fbpx

Nghề phóng viên nội bộ

03/01/2023

03/01/2023

537

Trong một lần dạo qua trang web của công ty FAST để tìm hiểu về lịch sử phát triển, về sản phẩm và về yêu cầu vị trí tuyển dụng mà công ty đang tuyển nhằm chuẩn bị cho bài phỏng vấn xin việc của mình, tôi vô tình bị cuốn hút vào chuyên mục “Nghề nghiệp và con người của FAST”. Mà phải công nhận FAST đã đặt cái chuyên mục đó ở một nơi “không thể đẹp hơn” và “không thể nóng hơn” với mặt tiền là chuyên mục Tuyển Dụng.

Chuyên mục này là một nét rất độc đáo, một nét rất riêng của FAST giúp cho người đọc hiểu con người của FAST nói riêng và từ đó hiểu công ty FAST nói chung. Tôi ngồi đọc say sưa từng bài viết. Tôi vô tình bắt gặp một phần hình ảnh, một phần tính cách của mình trong các bài viết và rồi tôi cũng bật cười với cách viết dí dỏm của tác giả.

Thật ngạc nhiên. Hôm nay đây, khi đã trở thành một thành viên của FAST thì chính tôi lại là người đang đứng trước những câu hỏi của tác giả. Trong suốt buổi trò chuyện, tôi và tác giả đã nói chuyện với nhau một cách khá cởi mở và thông qua câu chuyện tôi cũng đã hiểu được một phần nào về công việc của tác giả – Nghề Phóng viên nội bộ.

Thời gian gần đây, chúng ta đã được đọc một số bài viết khá hay, khá thú vị về nghề tư vấn, về nghề tester… qua góc nhìn của phóng viên. Vậy tại sao chúng ta không thử đi tìm hiểu ngược lại về nghề phóng viên? Phóng viên hay nói rộng hơn là bộ phận truyền thông trong công ty, thực hiện khá nhiều công việc như đưa tin về các sự kiện, các hoạt động của công ty; PR về công ty và các sản phẩm của công ty… và đặc biệt là viết về con người của công ty. Vậy công việc đó có gì thú vị? Nó có những nét tương đồng và không tương đồng như thế nào so với công việc của các bộ phận còn lại trong công ty? Hãy cùng tôi tìm hiểu thông qua bài viết này.

1. Sản phẩm

Tất cả các bộ phận, các vị trí trong công ty hoạt động đều chung một đích đến đó là phải tạo ra được sản phẩm. Và phóng viên cũng không ngoại lệ. Nếu như sản phẩm của bộ phận R&D là các phiên bản mới nhất của phần mềm; sản phẩm của bộ phận kinh doanh là các hợp đồng ký kết; sản phẩm của bộ phận tư vấn ứng dụng là các dự án nghiệm thu; sản phẩm của bộ phận chăm sóc khách hàng là những hợp đồng hỗ trợ và tư vấn sử dụng thì sản phẩm của phóng viên đó là các bài viết. Có chăng sự khác nhau cơ bản là nằm ở tính chất của sản phẩm. Nếu như sản phẩm của các bộ phận khác đều có liên quan trực tiếp đến phần mềm thì sản phẩm của phóng viên lại liên quan đến con người tạo ra các phần mềm đó.

2. Chất lượng sản phẩm

Chất lượng sản phẩm của bộ phận R&D được đánh giá thông qua tính ứng dụng của nó trong thực tế. Chất lượng sản phẩm của bộ phận kinh doanh là giá trị của hợp đồng ký kết và tính hợp lý giữa giá trị hợp đồng với những chỉnh sửa đặc thù. Chất lượng sản phẩm của bộ phận tư vấn ứng dụng đó là tốc độ triển khai của dự án và sự hài lòng của khách hàng. Chất lượng sản phẩm của bộ phận chăm sóc khách hàng đó là sự kịp thời, sự chu đáo và sự tận tình.

Vậy chất lượng sản phẩm của phóng viên là gì? Là số lượng like dành cho bài viết chăng? Cũng có thể, nhưng số lượng like chỉ là thể hiện bên ngoài và đôi lúc bên ngoài nó không phản ánh đúng bản chất bên trong của vấn đề. Nếu như một người đọc một bài viết, anh ta cảm thấy tâm đắc với bài viết đó và nhấn like để thể hiện sự đồng điệu của mình thì like ở đây chính là chất lượng của bài viết. Nhưng có nhiều người khi nhìn qua một bài viết thấy nó dài quá không muốn đọc mà suy đoán: viết dài vậy chắc là hay lắm đây và đính kèm theo đó là một like dành tặng mà thậm chí không thèm đọc nội dung bên trong nó viết gì. Cũng có người dùng like để xã giao: anh like cho tôi thì tôi like lại cho anh thế thôi. Tôi không cần quan tâm là anh viết gì và ý nghĩa của bài viết đó như thế nào. Và thậm chí có nhiều người like theo kiểu ‘a dua’: thấy mọi người like mình cũng like theo cho vui, cho nó có phong trào. Nói vậy để thấy rằng chúng ta không nên đánh giá một bài viết qua số lượng like của bài viết đó, cũng giống như không nên đánh giá một con người qua ngoại hình của họ.

Điều quan trọng làm nên chất lượng của một bài viết đó là nó có đạt được mục đích của người viết hay không và nó để lại gì trong lòng của người đọc. Nếu mục đích của bài viết là thư giãn, là tạo tiếng cười thì thành công, chất lượng của bài viết chính là tiếng cười, là sự thoải mái của người đọc. Nếu mục đích của bài viết là để thỏa mãn niềm hứng thú được viết của mình thì bạn đừng quan tâm người khác nghĩ gì, cứ viết ra những gì mình thích, mình nghĩ. Lúc này chất lượng của bài viết chính là phần trăm hài lòng của bạn. Vậy mục đích của chuyên mục “Nghề nghiệp và con người của FAST” là gì? Đó là để giới thiệu với người đọc về nghề nghiệp, về con người của FAST. Và với mục đích như vậy thì theo tôi nghĩ đến thời điểm hiện tại thì các bài viết trên chuyên mục là hay, là chất lượng.

3. Sự thú vị

Điều thú vị trong công việc của bộ phận R&D đó là tìm ra được những ứng dụng mới, những công nghệ mới. Điều thú vị của bộ phận kinh doanh là ký kết được một hợp đồng lớn nhất từ trước tới nay hoặc là vừa ký kết với một khách hàng hoạt động trong lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Anh tư vấn ứng dụng thì say sưa khi thấy khách hàng giải quyết được vấn đề nhanh hơn, thông minh hơn khi sử dụng phần mềm. Chắc hẳn bộ phận chăm sóc khách hàng cũng sẽ rất vui khi những vấn đề của khách hàng đưa ra đều được giải quyết và giải quyết ngày càng kịp thời.

Vậy điều gì khiến phóng viên cảm thấy thích thú với công việc của mình? Với mỗi bài viết về một nhân vật bạn sẽ có những trải nghiệm mới, những cảm xúc mới và những cách nhìn nhận mới về cuộc sống, về tình yêu, về hôn nhân, về gia đình… Mỗi nhân vật là một câu chuyện và mỗi câu chuyện là một điều thú vị.

4. Áp lực trong công việc

Tất nhiên vị trí nào, công việc nào cũng có áp lực của nó. R&D chạy đua với thời gian để kịp ra lò các sản phẩm mới. Kinh doanh đôn đáo bán hàng để hoàn thành doanh số. Tư vấn ứng dụng thì bị kẹp giữa 2 bên – một bên là khách hàng và một bên là sếp. Chăm sóc khách hàng thì làm dâu trăm họ và không phải mẹ chồng nào cũng dễ tính.

Còn phóng viên thì sao? Đừng nghĩ là phóng viên không có áp lực nhé! Bạn hãy thử nghĩ xem, giả sử có một người nào đó hỏi bạn: điểm nổi bật nhất trong con người của bạn là gì? Bạn có chắc chắn là mình sẽ trả lời được không chứ chưa nói đến là phải trả lời ngay tức khắc? Và đôi lúc chính những người thân trong gia đình, những người tiếp xúc hằng ngày với bạn cũng không biết điểm nổi bật nhất trong con người của bạn là gì. Vậy mà phóng viên chỉ qua một vài lần tiếp xúc là họ phải có một bài viết để toát lên được những điểm nổi bật nhất trong con người của bạn. Đó là một điều không hề đơn giản. Ông bà ta có câu: “nói thì hay, vỗ tay thì lỡ nhịp”. Nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Bạn hãy thử bắt tay vào viết một bài về một nhân vật nào đó bạn sẽ thấy được cái khó của nó. Vì vậy chúng ta cần có một sự thông cảm với phóng viên nếu như có một bài viết nào đó mà bạn cảm thấy không được hài lòng. Cuộc sống này vốn dĩ đã nhiều áp lực và đôi lúc chính nhờ những bài viết của phóng viên mà giúp chúng ta có được những cái nhìn mới, có những niềm vui mới để vượt qua được những áp lực đó. Xin cám ơn Nghề Phóng Viên!

Ngô Văn Cường

png;base64d3af0adc0911f9a7Phóng viên Phương Uyên từ tháng 5.2013 (hàng đứng, thứ 3 từ phải sang)
Phóng viên nội bộ trước tháng 5.2013: Lan Anh (hàng đứng, thứ 2 từ phải sang)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *