fbpx

IRR là gì? Ý nghĩa, công thức tính và ứng dụng của IRR

07/04/2025

07/04/2025

25

Tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là chỉ số quan trọng giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư đánh giá tính khả thi của dự án. Chỉ số này phản ánh khả năng sinh lời của khoản đầu tư và hỗ trợ so sánh giữa các phương án tài chính khác nhau. Vậy IRR là gì? Công thức tính và cách áp dụng IRR trong thực tế ra sao? Hãy cùng FAST tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.

1. IRR là gì?

Tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR – Internal Rate of Return) là mức lãi suất chiết khấu mà tại đó giá trị hiện tại ròng (NPV – Net Present Value) của dòng tiền trong suốt vòng đời dự án bằng 0. Nói cách khác, đây là tỷ lệ lợi nhuận mà doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư có thể kỳ vọng thu về hàng năm từ khoản đầu tư.

IRR là gì

IRR (Internal Rate of Return) là tỷ suất hoàn vốn nội bộ

Ví dụ: Giả sử một doanh nghiệp đầu tư 1 tỷ đồng vào một dự án và dự án này có IRR = 5. Điều này có nghĩa là tỷ suất lợi nhuận trung bình mà doanh nghiệp có thể thu về từ dự án này là 5% mỗi năm, tương đương với khoản lợi nhuận 50 triệu đồng/năm.

2. Công thức tính IRR

Như đã đề cập ở trên, tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) là mức lãi suất chiết khấu khiến cho giá trị hiện tại ròng (NPV) của dòng tiền dự án bằng 0. Nói cách khác, IRR là nghiệm của phương trình NPV = 0. Công thức tổng quát IRR được tính theo phương trình:

Công thức tính IRR

IRR là nghiệm của phương trình NPV bằng 0

Trong đó:

  • CF₀: Chi phí đầu tư ban đầu (tại thời điểm t = 0)
  • CF₁, CF₂, …, CFₙ: Các dòng tiền thu về tại các thời điểm t = 1, 2, …, n
  • t: Thời gian đầu tư hoặc số năm thực hiện dự án
  • n: Số kỳ hạn (năm, quý…) của dự án
  • IRR: Tỷ suất hoàn vốn nội bộ cần tìm

IRR không có công thức tính trực tiếp mà thường được xác định thông qua các phương pháp thử sai (trial-and-error) hoặc sử dụng các công cụ tính toán như Excel, máy tính tài chính hoặc phần mềm chuyên dụng.

Sau khi tính IRR, doanh nghiệp sẽ so sánh với tỷ lệ chiết khấu r (tỷ suất yêu cầu của nhà đầu tư hoặc chi phí vốn của doanh nghiệp):

  • Nếu IRR > r => Dự án có lợi nhuận cao hơn chi phí vốn
  • Nếu IRR = r => Dự án có lợi nhuận bằng chi phí vốn
  • Nếu IRR < r => Dự án không đủ hấp dẫn

Ví dụ minh họa:

Công ty A đầu tư vào một dự án với số vốn ban đầu là 300.000 USD trong 5 năm. Dự kiến, mỗi năm từ năm thứ 1 đến năm thứ 4, dự án tạo ra dòng tiền 75.000 USD. Năm thứ 5, ngoài dòng tiền hoạt động 75.000 USD, công ty thu thêm 50.000 USD từ việc thanh lý tài sản, tổng cộng 125.000 USD.

Phương trình IRR được thiết lập như sau:

Phương trình IRR

Ví dụ minh hoạ cho phương trình IRR

Giải phương trình trên bằng công cụ tính toán, ta có IRR ≈ 11.8%. Vì IRR = 11.8% > chi phí vốn r, dự án này được đánh giá là có tiềm năng sinh lời và có thể đầu tư. Như vậy, công thức tính IRR là một công cụ quan trọng giúp nhà đầu tư đánh giá hiệu quả tài chính của dự án, hỗ trợ đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.

3. Ý nghĩa của chỉ số IRR

Chỉ số tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) không chỉ phản ánh khả năng thu hồi vốn mà còn đóng vai trò then chốt trong việc ra quyết định của doanh nghiệp và nhà đầu tư. 

  • Công cụ đánh giá tính khả thi của dự án: IRR đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định đầu tư, vì nó giúp so sánh mức độ hấp dẫn của các dự án khác nhau. Nếu IRR của một dự án cao hơn chi phí vốn (Cost of Capital), thì dự án đó được xem là có tiềm năng sinh lời và ngược lại.
  • So sánh giữa các phương án đầu tư: Một dự án có IRR cao hơn chứng tỏ khả năng sinh lời lớn hơn và có thể được ưu tiên triển khai. Điều này đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp khi cần phân bổ nguồn vốn vào các dự án mang lại giá trị cao nhất.
  • Quản lý rủi ro khi đầu tư tài chính: Nhà đầu tư chứng khoán có thể dựa vào IRR để đánh giá và phân bổ danh mục đầu tư hợp lý. Bằng cách so sánh IRR của mỗi công ty, nhà đầu tư có thể xây dựng chiến lược phân bổ vốn tối ưu, quản lý rủi ro và thất thoát.
  • Hỗ trợ ra quyết định trong quản trị doanh nghiệp: Dựa trên IRR, doanh nghiệp có thể xác định dự án nào có khả năng hoàn vốn nhanh, từ đó đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả hơn. Ngoài ra, IRR còn giúp doanh nghiệp đánh giá mức độ thành công của các dự án hiện tại để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh trong tương lai.

4. Ưu điểm và nhược điểm của IRR

Mặc dù chỉ số IRR đóng vai trò hỗ trợ ra quyết định chiến lược. Tuy nhiên, giống như bất kỳ công cụ tài chính nào khác, IRR cũng có những ưu điểm và hạn chế riêng.

4.1 Ưu điểm của IRR

  • Dễ hiểu, trực quan: IRR được biểu thị dưới dạng tỷ lệ phần trăm, giúp nhà đầu tư dễ dàng so sánh giữa các dự án mà không cần quy đổi sang đơn vị tiền tệ cụ thể. Điều này giúp việc ra quyết định trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn.
  • Độc lập với vốn đầu tư ban đầu: Không giống như NPV (Giá trị hiện tại ròng), IRR không phụ thuộc vào quy mô vốn ban đầu. Do đó, chỉ số này có thể áp dụng cho nhiều loại hình doanh nghiệp, từ quy mô nhỏ đến lớn. Điều này giúp các nhà đầu tư có thể đánh giá tiềm năng sinh lời của dự án một cách khách quan.
  • Thuận tiện trong việc so sánh: IRR là thước đo tiêu chuẩn để so sánh các phương án đầu tư khác nhau. Nhà đầu tư chỉ cần đối chiếu IRR với chi phí vốn (WACC – (Weighted average cost of capital) để xác định xem dự án có khả thi hay không. Một IRR cao hơn WACC đồng nghĩa với việc dự án có tiềm năng sinh lời.
  • Hỗ trợ xác định lãi suất tối đa có thể chấp nhận: IRR giúp nhà đầu tư xác định mức lãi suất tối đa mà dự án có thể chịu đựng trước khi trở thành không khả thi. Điều này đặc biệt quan trọng khi doanh nghiệp cần vay vốn hoặc huy động tài chính từ bên ngoài.

Ưu điểm và nhược điểm của IRR

IRR là thước đo tiêu chuẩn để so sánh các phương án đầu tư

4.2 Nhược điểm của IRR

  • Mất nhiều thời gian tính toán: Mặc dù đã có sự hỗ trợ từ các công cụ tài chính như Excel, nhưng quy trình tính toán IRR phức tạp hơn so với các chỉ số như NPV. Đặc biệt, IRR yêu cầu xác định trước giá trị NPV. Đồng thời phương trình yêu cầu thử nghiệm nhiều mức tỷ lệ chiết khấu khác nhau trước khi tìm ra giá trị phù hợp.
  • Không phù hợp với các dự án nhỏ hoặc có dòng tiền không ổn định:  Đối với các dự án nhỏ, IRR có thể cho ra kết quả quá thấp, khiến dự án trông kém hấp dẫn. Ngoài ra, nếu dòng tiền của dự án có nhiều biến động hoặc xuất hiện nhiều dòng tiền âm dương xen kẽ, IRR có thể cho nhiều kết quả khác nhau.
  • Chịu tác động bởi yếu tố thời gian: IRR thường có xu hướng mang lại kết quả tích cực hơn đối với các dự án ngắn hạn và thấp hơn đối với các dự án dài hạn. Điều này có thể dẫn đến sự hiểu nhầm về mức độ thành công của dự án. Mặc dù về dài hạn, dự án có IRR thấp hơn có thể mang lại giá trị lớn hơn cho doanh nghiệp. Vì vậy, IRR nên được xem xét kết hợp với các chỉ số khác như NPV để có cái nhìn toàn diện hơn.
  • Không phản ánh chính xác mức lợi nhuận thực tế: Trong thực tế, dòng tiền có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố vi mô và vĩ mô. Vì vậy, IRR chỉ mang tính lý thuyết, được tính dựa trên các giả định nhất định.

5. Cách sử dụng IRR hiệu quả trong doanh nghiệp

Để đảm bảo IRR được sử dụng một cách chính xác và hiệu quả trong việc đánh giá dự án đầu tư, doanh nghiệp có thể triển khai theo các bước sau:

  • Bước 1: Xác định dòng tiền của dự án

Trước tiên, doanh nghiệp cần xác định rõ dòng tiền dự kiến của dự án, bao gồm số vốn đầu tư ban đầu, doanh thu ước tính, chi phí vận hành, thuế, khấu hao… Việc thu thập dữ liệu đầy đủ và chính xác giúp đảm bảo quá trình tính toán IRR phản ánh đúng hiệu quả tài chính của dự án. Đặc biệt, doanh nghiệp cần xem xét cả trường hợp như thanh lý tài sản hay các khoản thu nhập đột xuất.

  • Bước 2: Tính toán IRR

Sau khi xác định dòng tiền, doanh nghiệp tiến hành tính IRR bằng cách sử dụng công thức toán học hoặc các công cụ hỗ trợ như Excel, phần mềm tài chính hoặc phần mềm kế toán chuyên dụng. IRR được tính bằng cách tìm tỷ suất chiết khấu làm cho giá trị hiện tại ròng (NPV) của dòng tiền dự án bằng 0. Đây là bước quan trọng để xác định tỷ lệ hoàn vốn nội bộ mà dự án có thể mang lại.

Cách sử dụng IRR hiệu quả trong doanh nghiệp

Tính toán IRR

  • Bước 3: So sánh IRR với lãi suất chiết khấu (hurdle rate)

Sau khi tính được IRR, doanh nghiệp cần so sánh giá trị này với lãi suất chiết khấu (hurdle rate) – đây là mức lợi nhuận tối thiểu mà doanh nghiệp kỳ vọng từ dự án. Nếu IRR cao hơn lãi suất chiết khấu, dự án được coi là khả thi và có tiềm năng sinh lời. Ngược lại, nếu IRR thấp hơn mức này, doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng vì dự án có thể không mang lại giá trị kinh tế mong muốn hoặc tiềm ẩn nhiều rủi ro.

  • Bước 4: So sánh IRR giữa các dự án (nếu có nhiều lựa chọn đầu tư)

Trong trường hợp có nhiều lựa chọn đầu tư, doanh nghiệp có thể dựa vào IRR để so sánh mức độ sinh lời của từng dự án. Dự án có IRR cao hơn thường được ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, IRR không phải là yếu tố duy nhất cần xem xét. Doanh nghiệp cũng cần đánh giá thêm các yếu tố khác như quy mô vốn đầu tư, thời gian thu hồi vốn và mức độ rủi ro của từng dự án.

  • Bước 5: Kết hợp IRR với các chỉ số tài chính khác

IRR là một chỉ số quan trọng nhưng không nên sử dụng độc lập. Doanh nghiệp cần kết hợp IRR với các chỉ số khác để có cái nhìn toàn diện hơn. Giá trị hiện tại ròng (NPV) là một trong những chỉ số quan trọng cần xem xét song song với IRR. Nếu IRR cao nhưng NPV âm, dự án có thể tiềm ẩn rủi ro tài chính. Ngược lại, nếu cả IRR và NPV đều ở mức tốt, dự án sẽ có tiềm năng sinh lời cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên sử dụng các chỉ số khác như thời gian hoàn vốn (Payback Period) để đánh giá tốc độ thu hồi vốn hay chỉ số lợi nhuận (Profitability Index – PI) để đo lường mức sinh lời trên mỗi đồng vốn đầu tư.

  • Bước 6: Đánh giá yếu tố dòng tiền và thời gian dự án

Một trong những hạn chế của IRR là chỉ số này có thể bị sai lệch khi dòng tiền không ổn định hoặc có sự biến động mạnh mẽ. Trong những trường hợp như vậy, IRR có thể có nhiều giá trị khác nhau, gây khó khăn trong việc đưa ra quyết định. Do đó, doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ cấu trúc dòng tiền của dự án trước khi sử dụng IRR để đảm bảo tính chính xác. Đối với các dự án có dòng tiền biến động mạnh hoặc kéo dài, doanh nghiệp nên cân nhắc sử dụng tỷ suất hoàn vốn nội bộ điều chỉnh (MIRR) thay vì IRR để có cái nhìn thực tế hơn.

  • Bước 7: Đưa ra quyết định đầu tư

Sau khi đã phân tích IRR cùng các chỉ số tài chính khác, doanh nghiệp sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu dự án đáp ứng được các tiêu chí tài chính và có tiềm năng sinh lời, doanh nghiệp có thể tiến hành đầu tư. Ngược lại, nếu dự án không mang lại giá trị kinh tế mong muốn, doanh nghiệp có thể từ chối hoặc điều chỉnh chiến lược để tối ưu hóa dòng tiền và giảm thiểu rủi ro.

Cách sử dụng IRR hiệu quả

Doanh nghiệp cần kết hợp IRR với các chỉ số khác để có cái nhìn tổng quan

6. Các câu hỏi thường gặp về chỉ số IRR là gì

6.1. Mối quan hệ giữa IRR và NPV

Khi đánh giá tính khả thi của một dự án đầu tư, hai chỉ số quan trọng thường được sử dụng là IRR (Tỷ suất hoàn vốn nội bộ) và NPV (Giá trị hiện tại ròng). IRR và NPV có mối quan hệ chặt chẽ về mặt toán học, trong đó IRR chính là nghiệm của phương trình NPV = 0. Điều này có nghĩa là IRR là mức lãi suất chiết khấu mà tại đó giá trị hiện tại ròng của dòng tiền dự án bằng 0.

6.2. IRR bao nhiêu là hợp lý?

IRR không có mức cố định mà cần so sánh với lãi suất chiết khấu hoặc WACC để đánh giá dự án. Nếu IRR ≥ lãi suất chiết khấu, dự án khả thi; ngược lại, rủi ro cao. Mức IRR hợp lý tùy ngành: 15-20% cho ngành rủi ro cao (công nghệ, khởi nghiệp), 10-15% cho ngành ổn định (bất động sản, tài chính). Ngoài ra, IRR cần kết hợp với NPV, vì IRR cao nhưng NPV âm vẫn có thể không mang lại giá trị thực sự.

6.3. MIRR và IRR là gì?

FAST đã đề cập về khái niệm IRR ở trên, nhìn chung, IRR là tỷ suất hoàn vốn nội bộ. Trong khi đó, MIRR là một phiên bản cải tiến của IRR, khắc phục những nhược điểm của IRR bằng cách tính đến chi phí vốn và lãi suất tái đầu tư dòng tiền. Nếu doanh nghiệp muốn có một đánh giá thực tế hơn về khả năng sinh lời, MIRR thường là lựa chọn tốt hơn IRR.

IRR là công cụ hữu ích giúp doanh nghiệp và nhà đầu tư đánh giá hiệu quả tài chính của dự án, từ đó đưa ra quyết định đầu tư hợp lý. Tuy nhiên, IRR không nên sử dụng đơn lẻ mà cần kết hợp với các chỉ số khác như NPV, WACC để có cái nhìn toàn diện hơn. Bằng cách áp dụng IRR một cách khoa học và hợp lý, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa chiến lược đầu tư và quản lý tài chính hiệu quả hơn.

Thông tin liên hệ