đang được đồng nghiệp giúp đỡ rất nhiều. Mẹ nhớ giữ ấm nhé, mẹ yêu!
Nắng ấm…
Cả ngày hôm nay con thấy mẹ ngồi tại văn phòng, tất tả chạy từ chỗ nọ qua chỗ kia. Khi thì gọi điện thoại, khi thì hỗ trợ khách hàng, lúc lại viết công văn hay đi xin dấu. Con ước gì có thể giúp mẹ những công việc ấy để mẹ đỡ mệt hơn. Nhưng con cũng yên tâm vì mẹ đang được rất nhiều người giúp đỡ. Những chuyến công tác xa của mẹ hầu như được giảm bớt. Khi mẹ mệt mỏi luôn có các cô chú động viên và hỏi thăm. Mẹ biết không, con còn thấy rất vui vì có chú nói:“Có bầu rồi mà vẫn đi lại như tàu điện ấy”. Chú ấy nói đúng thật! Sao mẹ vẫn đi lại nhanh thế, lắm lúc làm con chóng cả mặt. Và con cũng nghe bố phàn nàn không ít lần về điều này. Còn mẹ thì chỉ cười trừ và bảo: “Bố yêu con hơn yêu mẹ rồi đấy”. Con sẽ phàn nàn với mẹ (và cả bố nữa chứ) về điều này khi nào con ra đời!
Công việc của người lớn…
Hôm nay, con mới thấy hết thế nào là cái mà mẹ gọi là công việc của người lớn. Con đã ở đây đến tháng thứ 4 rồi mà mới biết có con mẹ vất vả lên biết bao nhiêu. Mẹ vốn dĩ mảnh mai thế nhưng bây giờ – khi có con – mẹ ăn uống ít hơn (chán ăn, con nghe mẹ nói thế). Công việc cũng tăng rất nhiều. Một ngày mẹ liên lạc với bao nhiêu khách hàng, giúp được bao nhiêu người. Trong số đó có không ít những lời cảm ơn nhưng cũng lắm khi mẹ nhăn trán vì chưa giúp được họ triệt để.
Con đã biết thế nào là công việc của người lớn khi thấy mẹ và các cô chú có thể làm quá giờ ăn trưa rất lâu (vì đến giờ ăn, con đói lắm rồi mà mẹ chưa cho con ăn) chỉ để lấy lại số liệu cho khách hàng khi lỡ bị virus ăn mất trong khi hạn nộp thuế chỉ còn đến chiều nay. Con đã biết công việc ấy thật không dễ dàng khi nhìn mẹ loay hoay mãi mà không sao xử lý được một lỗi phần mềm do chưa gặp bao giờ.
Con đã biết thế nào là mệt và đói khi thấy mẹ ngồi đến hơn 8h tối (con nghe mẹ và khách hàng của mẹ nói thế) chưa ăn gì mà vẫn cố làm nốt công việc cho xong.
Con cũng biết thế nào là những câu cảm ơn rối rít của khách hàng và khuôn mặt dù đang mệt mỏi nhưng không giấu nổi niềm hạnh phúc của mẹ khi giúp đựợc người khác.
Và con cũng hiểu thế nào là sự hỗ trợ lẫn nhau khi thấy các bác, các chú thay mẹ đi công tác khi mẹ ốm. Khi mẹ mệt mỏi thì các cô luôn sẵn sàng được thay mẹ đi hỗ trợ khách hàng.
Mẹ biết không, con thật sự an tâm khi thấy xung quanh mẹ có thật nhiều người tốt như vậy!
Và con cũng nhận ra, phải rất lâu nữa con mới có thể giúp mẹ những việc nhỏ nhặt để mẹ bớt mệt hơn. Cố lên mẹ nhé!
Mẹ đừng đi với tốc độ tên lửa như thế!
Không phải ai cũng dễ chịu…
Con học được điều ấy khi thấy mẹ toát mồ hôi nói chuyện với một khách hàng khó tính, đòi hỏi rất nhiều thứ nhưng lại không chịu thực hiện những gì mẹ yêu cầu – dù việc mẹ yêu cầu là đúng và có lợi cho họ. Con thấy nhiều lúc mẹ bực mình đến nỗi không nói được gì nữa sau những nỗ lực thương thuyết không thành. Tuy mẹ im lặng nhưng con biết chắc chắn rằng mẹ sẽ không bỏ cuộc. Quả đúng như vậy. Con lại thấy mẹ mải miết gõ công văn tiến độ lần 1 gửi khách hàng, con đã nghĩ đến công văn tiến độ lần 2 rồi. Đúng là không phải ai cũng dễ chịu!
Tháng thứ 7 rồi!
Bụng mẹ đã lớn hơn nhiều. Mẹ chẳng thay đổi chút nào, vẫn đi lại như tàu điện, vẫn gắng sức và tận tâm làm hết những công việc được giao.
Con biết mẹ mệt lắm! Con nghe các cô chú ở văn phòng mẹ nói bây giờ bắt đầu là thời điểm nhiều hợp đồng nên dù ai cũng cố gắng giúp mẹ nhưng bản thân mẹ cũng phải cố gắng nhiều hơn mới đảm bảo hoàn thành tiến độ công việc.
Con biết mẹ đã rất cố gắng thật nhiều khi đi gặp khách hàng trong tiết trời nắng như đổ lửa, khi mẹ phải xử lý nhiều vấn đề không chỉ liên quan đến công việc mà còn liên quan đến sức khỏe và cả những việc không tên mà con chưa biết hết.
Con biết rất nhiều khi mẹ trăn trở với việc hoàn thành một hợp đồng đúng tiến độ hay cố gắng để hoàn thành doanh số tháng theo đúng kế hoạch bộ phận đặt ra.
Con biết rất nhiều khi mẹ nỗ lực hết sức nhưng vì nhiều lý do khách quan mẹ không thực hiện được hết các yêu cầu được giao.
Tuy không phải nỗ lực nào cũng được đáp trả tương xứng ngay trong hiện tại. Nhưng con tin cùng với tình yêu mẹ dành cho con thì đến một lúc nào đó tâm huyết của mẹ sẽ được đền đáp xứng đáng. Vì con đã nhìn thấy danh hiệu nhân viên xuất sắc mà mẹ đạt được – minh chứng ghi nhận những cố gắng của mẹ từ Ban lãnh đạo Công ty.
Nhưng con vẫn phải trách mẹ một điều. Mẹ thân yêu, mẹ có thể đừng đi nhanh quá như thế không? Con thường xuyên ở trong tình trạng hoa mắt chóng mặt khi mẹ đi lại với tốc độ tên lửa. Đôi khi con nghĩ, không biết bố khi say có giống như con bây giờ không nhỉ!?
Tháng thứ 8 và những nỗ lực…
Hè rồi…Con thấy thật nóng nực. Con rất muốn đến nơi mẹ đang sống vì ở đó sẽ mát hơn rất nhiều. Thời điểm này ở trong bụng mẹ, mọi thứ dường như trở nên bé nhỏ và chật chội hơn. Con dùng cái gì cũng thấy chúng nhỏ xíu, ngay cả nơi con ở cũng trở nên khó chịu hơn rồi. Đó phải chăng là thời điểm báo hiệu sắp đến lúc con được ra ngoài đó phải không mẹ?
Tháng cuối làm việc trước khi mẹ xin nghỉ để chào đón con ra đời, con thấy dường như lúc nào mẹ cũng bận rộn. Mẹ nhận được nhiều việc hơn dù lượng hợp đồng mẹ nhận thêm đã chẳng có từ khi con được 6 tháng.
Và dần dần con cũng hiểu, mẹ muốn thu xếp xong mọi việc trước khi tập trung toàn bộ thời gian cho con. Con nghe mẹ nói với sếp của mẹ rằng mẹ muốn hoàn tất các hợp đồng để tránh cho các cô chú phải làm thêm phần việc của mẹ. Mẹ cũng nói rằng không muốn khách hàng bị gián đoạn do mẹ nghỉ sinh con.
Mẹ thật tốt…
Mang bầu 8 tháng, mẹ vẫn chuyên tâm với công việc, vẫn rất cố gắng chăm sóc khách hàng và không quên quan tâm tới các đồng nghiệp.
Con thương mẹ thật nhiều khi thấy cảnh mẹ vác bụng to nặng nhọc đi đòi tiền khách hàng. Không hiểu sao thu tiền một khách hàng lại khó đến vậy, mẹ nhỉ?.Nếu mẹ thấy con lúc này thì chắc mẹ sẽ lau nước mắt cho con. Con khóc vì thấy mẹ ngồi từ 9h sáng đến 12h trưa chỉ để giải quyết công việc và chờ tiền của khách hàng về.
Con thấy thương mẹ khi gần đến ngày sinh rồi mà mẹ yếu quá. Mẹ biết không, con thương mẹ nhiều lắm…
Ngày cuối cùng ở công sở…
Ngày cuối cùng trước khi nghỉ, mẹ chuyển bảo hành toàn bộ các hợp đồng đã nghiệm thu xong.
Ngày cuối cùng trước khi dành trọn vẹn thời gian và tâm trí cho con, mẹ vẫn tiếp tục hỗ trợ khách hàng và bàn giao nốt những gì còn dang dở.
Ngày cuối cùng, mẹ dự buổi liên hoan cùng với các đồng nghiệp mừng cho các thành viên trong bộ phận được lên bậc, mừng cho những gì bộ phận đã làm được trong Quý vừa qua và cũng là buổi tạm chia tay trước khi mẹ vượt cạn.
Ngày cuối cùng, con nhìn thấy mẹ với công việc của người lớn trước khi ra đời.
Ngày cuối cùng, con nghe các cô chú – những đồng nghiệp của mẹ – nói mẹ giữ sức khỏe và chờ đến ngày nghe tin “mẹ tròn con vuông”. Sau ngày này, mẹ sẽ dành cho con toàn bộ thời gian của mẹ.
Ngày cuối cùng, con chỉ muốn nói với mẹ rằng: con yêu mẹ biết bao. Dù con chưa hề biết khuôn mặt mẹ nhưng con yêu mẹ qua công việc mẹ làm, qua cách mẹ đối xử với mọi người, qua cách mẹ nhìn nhận về công việc, con người và cuộc đời.
Con tự hào về mẹ khi thấy có thật nhiều người – mọi người xung quanh, khách hàng, đồng nghiệp được mẹ giúp đỡ – cảm ơn và luôn sẵn lòng giúp đỡ mẹ.
Ngày cuối cùng, con muốn nói “con thật hạnh phúc khi được làm con của mẹ”.
OanhNH
TVUD, FAST HN, 5-2009