fbpx

Các loại thuế doanh nghiệp phải nộp theo quy định 2024

29/10/2024

12/06/2024

171

Các loại thuế doanh nghiệp phải nộp theo quy định của pháp luật không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí và lợi nhuận mà còn tác động đến uy tín và sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Trong bài viết này, FAST sẽ cung cấp thông tin chi tiết về các loại thuế doanh nghiệp phải nộp, giúp bạn nắm bắt rõ ràng các nghĩa vụ thuế và có kế hoạch tài chính hợp lý. 

1. Thuế môn bài

1.1. Khái niệm

Thuế môn bài (lệ phí môn bài) là khoản tiền thuế doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh thường xuyên hoặc buôn từng chuyến hàng phải nộp hàng năm theo Pháp lệnh Thuế Công thương nghiệp 1983. Mức lệ phí môn bài phải nộp dựa trên số vốn điều lệ được ghi trên giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp hoặc doanh thu (với hộ và cá nhân kinh doanh).

Thuế môn bài

1.2. Mức thuế phải nộp

Căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Thông tư 65/2020/TT-BTC, mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ kinh doanh hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:

Mức lệ phí môn bài cả năm đối với tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ:

Bậc lệ phí môn bài Vốn đăng ký Mức lệ phí môn bài cả năm
Bậc 1 Trên 10 tỷ 3.000.000 đồng
Bậc 2 Dưới 10 tỷ 2.000.000 đồng
Bậc 3 Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác 1.000.000 đồng

Mức lệ phí môn bài đối với cá nhân và hộ kinh doanh:

Bậc thuế Doanh thu Mức nộp
Bậc 1 Trên 500 triệu đồng/năm 01 triệu đồng/năm
Bậc 2 Trên 300 đến 500 triệu đồng 500.000 đồng/năm
Bậc 3 Trên 100 đến 300 triệu đồng 300.000 đồng/năm

1.3. Đối tượng nộp thuế

Tất các doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh đều phải chấp hành nộp thuế môn bài theo đúng quy định. Ngoại trừ một số trường hợp được miễn lệ phí môn bài như:

  • Doanh nghiệp quy mô nhỏ mới thành lập được miễn lệ phí môn bài từ 2 đến 4 năm (tùy loại doanh nghiệp và quy định từng tỉnh/thành phố) tính từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu tiên.
  • Doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa được miễn lệ phí môn bài và thuế TNDN ưu đãi từ 2 đến 4 năm tùy theo từng tỉnh/thành phố.
  • Doanh nghiệp xã hội được miễn lệ phí môn bài và thuế TNDN từ 10 đến 15 năm, nhằm khuyến khích phát triển hoạt động kinh doanh có mục tiêu xã hội.
  • Doanh nghiệp tham gia vào các lĩnh vực ưu đãi như năng lượng tái tạo hoặc nông nghiệp, có thể được miễn lệ phí môn bài và hưởng ưu đãi thuế từ 5 đến 10 năm.
  • Doanh nghiệp khu công nghiệp được miễn lệ phí môn bài trong từ 2 đến 4 năm.

1.4. Thời hạn nộp thuế

Cụ thể tại Khoản 9 Điều 18, thời hạn nộp lệ phí môn bài được quy định như sau:

a) Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 hàng năm.

b) Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khi kết thúc thời gian được miễn lệ phí môn bài thì thời hạn nộp lệ phí môn bài như sau:

b.1) Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng đầu năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm kết thúc thời gian miễn.

b.2) Trường hợp kết thúc thời gian miễn lệ phí môn bài trong thời gian 6 tháng cuối năm thì thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm liền kề năm kết thúc thời gian miễn.

c) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đã chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đó hoạt động trở lại thì thời hạn nộp lệ phí môn bài như sau:

c.1) Trường hợp ra hoạt động trong 6 tháng đầu năm: Chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm ra hoạt động.

c.2) Trường hợp ra hoạt động trong thời gian 6 tháng cuối năm: Chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm liền kề năm ra hoạt động.

>>> Xem thêm: Hướng dẫn hạch toán thuế môn bài theo đúng quy định hiện nay

2. Thuế thu nhập doanh nghiệp 

2.1. Khái niệm

Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là loại thuế doanh nghiệp được thu trên khoản lợi nhuận cuối cùng của doanh nghiệp sau khi đã trừ đi các khoản chi phí hợp lý.

Thuế thu nhập doanh nghiệp

2.2. Mức thuế phải nộp và cách tính thuế TNDN

Thuế TNDN được tính theo công thức quy định tại Thông tư 96/2015/TT-BTC như sau:

Tính thuế TNDN phải nộp: 

Số thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có)) x Thuế suất thuế TNDN

Tính thu nhập tính thuế:

Thuế thu nhập = Thu nhập chịu thuế – Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định

Tính thu nhập chịu thuế:

Thu nhập chịu thuế = Doanh thu – Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác

Thuế suất thuế TNDN được quy định tại Điều 11 Thông tư 78/2015/TT-BTC như sau:

  • Thuế suất 20% (Áp dụng từ 01-01-2016).
  • Thuế suất thuế TNDN đối với hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên quý hiếm (gồm: bạch kim, vàng, bạc, thiếc, wolfram, antimoan, đá quý, đất hiếm trừ dầu mỏ) áp dụng thuế suất 50%.
  • Thuế suất thuế TNDN đối với hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam là 32% đến 50%.
  • Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, dự án đầu tư, quyền tham gia dự án đầu tư và quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định của pháp luật thì phải hạch toán riêng để kê khai nộp thuế doanh nghiệp với thuế suất là 20%
  • Trường hợp các mỏ tài nguyên quý hiếm có từ 70% diện tích được giao trở lên nằm tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thuộc danh mục địa bàn ưu đãi thuế doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/ NĐ-CP của chính phủ áp dụng thuế suất thuế TNDN là 40%.

2.3. Đối tượng nộp thuế 

Đối tượng phải nộp thuế TNDN bao gồm: Tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế và tổ chức nước ngoài sản xuất kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hoặc có thu nhập tại Việt Nam nộp thuế TNDN theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2.4. Thời hạn nộp thuế 

Thuế TNDN là loại thuế doanh nghiệp tạm nộp theo quý và quyết toán theo năm, cụ thể như sau:

  • Quý: Doanh nghiệp phải nộp thuế TNDN hàng quý, thời hạn nộp thuế thường là trước ngày 30 của tháng sau quý kết thúc. Ví dụ, nếu quý kết thúc vào ngày 31-3, thời hạn nộp thuế là trước ngày 30-4.
  • Năm tài chính: Một số doanh nghiệp lựa chọn kỳ kế toán từ tháng 4 năm ngoái đến tháng 3 năm hiện tại. Trong trường hợp này, thời hạn nộp thuế TNDN cho cả năm tài chính là trước ngày 31-3 của năm sau.

3. Thuế giá trị gia tăng

3.1. Khái niệm

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là loại thuế doanh nghiệp được tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ trong suốt các giai đoạn từ sản xuất, kinh doanh đến khi tiêu thụ. Thuế GTGT được khai theo tháng (trừ trường hợp khai theo quý theo Thông tư 151/2014/TT-BTC). Việc khai và nộp thuế GTGT cụ thể sẽ phụ thuộc vào phương pháp tính thuế của từng công ty.

Theo Điều 15 Thông tư 151/2014/TT-BTC quy định thông tin về đối tượng thực hiện khai thuế theo quý như sau:

  • Khai thuế theo quý áp dụng đối với người nộp thuế GTGT có tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống.
  • Trường hợp người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh việc khai thuế GTGT được thực hiện theo quý. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch tiếp theo sẽ căn cứ theo mức doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế GTGT theo tháng hay theo quý.

Thuế giá trị gia tăng

3.2. Mức thuế phải nộp và cách tính thuế 

Về việc khai, nộp thuế GTGT cụ thể sẽ phụ thuộc vào phương pháp tính thuế GTGT của mỗi công ty. Số tiền thuế GTGT được tính dựa trên 1 trong 2 phương pháp kê khai cơ bản: 

Phương pháp kê khai khấu trừ

Lúc này mức thuế phải nộp được quy định tương ứng 3 loại mức thuế suất sau:

  • Thuế suất 0%: Được áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu (Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC);
  • Thuế suất 5%: Được áp dụng đối với một số mặt hàng quy định tại Điều 10 Thông tư 219/2013/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 26/2015/TT-BTC);
  • Thuế suất 10%: Được áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ còn lại (Điều 11 Thông tư 219/2013/TT-BTC);

Công thức tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:

Thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào

Phương pháp kê khai trực tiếp

Nộp thuế theo quy định tại điều 13 thông tư 219/2013/TT-BTC với tỷ lệ thuế như sau:

  • Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;
  • Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;
  • Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;
  • Hoạt động kinh doanh khác: 2%.

Công thức tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp:

Thuế GTGT phải nộp = GTGT của hàng hóa x Thuế suất GTGT của hàng hóa đó

Trường hợp đối với công ty kinh doanh vàng, bạc, đá quý:

Thuế GTGT phải nộp = Giá trị gia tăng x 10%

Trong đó: Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý = giá thanh toán được bán ra – giá thanh toán mua vào tương ứng

3.3. Đối tượng nộp thuế 

Theo Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (được hướng dẫn bởi Điều 2 Thông tư 219/2013/TT-BTC) quy định đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này.

3.4. Thời hạn nộp thuế 

  • Đối với công ty kê khai theo tháng: Hạn nộp hồ sơ kê khai thuế GTGT là ngày thứ 20 của tháng sau tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.
  • Đối với công ty kê khai theo khai theo quý: Hạn nộp hồ sơ kê khai thuế GTGT là ngày 30 hoặc 31 (ngày cuối cùng) của tháng đầu quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.

4. Thuế thu nhập cá nhân

4.1. Khái niệm

Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là loại thuế doanh nghiệp, đánh vào thu nhập của cá nhân nhưng tổ chức trả thu nhập phải thực hiện khấu trừ thuế TNCN của người lao động trước khi trả thu nhập và có trách nhiệm khai, nộp số tiền thuế vào ngân sách Nhà nước.

Việc khấu trừ thực hiện theo quy định tại Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:

  • Đối với cá nhân không cư trú: Khấu trừ 20% trước khi trả thu nhập.
  • Đối với cá nhân cư trú không có hợp đồng lao động hoặc có hợp đồng lao động dưới 03 tháng: Khấu trừ trực tiếp 10% tại nguồn trước khi trả thu nhập có tổng mức chi trả từ 2.000.000 đồng trở lên, không được tính giảm trừ gia cảnh nhưng được làm cam kết 02/CK-TNCN (nếu đủ điều kiện) để tổ chức trả thu nhập tạm thời không khấu trừ thuế của các cá nhân này.
  • Đối với cá nhân cư trú có hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên: Khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến từng phần và người lao động được tính giảm trừ gia cảnh trước khi khấu trừ. Tổ chức trả thu nhập có trách nhiệm quyết toán thay cho các cá nhân có ủy quyền.

Tính năng khấu trừ thuế tncn FAST

4.2. Mức thuế phải nộp và cách tính thuế 

Thuế TNCN phải nộp = Thu nhập tính thuế TNCN x Thuế suất

Theo Điều 22, Luật Thuế TNCN năm 2007, bảng biểu thuế luỹ tiến từng phần được xác định như sau:

Bậc Thu nhập tính thuế/ tháng Thuế suất Cách tính số thuế TNCN phải nộp
Cách 1 Cách 2
1 Đến 5 triệu 5% 0 triệu + 5% thu nhập tính thuế  5% thu nhập tính thuế
2 Trên 5 – 10 triệu 10% 0.25 triệu + 10% thu nhập tính thuế trên 5 triệu 10% thu nhập tính thuế – 0.25 triệu
3 Trên 10 – 18 triệu 15% 0.75 triệu + 15% thu nhập tính thuế trên 10 triệu 15% thu nhập tính thuế – 0.75 triệu 
4 Trên 18  – 32 triệu 20% 1.95 triệu + 20% thu nhập tính thuế trên 18 triệu 20% thu nhập tính thuế – 1.65 triệu
5 Trên 32 – 52 triệu 25% 4.75 triệu + 25% thu nhập tính thuế trên 32 triệu 25% thu nhập tính thuế – 3.25 triệu
6 Trên 52  – 80 triệu 30% 9.75 triệu + 30% thu nhập tính thuế trên 52 triệu 30% thu nhập tính thuế – 5.85 triệu 
7 Trên 80 triệu 35% 18.15 triệu + 35% thu nhập tính thuế trên 80 triệu 35% thu nhập tính thuế – 9.85 triệu

Các khoản giảm trừ thuế thu nhập cá nhân thường bao gồm:

Giảm trừ gia cảnh:

  • Đối với bản thân: 11.000.000 đồng/người/tháng;
  • Đối với người phụ thuộc: 4.400.000 đồng/người/tháng.
  • Các khoản bảo hiểm bắt buộc: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm nghề nghiệp trong một số lĩnh vực đặc biệt.

4.3. Đối tượng nộp thuế 

Theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14: Các cá nhân có thu nhập từ 11.000.000đ/tháng trở lên có thể phải đóng thuế TNCN cho Nhà nước. Khi này, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện khấu trừ thuế TNCN của người lao động trước khi trả thu nhập và có trách nhiệm khai, nộp số tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

4.4. Thời hạn nộp thuế 

Cá nhân có trách nhiệm khai thuế TNCN chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh thu nhập hoặc nhận được thu nhập.

5. Các loại thuế khác mà doanh nghiệp phải nộp

Ngoài các loại thuế trên, tùy vào đặc điểm và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp còn phải đóng một số loại thuế sau: 

5.1. Thuế tài nguyên

Thuế tài nguyên là một khoản thuế gián thu mà doanh nghiệp phải nộp cho Nhà nước dựa trên việc sử dụng hoặc khai thác các tài nguyên thiên nhiên sở hữu hoặc sử dụng trong quá trình kinh doanh, áp dụng cho các loại tài nguyên: dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản, nước, gỗ hay các tài sản thiên nhiên khác.

Công thức tính thuế tài nguyên doanh nghiệp phải nộp trong kỳ:

Thuế tài nguyên phải nộp trong kỳ = Sản lượng tài nguyên tính thuế x Giá tính thuế đơn vị tài nguyên x Thuế suất thuế tài nguyên

Công thức tính thuế tài nguyên theo mức được ấn định đối với từng loại tài nguyên:

Thuế tài nguyên phải nộp trong kỳ = Sản lượng tài nguyên tính thuế x Mức thuế tài nguyên ấn định trên một đơn vị tài nguyên khai thác

5.2. Thuế xuất khẩu và nhập khẩu

Thuế xuất nhập khẩu (Thuế XNK) là một loại thuế gián thu nếu doanh nghiệp có hoạt động xuất – nhập các loại hàng hóa theo quy định pháp luật Việt Nam. Thuế XNK áp dụng cho cả việc xuất khẩu từ thị trường nội địa vào khu vực không thuộc khu vực thuế quan và nhập khẩu từ khu vực không thuộc khu vực thuế quan vào thị trường nội địa.

Các tính thuế xuất khẩu, nhập khẩu:

Thuế xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp = SL mặt hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu trên tờ khai hải quan x Trị giá từng mặt hàng x Thuế suất

Các loại thuế khác mà doanh nghiệp phải nộp

5.3. Thuế tiêu thụ đặc biệt 

Thuế tiêu thụ đặc biệt (Thuế TTĐB) là loại thuế gián thu đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ có tính chất xa xỉ nhằm cân bằng, điều tiết mức độ sản xuất và tiêu dùng trên thị trường. 

Công thức tính thuế TNĐB:

Thuế TTĐB = Giá thuế suất x Thuế suất

Theo Điều 13 Thông tư 156/2013/TT-BTC: Khai thuế tiêu thụ đặc biệt là loại khai theo tháng; đối với hàng hóa mua để xuất khẩu nhưng được bán trong nước thì khai theo lần phát sinh.

5.4. Thuế bảo vệ môi trường

Thuế bảo vệ môi trường (Thuế BVMT) là một loại thuế gián thu nộp một lần cho Nhà nước nếu doanh nghiệp có sản xuất kinh doanh hay nhập khẩu các loại hàng hóa, sản phẩm có nguy cơ gây tác động tiêu cực đến môi trường quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2010.

Cách tính thuế BVMT:

Thuế BVMT = SL hàng hoá tính thuế x Mức thuế tuyệt đối

Mức thuế tuyệt đối được quy định Nghị quyết 1269/2011/UBTVQH12

Thuế BVMT chỉ nộp một lần đối với hàng hóa sản xuất hoặc nhập khẩu.

5.5. Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN) là một loại thuế trực thu, nếu doanh nghiệp sử dụng đất phi nông nghiệp để sản xuất kinh doanh, xây dựng, đầu tư dự án…

Cách tính thuế SDĐPNN:

Thuế SDĐPNN = Diện tích đất sử dụng x Giá tính thuế của 1m2 x Thuế suất

Đất sản xuất phi nông nghiệp, đất kinh doanh áp dụng thuế suất 0,03%. 

Đất phi nông nghiệp quy định tại Điều 3 Luật thuế SDĐPNN sử dụng vào mục đích kinh doanh áp dụng thuế suất là 0,03%.

6. Phân loại các loại thuế

Thuế trực tiếp:

  • Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Giải thích chi tiết về đối tượng nộp thuế, cơ sở tính thuế, mức thuế suất, thời hạn nộp thuế.
  • Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của người có thu nhập từ hoạt động kinh doanh: Nêu rõ các trường hợp phải nộp thuế TNCN, cách tính thuế.

Thuế gián tiếp:

  • Thuế giá trị gia tăng (VAT): Giải thích về khái niệm VAT, cơ chế khấu trừ VAT, các mức thuế suất VAT áp dụng.
  • Thuế tiêu thụ đặc biệt: Nêu rõ các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, mức thuế suất.
  • Thuế nhập khẩu: Áp dụng cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa.
  • Thuế xuất khẩu: Áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa.

Các loại thuế khác:

  • Thuế tài sản, thuế đất, thuế môi trường (nếu có).

7. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức thuế doanh nghiệp

Việc xác định mức thuế mà doanh nghiệp phải nộp không chỉ phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây là một số yếu tố chính:

  • Ngành nghề kinh doanh:
    • Tính chất ngành: Các ngành nghề khác nhau sẽ có những quy định về thuế suất và các khoản khấu trừ khác nhau. Ví dụ, các ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ sẽ có những chế độ thuế riêng biệt.
    • Sản phẩm, dịch vụ: Tùy thuộc vào loại sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp, sẽ áp dụng các mức thuế suất và đối tượng chịu thuế khác nhau. Ví dụ, các sản phẩm thiết yếu, hàng hóa xuất khẩu thường được hưởng ưu đãi về thuế.
  • Hình thức tổ chức doanh nghiệp:
    • Doanh nghiệp tư nhân: Có quy định về thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế khác áp dụng cho hộ kinh doanh.
    • Công ty TNHH: Áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT và các loại thuế khác tùy thuộc vào quy mô và hoạt động kinh doanh.
    • Công ty cổ phần: Có những quy định riêng về phân phối lợi nhuận, chia cổ tức và do đó ảnh hưởng đến mức thuế phải nộp.
    • Chi nhánh, văn phòng đại diện: Các đơn vị này có thể áp dụng chế độ thuế khác biệt so với trụ sở chính.
  • Quy mô doanh nghiệp:
    • Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thường được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, như giảm thuế suất, gia hạn thời hạn nộp thuế,… nhằm hỗ trợ phát triển.
    • Doanh nghiệp lớn: Phải tuân thủ các quy định về báo cáo thuế nghiêm ngặt hơn và có thể chịu mức thuế suất cao hơn.
  • Địa điểm kinh doanh:
    • Vùng kinh tế đặc biệt, khu công nghiệp: Các doanh nghiệp hoạt động tại các khu vực này thường được hưởng ưu đãi về thuế.
    • Địa phương: Chính sách thuế có thể khác nhau giữa các địa phương, tùy thuộc vào chính sách phát triển của từng địa phương.
  • Hoạt động sản xuất, kinh doanh:
    • Đầu tư: Các khoản đầu tư vào máy móc, thiết bị, nghiên cứu và phát triển có thể được khấu trừ vào thu nhập tính thuế.
    • Chi phí sản xuất kinh doanh: Các chi phí hợp lý phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh được phép khấu trừ.
  • Các yếu tố khác:
    • Thỏa thuận tránh đánh thuế kép: Áp dụng cho các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh quốc tế.
    • Các chính sách hỗ trợ đặc biệt: Nhà nước có thể ban hành các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho một số ngành nghề, lĩnh vực hoặc đối tượng doanh nghiệp.

Lưu ý:

  • Các quy định về thuế có thể thay đổi: Doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin về các quy định mới để đảm bảo tuân thủ pháp luật.
  • Tư vấn chuyên môn: Để hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan đến thuế, doanh nghiệp nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia kế toán, thuế.

Việc hiểu rõ và tuân thủ các loại thuế doanh nghiệp phải nộp theo quy định là yếu tố quan trọng để đảm bảo hoạt động kinh doanh hợp pháp và hiệu quả. Để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quản lý và nộp thuế, phần mềm kế toán FAST Accounting là công cụ đắc lực, giúp doanh nghiệp dễ dàng theo dõi, lập và nộp các loại thuế doanh nghiệp một cách chính xác, kịp thời, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. Liên hệ ngay để được tư vấn!

Thông tin liên hệ:

Xem thêm các bài viết liên quan: 

Thuế nhà thầu là gì? Cách tính và các quy định cần nắm rõ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *