fbpx

IFRS là gì? Điều cần biết về Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế

05/11/2024

26/02/2024

10897

Hiện nay, đang có nhiều doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam áp dụng các Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Các kế toán viên cũng không quá xa lạ khi nghe đến IFRS. Để hiểu rõ hơn, bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu kỹ hơn về IFRS và tình hình áp dụng IFRS tại Việt Nam.

IFRS là gì?

IFRS (International Financial Reporting Standards) được gọi là Chuẩn mực báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế gồm các chuẩn mực kế toán được ban hành bởi Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (International Accounting Standards Board – IASB) với mục tiêu đặt ra các quy tắc chung để báo cáo tài chính có thể thống nhất, minh bạch và có thể so sánh trên toàn thế giới.IFRS xác định cách các công ty duy trì và báo cáo tài khoản của họ, xác định các loại giao dịch và sự kiện khác có tác động tài chính. Các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) được thành lập để tạo ra ngôn ngữ kế toán chung, để các doanh nghiệp và báo cáo tài chính của họ có thể thống nhất và đáng tin cậy từ công ty này sang công ty khác, quốc gia này sang quốc gia khác.

Danh sách các Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)

IFRS bao gồm 16 chuẩn mực khác nhau. Trong đó chuẩn mực IFRS 17 được cập nhật và thay thế cho IFRS 4. Lưu ý: không bao gồm các Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) đang áp dụng.

Danh sách các Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế

[Bản dịch bộ thuật ngữ IFRS]

Lộ trình áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế ở Việt Nam

Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực BCTC tại Việt Nam nhằm hướng tới áp dụng IFRS và chuẩn mực BCTC Việt Nam mới từ sau năm 2025.

Theo đó, việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam (VFRS) sẽ bao gồm phương án công bố, áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và phương án xây dựng, ban hành và áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS).

Lộ trình áp dụng chuẩn mực BCTC quốc tế tại Việt Nam gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn chuẩn bị (2020-2021)

Tập trung vào các nội dung cơ bản như:

  • Công bố bản dịch IFRS sang tiếng Việt (Xem tại đây).
  • Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng IFRS.
  • Xây dựng cơ chế tài chính liên quan.
  • Đào tạo nguồn nhân lực, quy trình triển khai cho các doanh nghiệp.

Giai đoạn 1 (2022 – 2025): Áp dụng tự nguyện

Tại giai đoạn này, các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ nguồn lực được tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất.

Đối tượng bao gồm:

  • Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước quy mô lớn có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế.
  • Công ty niêm yết.
  • Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết.
  • Các công ty mẹ khác nhu cầu và đủ nguồn lực tự nguyện áp dụng IFRS.
  • Các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài có nhu cầu và đủ nguồn lực được tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính riêng.

Giai đoạn 2 (Sau năm 2025): Áp dụng bắt buộc

Đối với BCTC hợp nhất: Tổ chức triển khai áp dụng VFRS cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế hoạt động tại Việt Nam, trừ các đối tượng áp dụng IFRS hoặc chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Tài chính thường xuyên rà soát lại VFRS, cập nhật những thay đổi của IFRS để đảm bảo VFRS phù hợp ở mức độ cao nhất với thông lệ quốc tế.

Đối với BCTC riêng: Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các doanh nghiệp, pháp luật có liên quan và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm áp dụng bắt buộc hoặc áp dụng tự nguyện IFRS để lập BCTC riêng cho từng nhóm đối tượng, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi.

>>> Xem thêm: Chuẩn mực kế toán Việt Nam – Những điều cần biết

Nguyên nhân chuyển đổi từ IAS sang IFRS là gì?

Có ba nguyên nhân chính dẫn đến sự chuyển đổi từ IAS sang IFRS:

Tính tất yếu

Trước đây, IAS là chuẩn mực kế toán quốc tế được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên, chuẩn mực này chủ yếu dựa trên nguyên tắc giá gốc, vốn không còn phù hợp với nền kinh tế hiện đại. Trong bối cảnh giá gốc và giá trị thực tế của tài sản ngày càng chênh lệch, việc sử dụng nguyên tắc giá gốc không còn phản ánh chính xác giá trị tài sản.

IFRS ra đời như một giải pháp thay thế cho IAS, với định hướng tập trung vào giá trị hợp lý. Nhờ đó, IFRS có thể phản ánh chính xác hơn giá trị tài sản trong môi trường kinh tế hiện đại. Việc áp dụng IFRS giúp tạo ra ngôn ngữ chung cho kế toán tài chính, hướng đến sự thống nhất và minh bạch thông tin doanh nghiệp trên toàn cầu.

Khắc phục bất cập

Trước đây, mỗi quốc gia áp dụng chuẩn mực kế toán riêng biệt, dẫn đến nhiều bất cập cho doanh nghiệp đa quốc gia và doanh nghiệp niêm yết quốc tế. Việc áp dụng các chuẩn mực khác nhau gây khó khăn trong việc so sánh báo cáo tài chính, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và khả năng thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Chuyển đổi sang IFRS giúp khắc phục những bất cập này. IFRS là chuẩn mực quốc tế thống nhất, giúp doanh nghiệp dễ dàng so sánh báo cáo tài chính, tiết kiệm thời gian và chi phí trong quá trình hạch toán kế toán. Việc áp dụng IFRS cũng góp phần tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, giúp nhà đầu tư dễ dàng đánh giá tiềm năng và rủi ro của doanh nghiệp.

Nỗ lực hội tụ

Chuẩn mực kế toán riêng biệt của từng quốc gia tạo ra rào cản trong việc dung hòa và so sánh báo cáo tài chính. Việc áp dụng các chuẩn mực khác nhau khiến cho việc hợp tác kinh tế quốc tế trở nên khó khăn hơn.

IFRS ra đời như một nỗ lực nhằm thống nhất chuẩn mực kế toán quốc tế, hướng đến sự hội tụ trong công tác kế toán tài chính. Việc áp dụng IFRS giúp các quốc gia có thể dung hòa và so sánh báo cáo tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế quốc tế và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Tóm lại, sự chuyển đổi từ IAS sang IFRS là điều tất yếu để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế hiện đại, khắc phục bất cập và hướng đến sự hội tụ trong công tác kế toán tài chính quốc tế.

>> Xem thêm: Hướng dẫn cách đọc và phân tích báo cáo tài chính cho doanh nghiệp

Lợi ích cho việc áp dụng IFRS tại Việt Nam

IFRS là ngôn ngữ chính chung được sử dụng toàn cầu. Việc hiểu biết IFRS giúp doanh nghiệp có những thông tin hữu ích về các doanh nghiệp khác trong cùng ngành, có mức độ hoạt động tương đương ở các nước khác.

  • Việc áp dụng chuẩn mực IFRS sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đủ điều kiện để niêm yết trên thị trường quốc tế hoặc nhận các khoản vay ưu đãi từ các định chế tài chính quốc tế như: Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế…
  • Tạo dựng khuôn khổ pháp lý cho việc kế toán nhiều loại công cụ tài chính, tài sản và nợ phải trả theo giá trị hợp lý.
  • Giúp tăng cường khả năng so sánh và tính minh bạch của hoạt động BCTC.
  • Đối với doanh nghiệp có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mà công ty mẹ sử dụng IFRS thì việc áp dụng IFRS là một yêu cầu bắt buộc nhằm phục vụ cho việc hợp nhất BCTC ở công ty mẹ.
  • Giúp tăng hiệu quả thị trường vốn và thúc đẩy các khoản đầu tư xuyên biên giới.
  • Giúp cạnh tranh bình đẳng và tạo niềm tin cho nhà đầu tư; tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp.

>>> Xem thêm: Báo cáo kiểm toán là gì? Các mẫu báo cáo và cách đọc hiểu chúng

Thách thức khi áp dụng IFRS tại Việt Nam 

Thị trường tài chính và thị trường vốn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng

IFRS có mục tiêu thể hiện, ghi lại các giao dịch tài chính thuộc nền kinh tế phát triển có nhiều công cụ tài chính phức tạp. Trong khi đó, thị trường tài chính và thị trường vốn Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, chưa đầy đủ các công cụ tài chính. Điều này dẫn đến khó khăn khi áp dụng IFRS.

Các doanh nghiệp không muốn công khai tình hình tài chính

Khi áp dụng các IFRS là các thông tin tài chính của sẽ chính xác hơn, tin cậy hơn với việc nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp. Điều này khiến doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả sẽ khó lòng có được BCTC khả quan như hiện tại. Các doanh nghiệp hoạt động kém có tâm lý sợ ảnh hưởng đến giá trị chứng khoán, xếp hạng và duy trì điều kiện được niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Thiếu đội ngũ nhân lực

Nguồn nhân lực được đào tạo về các chuẩn mực kế toán này tại Việt Nam còn hạn chế. Việt Nam đang thiếu hụt lớn nguồn nhân lực có kỹ năng, nghiệp vụ kế toán và áp dụng IFRS.

Bất đồng ngôn ngữ

IFRS được soạn thảo bằng tiếng Anh, trong khi hầu hết kế toán viên, kiểm toán viên, nhà đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế tiếng Anh. Vì vậy, việc hiểu chính xác thuật ngữ, cập nhật tin tức và áp dụng IFRS ở Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn.

Sự chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật

Việt Nam có 3 văn bản quy phạm pháp luật có tác động đến công tác tài chính của doanh nghiệp, gồm: Chính sách thuế, chuẩn mực báo cáo tài chính và cơ chế tài chính. Điều này tạo ra sự chưa nhất quán và chồng chéo trong việc áp dụng. Do đó, áp dụng IFRS ở Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn.

>>> Xem thêm: Áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam

Sự khác nhau giữa IAS và IFRS

Dưới đây là bảng so sánh này chỉ tóm tắt một số điểm khác biệt chính giữa IAS và IFRS:

Nội dung IAS IFRS
Tên đầy đủ International Accounting Standards: Chuẩn mực Kế toán Quốc tế International Financial Reporting Standards: Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế
Thời gian phát hành Các chuẩn mực được phát hành từ năm 1973 đến năm 2001 Phát hành các chuẩn mực sau năm 2001
Tổ chức ban hành Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế IASC Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế IASB
Cách thức trình bày và ghi nhận tài sản dài hạn Không có các quy tắc về việc xác định, đo lường, trình bày và công bố đối với tài sản dài hạn để bán Có các quy tắc liên quan đến việc xác định, đo lường, trình bày và công bố tài sản dài hạn để bán
Số lượng chuẩn mực (tính đến thời điểm hiện tại vì được cập nhật thường xuyên) Gồm 41 chuẩn mực và đang được cải chính dần, hiện còn áp dụng 23 chuẩn mực Gồm 16 chuẩn mực, trong đó chuẩn mực IFRS 4 được cập nhật và thay thế bởi IFRS
Cải chính Các nguyên tắc sẽ bị loại bỏ khi cải chính Các nguyên tắc được xem xét khi cải chính

Nguồn tham khảo

1. Mof.gov.vn: Lộ trình áp dụng chuẩn mực Báo cáo tài chính tại Việt Nam

2. tapchitaichinh.vn: Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và lộ trình áp dụng tại Việt Nam

PhươngLNU/FMK

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *