fbpx

Trao đổi với Giám đốc FAST nhân ngày Doanh Nhân Việt Nam

09/01/2023

03/01/2023

1085

66 năm trước, ngày 13-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Doanh nhân động viên họ tham gia cứu quốc, góp phần kiến thiết đất nước vừa giành lại từ tay thực dân. Xác lập lại vị thế của giới Doanh nhân cũng như những đóng góp to lớn vào quá trình đi lên của đất nước. Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 13-10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. PV có cuộc trao đổi nhanh với anh Phan Quốc Khánh, Giám đốc công ty FAST.

– Đối với bản thân anh, ngày Doanh Nhân Việt Nam có ý nghĩa như thế nào?

Anh KhánhPQ (Giám đốc Công ty FAST): Đối với cá nhân anh, ngày Doanh nhân Việt Nam không có gì đặc biệt. Vì anh không để ý mình có phải là một doanh nhân hay không, anh không coi mình là một doanh nhân. Anh chỉ đơn thuần làm cái việc mình thích mà thôi.

Đối với xã hội thì hẳn là ngày Doanh nhân Việt Nam cũng có một ý nghĩa nhất định nào đó. Ở Việt Nam trước đây người ta không đánh giá cao vai trò của doanh nhân. Thậm chí có thời còn bị nhìn nhận với một cái nhìn không thiện cảm và dùng từ “con buôn”. Nên việc kỉ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam nhằm để khích lệ tinh thần doanh nhân, xóa bỏ mặc cảm về một người làm kinh doanh, qua đó tạo động lực, khuyến khích mọi người tham gia vào kinh doanh, đóng góp và đẩy mạnh phát triển kinh tế Việt Nam.

– Anh đánh giá như thế nào về chất và lượng của các Doanh nhân Việt Nam hiện nay?

KhánhPQ: Câu hỏi này anh không trả lời được vì nó nằm ngoài sự quan tâm của anh. Anh nghĩ muốn đánh giá được cần phải có nghiên cứu, khảo sát, phân tích… Tuy nhiên, nếu so sánh với trước đây thì rõ ràng các doanh nhân ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong xã hội.và có những sự phát triển nhất định. Nhưng đó cũng chỉ là quá trình phát triển tất yếu, tự nhiên.

– Anh có tham gia hoạt động của các hiệp hội doanh nhân ở Việt Nam không?

KhánhPQ: Trước đây anh có tham gia hội Doanh nghiệp Trẻ TPHCM, nhưng nay đã hết tuổi nên không còn tham gia. Hiện giờ anh có tham gia một vài hiệp hội, thỉnh thoảng các thành viên trong hội có gặp nhau trò chuyện, trao đổi với tinh thần vui là chính. Thực tế anh thấy các hiệp hội hoạt động không hiệu quả lắm, có thể do sự tham gia của anh không tích cực. Hiện tại, trên internet thấy các doanh nhân có hình thức hoạt động dưới dạng các nhóm nhỏ, các CLB. Hình thức mới này có vẻ hay hơn và có hiệu quả hơn so với hình thức hoạt động của các hiệp hội chính thống.

– Với tư cách là người đứng đầu một doanh nghiệp, anh có lời khuyên gì đối với các nhân viên có mong muốn trở thành doanh nhân?

KhánhPQ: Doanh nhân là người làm kinh doanh. Mà kinh doanh là một nghề như bao nghề khác. Để trở thành doanh nhân phụ thuộc vào năng lực, năng khiếu đặc biệt của bản thân.

Như ông Steve Jobs có nói: “Mỗi người hãy tìm cho ra niềm đam mê của mình và theo đuổi nó”.

Nếu ai đó ở FAST có niềm yêu thích kinh doanh, muốn phát triển năng khiếu kinh doanh của mình thì hãy theo đuổi niềm đam mê đấy.

– Vậy theo anh khái niệm doanh nhân là gì?

KhánhPQ: Từ “doanh nhân” hiện nay đôi khi liên tưởng đến các ông chủ doanh nghiệp, các giám đốc công ty. Đôi khi gắn với cả vẻ bề ngoài nữa, như ăn mặc, tác phong… Vì vậy, có người không phải là doanh nhân nhưng được người ngoài nhận xét “trông như một doanh nhân”. Từ “doanh nhân” theo anh có hạn chế của nó. Hay gắn với các giám đốc các công ty tầm cỡ, làm ăn lớn… Anh thích từ cũ hơn, từ “thương nhân”. Từ này nó phổ thông hơn, nói về mọi người kinh doanh, mua bán, sản xuất… Có thể là một tiểu thương nhỏ sản xuất và bán hàng tại nhà, ngoài chợ, bán hàng rong… Ở Việt Nam, những người này rất nhiều, là số đông, và đặc biệt rất quan trọng trong việc làm giàu của cá nhân, gia đình, phát triển nền kinh tế đất nước. Nó cũng là cái nôi tạo ra những doanh nhân, thương nhân tầm cỡ. Rất tiếc ở Việt Nam ngày “Doanh nhân Việt Nam” lại chỉ gắn với những giám đốc các doanh nghiệp, chứ không gắn với các người buôn bán nhỏ, sản xuất nhỏ. Còn nếu cần tôn vinh, khen ngợi người những người làm ăn lớn… thì có thể dùng từ như nhà tư bản, nhà công nghiệp…

Nếu như thay “Ngày Doanh nhân Việt Nam” bằng “Ngày Doanh Thương Việt Nam” thì có thể đây là một ngày hội của rất nhiều người, chứ không phải chỉ là vài cái lễ chính thống, ít người quan tâm. “Doanh Thương” ở đây nói về tinh thần kinh doanh, buôn bán, tinh thần doanh nghiệp, chứ không phải là chỉ những người chủ, các giám đốc, mà cả những người tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh, buôn bán…, và từ tiểu thương nhỏ, đến doanh nghiệp lớn, không phân biệt cấp độ.

Xin cảm ơn anh về sự chia sẻ! Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới anh và tất cả những Doanh nhân Việt Nam!

AnhNTL
Công ty FAST, 13-10-2011

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *