fbpx

ISO/IEC 27001: Tiêu chuẩn quốc tế về quản lý an ninh thông tin

26/09/2024

26/09/2024

23

Khi xu hướng số hóa thông tin và dữ liệu hóa các tài liệu vật lý trở thành một phần quan trọng trong hoạt động kinh doanh, các giải pháp bảo mật cũng ngày càng trở nên cần thiết để ngăn chặn các hình thức xâm phạm. Chính vì vậy, các chứng chỉ ISO/IEC đã ra đời, nhằm cung cấp các tiêu chuẩn bảo mật và quản lý an ninh thông tin hiệu quả.

Bối cảnh hình thành

ISO/IEC được biết đến là chứng chỉ về quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế. Cụm từ ISO/IEC thường kèm theo mã hiệu và năm phát hành. Chứng chỉ này chứng nhận tính bảo mật liên tục, tính toàn vẹn và tính sẵn có của thông tin, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật trên không gian mạng. Về nguồn gốc, ISO/IEC là viết tắt của hai tổ chức quốc tế lớn trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa:

  • ISO (International Organization for Standardization): Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế, phát triển các tiêu chuẩn chung về quản lý chất lượng, an toàn, công nghệ, và nhiều lĩnh vực khác. ISO có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ và được thành lập năm 1947.
  • IEC (International Electrotechnical Commission): Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế, tập trung vào các tiêu chuẩn liên quan đến công nghệ điện và điện tử. IEC được thành lập vào năm 1906, cũng có trụ sở tại Geneva.

Khi nhắc đến “ISO/IEC”, thông thường ám chỉ các tiêu chuẩn do hai tổ chức này cùng hợp tác phát triển, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử. Ví dụ, ISO/IEC 27001 là một tiêu chuẩn quản lý an ninh thông tin.

Tiêu chuẩn ISO/IEC 27001 là gì?

Khái niệm ISO/IEC 27001

ISO/IEC 27001 là một tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý an ninh thông tin (Information Security Management System – ISMS). Nó được thiết kế để giúp các tổ chức quản lý và bảo vệ tài sản thông tin một cách có hệ thống và toàn diện, đảm bảo các yêu cầu về bảo mật thông tin như:

  • Tính bảo mật (Confidentiality): Chỉ những người được ủy quyền mới có thể truy cập vào thông tin.
  • Tính toàn vẹn (Integrity): Đảm bảo rằng thông tin là chính xác và không bị thay đổi hay hủy hoại một cách trái phép.
  • Tính sẵn sàng (Availability): Thông tin luôn có sẵn khi cần thiết cho những người có quyền truy cập.

ISO/IEC 27001 cung cấp một khuôn khổ để thiết lập, triển khai, duy trì và liên tục cải tiến hệ thống quản lý an ninh thông tin, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp xác định và quản lý các rủi ro liên quan đến thông tin một cách hiệu quả. Các tổ chức có thể đạt được chứng chỉ này thông qua quá trình kiểm tra và đánh giá của bên thứ ba, giúp nâng cao uy tín, đảm bảo tuân thủ pháp lý và tạo sự tin tưởng với khách hàng, đối tác.

 

Khái niệm về tài sản thông tin

Tài sản thông tin (information asset) là bất kỳ thông tin hoặc dữ liệu nào có giá trị đối với một tổ chức và cần được bảo vệ. Tài sản thông tin không chỉ bao gồm dữ liệu số hóa mà còn cả các tài liệu, phần mềm, phần cứng, kiến thức và các yếu tố khác liên quan đến việc lưu trữ, xử lý và truyền tải thông tin, có thể kể đến:

  • Dữ liệu: Thông tin khách hàng, tài liệu kinh doanh, cơ sở dữ liệu, bảng tính tài chính, hồ sơ nhân viên…
  • Phần mềm: Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, ứng dụng kinh doanh, hệ thống ERP, CRM, các phần mềm nội bộ…
  • Phần cứng: Máy chủ, máy tính, thiết bị lưu trữ, thiết bị mạng…
  • Thông tin được mã hóa từ tài liệu vật lý: Hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, bằng sáng chế, tài liệu mật…
  • Kiến thức chuyên môn: Quy trình kinh doanh, phương pháp quản lý, thông tin bí mật công nghệ…

Khách với các tài sản vật lý, tài sản thông tin gặp những rủi ro về an toàn thông tin như:

  • Các quy trình vận hành thông tin và luồng dữ liệu không được đảm bảo an toàn.
  • Việc quản lý rủi ro truy cập hệ thống thông tin của công ty không được thực hiện định kỳ.
  • Nhân viên chưa được đào tạo đầy đủ về cách vận hành, quản lý và bảo mật hệ thống thông tin.

Phiên bản của ISO/IEC 27001 qua các thời kỳ

  • ISO/IEC 27001:2005: Phiên bản đầu tiên, phát hành năm 2005, đặt nền móng cho việc xây dựng và quản lý an ninh thông tin.
  • ISO/IEC 27001:2013: Phát hành tháng 10 năm 2013, cập nhật cấu trúc cấp cao (HLS – High-Level Structure) để dễ dàng tích hợp với các tiêu chuẩn quản lý khác, đưa ra các yêu cầu rõ ràng hơn về việc liên kết ISMS với các hoạt động kinh doanh của tổ chức. Cải tiến yêu cầu đánh giá rủi ro và quản lý an ninh thông tin linh hoạt hơn.
  • ISO/IEC 27001:2022: Phiên bản mới nhất, công bố tháng 10 năm 2022, cập nhật các biện pháp kiểm soát an ninh trong Annex A theo ISO/IEC 27002:2022. Tập trung vào quản lý rủi ro, bảo vệ dữ liệu cá nhân và áp dụng cho môi trường điện toán đám mây.

Phạm vi, đối tượng có thể áp dụng/triển khai ISO/IEC

Phạm vi và đối tượng áp dụng ISO/IEC 27001 khá rộng và có thể triển khai trong nhiều loại hình tổ chức và ngành nghề khác nhau (doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, thương mại, cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các Viện nghiên cứu Khoa học – Công nghệ…). Tiêu chuẩn này không giới hạn cho bất kỳ một lĩnh vực hay quy mô doanh nghiệp cụ thể nào, mà tập trung vào việc bảo vệ tài sản thông tin và quản lý an ninh thông tin.

Phạm vi áp dụng

  • Tất cả các ngành nghề: ISO/IEC 27001 có thể được áp dụng cho mọi lĩnh vực, bao gồm công nghệ thông tin, tài chính, y tế, sản xuất, dịch vụ, giáo dục, chính phủ, viễn thông, và bất kỳ lĩnh vực nào liên quan đến xử lý, lưu trữ hoặc truyền tải thông tin.
  • Bảo mật thông tin cho toàn bộ tổ chức hoặc một phần: Tùy vào nhu cầu của tổ chức, tiêu chuẩn này có thể được áp dụng cho toàn bộ hệ thống thông tin hoặc chỉ một phần cụ thể như phòng ban, quy trình, hoặc dự án.
  • Bảo vệ tài sản thông tin trong mọi hình thức: ISO/IEC 27001 không chỉ bảo vệ thông tin điện tử mà còn bao gồm các hình thức khác như tài liệu giấy, thông tin trong các cuộc trao đổi hoặc những thông tin được lưu trữ trong các thiết bị di động.

Đối tượng có thể áp dụng

  • Doanh nghiệp tư nhân và tổ chức công cộng: Các tổ chức thuộc cả khu vực tư nhân và công cộng đều có thể áp dụng tiêu chuẩn này. Từ các tập đoàn lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đến các tổ chức phi lợi nhuận hoặc cơ quan chính phủ.
  • Tổ chức có quy mô lớn hoặc nhỏ: ISO/IEC 27001 phù hợp cho cả các tập đoàn đa quốc gia lẫn các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mọi tổ chức có nhu cầu quản lý an ninh thông tin đều có thể triển khai.
  • Các tổ chức làm việc với dữ liệu nhạy cảm: Những tổ chức có liên quan đến việc xử lý dữ liệu nhạy cảm hoặc thông tin khách hàng, như các công ty tài chính, y tế, viễn thông và công nghệ thông tin, thường rất cần áp dụng ISO/IEC 27001 để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu pháp lý và xây dựng lòng tin với khách hàng.

Các yêu cầu chính của tiêu chuẩn ISO/IEC 27001

  • Xây dựng chính sách bảo mật: Tổ chức phải có một chính sách bảo mật rõ ràng, được ban lãnh đạo phê duyệt, xác định cam kết của tổ chức đối với việc bảo vệ thông tin.
  • Đánh giá rủi ro: Tổ chức phải xác định, phân tích và đánh giá các rủi ro có thể ảnh hưởng đến sự bảo mật của thông tin.
  • Thiết lập các biện pháp kiểm soát: Dựa trên kết quả đánh giá rủi ro, tổ chức phải thiết lập và triển khai các biện pháp kiểm soát thích hợp để giảm thiểu rủi ro. Các biện pháp kiểm soát này có thể bao gồm:

    • Kiểm soát truy cập: Quản lý quyền truy cập vào hệ thống và dữ liệu.
    • Quản lý thiết bị: Quản lý các thiết bị công nghệ thông tin.
    • Quản lý sự cố: Xử lý các sự cố an ninh thông tin một cách hiệu quả.
    • Quản lý liên tục hoạt động: Đảm bảo tính liên tục của các hoạt động kinh doanh.
    • Quản lý nhà cung cấp: Đảm bảo các nhà cung cấp cũng đáp ứng các yêu cầu về an ninh thông tin.
  • Thực hiện và duy trì: Tổ chức phải thực hiện và duy trì các biện pháp kiểm soát đã thiết lập.
  • Kiểm tra và đánh giá: Tổ chức phải tiến hành các hoạt động kiểm tra và đánh giá thường xuyên để đảm bảo rằng ISMS đang hoạt động hiệu quả.
  • Cải tiến liên tục: Tổ chức phải liên tục cải tiến ISMS để đáp ứng những thay đổi trong môi trường kinh doanh và công nghệ.

>>> Xem chi tiết tài liệu tại: https://drive.google.com/file/d/1ujiCbVZPbBOuyofg9EKqJpCGzDbVTabD/view?usp=sharing

Lợi ích của ISO/IEC 27001 về quản lý an toàn thông tin

ISO/IEC 27001 mang lại nhiều lợi ích thiết yếu cho tổ chức, bao gồm việc bảo vệ thông tin nhạy cảm và cung cấp khung quản lý an ninh thông tin hiệu quả. Việc áp dụng tiêu chuẩn này không chỉ giúp tổ chức quản lý rủi ro một cách hệ thống và tuân thủ pháp luật, mà còn nâng cao uy tín trong mắt khách hàng và đối tác, tạo ra môi trường kinh doanh an toàn.

Một số lợi ích cụ thể gồm:

  • Khung quản lý: Tạo cấu trúc hỗ trợ quy định, thực hiện và duy trì hệ thống quản lý an toàn thông tin (ATTT) hiệu quả và đồng bộ.
  • Hỗ trợ lãnh đạo: Giúp lãnh đạo quản lý và vận hành hệ thống ATTT, đồng thời giáo dục nhân viên về bảo mật.
  • Thực hành tốt: Khuyến khích áp dụng các biện pháp kiểm soát ATTT toàn cầu, phù hợp với bối cảnh cụ thể của tổ chức.
  • Nâng cao giá trị thương hiệu: Xây dựng lòng tin từ khách hàng và đối tác về tính tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt khi có yêu cầu chứng nhận.
  • Đáp ứng nhu cầu xã hội: Đáp ứng mong đợi về an toàn thông tin và tuân thủ các yêu cầu pháp lý.

ISO/IEC 27001 không chỉ là một tiêu chuẩn quản lý an ninh thông tin mà còn là một công cụ chiến lược giúp các tổ chức nâng cao khả năng ứng phó với rủi ro, bảo vệ dữ liệu quan trọng và duy trì sự tin cậy từ khách hàng, đối tác. Việc áp dụng tiêu chuẩn này giúp tạo ra một nền tảng vững chắc cho việc quản lý thông tin, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh. Trong thời đại số hóa, tuân thủ ISO/IEC 27001 chính là chìa khóa để đảm bảo sự an toàn và phát triển bền vững.

Công ty Phần mềm FAST được cấp chứng nhận đạt chuẩn  ISO/IEC 27001:2022 về an toàn thông tin. Việc xây dựng hệ thống an toàn và nâng cao khả năng bảo mật đã giúp FAST nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường tính cạnh tranh, tạo dựng niềm tin cho khách hàng và mở rộng cơ hội hợp tác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *