Chị sở hữu một cái tên đẹp, độc và lạ – Cao Hoàng La Giang, hiện làm tại phòng Kinh doanh 2, văn phòng FAST tại TP.HCM (FSG). Nhận được câu hỏi về ý nghĩ của cái tên từ phóng viên, chị vui vẻ cắt nghĩa: “Cao từ họ bố, Hoàng là họ mẹ. La Giang tức là dòng sông La ở nguyên quán (Đức Thọ, Hà Tĩnh)”. Câu chuyện của chị trong đầu tôi ngân nga giai điệu bài hát “Người con gái sông La” đã đi vào lịch sử thi ca của nhạc sĩ Doãn Nho:
“… Ai về Hà Tĩnh mà quê ta nhớ chăng
Nhớ chăng đôi mắt người con gái sông La kiên cường
Người con gái quê ta, đôi mắt trong tựa ngọc
Đôi giọt nước sông La thương như trời quê ta…”
Ở chị có chút gì đó tựa dòng chảy hiền hòa, êm ả của sông La. Chị vô tư, hay cười và luôn hướng tới một cuộc sống lạc quan, vui vẻ. Chị luôn tâm niệm cuộc sống luôn đong đầy những điều tốt đẹp và sự hiện diện của mỗi chúng ta đã là một điều thú vị của tạo hóa. Mọi việc qua lăng kính cuộc đời của chị đều trở nên hết sức đơn giản. Những lúc stress, chán chường cách xốc dậy tinh thần của chị cũng thật khác biệt. Chỉ cần nghĩ tới quần áo đẹp, thỏi son yêu thích, điện thoại xịn, hay đôi khi chỉ là một ly trà sữa, một cái bánh ngọt cũng đủ để chị hạnh phúc rồi. Và nguồn năng lượng đi lạc từ đâu bỗng chốc ùa về, chị lại lao mình vào công việc.
Nhân vật GiangCHL.
Tự lập sớm
Người ta thường nói con gái đầu lòng chính là phiên bản thứ 2 của người mẹ, thay mẹ quán xuyến việc gia đình. Là con cả nên chị nghiễm nhiên gánh vác trọng trách chăm sóc em gái, lo công việc nhà chu toàn. Bố mẹ chị rất tâm lý, luôn tạo điều kiện hết mức để hai cô “con gái rượu” có cuộc sống đủ đầy.
Sinh ra ở vùng núi Tây Nguyên lộng gió tuổi thơ của chị gắn liền với màu đất đỏ bazan và sắc nắng vàng rực. Chị cùng đám nhóc trong làng bày đủ trò để chơi, hết lội sình bắt ốc, thả diều, lại tới trèo đồi bắt tổ chim,… Trò mà đám trẻ ngày đó hứng thú nhất là tắm suối, giữa trời nắng như đổ lửa thì còn gì sướng hơn việc thỏa sức vùng vẫy dưới làn nước mát lạnh. Trẻ con vốn ham chơi, một khi đã vào cuộc vui thì chả thèm quan tâm sự việc gì ở đời. Chị vẫn nhớ mãi kỷ niệm làm mất xe đạp năm ấy. “Sau một chiều la cà, hết tắm suối, lên bờ hong khô quần áo, nướng ngô đồng ăn chán chê thì cả đám cũng tính chuyện đi về. Khổ cái là lúc ra lấy xe thì chị mới tá hỏa vì chiếc xe đạp không cánh mà bay. Rõ ràng là khi nãy chị đã để ở vệ đường mà tìm mãi chả thấy đâu. Chiếc xe là quà bố mẹ mua cho chị dịp lên cấp 2, nghĩ tới cảnh mất xe phải đi bộ đi học rồi bị bố mẹ đánh đòn chị hoảng quá khóc tu tu suốt mấy ngày liền. Giờ nghĩ lại vẫn còn buồn cười” – chị Giang kể.
Tuổi thơ nhanh chóng trôi qua. Năm 15 tuổi – trong khi bạn bè nộp hồ sơ vào trường cấp 3 gần nhà thì chị chọn con đường riêng. Cuộc sống tự lập sớm chính thức mở ra khi chị đặt chân tới TpHCM – cách quê nhà hơn 400km. Chốn thành thị nhộn nhịp trái ngược hoàn toàn với khung cảnh yên bình nơi quê nhà. Cuộc sống xa nhà ở tuổi 15 quả thật không dễ dàng. Thời gian đầu chị nhớ nhà, thường xuyên gọi điện cho bố mẹ khóc lóc đòi về quê, nhưng dần dần cũng quen. Vốn năng động, thân thiện, chẳng mấy chốc chị đã làm quen thêm nhiều người bạn mới. Cuối tuần được các anh chị họ học ở Sài Gòn đón chị đi chơi, ăn uống, từ đó mà chị quên dần cảm giác cô đơn.
Chị Giang cùng gia đình
Cưỡi voi đi học
Khi nhắc tới Đắk Lắk (quê chị) người ta nghĩ ngay tới vùng cao nguyên với núi rừng hoang sơ, xứ sở của cà phê và những đàn voi oai hùng. Từ lâu, câu chuyện về Đắk Lắk luôn được mọi người truyền tai nhau với hình ảnh voi là phương tiện di chuyển chính của người dân địa phương. Cũng vì thế mà khi xuống TpHCM học tập, chị thường xuyên gặp phải những câu hỏi của bạn bè “Dân trên đó cưỡi voi đi học, đi làm thật hả?”, “Có ở nhà sàn không?”, “Có phải con gái mặc váy, rồi con trai đóng khố phải không?”,…
Những lúc gặp phải câu hỏi như thế, chị thường hóm hỉnh hùa theo: “Ừ, ở nhà Giang ngày nào cũng mặc váy. Nhà nào cũng có voi hết, nhưng mà là voi sắt!” Thực tế thì ngày nay số lượng voi ở Đắk Lắk còn lại không nhiều, chủ yếu được bảo tồn tại vườn quốc gia. Và nghịch lý là không phải ai sống ở đây cũng có cơ duyên nhìn thấy chú voi bằng xương bằng thịt. Cuộc sống phố núi Ban Mê phát triển không kém gì thành phố, ô tô, nhà hàng, siêu thị, rạp chiếu phim,… đủ cả. “Để chiêm ngưỡng đàn voi đúng chuẩn Đắk Lắk thì mọi người có thể ghé khu du lịch sinh thái Bản Đôn (huyện Buôn Đôn) hoặc tới dự Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức 2 năm 1 lần. Dịp này có đoàn voi diễu hành trên đường phố oai hùng lắm” – chị hào hứng giới thiệu.
Hành trình 5 năm mang tên FAST
Chị đã tích lũy được không ít kinh nghiệm sống từ những công việc làm thêm thời sinh viên, và nhận thấy bản thân khá có tố chất với nghề kinh doanh, chăm sóc khách hàng. FAST chính là chặng đầu tiên trên hành trình phát triển sự nghiệp của chị. Tới nay cũng đã trọn vẹn 5 năm chị khoác lên mình chiếc áo đồng phục FAST màu xanh hy vọng. Nhớ lại ngày phỏng vấn chị bật cười. “Hôm ấy chị run tới mức ấp úng, thậm chí còn trả lời nhầm luôn cả họ tên của mình. Sau khi phỏng vấn chị được chị DiệuPTH sắp xếp vào làm việc tại phòng Kinh doanh 3. Chắc là duyên số với nghề nhân viên kinh doanh nó định sẵn rồi. Chị cũng có chút kinh nghiệm chăm sóc, tư vấn khách hàng từ trước, với cả tính chị cũng nói nhiều sẵn nữa nên chắc là sẽ cân được”.
Công việc của phòng Kinh doanh 3 khi ấy ngoài demo sản phẩm chị còn tham gia đào tạo, triển khai sản phẩm cho khách hàng. Vài tháng sau, chị chủ động xin chuyển qua phòng Kinh doanh 2 chuyên về ký bảo hành bảo trì phần mềm.
4 chiến binh nhà Kinh doanh 2.
Thường xuyên làm việc cùng khách hàng nên chị cũng bỏ túi vô vàn những kỷ niệm khó đỡ. Có lần chị được phân công báo giá cho một vị khách nóng tính, lời qua tiếng lại, do chưa hiểu ý nhau nên khách hàng giận, rồi gọi điện phàn nàn với trưởng phòng về việc chị báo giá sai, cố tình báo giá cao,… Cũng may là sếp AnhNTH kịp thời giải thích lại cho khách hàng hiểu. Kết quả là sau đó họ đã liên hệ xin lỗi và bây giờ cả hai trở thành chị em thân thiết.
Năm 2021 là dấu mốc 5 năm gắn bó tại FAST. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, chị chưa bao giờ hối hận vì đã chọn FAST. Mỗi ngày, chị luôn cố gắng hoàn thành công việc và doanh số được giao. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, nhất là trong bối cảnh Covid-19 hoành hành như hiện nay. Chính vì thế chị luôn hướng tới những điều tích cực, nỗ lực hơn để đạt hiệu quả tốt nhất.
Điều chị trân quý nhất ở FAST là gặp được nhiều anh, chị, em đồng nghiệp thân thiết, luôn hỗ trợ nhau trong công việc. Cuộc sống chốn công sở chẳng hề drama như lời đồn, ngược lai còn rất thoải mái vui vẻ. Mỗi ngày đi làm là một niềm vui.
Lời kết
Cũng như bao cô gái khác, chị thích đi du lịch, ăn uống và làm đẹp. Hiện tại “dòng sông La” vẫn đang mải mê tận hưởng cuộc sống độc thân kiêu hãnh. Chị không nóng vội trong tình yêu vì “Cái gì của mình là của mình. Thay vì cưỡng cầu tình yêu thì hãy thản nhiên tận hưởng từng khoảnh khắc sống!”
Nhận xét của đồng nghiệp về con người chị GiangCHL:
Chị AnhNTH (Trưởng phòng Kinh doanh 2, FSG): Giang là cô gái xinh xắn, vui vẻ, nhanh nhẹn và khéo léo (Giang tâm sự ở nhà mẹ còn nhận xét con gái là “thảo mai” mà). Trong công việc Giang nắm bắt công việc nhanh, nếu phát huy hết khả năng thì sẽ có bứt phá. Mong là Giang và các bạn trong phòng cố gắng thật nhiều để đạt được kết quả tốt nhất.
(NguyệtNTM – FMK)