Là một chàng trai gốc Huế, giọng nói của TuấnHC (Hoàng Cảnh Tuấn) – Phòng Kinh doanh, FAST Tp.HCM có âm vực trầm, mang hơi thở, tâm hồn của người con sông Hương, núi Ngự. Trầm tính, ít nói, sống nội tâm là những gì bạn ấy nói về bản thân khi bước vào cuộc trò chuyện.
Người con sông Hương, núi Ngự
Tuấn quả thực là ít nói và hay cười. Nụ cười hiền và có duyên khiến cho bạn ấy trở nên thân thiện và dễ gần như chính con người xứ Huế. Khi gặp chuyện, chàng trai này thường âm thầm chịu đựng, ít khi chia sẻ, hay nghĩ cho người khác và nhận thiệt thòi về mình.
Tôi có một thời gian học tập và sinh sống ở Huế nên tôi cảm nhận được đặc trưng của xứ Huế trong tâm hồn, trong ngôn ngữ của Tuấn. Ai đã từng đặt chân đến Huế, thì ít nhiều sẽ không thể nào quên được dư ấm của Huế đọng lại trong lòng. Con người Huế thân thiện, mến khách, cảnh ở Huế đẹp, thơ mộng đúng như trong thơ văn. Cuộc sống ở Huế yên bình, không quá nhộn nhịp, tấp nập. Đồ ăn ngon, rẻ.
Nếu tôi nhớ không nhầm, trong một bài viết của anh HuânPT trên đường đi ra Đà Nẵng mừng sinh nhật FAST lần thứ 5, đặt chân đến Huế, có đoạn viết:
“…Rốt cuộc, tàu cũng lết ra được tới ga Huế, cả bọn như đám ăn mày bước xuống ga. Vừa bước xuống ga, đã nghe giọng lanh lảnh từ loa phát thanh:
“Xin quỵ khạch lưu ỵ, Xin quỵ khạch lưu ỵ. Đệ đề phòng kẹ gian, khi bược xuộng ga, xin quỵ khạch lưu ỵ cận thận tư trang tiền bạc, bòn chụng thường lời dùng lục chen lận đệ thực hiền mọc tụi…
Xin quỵ khạch lưu ỵ, Xin quỵ khạch lưu ỵ,
Nhạc…
“Ơi Huệ của ta, ta có Huệ từ hào…”
Trộm nghĩ, trộm cắp móc túi mà tự hào cái nỗi gì hả trời?”
Âu đó cũng là một ấn tượng về Huế trong mắt khách vãng lại chăng?
Số phận gắn với FAST
Quay lại câu chuyện về TuấnHC. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ngay từ nhỏ cậu đã phụ gia đình nuôi heo, bán vé số, phụ hồ… Năm 10 tuổi cậu theo gia đình vào Nam lập nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp đại học, HuấnHC đầu quân vào FAST. Được hơn 1 năm rưỡi, áp doanh số khá lớn nhưng không có quý nào cậu hoàn thành kế hoạch. Lúc đó cậu rất mệt mỏi và buồn phiền. Cậu cho rằng do năng lực mình còn non kém, kinh nghiệm chưa nhiều. Môi trường ở FAST quá rộng lớn so với mình. Vì thế, cậu quyết định chuyển công tác, mong muốn tìm một môi trường nhỏ hơn, phù hợp với năng lực của mình hơn.
Sau khi rời khỏi FAST, trong 1 thời gian ngắn, cậu đã xin vào làm và thay đổi đến 3 Công ty, nhưng không có công ty nào phù hợp, từ môi trường làm việc đến văn hóa Công ty (nguyên nhân một phần cũng có thể là vì cậu đã quen và gắn bó với môi trường của FAST). Đến lúc này cậu mới nhận ra, thay vì mình mất quá nhiều thời gian để đi tìm một công việc tốt, thì mình làm cố định một nơi, cứ cố gắng hết sức làm tốt công việc của mình, rồi mình cũng sẽ đến đích mình mong muốn.
Tuấn chia sẻ rằng, cũng vì đã thử sức với 3 công ty, 3 môi trường làm việc khác nhau, nên cậu nhận ra rằng môi trường làm việc ở FAST là tốt nhất. Đặc biệt ở FAST, cậu mới có cảm giác ấm áp, tình cảm như một gia đình. Tất cả các anh chị em đồng nghiệp, ai cũng sống tình cảm, luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Chính vì vậy, cậu quyết định trở lại gắn bó và cùng FAST phát triển.
Xuất thân là dân CNTT, nên khi quyết định làm nhân viên kinh doanh ở FAST, Tuấn tâm sự rằng cậu gặp rất nhiều khó khăn. Từ cách giao tiếp, nắm bắt yêu cầu khách hàng… đến cả nghiệp vụ kế toán, hầu như cậu phải làm quen và học từ đầu. Ngoài ra, trong quá trình demo và tư vấn cho khách hàng, ngoài hiểu sản phẩm và vững nghiệp vụ kế toán ra, khi gặp những khách hàng lớn, nhiều đặc thù khó, đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm mới có thể tư vấn tốt cho khách hàng được. Vì thế, chàng nhận định định rằng, khi quyết định quay lại FAST, chàng phải luôn nỗ lực và không ngừng học hỏi để không bị tụt lại đằng sau…
Chân dung Hoàng Cảnh Tuấn
Tự bạch
Họ tên: Hoàng Cảnh Tuấn
Ngày sinh: 15-09-1988
Quê quán: Thừa Thiên Huế
Trường tốt nghiệp: Đại Học Đà Lạt, Khoa CNTT
Năm tốt nghiệp: 2010
Ngày vào FAST: 01-11-2010 (nếu không tính thời gian gián đoạn ^^)
Bộ phận: Phòng Kinh doanh
Sở thích: Âm nhạc, du lịch
Sở trường: không có
Sở đoản: rất nhiều
Món ăn ưa thích: Tất cả những món chưa từng được ăn
Quan điểm sống: Cứ đi, rồi sẽ đến
AnhNTL,
Cty FAST, 18/01/2013