fbpx

NinhVTH: Gia đình là số 1

03/01/2023

03/01/2023

671

Gia đình là cái nôi của tình yêu thương, là nơi mà ta đã được sinh ra và lớn lên trong vòng tay ấm áp của cha và mẹ. Gia đình là nơi bảo vệ ta và giúp ta trong lúc khó khăn và chia sẻ những nỗi niềm buồn vui. Gia đình cho ta những bữa cơm ấm áp, đầy tình thương yêu mà khi đi xa ai cũng nhớ. Gia đình là nơi ta học cách yêu thương,quan tâm, chăm sóc người khác ngoài bản thân ta ra… Có hàng trăm ngàn định nghĩa khác nhau về gia đình theo cảm nhận của mỗi người. Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28-6-2012, PV có cuộc trao đổi về quan điểm gia đình với một nhân vật luôn coi gia đình là số 1, chị NinhVTH – kế toán Cty FAST TPHCM.

Trước khi trao đổi về nội dung chính, chị có thể giới thiệu một chút về bản thân?

Chị là một người có thể nói là khá đanh đá, khó tính và thẳng tính. Chị quan niệm rằng “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Nghĩa là, chị không bắt nạt ai nhưng không để cho ai bắt nạt mình. Không phải là người quá quắt nhưng cũng không phải là kẻ yếu đuối, nhu mì để cho người khác chèn ép. Vì thế bố mẹ chị hoàn toàn yên tâm khi chị rời xa vòng tay bố mẹ.

Lần đầu tiên tiếp xúc với chị, mọi người thường nhận xét chị là người khó gần, chị ít khi chủ động bắt chuyện với người khác. Chính vì thế trong thời gian chị học nghiệp vụ kế toán, chỉ chỉ chơi với một người bạn duy nhất. Tuy nhiên, khi đã thân thiết với nhau thì mọi người lại thấy chị là một người cởi mở, hòa đồng.

Con người chị hơi phức tạp, khá nhạy cảm. “Khi vui” chị thích hay tám với mấy chị em trong công ty, nhưng “khi buồn” chị ít khi chia sẻ. Nhạy cảm là ở chỗ thấy ai đó tự dưng có thái độ khác với mình là chị hay suy diễn tự mình làm khổ mình. Đó có lẽ là yếu điểm của chị.

Chị có biết thông tin về ngày Gia đình Việt Nam không? Theo chị thế nào là một gia đình hạnh phúc?

Ngày còn đi học chị cũng nghe loáng thoáng về ngày Gia đình Việt Nam nhưng thú thực lúc đó chưa lập gia đình nên cũng không mấy quan tâm. Sáng nay nghe nói hôm nay là ngày Gia đình Việt Nam chị mới nhớ.

Đối với chị, gia đình hạnh phúc là một gia đình mà tất cả các thành viên trong gia đình đều hiểu, thông cảm luôn giúp đỡ nhau.

Gia đình có ý nghĩa như thế nào đối với bản thân chị?

Gia đình có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với bản thân chị mà còn đối với tất cả mọi người. Khi khó khăn trong cuộc sống, gia đình là chỗ dựa cho mình, khi có niềm vui, gia đình là nơi chia sẻ.

Chị xa gia đình khá sớm, lại là người vó khuynh hướng sống tình cảm, sướt mướt vì thế nên trước đây mỗi khi nhắc đến gia đình chị hay tủi thân và khóc. Ở nhà bố mẹ còn gọi chị là mít ướt. Khi đó lần nào gọi về cho mẹ cũng khóc. Bây giờ đã là vợ, là mẹ, phải chăm lo cho gia đình riêng của mình nên không còn mít ướt nhiều như ngày xưa nữa.

Quan điểm của người phương Đông từ xưa đến nay, phụ nữ là người có trách nhiệm chăm lo cho gia đình, con cái. Đàn ông là trụ cột gia đình, kiếm tiền để nuôi gia đình. Quan điểm của chị về vấn đề này?

Ngay từ nhỏ chị đã sống trong môi trường mà cả bố và mẹ đều làm kinh tế. Bố phải đi làm xa, một mình mẹ tần tảo vừa làm công việc cơ quan, vừa chăm lo cho con cái. Chị thấy mẹ chị là người phụ nữ độc lập và cứng cỏi. Lúc còn bé chị đã nghĩ rằng sau này lớn lên, kể cả có lấy được một ông chồng giàu chị vẫn đi làm.

Bây giờ, khi có gia đình riêng, chị và chồng vẫn chia sẻ công việc nhà với nhau, cả hai vợ chồng cùng làm chứ không bao giờ có chuyện vợ thì tất bật làm việc nhà, xoay như chong chóng vẫn không hết việc, còn chồng thì vểnh râu đọc báo, xem ti vi…

Khi phụ nữ đi làm, họ có thể độc lập về kinh tế, san sẻ gánh nặng về kinh tế mà không phải dựa dẫm, phụ thuộc vào chồng thì cũng đồng nghĩa với việc đàn ông cũng phải san sẻ việc nhà với vợ. Trong nhà bất cứ chuyện lớn bé gì cũng cần phải trao đổi, bàn bạc với nhau.

Theo quan điểm và cách suy nghĩ của chị thì hẳn là chị thuộc tuýp phụ nữ hiện đại?

Chị không hoàn toàn hiện đại mà cũng không cổ điển. Trong gia đình, chị vẫn cố gắng thể hiện mình là người phụ nữ đảm đang, hoặc khi chị rảnh chị sẽ dành làm hết công việc nhà chứ không để chồng phải lam lũ việc nhà quá.

Hiện nay, người ta kêu gọi rất nhiều về quyền bình đẳng giới, tuy nhiên cũng có một số ý kiến trái chiều rằng, phụ nữ ngày xưa quá sướng, ăn rồi chỉ ở nhà chăm sóc con, dọn dẹp nhà cửa, chẳng phải lo toan kiếm tiền. Còn bây giờ, cứ đòi hỏi quyền bình đẳng, lại phải vừa phải ôm việc nhà, vừa phải còng lưng lo kiếm tiền. Thế thì bình đẳng để mà làm gì. Chị nghĩ gì về quan điểm này?

Đó phải chăng là cái nhìn phiến diện. Bởi thứ nhất, đòi hỏi quyền bình đẳng không chỉ trong công việc gia đình, mà còn bình đẳng trong suy nghĩ, trong lời nói, trong hành động và quyền tự quyết. Phụ nữ ngày xưa không có tiếng nói bởi vì không làm ra kinh tế, phu xướng phụ tùy.

Thứ hai, đôi khi sai lầm khi nghĩ rằng việc nhà là công việc nhẹ nhàng. Khi chị nghỉ sinh 4 tháng, chị thấy bức bối vô cùng. Chị nghĩ chị mà đi làm chắc đỡ mệt hơn. Thay vì chỉ làm công việc kế toán, còn các việc khác có người khác lo, trong khi việc nhà thì một đống việc không tên, làm cả ngày chưa chắc đã hết.

Đối với một người phụ nữ mà nói, không phải chỉ chăm lo cho gia đình nhỏ mà còn phải có trách nhiệm với hai bên nội ngoại, chị sẽ làm như thế nào để chu toàn đối với các trọng trách đó?

Chị là người không khéo léo, hơi nóng nảy. Bà bói còn phán rằng khi chị đã khó chịu thì nhà chồng chị cũng không ngán huống chi là nhà mình (cười). Chị thẳng tính, có gì không phải là chị nói luôn, bên ngoại thì sao cũng được, nhưng bên nội thì đôi khi cũng phải ý tứ một chút.

Ngày mới về nhà chồng, mẹ chồng có nói đúng sai gì chị cũng im lặng, đúng thì nghe theo mà sai thì nghe rồi để đấy. Nhưng sau này thì thỉnh thoảng chị cũng hay phải trái với mẹ chồng.

Tuy nhiên, chị không đến nỗi không biết điều, nên mặc dù không tâm sự nhiều với mẹ chồng nhưng có chuyện lớn bé trong nhà mẹ chồng vẫn thường hỏi ý kiến hai vợ chồng chị.

Gia đình chị có quy ước, chuyện bên nội, chị lo; chuyện bên ngoại, anh lo. Vì thế muốn để anh lo chu toàn cho bên ngoại thì mình cũng phải hết sức, hết lòng với bên nội.

Chồng chị là người như thế nào? Mỗi khi chị và mẹ chồng có mâu thuẫn với nhau, chồng chị thường phản ứng ra sao?

Chồng chị hiền và ngoan một cách đúng nghĩa. Nhưng hiền và ngoan quá chị cũng không thích. Bạn chồng hỏi sao ngày xưa anh lầm lì ít nói thế mà giờ lại nói nhiều. Chồng chị trả lời là do vợ dạy.

Đối với bố mẹ hai bên nội ngoại, anh rất ngoan. Bố mẹ luôn luôn đúng, anh không bao giờ đáp trả, không bao giờ cãi lại dù đúng hay sai. Còn chị thì chị tỏ thái độ ngay, anh thường không hài lòng về việc này. Khi anh thấy chị tranh luận lại với bố mẹ, anh khó chịu ra mặt, nhiều lần nhắc nhở chị, đôi khi thấy chị dữ dằn quá thì anh tránh mặt đi chỗ khác, đợi chị nguôi ngoai mới bắt đầu phân tích thiệt hơn cho chị hiểu

Chồng chị thường xuyên chủ động gọi điện về cho bố mẹ chị dù không có sự có mặt của chị ở đó. Đó là điều chị cảm thấy yêu và tôn trọng anh hơn.

Những khi có mâu thuẫn với gia đình chồng, chị thường nói chuyện với anh và tùy anh giải quyết, chị cũng không làm chồng khó nghĩ bởi vì anh là người đứng giữa.

Phương pháp dạy dỗ con cái của chị như thế nào?

Chị là người khó tính, nên trong việc dạy con chị cũng khá là khó. Chị không bao giờ chiều chuộng hay đáp ứng tất cả những đòi hỏi của con. Chị rất nghiêm khắc vì thế con trai rất là sợ mẹ, mỗi lần muốn xin gì thường tìm đến ba.

Thường thì khi con làm sai điều gì chị sẽ nói nhỏ nhẹ với con, nhưng khi chị nói không nghe thì chị sẽ dùng roi vọt.

Từ xưa đến nay, cách giáo dục này dường như ăn sâu vào tiềm thức của chị: thương cho roi cho vọt. Có đánh thì mới ngoan, mới nên người được. Chị quan niệm rằng phải nghiêm khắc ngay từ nhỏ thì con mới vào guồng được. Điều này chị học hỏi được từ ba chồng (nghe chồng kể lại). Chồng chị có được nền nếp và tính cách như bây giờ cũng là do cách dạy của ba chồng chị. Mỗi khi ông yêu cầu điều gì là phải hết sực tập trung vào vấn đề đó.

Chị có nói là đàn ông hiền và ngoan quá chị cũng không thích, nhưng chính chị lại đang dạy cho con chị trở thành một người như chồng chị. Điều đó liệu có mâu thuẫn?

Ý chị là chị muốn dạy con bố mẹ nói phải biết lắng nghe nhưng phải có chính kiến của mình. Chị muốn con phải lắng nghe và suy nghĩ. còn nếu cảm thấy vấn đề sai thì có thể phản bác. Con sai thì phải xin lỗi mẹ, ngược lại mẹ sai, con cũng có quyền yêu cầu mẹ xin lỗi. Giống như cách làm việc của các sếp trong công ty mình.

Khi chị đang hướng dẫn cho con một vấn đề nào đó, chị yêu cầu con tập trung. Chồng chị nói chị nói chuyện với con như nói chuyện với người lớn, và thắc măc nói thế sao con hiểu được. Nhưng chị tin, nói từ từ rồi con sẽ hiểu và ý thức được vấn đề. Đôi khi thấy con mình nói nhiều câu như người lớn, có lẽ đó là sự ảnh hưởng từ những chuyện chị nói.

Cảm ơn chị về sự chia sẻ, chúc chị luôn hạnh phúc và luôn là số 1 trong gia đình mình! Nhân ngày Gia đình Việt nam, cũng xin chúc gia đình tất cả các Fater luôn yên vui, hạnh phúc và mãi là điểm tựa vững chắc cho nhua trong cuộc sống!

ninhvth

Tự Bạch

Họ tên: Vũ Thị Hải Ninh
Ngày sinh: 20-02-1981
Quê quán: Ninh Bình
Trường tốt nghiệp: Đại học Công nghiệp TPHCM, khoa CNTT; Cao Đẳng Kinh tế Đối ngoại, khoa Kế toán.
Ngày vào FAST: T3-2006
Bộ phận: kế toán
Sở thích: theo thường vụ, hiện tại là chăm sóc con cái
Sở ghét: thiếu chân thật trong quan hệ bạn bè
Sở trường: nhanh nhạy trong việc nắm bắt cái mới
Món ăn nấu ngon nhất: ông xã thường khen món giá xào và canh khổ qua
Chương trình ti vi: HBO, Star movie, thời sự
Quan điểm sống: Gia đình là số 1

 

AnhNTL, 28-06-2012

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *