fbpx

AnhHD – Hết lòng vì công việc

03/01/2023

03/01/2023

1319

Anh là người thèm công việc, làm việc như kiểu cuộc sống chỉ có công việc. Mà thật ra cuộc sống của anh ấy cũng chỉ có thế: đi làm, đi đá bóng với công ty, đi nhậu, còn lại là làm việc ở nhà”. Đó là nhận xét của đồng nghiệp KhaVD (phòng tư vấn ứng dụng FSI) khi nhắc về quản lý của mình.

Quả thực là thế! Tôi khá bất ngờ khi anh phản hồi lại email phỏng vấn vào chiều chủ nhật. Với nhiều người thì cuối tuần là khoảng thời gian thư giãn sau chuỗi ngày mệt nhoài bên guồng xoay công việc. Còn với anh, cuối tuần là thời điểm thích hợp nhất để hệ thống lại công việc đang tồn đọng và lập kế hoạch cho tuần mới. 

Anh là Hoàng Duy Anh (AnhHD), trưởng nhóm tư vấn ứng dụng thuộc phòng tư vấn ứng dụng FSI, VP FAST tại TP.HCM (FSG). Mặc dù đã bước vào ngưỡng tuổi 30, nhưng thoạt nhìn anh thì khó có ai nhận ra điều đó. Dáng người nhỏ con, thư sinh, cùng nước da trắng của anh đủ sức đánh lừa thị giác của người đối diện.

Cùng tìm hiểu thêm về con người anh Duy Anh qua bài viết sau!

Thuở thơ ấu

Đất đai Hà Tĩnh vốn cằn cỗi, khí hậu Hà Tĩnh khắc nghiệt. Lũ trên ngàn đổ về mỗi năm, mưa và nắng đến rồi đi bất chợt. Lũ chồng lũ, bão chồng bão, để sinh tồn con người Hà Tĩnh buộc phải cần cù, chịu khó. Lớn lên giữa vùng quê nghèo khó, hơn ai hết, bản thân anh hiểu rõ dù thế nào cũng phải phấn đấu vươn để lo cho gia đình cuộc sống tốt hơn. 

Anh AnhHD (ngoài cùng bên trái) cùng đội triển khai dự án FSI.

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm nông, mặc dù là con út nhưng không vì thế mà anh được nuông chiều. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, ngoài giờ học, anh vẫn tranh thủ phụ giúp bố mẹ công việc nhà: nấu cơm, rửa bát, quét nhà,… đâu vào đấy rồi mới nghĩ tới chuyện đi chơi. 

Nhà có 4 anh em trai, lại sinh sát nhau, người này chỉ hơn người kia 2 tuổi. Nuôi 6 miệng ăn không phải chuyện dễ dàng, nhất là giai đoạn 4 anh em tới tuổi cắp sách tới trường. Khó khăn lại chồng chất lên đôi vai của người làm cha, làm mẹ.

Ngay từ nhỏ, 4 anh em đã rất thương yêu, đùm bọc nhau. Là em út nên anh nghiễm nhiên có 3 ông anh to khỏe bảo kê khỏi bao trò nghịch ngợm của lũ trẻ trong xóm. Và cũng từ đây mà phát sinh vô vàn câu chuyện dở khóc dở cười. Bố mẹ bận lo chuyện đồng áng, nên giao chuyện chăm sóc em út cho các anh. Năm 2 tuổi, cũng như bao lần khác, anh được anh trai cõng đi chơi khắp làng. Sau đó chẳng biết cơ sự ra sao mà anh trai ném anh vào một góc rồi lao vào đánh nhau. Kẻ xô người lấn, kết quả là anh dính đòn oan, bị đánh vỡ đầu, đến nay vẫn còn vết sẹo to.

Nam tiến

Tốt nghiệp chuyên ngành Hệ thống thông tin kinh tế của Học viện Tài chính, anh chọn Thủ đô là nơi khởi nghiệp. Thuở mới ra trường, tạm gác lại những kiến thức đã rèn luyện suốt 4 năm đại học, anh hùn vốn với một người bạn kinh doanh lĩnh vực linh kiện máy tính. Vạn sự khởi đầu nan, chuyện kinh doanh vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi thị trường bão hòa và sự xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh. 

Tới năm 2016, sau gần 3 năm lăn lộn không mấy suôn sẻ tại đất Hà thành, anh quyết định cho bản thân một khoảng lặng để suy tính kỹ chuyện tương lai. Thế là anh trở về nơi chôn rau cắt rốn – vùng đất Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). 

Khi tinh thần đã ổn định hơn, anh nắm bắt ngay cơ hội làm tư vấn ứng dụng phần mềm quản lý thuốc bảo hiểm y tế cấp xã phường của Viettel tại quê nhà. Công việc cũng gần với chuyên môn nên anh làm quen rất nhanh. Đã thế cơ quan cũng gần nhà, vừa tiện đi lại, vừa được ở bên gia đình. Tiện lợi đôi đường là vậy, nhưng anh lại thấy có gì đó chưa đủ. Tuổi trẻ vốn ấp ủ bao hoài bão lớn, niềm khao khát đặt chân tới những vùng đất mới vẫn cháy rực trong anh. 

7 năm gắn bó với Hà Nội đã đủ để anh kiểm chứng “nơi ấy không thuộc về mình”. Anh ngỏ ý xin bố mẹ cho vào TP.HCM lập nghiệp. Bố mẹ nghe vậy đều ra sức cản. Suy cho cùng bố mẹ nào mà chẳng thương con, tình thương ấy biến thành bao nỗi sợ vô hình. Sợ anh vào Sài Gòn một mình ốm đau không ai chăm sóc, sợ khoảng cách TP.HCM – Hà Tĩnh “xa quá, vào trong ấy biết khi nào mới chịu về thăm quê”,… Tính anh vốn quyết đoán, nói là làm. Mặc cho gia đình không đồng ý, anh vẫn quyết nộp đơn xin nghỉ việc và khăn gói lên đường.

Mặc dù không phải lần đầu xa quê, nhưng tính chất giữa của TP.HCM và Hà Nội căn bản không giống nhau. Hà Nội trầm lắng, êm đềm, còn TP.HCM quá đỗi hoa lệ, xô bồ. Thuở mới đặt chân tới đất Sài Gòn, anh gánh theo nhiều áp lực. Có đủ thứ để lo, từ chuyện kiếm chỗ ở, kiếm việc, đến làm quen môi trường mới,… Nói tới đây, tôi những tưởng anh ít nhiều gì anh cũng sẽ rơi vào cảnh “sốc văn hóa”. Nhưng không, ahh bắt nhịp cuộc sống mới rất nhanh: “Chắc do anh ba phải quá, thế nào cũng sống được!” – anh cười. 

Giọng Hà Tĩnh vốn nặng, cứ giữ nguyên cách nói như ở quê thì “chẳng ai hiểu mình nói gì mất”. Hồi mới vào TP.HCM anh ở tạm nhà của cậu ít hôm, có lần nghe mợ anh bảo “mở tủ lạnh lấy trái bom ra mà ăn”, anh ngơ ngác mãi mà vẫn không hiểu bom là quả gì (người Bắc thường gọi bom là vũ khí gây nổ). Đến khi mợ lại tủ lấy đưa cho thì anh mới vỡ lẽ thì ra bom là cách gọi khác của quả táo tây. Và còn rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười khác xoay quanh vấn đề này. Thế là anh lao vào chiến dịch đổi giọng nói sao cho hài hòa với người phương Nam. Và rồi sau 5 năm, anh yêu mảnh đất này lúc nào không hay và ngộ ra chân lý “TP.HCM chính là nơi anh thuộc về”. Với anh, môi trường tại TP.HCM dễ sống hơn hẳn Hà Nội. Người Sài Gòn thẳng tính, bộc trực, chất phác và thân thiện với tất cả mọi người. 

TP.HCM và Hà Tĩnh cách nhau hơn 1300km, vì thế mà một năm anh chỉ về nhà vỏn vẹn vài lần vào đợt Tết, còn dịp lễ thì có khi về, khi không. Những đợt lễ khi thấy mọi người nô nức về quê, trong anh cũng có chút gì đó chạnh lòng. Anh nhớ về những kỷ niệm thuở tấm bé bên bố mẹ và các anh trai. Mỗi lần đi công tác ở các tỉnh phía Bắc, anh cũng tranh thủ hoàn thành công việc sớm và ghé về thăm nhà 1 – 2 ngày rồi đi. 

Yêu nghề tư vấn ứng dụng

Anh biết FAST thông qua kênh tìm việc online rồi ứng tuyến. Ngày phỏng vấn, chị UyênNTT hỏi toàn những câu không liên quan gì tới công việc. “Có người yêu chưa?”, “Sao không làm ngoài Hà Nội luôn vào đây làm gì cho xa?”, “Vào đây đi theo người yêu đúng không?”, “Chị mà tuyển em hứa phải làm ít nhất 5 năm nhé!”… Trước câu hỏi hóc búa của sếp Uyên, anh thật thà: “Nếu có cơ hội phát triển lâu dài thì tất nhiên là em sẽ ở lại không chỉ 5 năm mà còn xa hơn nữa!” Và thế là anh trúng tuyển vào phòng Bảo hành 2.

Mặc dù là gốc Bảo hành nhưng anh được tiếp xúc với nghề tư vấn ứng dụng từ rất sớm. Mới thử việc được 15 ngày anh đã được chị OanhTK (trưởng phòng Bảo hành 2) cử đi triển khai dự án ở Bắc Ninh. Những chuyến công tác xa ngày một nhiều lên và anh lại trót đem lòng yêu cái nghề tư vấn ứng dụng này rồi. 

Tính chất phòng Bảo hành chủ yếu triển khai các dự án nhỏ như phụ lục hợp đồng, quỹ đầu tư và phát triển,… Vốn là một con người cầu tiến, khi đã quá quen với những dự án nhỏ, anh muốn thử sức ở môi trường rộng hơn. Sau hơn 1 năm, anh mạnh dạn đề xuất xin chuyển công tác sang khối tư vấn ứng dụng nhưng được chị Oanh ngỏ ý giữ lại. Tới năm 2019, dự tính này mới trở thành hiện thực và anh trở thành một mảnh ghép của phòng tư vấn ứng dụng FSI. Với anh, khó khăn lớn nhất của nghề tư vấn ứng dụng là phải thực sự hiểu về ngành nghề kinh doanh của khách hàng. Đồng thời nắm bắt tốt nhu cầu của khách hàng để đưa ra các giải pháp tư vấn tối ưu nhất.

Nhân viên tư vấn ứng dụng thường gắn liền những chuyến công tác dài ngày và kỷ niệm thì nhiều vô kể. Ngày mới chân ướt chân ráo đặt chân tới FSI anh được phân công phụ trách dự án Messer. Đây cũng là dự án để lại nhiều kỷ niệm trong anh nhất. Tại Việt Nam, Messer có nhiều đơn vị trải dài từ Nam ra Bắc. Vì vậy mà anh có cơ hội làm một tour công tác liền tù tì hơn 1 tháng trời với cung đường di chuyển từ Dung Quất (Quảng Ngãi) ra Hà Nội, về Hải Phòng, sang Hải Dương, rồi quay lại Hải Phòng. Đến mức nhiều đồng nghiệp không thấy anh lên văn phòng liền nhắn hỏi “Nghỉ việc ở FAST rồi à?” Đi công tác một mình có vô vàn nỗi buồn không tên, nhớ đồng nghiệp, nhớ anh em đội bóng, nhớ cảm giác chạy theo trái bóng tròn, cái chân lâu ngày không vận động cứ bứt rứt không yên. Sáng lên công ty khách hàng, tối về phòng, quanh đi quẩn lại cũng chỉ một mình lủi thủi. Lướt facebook, đọc tin tức chán rồi lại lăn ra ngủ và vòng tuần hoàn ấy cứ lặp đi lặp lại suốt cả tháng trời. Buồn nhất là đợt công ấy trúng dịp sinh nhật lần thứ 23 của công ty. Anh đành lỡ hẹn với hội thao và lỡ luôn cả tiệc liên hoan ăn nhậu tới bến cùng anh em FMN. Cũng may là đợt ấy khách hàng đã tinh tế tổ chức một buổi tiệc liên hoan nhỏ mừng sinh nhật FAST tại Hải Phòng. Đó như là món quà tinh thần an ủi chàng Fasters đang công tác nơi phương xa.

Bữa tiệc mừng sinh nhật thứ 23 của FAST cùng Messer Hải Phòng.

Chuyện quản lý

Đầu năm 2021 là cột mốc đáng nhớ khi anh lên chức trưởng nhóm và nghiễm nhiên trở thành thủ lĩnh của đoàn quân “5 anh em trên một chiếc xe tăng”. Trọng trách mới bao giờ cũng đi kèm áp lực. Anh chia sẻ: “Trước đây có một mình nên anh chỉ cần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là xong. Giờ thì khác rồi, khó khăn nhất vẫn là phân bổ thời gian hợp lý để vừa kiểm soát dự án đang phụ trách, vừa hỗ trợ kịp thời cho các bạn”. Thành viên trong nhóm cũng gần gần tuổi nhau, vì vậy mà không tránh khỏi những lần “anh bị tụi nhỏ giỡn mặt”. Với đội quân này, anh chọn chiến thuật quản lý linh hoạt tùy vào hoàn cảnh, lúc thì mềm mỏng khi lại nghiêm khắc răn đe. Tiêu chí cốt lõi vẫn là “Anh em như thể tay chân/ Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”.

Anh TríTX (một thành viên nhóm của anh AnhHD) tâm sự: “Anh Duy Anh là người sếp tâm lý, biết nhân viên mới ngại hỏi nên cứ tranh thủ lúc nào rảnh là lại hỏi xem mình cần giúp gì không và truyền đạt lại những kiến thức đã tích lũy được cho đàn em. Tính mình vốn hay quên, nhiều khi đã được chỉ rồi nhưng mấy ngày sau lại hỏi lại. Anh ấy vẫn chỉ bảo tận tình, chỉ khi nào mình hỏi quá nhiều về một vấn đề thì ảnh mới la thôi!

Không chỉ tận tình hướng dẫn đàn em trong công việc, anh còn nhiệt tình chỉ bảo các kỹ năng trên bàn nhậu. Từ cách khui bia, nâng ly đến làm thế nào để có đô bất tử,… “Tụi nó lại chọc anh rồi, mang tiếng là dạy thế thôi chứ đô anh có 7-8 lon à. Sau mỗi lần nhậu tới bến thì anh phải đánh một giấc tới trưa hôm sau mới hoàn hồn lại được” – anh cười.

Bóng đá là đam mê

Giữa vô vàn những sở thích của cánh mày râu, anh dành trọn đam mê cho bóng đá. Từ nhỏ, anh đã say mê kỹ thuật chơi bóng điêu luyện của những huyền thoại như Pele, Cristiano Ronaldo, Lionel Messi,… Đặc biệt là theo dõi câu lạc bộ Manchester United. Ngày ấy, nhà không có tivi, mỗi lần tới mùa giải là anh lại cùng hội anh em chí cốt kéo sang nhà hàng xóm ngồi coi ké tới khuya. 

Đám trẻ trong xóm cũng rất hăng say luyện tập. Không có điều kiện mua bóng xịn xò thì dùng tạm quả bưởi non. Ừ thì bóng nặng khó di chuyển, đá vào hơi đau chân một chút,… bấy nhiêu thôi đâu đủ sức cản phá đam mê tuổi trẻ. Cứ chiều chiều, đám trẻ trong xóm lại tụ tập ra sân banh cùng nhau so tài đến khi trời tối mịt mới chịu mò về. Anh thích nhất là những đêm rằm, trăng sáng giăng đều mọi ngõ ngách. Mà còn thấy bóng là còn đá, đám nhóc ham vui quên cả thời gian, quên luôn cả cơn đói, mãi tới lúc bố mẹ cầm roi ra đuổi thì mới tá hỏa chạy về.

Số áo 38 lấy cảm hứng từ ký hiệu biển số xe của tỉnh Hà Tĩnh.

Chơi thể thao thì chấn thương là điều khó tránh khỏi. Năm 17 tuổi, trong một buổi tập, anh bị ngã, vết thương ở chân tụ máu trong phải phẫu thuật. “Lúc đó đau quá anh cũng tự nhủ từ nay không đá bóng nữa, nhưng được vài tháng thôi. Tới khi chân lành lại rồi thì đâu lại vào đó. Thấy bóng lăn là cứ cắm đầu chạy theo thôi!” – anh Duy Anh chia sẻ.

Bao đời nay, các thế hệ Fasters luôn dành tình cảm đặc biệt với môn thể thao vua. Công ty cũng rất chú trọng đầu tư cho hoạt động thể thao hàng tuần của anh em. Vào đúng môi trường, anh như cá gặp nước và phát huy hết sở trường của mình trên sân cỏ. Anh vẫn ghi danh đều đặn vào đội hình ra quân của khối Bảo hành và Tư vấn ứng dụng tại mùa giải mừng xuân và mừng sinh nhật công ty hàng năm.

Lời kết

Đam mê với công việc, mải miết đuổi theo tình yêu với trái bóng tròn, anh quên bẵng đi mất mục tiêu quan trọng thứ nhì của đời người đàn ông – chuyện thành gia lập thất. Trải qua một vài mối tình với kết cuộc không đi đến đâu, hiện tại anh vẫn đang loay hoay trên hành trình một nửa trọn vẹn của mình. Vốn biết “dựng vợ gả chồng là chuyện trăm năm”, bố mẹ anh không hề gây sức ép, ngược lại còn động viên con trai út “cứ từ từ tìm hiểu, miễn lấy vợ là được, sớm hay muộn không quan trọng”. 

2021 là dấu mốc kỷ niệm 5 năm công tác tại FAST của anh AnhHD. Chúc anh sức khỏe dồi dào và gặt hái được thật nhiều thành công trên đường đời và cả đường tình duyên!

Đồng nghiệp nhận xét về anh AnhHD:

Anh TânNT (Trưởng phòng FSI, FSG): Trong công việc thì Duy Anh rất chăm chỉ và hết lòng với khách hàng. Trong cuộc sống thì bạn ấy rất hòa đồng với mọi người. Ấn tượng nhất về con người Duy Anh có lẽ sự nhiệt tình trong các buổi tiệc. Thường thì buổi sáng hôm sau anh luôn nhận được mail xin nghỉ phép của Duy Anh.

Anh QuýBV (phòng FSI, FSG): Anh Duy Anh thuộc tuýp người vui vẻ, hòa đồng, đá banh giỏi, nhậu cũng giỏi. Trong công việc, anh ấy rất siêng năng, chịu khó, có trách nhiệm với công việc.

(NguyệtNTM – FMK)
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *