Kế toán là một trong những bộ phận quan trọng đối với các doanh nghiệp. Bộ phận kế toán không chỉ ghi chép và quản lý tài chính mà còn đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra quyết định kinh doanh. Trong bài viết này, hãy cùng FAST tìm hiểu về kế toán là gì, những công việc mà kế toán cần làm, các loại kế toán hiện nay, vai trò và nhiệm vụ của kế toán trong doanh nghiệp.
1. Kế toán là gì?
Kế toán là quá trình thực hiện công việc ghi chép số liệu, thu thập thông tin chứng từ, phân tích và xử lý thông tin tài chính, các hoạt động liên quan đến dòng tiền và tài sản của doanh nghiệp, của nội bộ công ty.
Kế toán là bộ phận có vai trò vô cùng quan trọng trong công ty doanh nghiệp, từ phạm vi quản lý kinh tế trong từng đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp đến phạm vi lớn hơn, bao quát hơn như toàn bộ nền kinh tế.
Quá trình kế toán bắt đầu từ việc thu thập và ghi nhận các giao dịch kinh tế, tài chính xảy ra trong hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp. Sau đó, các giao dịch này được phân loại, xử lý và ghi chép một cách chi tiết vào các sổ sách kế toán tương ứng. Kế toán viên phải tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán và quy định pháp luật trong quá trình ghi chép và xử lý dữ liệu tài chính để đảm bảo tính chính xác và minh bạch.
Từ dữ liệu đã được ghi chép, kế toán viên sẽ tiến hành tổng hợp và lập các báo cáo tài chính định kỳ như báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo tình hình tài chính và các báo cáo liên quan khác. Những báo cáo này cung cấp thông tin tài chính quan trọng cho các bên liên quan như ban lãnh đạo, nhà đầu tư, chủ sở hữu và cơ quan nhà nước để đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp.
Ngoài ra, kế toán còn đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích và đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp. Thông qua việc phân tích các báo cáo tài chính, kế toán viên có thể cung cấp những thông tin hữu ích về hiệu quả hoạt động, tình hình tài chính và các vấn đề tiềm ẩn để giúp ban lãnh đạo ra các quyết định quản lý và điều hành doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn.
Kế toán còn bao gồm các lĩnh vực chuyên sâu khác nhau như kế toán quản trị, kế toán thuế, kế toán ngân hàng, kế toán xây dựng, kế toán dịch vụ… đáp ứng nhu cầu riêng biệt của từng ngành nghề. Tóm lại, kế toán đóng vai trò thiết yếu trong việc ghi chép, kiểm soát, quản lý và cung cấp thông tin tài chính chính xác và kịp thời cho quá trình ra quyết định của các tổ chức, doanh nghiệp.
2. Những công việc của kế toán cần làm
Kế toán viên có nhiều công việc khác nhau tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp và phạm vi công việc. Dưới đây là một số công việc chính mà kế toán viên thường thực hiện:
Ghi chép giao dịch tài chính
Ghi chép các giao dịch tài chính hàng ngày của doanh nghiệp, bao gồm thu nhập, chi phí, mua sắm, bán hàng, trả nợ, vay nợ, và các giao dịch khác. Việc ghi chép này phải chính xác và chi tiết để đảm bảo tính minh bạch và trung thực của thông tin tài chính.
Quản lý ngân sách
Theo dõi các khoản chi tiêu và thu nhập, đưa ra các dự báo tài chính và các đề xuất chi tiêu.
Lập báo cáo tài chính
Lập các báo cáo tài chính như bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và các báo cáo khác. Các báo cáo này cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính của doanh nghiệp và là cơ sở để đưa ra các quyết định quản lý.
Kiểm soát nội bộ
Thiết lập và thực hiện các quy trình kiểm soát nội bộ để đảm bảo rằng các hoạt động tài chính được thực hiện đúng quy định và ngăn ngừa các gian lận hoặc sai sót.
>> Xem thêm: Kế toán nội bộ là gì? Phần mềm hỗ trợ kế toán nội bộ tốt nhất
Phân tích tài chính
Phân tích các số liệu tài chính để đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh, xác định các vấn đề tài chính và đề xuất các biện pháp cải thiện.
Thuế và tuân thủ pháp luật
Chuẩn bị và nộp các báo cáo thuế theo quy định của pháp luật, đảm bảo rằng doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các quy định về thuế và tài chính.
Tư vấn tài chính
Cung cấp các tư vấn tài chính cho ban lãnh đạo về các vấn đề như quản lý dòng tiền, đầu tư, chi phí và các chiến lược tài chính khác.
Ngoài những công việc này, kế toán còn tham gia vào nhiều hoạt động liên quan đến tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp. Họ sẽ linh hoạt thực hiện công việc theo yêu cầu của cấp trên và tình hình nhân sự hiện tại của doanh nghiệp.
3. Các loại kế toán hiện nay
Có nhiều loại kế toán khác nhau, mỗi loại có các nhiệm vụ và phạm vi công việc riêng. Dưới đây là một số loại kế toán phổ biến:
Kế toán tài chính
Kế toán tài chính liên quan đến việc lập các báo cáo tài chính theo các chuẩn mực kế toán quốc tế và các quy định pháp luật. Các báo cáo này cung cấp thông tin tài chính cho các bên ngoài như cổ đông, ngân hàng, và cơ quan thuế.
Kế toán quản trị
Kế toán quản trị tập trung vào việc cung cấp thông tin tài chính cho các nhà quản lý để hỗ trợ quá trình ra quyết định nội bộ. Kế toán quản trị thường liên quan đến việc phân tích chi phí, lập ngân sách, và đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Kế toán thuế
Kế toán thuế chuyên về việc lập các báo cáo thuế và đảm bảo rằng doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các quy định về thuế. Kế toán thuế cũng tư vấn cho doanh nghiệp về các chiến lược thuế để giảm thiểu chi phí thuế.
Kế toán kiểm toán
Kế toán kiểm toán là quá trình kiểm tra và xác minh các báo cáo tài chính của doanh nghiệp để đảm bảo tính chính xác và trung thực. Kế toán kiểm toán có thể được thực hiện bởi các kiểm toán viên nội bộ hoặc các công ty kiểm toán độc lập.
Kế toán công
Kế toán công làm việc cho các tổ chức chính phủ hoặc phi lợi nhuận, tập trung vào việc quản lý và kiểm soát tài chính của các tổ chức này.
Kế toán tổng hợp
Kế toán tổng hợp chịu trách nhiệm toàn bộ dữ liệu trên sổ kế toán, từ chi tiết đến tổng thể. Công việc của họ bao gồm ghi chép, phân tích, phản ánh và thống kê tất cả các số liệu, dữ liệu, sổ sách kế toán và báo cáo tài chính theo giá trị của doanh nghiệp.
Kế toán kho
Đây là bộ phận thực hiện các công việc như lập hóa đơn, chứng từ để theo dõi những vấn đề liên quan đến kho chứa hàng của doanh nghiệp, những chứng từ liên quan đến kho chứa hàng, các nguyên vật liệu nhập, xuất, tồn kho.
Kế toán bán hàng/doanh thu
Đây là bộ phận thực hiện các công việc thống kê, tổng hợp lại các chứng từ bán hàng, rà soát tình hình tài chính của khách hàng. Họ thực hiện các công việc như lập báo cáo doanh thu, bán hàng, các khoản giảm trừ doanh thu, kiểm tra số lượng hàng hóa, doanh thu, báo cáo cho cấp trên, cùng những công việc liên quan khác…
Kế toán công nợ
Kế toán công nợ là một mảng nhỏ so với các loại kế toán khác. Chính vì vậy thường trong các doanh nghiệp nhỏ, phần kế toán này sẽ do bộ phận kế toán tổng hợp đảm nhận. Bao gồm những việc như theo dõi các khoản công nợ của khách hàng và đôn thúc họ thanh toán cho doanh nghiệp.
Kế toán tiền lương
Kế toán tiền lương là bộ phận chịu trách nhiệm tính toán, quản lý và hạch toán tiền lương cùng các khoản trích theo lương, thông qua dữ liệu từ bảng chấm công, các giấy tờ liên quan đến thu nhập của người lao động. Công việc của họ là phục vụ cho việc lập bảng tính lương, thanh toán lương và các chế độ bảo hiểm, việc này đòi hỏi sự cẩn thận, kỹ lưỡng để đảm bảo độ chính xác và quyền lợi của đội ngũ lao động.
>> Xem thêm: Kế toán công nợ là gì? Công việc, nghiệp vụ của kế toán công nợ
4. Nhiệm vụ, vai trò của kế toán
Bên cạnh việc tìm hiểu khái niệm kế toán, nhiều người cũng quan tâm đến những nhiệm vụ và vai trò mà kế toán cần đảm nhận. Hãy cùng FAST tìm hiểu về vấn đề này.
4.1 Nhiệm vụ của kế toán
Luật Kế toán năm 2015 đã quy định rõ các nhiệm vụ của kế toán bao gồm:
- Thu thập, xử lý thông tin, số liệu kế toán theo đối tượng và nội dung công việc, tuân thủ chuẩn mực và chế độ kế toán.
- Kiểm tra, giám sát các khoản thu chi tài chính, nghĩa vụ thu nộp, thanh toán nợ; kiểm tra quản lý, sử dụng tài sản và nguồn hình thành tài sản; phát hiện, ngăn chặn vi phạm pháp luật tài chính, kế toán.
- Phân tích thông tin, số liệu kế toán; tham mưu, đề xuất giải pháp phục vụ quản trị và ra quyết định kinh tế, tài chính của đơn vị.
- Cung cấp thông tin, số liệu kế toán theo quy định pháp luật.
Nhiệm vụ của kế toán gắn liền với dòng tiền và tài sản của công ty. Kế toán ghi chép, theo dõi, phản ánh sự vận động của vốn, tài sản, doanh thu, lợi nhuận. Cụ thể, kế toán ghi chép quá trình thu chi tài sản; phân tích số liệu, tạo báo cáo phục vụ điều hành, lập kế hoạch kinh doanh. Kế toán cũng cung cấp số liệu báo cáo theo chế độ quy định.
4.2 Vai trò của kế toán
Bộ phận kế toán đóng vai trò trung tâm, huyết mạch của mọi doanh nghiệp, tổ chức. Kế toán giúp doanh nghiệp phát triển theo hướng quản lý chủ động và tuân thủ pháp luật.
Kế toán đóng góp vai trò quan trọng trong quản lý thu chi của doanh nghiệp. Từ đó, chủ doanh nghiệp, quản lý có cái nhìn tổng quan về tài chính, hiệu quả hoạt động và xác định kế hoạch tương lai.
- Cung cấp thông tin tài chính cho nội bộ doanh nghiệp, đồng thời cung cấp thông tin tài chính bên ngoài doanh nghiệp, bao gồm các nhà đầu tư, cổ đông, cơ quan thuế…
- Báo cáo về tình hình tài chính một cách rõ ràng, cụ thể và chính xác
- Doanh nghiệp chỉ duy trì được khi có phát sinh về các nghiệp vụ kinh tế, dòng tiền được luân chuyển. Do đó, bộ phận kế toán sẽ tiến hành xử lý kịp thời, đảm bảo các hoạt động được vận hành trôi chảy, hiệu quả.
- Quản lý, kiểm soát tình hình tài chính của doanh nghiệp, hạn chế tối đa rủi ro về các gian lận trong nội bộ.
- Giúp nhà quản lý theo dõi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp thông qua doanh thu, các chi phí phát sinh, qua đó phát hiện những vấn đề về tài chính, đưa ra đánh giá và kế hoạch tài chính, kinh doanh phù hợp.
- Hạn chế những vi phạm hành chính đối với các quy định của Nhà nước về thuế, kế toán…
- Chứng từ kế toán là bằng chứng quan trọng khi doanh nghiệp xảy ra những tranh chấp tố tụng thương mại
- Tối ưu hóa thuế nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
- Cập nhật các chính sách thuế, chế độ kiểm toán, chính sách hỗ trợ của Nhà nước về lãi suất vay ngân hàng, ưu đãi về thuế…
- Là cầu nối của doanh nghiệp với các đơn vị, cá nhân ngoài doanh nghiệp liên quan đến vấn đề tài chính như ngân hàng, đầu tư, cơ quan thuế, nhà cung cấp…
Như vậy, khi được thực hiện minh bạch, chính xác, nghiêm túc, công tác kế toán giúp doanh nghiệp tối ưu dòng tiền, giảm lãng phí, gian lận; đảm bảo tính pháp lý; góp phần tạo nên sự thành công kinh doanh, xác định các điểm mạnh và yếu, và đề xuất các biện pháp cải thiện.
5. Kỹ năng cần có để trở thành kế toán
Để trở thành một kế toán giỏi, bạn cần có một số kỹ năng và kiến thức chuyên môn sau:
5.1. Kiến thức chuyên môn
Kiến thức chuyên môn là yếu tố quan trọng nhất đối với một kế toán. Kế toán cần nắm vững các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán quốc tế và Việt Nam để ghi chép, xử lý, trình bày thông tin tài chính chính xác, đáng tin cậy. Đồng thời, kế toán phải hiểu rõ chế độ kế toán áp dụng cho từng lĩnh vực cụ thể như doanh nghiệp, ngân hàng, hành chính sự nghiệp… với những đặc thù riêng. Kiến thức về luật thuế, các loại thuế, phương pháp tính, thời hạn nộp thuế cũng rất quan trọng để thực hiện đúng nghĩa vụ thuế của đơn vị. Bên cạnh đó, kế toán cần nắm vững luật và văn bản liên quan đến hoạt động kinh doanh như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Lao động… để hiểu môi trường pháp lý, đảm bảo tuân thủ trong quá trình làm việc. Hơn nữa, kiến thức chuyên môn của kế toán phải liên tục được cập nhật theo các thay đổi mới trong lĩnh vực kế toán, tài chính, thuế và pháp luật.
5.2. Kỹ năng sử dụng phần mềm kế toán
Kỹ năng sử dụng phần mềm kế toán và công cụ phân tích tài chính là một kỹ năng thiết yếu đối với kế toán hiện đại. Kế toán cần thành thạo việc sử dụng các phần mềm kế toán phổ biến như Fast Accounting, Fast Accounting Online, MISA, Accounter… để xử lý số liệu nhanh chóng, chính xác. Khả năng làm chủ tính năng của phần mềm giúp kế toán tự động hóa nhiều công đoạn, đảm bảo tính nhất quán của dữ liệu.
Ngoài ra, kỹ năng sử dụng thành thạo Microsoft Excel cũng rất quan trọng. Kế toán cần nắm vững cách sử dụng hàm, công thức trong Excel để xử lý, phân tích số liệu hiệu quả. Thành thạo Excel giúp tự động hóa nhiều tác vụ, trình bày dữ liệu chuyên nghiệp.
Kỹ năng sử dụng các phần mềm phân tích tài chính chuyên sâu như SAP, Oracle cũng rất cần thiết để khai thác hiệu quả các tính năng phân tích, báo cáo tài chính. Điều này giúp kế toán có cái nhìn toàn diện về tình hình doanh nghiệp, đưa ra các đánh giá, báo cáo chính xác.
Trong thời đại công nghệ số, kỹ năng sử dụng thành thạo phần mềm kế toán và công cụ phân tích giúp kế toán làm việc hiệu quả hơn, nâng cao năng suất, giảm thiểu sai sót. Đây là kỹ năng cần thiết để trở thành kế toán chuyên nghiệp.
5.3. Kỹ năng phân tích và đánh giá
Kỹ năng phân tích là một kỹ năng quan trọng của kế toán. Công việc không chỉ ghi chép số liệu mà còn phải phân tích, đánh giá các số liệu tài chính. Điều này đòi hỏi kế toán phải có tư duy logic, khả năng tổng hợp và kết nối thông tin hợp lý. Kỹ năng phân tích dữ liệu cũng rất cần thiết để biểu diễn, mô hình hóa dữ liệu và phát hiện vấn đề, cơ hội kinh doanh.
Kỹ năng phân tích báo cáo tài chính là kỹ năng đặc thù của kế toán. Phân tích các chỉ số tài chính cơ bản để đánh giá hiệu quả kinh doanh. So sánh, phân tích xu hướng biến động của các chỉ số qua các kỳ để dự báo và đưa ra khuyến nghị.
Kỹ năng phân tích rủi ro, nhận diện rủi ro tiềm ẩn từ các hoạt động của doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Kế toán cần đánh giá các rủi ro tài chính, pháp lý, hoạt động để cảnh báo và đưa ra biện pháp phòng ngừa.
Tóm lại, với kỹ năng phân tích tốt, kế toán có thể cung cấp thông tin, đánh giá chính xác, đóng góp vào việc hoạch định chiến lược và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
5.4. Kỹ năng giao tiếp
Kỹ năng giao tiếp là một kỹ năng không thể thiếu đối với kế toán. Kế toán đóng vai trò trung gian, cầu nối giữa phòng kế toán với ban lãnh đạo và các bên liên quan khác. Do đó, khả năng giao tiếp hiệu quả để trình bày, giải thích thông tin tài chính rõ ràng, dễ hiểu là rất cần thiết.
Kỹ năng viết và trình bày báo cáo tài chính chuyên nghiệp, logic là điều kiện tiên quyết. Kỹ năng giải thích chi tiết với ngôn ngữ dễ hiểu cho các báo cáo phức tạp cũng rất quan trọng. Kỹ năng thuyết trình tốt giúp kế toán trình bày, phân tích trực tiếp, đưa ra đánh giá và khuyến nghị kịp thời.
Kỹ năng giao tiếp tốt còn giúp kế toán trao đổi, làm việc hiệu quả với đồng nghiệp, cấp dưới và các bộ phận khác, tránh xung đột và hiểu lầm. Đặc biệt với các bên liên quan bên ngoài như khách hàng, nhà cung cấp, cơ quan thuế, khả năng giải đáp vấn đề khéo léo giúp kế toán xử lý công việc nhanh chóng.
Tóm lại, kỹ năng giao tiếp giúp kế toán trở nên chuyên nghiệp hơn trong truyền đạt thông tin, xây dựng mối quan hệ làm việc tốt, góp phần quan trọng vào sự nghiệp thành công.
5.5. Tính cẩn thận và chính xác
Tính cẩn thận và chính xác là đức tính quan trọng nhất đối với nghề kế toán liên quan trực tiếp đến số liệu, dữ liệu tài chính. Sai sót dù nhỏ cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng. Kế toán luôn phải cẩn trọng, tỉ mỉ trong các công đoạn từ ghi chép, hạch toán đến lập báo cáo tài chính. Không được chủ quan, sơ suất khi nhập số liệu, xử lý chứng từ hay tính toán công thức.
Tính chính xác cũng quyết định chất lượng công việc kế toán. Số liệu thu thập, hạch toán phải chính xác tuyệt đối, không sai lệch. Các phép tính, áp dụng công thức đúng để báo cáo tài chính đảm bảo toàn vẹn, đáng tin cậy.
Sai sót về số liệu ảnh hưởng quản lý, điều hành doanh nghiệp, dẫn đến hệ lụy pháp lý nặng nề về thuế, trách nhiệm hình sự khi công bố sai lệch. Do đó, cẩn trọng, tỉ mỉ và chính xác luôn là đòi hỏi tối quan trọng với kế toán để hoàn thành công việc trọn vẹn, đáng tin cậy.
5.6. Kỹ năng quản lý thời gian
Kỹ năng quản lý thời gian là kỹ năng thiết yếu đối với kế toán trong môi trường làm việc năng động, đầy áp lực. Công việc kế toán đòi hỏi phải xử lý nhiều loại báo cáo, công việc cùng lúc với yêu cầu chính xác, thời hạn nghiêm ngặt. Do đó, khả năng sắp xếp thời gian hiệu quả là rất cần thiết.
Kỹ năng lập kế hoạch và xác định ưu tiên công việc là điều kiện tiên quyết. Ưu tiên công việc quan trọng, gấp rút giúp kế toán tập trung hiệu quả, tránh bị cuốn vào việc nhỏ lẻ. Kỹ năng phân chia công việc, sử dụng thời gian linh hoạt khi đối mặt nhiều dự án cùng lúc cũng rất quan trọng.
Kỹ năng đánh giá, ước tính thời gian cần thiết cho từng công việc giúp kế toán hoàn thành tốt mà không quá tải. Biết điều chỉnh, cân bằng công việc khi có thay đổi cũng là một lợi thế.
Kỹ năng hợp tác, phối hợp nhóm giúp kế toán chia sẻ công việc, hoàn thành đúng tiến độ trong giai đoạn khẩn trương. Đây là kỹ năng góp phần lớn vào khả năng quản lý thời gian hiệu quả.
6. Một số câu hỏi thường gặp về kế toán
-
Học ngành gì để làm kế toán?
Để trở thành kế toán, có thể học ngành Kế toán, Tài chính – Ngân hàng, Kinh tế, Quản trị kinh doanh tại các trường Đại học hoặc các trung tâm đào tạo chuyên ngành kế toán. Đây là các ngành học cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết để hiểu về quy trình kế toán, công cụ và phương pháp tính toán, và các quy định pháp lý liên quan đến kế toán.
Ngoài ra, để trở thành một kế toán viên chuyên nghiệp, mỗi người cũng cần có kiến thức về pháp luật liên quan đến kế toán và tài chính. Do đó, các khóa học liên quan đến pháp luật cũng có thể trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc trong ngành kế toán & tài chính.
-
Kế toán có phải là công việc khó không?
Kế toán là công việc đòi hỏi sự chính xác, cẩn thận và kiến thức chuyên môn vững vàng. Mặc dù có thể gặp phải một số khó khăn, nhưng nếu bạn có niềm đam mê và chăm chỉ học hỏi, bạn sẽ có thể vượt qua và thành công trong lĩnh vực này.
-
Kế toán cần học những gì?
Để trở thành kế toán, bạn cần học các môn học liên quan đến kế toán, tài chính, thuế, luật kinh tế và quản lý. Ngoài ra, bạn cũng cần nắm vững các kỹ năng sử dụng phần mềm kế toán và công cụ phân tích tài chính.
-
Cơ hội nghề nghiệp của kế toán như thế nào?
Kế toán là một ngành nghề có nhu cầu cao và cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Kế toán viên có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kế toán tài chính, kế toán quản trị, kế toán thuế, kiểm toán, và kế toán công.
-
Nghề kế toán cần những bằng cấp, chứng chỉ gì?
Dưới đây là một số bằng cấp mà kế toán cần trang bị để tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động:
CMA (Certified Management Accountant): Là chứng chỉ xác nhận một cá nhân là chuyên gia về kế toán quản trị, quản trị tài chính doanh nghiệp. CMA được cấp bởi Hiệp hội Kế toán Quản trị Hoa Kỳ IMA (Institute of Management Accountants) – tổ chức nghề nghiệp lớn và uy tín nhất Hoa Kỳ về kế toán quản trị, được thành lập năm 1919 với trên 140.000 hội viên chính thức từ 150 quốc gia.
ICAEW (Institute of Chartered Accountant in England and Wales): Cung cấp kiến thức về ngành Kế toán, Tài chính, Kinh doanh. Ngoài ra còn được đào tạo thêm về các kỹ năng cần thiết như lập báo cáo tài chính, phân tích, thống kê,…
ACCA (Association of Chartered Certified Accountants): Cung cấp cho Học viên những kỹ năng chuyên môn cao, báo cáo tài chính, thuế, quản trị chiến lược, luật kinh doanh,…
CPA (Certified Public Accountants): Đây là chứng chỉ về quản lý tài chính, thuế, kiểm toán của Úc, được công nhận ở nhiều quốc gia như: Việt Nam, Hồng Kông, Malaysia,… Chứng chỉ này cung cấp nền tảng kiến thức vững chắc, sâu rộng về lĩnh vực kế toán & tài chính, kỹ năng giải quyết vấn đề, phân tích, tư duy logic,…
CFA (Chartered Financial Analyst): Chứng chỉ này chỉ dành riêng cho các nhà phân tích đầu tư tài chính được cấp bởi Hiệp hội CFA Hoa Kỳ, cung cấp những kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực phân tích đầu tư tài chính.
-
Mức lương của kế toán là bao nhiêu?
Mức lương của kế toán phụ thuộc vào kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, và quy mô của doanh nghiệp. Mức lương trung bình của kế toán viên có thể dao động từ 8-20 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào vị trí và khu vực làm việc.
-
Làm thế nào để nâng cao kỹ năng kế toán?
Để nâng cao kỹ năng kế toán, bạn cần không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức mới, tham gia các khóa đào tạo và các hội thảo chuyên ngành. Ngoài ra, việc thực hành và áp dụng các kỹ năng trong công việc hàng ngày cũng giúp bạn cải thiện và nâng cao trình độ.
Kế toán là một lĩnh vực đòi hỏi sự chính xác, cẩn thận và kiến thức chuyên môn sâu rộng. Bằng cách hiểu rõ vai trò, nhiệm vụ và các kỹ năng cần thiết, bạn có thể trở thành một kế toán viên giỏi và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của doanh nghiệp. FAST hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích và giúp bạn hiểu rõ hơn về ngành kế toán.
Thông tin liên hệ:
- Website: https://fast.com.vn/
- Email: info@fast.com.vn
- Fanpage: https://www.facebook.com/PhanMemFAST
- Zalo: https://zalo.me/phanmemfast
Xem thêm các bài viết liên quan:
Kế toán ngân hàng là gì? Tất tần tật những điều bạn cần biết
Kế toán doanh nghiệp là gì? Quy trình làm việc trong doanh nghiệp