Tester – họ là ai?

03/01/2023

03/01/2023

70

Thành công của một sản phẩm phần mềm, một dự án phần mềm có sự đóng góp của nhiều cán bộ, nhân viên từ các bộ phận khác nhau: chiến lược sản phẩm của lãnh đạo công ty, nhân viên phân tích nghiệp vụ, nhân viên kỹ thuật (thiết kế, lập trình…), nhân viên kiểm thử phần mềm, nhân viên truyền thông, nhân viên kinh doanh, nhân viên tư vấn ứng dụng…

Thời sơ khai, ở FAST, cũng như ở nhiều công ty phần mềm khác, việc phát triển phần mềm, triển khai thực hiện một dự án phần mềm cho khách hàng thường do các cán bộ kỹ thuật đảm nhiệm toàn bộ. Họ bán hàng khi chưa có sản phẩm, rồi họ tìm hiểu nghiệp vụ, họ lập trình, họ kiểm tra sản phẩm, họ hướng dẫn cho khách hàng sử dụng, họ bảo hành…

Theo thời gian, các công việc, công đoạn được chuyên môn hóa dần. Xuất hiện các cán bộ chuyên về kiểm thử phần mềm. Trong bài viết này ta thử tìm hiểu về công việc, nghề nghiệp của các nhân viên kiểm thử phần mềm, các Testers.

Theo anh KhánhPQ – GĐ Công ty: “Công việc của các Tester là kiểm tra xem sản phẩm có đạt yêu cầu về kỹ thuật cũng như về nghiệp vụ đặt ra không. Hiện tại anh vẫn tham gia vào test sản phẩm ở giai đoạn beta – trước khi sản phẩm chính thức phát hành. Kiểm tra xem sản phẩm được thiết kế, lập trình có đúng theo yêu cầu về nghiệp vụ do các cán bộ phân tích nghiệp vụ đưa ra không? Các màn hình, các báo cáo trình bày đã đẹp chưa? Các tính toán đã đúng chưa? Thiết kế tổng thể và các tiện ích để thuận lợi, dễ dàng cho người sử dụng đã đạt được như mong muốn chưa? Và nhiều thứ khác nữa.”

Anh BìnhLV – Phó Phòng Lập trình Ứng dụng FSG: “Tester là nhân tố quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng của một sản phẩm phần mềm trước khi phát hành đến khách hàng. Vai trò của Tester là kiểm tra và kiểm soát chất lượng của sản phẩm cung cấp cho khách hàng, đảm bảo tính chính xác, tin cậy của sản phẩm.”

Tester – theo ngôn ngữ dân gian – họ chính là những người chuyên bới thóc tìm sạn. Những hạt sạn, những sai sót nhỏ đều được họ sàng lọc một cách gắt gao nhất.

developer vs -tester

Chị ThiênNTH – Tester ở Bộ phận kiểm thử FRD đã gắn bó với nghề hơn 5 năm chia sẻ về công việc: “Khi test ta phải suy nghĩ ra các trường hợp, dự đoán khả năng lỗi sẽ xảy ra ở chỗ nào và kiểm tra kỹ chỗ đó.”

Để đạt được yêu cầu như chị ThiênNTH nói không phải đơn giản. Người test phải nắm bắt tốt nghiệp vụ, phải hiểu được phần nào logic của lập trình.

Chị AnhBTN – Tester thuộc Phòng phát triển sản phẩm FRD2 chia sẻ: “Công việc nhiều khi thấy khó khăn lắm. Chẳng hạn như mỗi khi Thông tư hay Nghị định được ban hành hoặc sửa đổi thì bản thân mình phải nắm bắt thông tin và ứng dụng vào chương trình theo quy định của Bộ Tài Chính. Hoặc trường hợp khi phát triển một sản phẩm mới như phiên bản phần mềm dành cho xây lắp, một số nhân viên chưa có kinh nghiệm sử dụng, do đó mỗi cá nhân phải tự nghiên cứu thêm bên ngoài và sự hỗ trợ tư vấn của một vài anh chị trong công ty”.

Đặc điểm nghề nghiệp phần nhiều nghề này phù hợp và được phái nữ yêu thích.

Anh BìnhLV cho biết: “Tiêu chuẩn để tuyển một Tester trước hết nghiệp vụ về kế toán phải chắc, sau là tính cẩn thận, tỉ mỉ, kiên nhẫn.”

Còn chị ThiênNTH kể lại: “Thực ra trước khi vào công ty chị vẫn chưa hình dung rõ công việc của một người kiểm thử phần mềm. Nhưng khi làm và gắn bó chị thấy nghề “Test” cũng có nhiều thú vị chứ không phải nhàm chán. Bởi vì chương trình luôn cập nhật những cái mới và mình cũng sẽ có cơ hội học hỏi những công nghệ mới và tiên tiến, kiến thức tích lũy ngày một nhiều thêm.”

Chị AnhBTN thì chia sẻ thêm thế này: “Đôi khi thấy công việc có đôi lúc mệt mỏi, bấp bênh nhưng không vì thế mà muốn thay đổi. Càng gặp khó khăn chị càng thấy thích thú và tìm hướng giải quyết cho bằng được vấn đề. Nghĩ đến nghề “Test” người ta lại liên tưởng đến các con số, khô khan, cứng ngắc nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến cá tính của chị cũng như anh chị em trong phòng, mọi người rất hòa đồng và vui tính”.

Trong công việc, không ít các Lập trình viên và các Tester có những bất đồng về quan điểm, ý kiến, một lập trình viên tại phòng Lập trình ứng dụng chia sẻ: “Trước đây anh thỉnh thoảng cũng có hay cáu gắt Bộ phận Test là do các nguyên nhân như: người dùng không yêu cầu tính năng nhưng về mặt logic khi test sản phẩm phát sinh và yêu cầu mình lập trình thêm. Đến bây giờ, không bao giờ anh cáu gắt với Tester nữa vì làm vậy chẳng khác nào là tự hại mình. Với những yêu cầu phát sinh như trên anh thường sẽ cân nhắc về thời gian, lợi ích mang lại cho khách hàng để quyết định mình có chỉnh sửa hay không”.

tester

Ở FAST, Tester thuộc nhiều bộ phận khác nhau – nghiên cứu và phát triển sản phẩm, lập trình ứng dụng, tư vấn ứng dụng… Và công việc của họ không phải lúc nào cũng chỉ có kiểm tra sản phẩm mà còn gồm cả tìm hiểu và phân tích nghiệp vụ, viết tài liệu, làm video hướng dẫn sử dụng, chỉnh sửa báo cáo, xây dựng các bộ số liệu demo, bộ số liệu đào tạo, tư vấn sử dụng…

Mỗi công việc đều có một chức năng và nhiệm vụ khác nhau để cấu thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Mỗi nghề có những cái khó, cái vất vả, cái hay, cái thú vị riêng. Chúc cho các Tester của FAST luôn mãi giữ được niềm tin yêu với công việc mình đã chọn.

tap-the-testerCác Testers và cán bộ nghiệp vụ tại các phòng Phát triển sản phẩm FRD

UyênHNP

FAST, 18/09/2013

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *